Bí quyết dưỡng sinh của cổ nhân: Không ‘quá độ’ sẽ không chiêu mời bệnh
Sách “Thọ thân dưỡng lão tân thư, quyển 4” của Trâu Huyễn thời Nguyên nói: “An nhạc chi đạo, duy thiện bảo dưỡng giả đắc chi”, ý rằng con đường an lạc, chỉ có những người giỏi dưỡng sinh mới đắc được. Thời Trung Quốc cổ đại, đạo dưỡng sinh rất phong phú, hơn nữa từ danh nhân đến dân thường đều rất coi trọng.
Từ xưa đến nay, văn hóa Trung Hoa truyền thống rất coi trọng đạo dưỡng sinh. Trong tác phẩm y học cổ truyền sớm nhất hiện còn tồn tại là “Hoàng Đế Nội Kinh” có nói “Chính khí tồn nội, tà bất khả can”, ý rằng trong cơ thể tồn tại chính khí thì ngoại tà không thể xâm phạm. Lão Tử giảng rằng “Họa mạc đại vu bất tri túc; cữu mạc đại vu dục đắc”, ý nói rằng không có cái họa nào lớn bằng không biết đủ, không có cái hại nào lớn bằng ham muốn thu lợi về mình. Đây đều là những câu răn mình được nói trong đạo dưỡng sinh hàng ngàn năm qua.
Bài viết nhỏ này xin giới thiệu một số câu nói nổi tiếng liên quan tới dưỡng sinh, những câu danh ngôn và kinh nghiệm về dưỡng sinh, cũng là một số lời răn về dưỡng sinh. Dẫu ở lứa tuổi nào, thanh niên trai tráng hay tuổi đã cao niên, có lẽ đều sẽ khởi tác dụng, nếu áp dụng vào thực tế cũng sẽ có lợi ích tương đương.
“Thất dưỡng”, đạo dưỡng sinh giúp dưỡng khí, bảo vệ nguyên khí
“Thất dưỡng” trong dưỡng sinh của Thái Ất Chân Nhân có nói: “Nhất giả thiếu ngôn ngữ, dưỡng nội khí; nhị giả giới sắc dục, dưỡng tinh khí; tam giả bạc tư vị (thiếu diêm, đường, du), dưỡng huyết khí; tứ giả yết tân dịch, dưỡng tạng khí; ngũ giả mạc sân nộ, dưỡng can khí; lục giả mỹ ẩm thực (trọng doanh dưỡng), dưỡng vị khí; thất giả thiếu tư lự, dưỡng tâm khí.”
(Tạm dịch: Một là bớt lời nói, dưỡng nội khí; hai là giới sắc dục, dưỡng tinh khí; ba là nhẹ mùi vị (ít muối, đường, dầu), dưỡng huyết khí; bốn là nuốt tân dịch, dưỡng tạng khí; Năm là không giận dữ, dưỡng can khí; Sáu là ăn uống tốt (dinh dưỡng nhiều), dưỡng vị khí; Bảy là bớt suy nghĩ, dưỡng tâm khí.)
Tại sao văn hóa Trung Hoa lại coi trọng “dưỡng khí ”?
Bởi vì “Nhân do khí sinh, khí do thần trụ, dưỡng khí toàn thần, khả đắc chân đạo. Phàm tại vạn hình chi trung, sở bảo giả mạc tiên vu nguyên khí”. [Ý nói người là do khí sinh ra, khí là nơi thần trú ngụ, dưỡng khí để thần toàn vẹn, có thể đắc chân Đạo, phàm ở trong vạn hình, chỗ người giữ gìn đầu tiên không gì khác là nguyên khí]. Có thể thấy, gốc rễ của dưỡng sinh nằm ở cường tráng, bảo vệ nguyên khí của sinh mệnh. Đây là Đạo nhiếp dưỡng, phương pháp giữ gìn, chú trọng thực tế hàng ngày, an không quên nguy.
Không quá độ sẽ không chiêu mời bệnh, không chiêu mời họa
Khang Tiết tiên sinh (Thiệu Ung), một trong Ngũ Tử (5 người đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của tư tưởng triết học ở thời Bắc Tống) của triều đại Bắc Tống, từng ngâm thơ rằng:
“Sảng khẩu vật đa, chung tác tật; khoái tâm sự quá, tất vi ương. Dữ kỳ bệnh hậu năng cầu dược, bất nhược bệnh tiền năng tự phòng.”
Tạm dịch nghĩa: Sướng miệng vật nhiều, cuối cùng là lắm bệnh tật; Ham vui quá độ, tất có tai ương. Thay vì sau khi có bệnh mới cầu xin thuốc, không bằng trước khi có bệnh thì có thể phòng ngừa.
Ông nhấn mạnh dưỡng sinh tốt nằm ở việc tiết chế dục vọng hàng ngày, giữ gìn chân nguyên khí trong sinh mệnh, chống lại sự xâm nhập can nhiễu của tà khí từ ngoài tới, như vậy dùng thuốc tốt không bằng dưỡng sinh tốt. Những lời nói này rất đáng để mọi người lưu tâm, bởi vì thuốc, thông thường là vì để chiêu mời một chút chân khí đến cho cơ thể, mà ngược lại nhiều vị thuốc tấn công làm hại thân tâm và khí. Vì vậy, có thể bảo dưỡng nguyên khí là tốt nhất. Hơn nữa, so với phương diện hấp thụ vật chất, thì hành động từ phương diện tinh thần và tâm lý là càng trọng yếu hơn.
Trong sự vận chuyển của âm dương, bốn mùa xuân hạ thu đông, bệnh tình của con người sinh ra là bởi “quá độ”. Thân và tâm con người có điểm cân bằng, có giới hạn chịu đựng, trong khi không thích hợp mà dùng lực mạnh, dùng rồi thì chính là quá độ, từ đó nguyên khí tiêu hao, bệnh cũng vì vậy mà sinh. Vậy nên, tất cả mọi việc đều không nên “quá độ”.
Không động tâm, tâm động thì thần mệt
“Cổ kim y thống đại toàn – quyển 86” có ghi chép, có một ông lão khỏe mạnh tên là Đường Thân Tuấn, khi còn trẻ ông đã đọc “Thiên tự văn” và thông hiểu nhất chính là bốn chữ “tâm động thần bì”. Vì vậy, ông đã áp dụng trong thực tiễn, suốt cuộc đời gặp việc lớn nhỏ gì đều chưa hề động tâm. Vì vậy, ông già mà không suy, ở tuổi 85, trạng thái thể chất và tinh thần của ông vẫn vô cùng an khang và tĩnh lặng.
Ngoài ra, một người khác là Quách Khang Bá may mắn từng gặp một vị Thần nhân, và được vị Thần nhân dạy cho thuật dưỡng sinh. Vị Thần nhân đó đã truyền cho ông bốn câu kệ, nhấn mạnh trọng điểm của dưỡng sinh là “tâm bất động”.
Bốn câu kệ như sau:
“Tự thân hữu bệnh tự tâm tri,
Thân bệnh hoàn tương tâm tự y;
Tâm cảnh tĩnh thời thân diệc tĩnh,
Tâm sinh hoàn thị bệnh sinh thời.”
Tạm dịch nghĩa:
Tự thân có bệnh thì tự tâm biết
Thân bệnh sẽ được tâm tự chữa lành
Tâm cảnh mà tĩnh thì thân cũng tĩnh
Tâm sinh là lúc bệnh sinh
Quách Khang Bá giống như nhặt được của quý, làm theo tinh thần của bài kệ, thực hiện một cách thiết thực trong cuộc sống hàng ngày, gặp việc không động tâm, không chấp nhất vào được mất. Kết quả ông khỏe mạnh gấp bội bình thường, sống đến mấy trăm tuổi.
“Tứ hưu” và “Tứ ấn”, già trẻ phú bần một đời được lợi
Vào thời nhà Tống, có một thái y tên là Tôn Quân Phưởng, tự Cảnh Sơ, thường phát thuốc cho các sĩ phu mà không nhận lễ tạ, tự xưng mình là “Tứ Hưu Cư Sĩ”. Hoàng Sơn Cốc (Hoàng Đình Kiên) hỏi ông, như thế nào là “Tứ hưu”.
Tứ Hưu Cư Sĩ cười mà kể cho ông ta nghe về bí mật của “Tứ Hưu”:
Thô trà đạm phạn bão tức hưu,
Bổ phá già hàn noãn tức hưu,
Tam bình nhị mãn quá tức hưu,
Bất tham bất đố lão tức hưu.
Tạm dịch nghĩa:
Trà thô cơm nhạt, no thì thôi.
Vá chỗ rách, che chỗ rét, ấm thì thôi.
Nếu ba phần mới vừa nhưng chỉ thỏa mãn được hai, qua rồi thì thôi.
Không tham lam, không ghen ghét, già rồi thì thôi.
Hóa ra “tứ hưu” là đạo dưỡng sinh hàng ngày của ông. Con đường này cũng nằm trong “vô cầu”. Tứ hưu” cũng có thể nói là giới dục. Ăn mà không coi trọng đến mùi vị, cơm canh đạm bạc, ăn no là được; Mặc không coi trọng đến quần áo đẹp, có thể che lạnh giữ ấm là được; Cuộc sống giản dị và bình ổn là được; Cả đời không tham không tranh, không tật đố, có những gì vốn có trong cuộc đời là được.
Sau khi Sơn Cốc biết được liền nói: “Đây là phương pháp để an lạc”. Một người ít ham muốn thì dẫu ở ngôi nhà nào, vùng đất nào thì họ cũng thỏa mãn và an lạc. Bởi vì ít ham muốn thì sẽ không ai có thể mua được trái tim của họ, bởi vì biết đủ, cho nên không có cảm giác thiếu thốn không đủ. Mọi lúc, mọi nơi, đều là rất thoải mái, người như thế chính là đang ở trong trạng thái cực lạc.
Sơn Cốc đề xuất phép dưỡng sinh “Tứ Ấn”, còn tặng “Tứ Hưu Cư Sĩ” :
Bách chiến bách thắng, bất như nhất nhẫn.
Vạn ngôn vạn phú, bất như nhất mặc.
Vô khả giản trạch nhãn giới bình.
Bất tàng thu hào tâm đích trực.
Tạm dịch nghĩa:
Bách chiến bách thắng, không bằng một nhẫn (nhẫn nhịn).
Vạn ngôn vạn giàu, không bằng một mặc (im lặng).
Không thể dễ dàng có được cái nhìn công bình.
Không giấu từng li từng tí tâm địa thẳng.
Tứ ấn ở bên ngoài hưu dục, tăng thêm công phu của sự kiên nhẫn, tu khẩu và chân thành và loại bỏ chấp trước. Đây là “Tứ hưu Tứ ấn”, để già trẻ phú bần, đều hưởng lợi như nhau.
Tân Khí Tật, một nhà thơ yêu nước thời Nam Tống, đã từng lấy “tam bình nhị mãn” vào câu thơ: “Bách niên vũ đả phong xuy khước, vạn sự tam bình nhị mãn hưu” (“Giá Cô Thiên – Đăng nhất khâu nhất hác ngẫu thành”). Mặc cho cuộc đời trăm năm, một tâm thấy đủ, đều có thể biến mưa gió lay động hóa thành mây nhẹ gió thanh, thoát khỏi được hết thảy so đo tính toán của nhịp sống hối hả, quên đi được mất. Thật là cảnh giới tốt đẹp nhất của đời người!
Khi về già thì “giới ở đắc”
Nói lời tạm biệt với tuổi trẻ, khi tuổi tác không đợi ai cả, kết hợp với đạo dưỡng sinh, hiệu quả sẽ càng lớn hơn.
Khổng Tử nói: “Cập kỳ lão dã, huyết khí kí suy, giới chi tại đắc.” Ý rằng, khi về già khí huyết suy nhược, giới cấm ở chỗ muốn có.
Bởi vì người có ngựa liền nghĩ có xe, có xe rồi lại muốn thêm xe có lộng. Khi cầu không được, sẽ nghĩ mọi cách có được, khi vừa có được, lại lo lắng sợ mất đi. Cái tâm suy tính hơn thiệt, khiến người ta trong khi đang ngủ mà tỉnh dậy hồi hộp bất an.
Lời kết
Những quan điểm dưỡng sinh này đều đã đi sâu vào lòng người, phản ánh bí quyết “tu tâm” của người xưa. Cổ nhân Bàng cư sĩ trong một bài thơ đã nói: “Bắc trạch nam trang bất túc khoa, hảo nhi hảo nữ nhãn tiền hoa. Nhất triều thân một nhất khâu thổ, hựu chúc trương tam lý tứ gia”.
Lý Mai biên tập
Lâm Mộc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ