Làm thế nào để dưỡng sinh tốt vào tiết Lập xuân?
Ý nghĩa của tiết Lập xuân chính trời đất đã vào xuân rồi! Trong 24 tiết khí, Lập xuân là tiết khí đánh dấu sự khởi đầu của một năm mới. Kế hoạch của một năm bắt đầu từ mùa xuân! Lập xuân là thời điểm quan trọng để “dưỡng sinh”! Lập xuân đã đến rồi, cơ thể và tâm trí nhanh chóng thức tỉnh sau mùa đông, vậy làm thế nào để dưỡng xuất nguyên khí tốt? Chúng ta hãy khám phá trí tuệ dưỡng sinh trong văn hóa cổ xưa.
Thói quen “dưỡng sinh” vào mùa xuân
Trong cuốn “Hoàng đế nội kinh” nói rằng trời đất có bốn mùa âm dương, sự thay đổi của bốn mùa là nền tảng của sinh tử, “nếu đi ngược lại quy luật thì sẽ sinh ra tai hại, còn nếu thuận theo quy luật thì sẽ không có bệnh tật.” Vì vậy, đạo căn bản của dưỡng sinh là tuân theo sự thay đổi của âm dương bốn mùa, cũng chính là thuận thời mà hành. Vậy làm thế nào để bảo vệ sức khỏe trong mùa xuân, mới là/ và thuận thời mà hành? Mùa xuân là thời điểm vạn vật khắp trời đất sinh trưởng và thịnh vượng, đối ứng với Mộc trong ngũ hành, đối ứng với Can (gan) trong cơ thể con người, chủ việc vận hành và phát triển. Ngược lại, nếu khí xuân dâng lên bị đảo ngược thì trong cơ thể sẽ không sinh ra khí Thiếu dương, can khí (khí gan) sẽ phát sinh thay đổi bên trong gây ra mầm bệnh.
Trong “Hoàng đế nội kinh” còn nói rằng mùa xuân nên “dưỡng sinh.” Phương pháp cụ thể là: nghỉ ngơi cần “ngủ sớm và dậy sớm,” thức dậy ngay khi mặt trời mọc và đi dạo vào lúc sáng sớm; thuận theo xu thế mặt trời mùa xuân đang mọc, mượn việc tản bộ nhẹ nhàng và thư thái vào sáng sớm để thăng phát khí Thiếu dương trong cơ thể, để nuôi dưỡng ý chí của chính mình. Tương ứng với vạn vật, cần phải có tâm hồn bao dung và từ bi, “dưỡng nuôi không sát sinh, cho đi mà không cướp đoạt, thưởng mà không trừng phạt.” Đây chính là cách thuận thời mà hành. [1]
Mặc trang phục như thế nào vào mùa xuân để nuôi dưỡng dương khí?
Trong “Thiên kim yếu phương” của Tôn Tư Mạc chỉ cho mọi người một số điểm mấu chốt trong việc dưỡng sinh. Tất cả các phương diện ăn mặc, ngủ nghỉ vào tiết Lập xuân đều phải thuận thời khí. Ông nói: “Thức ăn, y phục, chỗ ngủ đều phù hợp, những người có thể thuận thời khí thì trước sau sẽ có được đạo dưỡng sinh tốt.” Vậy vào tiết Lập xuân ăn mặc thế nào mới được xem là thuận thời khí? Lập xuân mới chớm đầu xuân, cái lạnh và cái rét mùa xuân sẽ không thuyên giảm hoàn toàn cho đến tiết Xuân phân, cho nên “y phục cần phải dưới dày, trên mỏng, dưỡng ruột thu âm, kéo dài tuổi thọ.” Mấu chốt của việc mặc quần áo vào đầu mùa xuân là “hạ hậu thượng bạc,” tức là mặc quần áo dày và ấm ở phần thân dưới và mỏng hơn một chút ở phần thân trên. Tại sao phải như vậy? Đây là phương pháp tốt để nuôi dưỡng dương khí và thu âm khí. Trong “Lão lão hằng ngôn” cũng nói: “Nếu cái lạnh của mùa xuân giảm đi một nửa, thì phần thân dưới cần ấm hơn, phần thân trên có thể giảm đi, vì vậy sẽ dưỡng được khí dương.”
Sử dụng thực phẩm như thế nào để kích thích sinh lực của thể chất và tinh thần?
Cách ăn uống cũng cần thuận thời khí, có thể sử dụng các loại rau tự nhiên vào đầu xuân để kích thích sinh lực. Ngũ hành của mùa xuân thuộc Mộc, tương ứng với Can (gan) trong cơ thể con người. Từ mùa đông sang mùa xuân, cơ thể con người từ sự trầm thấp trong mùa đông chuyển sang hướng bừng sức sống. Lập xuân chính là quá trình chuyển đổi và cần khơi dậy sức sống tiềm tàng. Trong trí tuệ dân gian truyền thống thời xa xưa có tục lệ “giảo xuân” vào tiết Lập xuân, đồng thời cũng có đạo dưỡng sinh truyền thống là ăn “ngũ tân bàn” (món có năm vị cay nồng), có thể trợ giúp cơ năng thăng phát dương khí của cơ thể.
“Phong thổ ký” thời nhà Tấn cho biết “vào đầu năm, lấy hành, tỏi, hẹ, liệu (rau đắng) và hao giới (một loại rau họ ngải) trộn lẫn và ăn chung. Đây được gọi là ngũ tân bàn, lấy ý là chào đón năm mới”, lại nói “Ngày Tết… buổi sáng ăn năm loại rau có vị cay nồng, để giúp phát khí ở ngũ tạng.”
“Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân nói, tháng Giêng ăn “ngũ tân” hẹ, giới (củ kiệu), hành, tỏi và gừng để tránh ứ khí. Mặc dù năm vị cay trong “Bản thảo cương mục” và “Phong thổ ký” có đôi chút khác nhau theo thời gian và địa điểm nhưng những loại rau cay này đều là những món ngon dùng để nghênh đón năm mới vào tiết Lập xuân. Màu sắc của chúng đều là màu xanh lá, là màu của ngũ hành của mùa xuân. Chúng có đặc điểm là “vị cay, tính ấm, không độc,” có vị hơi cay nồng tự nhiên, có thể trừ bỏ khí ứ đọng, khai thông khí trong ngũ tạng, xua tan trạng thái “mỏi mệt đầu xuân” mang tính tạm thời khi cơ thể chuyển từ mùa đông sang mùa xuân.
Vào đầu mùa xuân còn một loại món ăn thơm ngon khác được sử dụng rộng rãi trong nhiều thế kỷ giúp phục hồi thể chất và tinh thần, đó chính là củ cải. Sách “Tứ thời bảo kính” thời nhà Đường ghi chép: “Ngày Lập xuân ăn củ cải (có loại màu tím hoặc màu trắng), bánh xuân, rau xà lách, gọi là mâm xuân.” Thơ của Bạch Cư Dị có câu: “Bàn sơ bính nhĩ trục thời tân” (Mâm rau bánh ngọt, theo thời đến). Trong mâm xuân có rau xuân tươi non theo mùa, còn có bánh gạo và bánh bột thơm ngon; hình dáng và màu sắc đẹp mắt, có thể khơi gợi khẩu vị và tâm tình tốt đẹp của người thưởng thức. Vào thời Nam Tống, bánh bột gạo càng trở nên cầu kỳ tinh xảo hơn. Thơ của Lục Du có câu: “Đấu đính xuân bàn nhi nữ hỷ” (Bàn xuân ngũ quả, vui con trẻ). Đấu đính còn được gọi là đậu đính, là loại bánh ngũ sắc nhỏ được làm thành hình bông hoa, động vật hoặc trân bảo.
Sau thời nhà Minh và nhà Thanh, có tục lệ “giảo xuân”, tức là ăn củ cải và bánh xuân vào Lập xuân. Trong “Chước trung chí – Ẩm thực hảo thượng kỷ lược” thời nhà Minh ghi chép: “Cứ đến Lập xuân, vô luận nhà quyền quý hay nghèo hèn đều ăn củ cải.” Sách “Yến kinh tuế thời ký” thời Thanh cũng ghi lại: “Vào tiết Lập xuân, những gia đình giàu có ăn nhiều bánh xuân, còn phụ nữ thì mua nhiều củ cải để ăn, gọi là ’giảo xuân’’, nói rằng có thể giải bỏ sự khó chịu vào đầu mùa xuân.” Bánh xuân chính là dùng các loại rau mùa xuân bỏ chung vào trong một cái bánh có hình dạng như cái túi và ăn chung chúng với nhau. Các thực vật có mùi vị cay còn có tác dụng diệt khuẩn, chống viêm, có thể thúc đẩy tuần hoàn máu và tăng cường trao đổi chất. Những loại rau có vị cay vào mùa xuân còn giúp nhuận tràng và có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Sau tiết Lập xuân, để đáp ứng nhu cầu hoạt động của cơ thể con người, cần tuân theo các nguyên tắc dưỡng gan, cải thiện thị lực, giảm acid và tăng vị ngọt. Đây chính là lúc cần ăn các loại rau xanh mùa xuân có đặc tính cay nồng tự nhiên.
Sách “Linh xu kinh – Bản thần” nói “thuật dưỡng sinh của bậc trí giả tất thuận theo bốn mùa mà thích ứng với khí nóng, lạnh.” Việc nghỉ ngơi và cách ăn uống vào tiết Lập xuân ứng theo dương khí thăng phát vào mùa xuân mà hành, đó chính là chìa khóa của đạo dưỡng sinh.
Tường Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ