Bị đẩy đến đường cùng, người Trung Quốc tìm kiếm một cuộc sống mới nơi xứ người
Ba năm thực hiện các biện pháp phong tỏa chống COVID cực đoan đã khiến nhiều người Trung Quốc muốn đào thoát khỏi Trung Quốc, nơi họ cho biết hầu như không có hy vọng.
Một số người đã đào thoát ra ngoại quốc thành công, trong khi những người khác đang tìm cơ hội. Bất chấp nguy hiểm và một tương lai không chắc chắn, họ có chung niềm tin: Để có không gian tự do thì làm như vậy là xứng đáng.
“Tôi phải đào thoát bằng mọi giá,” bà Trần Bình (bí danh) nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times tại phi trường quốc tế Belgrade, Serbia, hôm 25/03.
Bà Trần là một người phụ nữ ngoài 60 tuổi, đến từ Thẩm Dương, một thành phố công nghiệp ở đông bắc Trung Quốc.
Vì điện thoại di động của bà Trần không có kết nối Internet, nên bà đã sử dụng mạng Wifi tại phi trường nơi bà ở tạm.
Bà nói, “Sàn nhà lạnh, nhưng tôi thấy vẫn ổn.”
Bà đã trả tiền cho một người trung gian mà bà chưa từng gặp mặt để giúp bà rời khỏi Trung Quốc. Liên lạc duy nhất của bà với người này là qua điện thoại, và do lo ngại về bảo mật nên bà không muốn chia sẻ quá nhiều chi tiết, bao gồm cả chặng dừng chân tiếp theo của bà.
Bà Trần không nói được Anh ngữ và trước đó bà cũng chưa từng đi phi cơ, nhưng hồi đầu tháng Ba, bà đã rời Trung Quốc mà không do dự.
Điểm dừng chân đầu tiên của bà là Hồng Kông. Vì trong người không có nhiều tiền, nên bà đã ngủ trên băng ghế nhựa ở phi trường trong tám ngày trước khi bay đến Serbia.
Trước khi rời khỏi Trung Quốc, bà nói với con trai rằng cơ hội sống sót duy nhất của bà là đào thoát khỏi đất nước này.
Bà Trần và chồng bà đã bị chính quyền địa phương trả thù từ năm 2002 sau khi họ đứng lên bảo vệ quyền lợi của người dân trong làng. Họ đã vạch trần một cựu bí thư Đảng ủy của thôn, người đã biển thủ một khoản tiền lớn của những nông dân làm việc cực nhọc.
Trong nhiều năm, hai vợ chồng bà đã lên Bắc Kinh thỉnh nguyện mặc dù đã nhiều lần bị bỏ tù, đánh đập, và bị đưa đến các trại lao động, trong đó có cả trại lao động cưỡng bức khét tiếng Mã Tam Gia. Trong chuyện này, hồi năm 2011, bà Trần cũng bị kết án hai năm lao động cưỡng bức vì kiên quyết muốn thỉnh nguyện.
Việc bà từ chối nhận tội trong vụ án này đã dẫn đến định mức lao động nô lệ của bà tại trại lao động đó bị tăng gấp đôi. Ngoài ra, bà thường xuyên bị đánh đập và tra tấn vì không đạt định mức đưa ra.
Bà kể lại rằng các tù nhân chỉ được phép sử dụng nhà vệ sinh hai lần một ngày. Bà Trần đã phát triển các triệu chứng của bệnh tim, huyết áp cao, và viêm thận do áp lực và sự tra tấn trong thời gian bị giam cầm.
Bây giờ, tại một phi trường ở Serbia, với một tương lai vô định phía trước, bà Trần nói rằng dù có khó khăn đến mấy, thì bà cũng quyết tâm rời khỏi Trung Quốc.
Bà nói rằng, “Tôi đã sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách.”
Vì tự do
Hôm 27/11/2022, anh Roy (bí danh) trở thành đối tượng bị chính quyền giám sát sau khi anh đi ngang qua Trung lộ Ô Lỗ Mộc Tề ở Thượng Hải vào lúc đám đông đang tụ tập để phản đối các đợt phong tỏa khiến ít nhất 14 người thiệt mạng trong một vụ cháy chung cư ở khu tự trị Tân Cương, tây bắc Trung Quốc.
Là một thanh niên, nên anh muốn chụp lại các bức ảnh của sự kiện này, nhưng công an mặc thường phục đã bắt anh đi và đưa anh đến một đồn công an. Tại đó, anh đã bị thẩm vấn và đánh đập. Công an đã tịch thu điện thoại di động của anh và cảnh báo anh không được tham gia các sự kiện khác giống như vậy.
Kể từ đó, thỉnh thoảng công an lại gọi điện cho anh đề nghị anh báo cáo tình hình cho họ.
Anh nói với The Epoch Times hôm 24/03, “Tôi thực sự lo lắng.”
Hồi cuối năm 2022, ông bà của anh đều đã qua đời trong trận đại dịch.
Ý định rời khỏi Trung Quốc của anh ngày càng mạnh mẽ hơn sau các đợt phong tỏa và Phong trào Giấy Trắng.
Anh giải thích rằng anh đã biết về việc phong tỏa Internet từ năm lớp sáu khi các thành viên trong gia đình hướng dẫn anh cách vượt tường lửa để tìm hiểu thông tin bên ngoài Trung Quốc.
Nhiều bình luận trên mạng của anh đã bị nhà cầm quyền xem là nhạy cảm và không phù hợp, nên các tài khoản mạng xã hội của anh cũng bị chặn.
Một chuyến thăm Hoa Kỳ khi còn là sinh viên đại học đã truyền cảm hứng cho anh trong hành trình tìm kiếm tự do và dân chủ.
Anh biết về một hành trình đào thoát xuyên qua rừng nhiệt đới Panama nhưng anh vẫn còn lưỡng lự trước những rủi ro có thể xảy đến.
Tuy vậy, anh nói rằng bắt đầu lại ở một nơi xa lạ là tất cả những gì anh có thể làm nếu anh muốn sống trong một xã hội tự do.
Anh hiện đang làm những gì có thể để tìm cách đào thoát khỏi Trung Quốc.
Bác sĩ thức tỉnh
Ông An Đào (bí danh) là một bác sĩ ở tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc.
Hôm 22/03, ông cho biết rằng, trong đại dịch, bệnh viện của ông đã bị quá tải với bệnh nhân nhiễm bệnh, và cho biết thêm rằng nhiều nhân viên y tế cũng bị nhiễm bệnh.
Ông An Đào cho biết, bệnh viện của ông cũng hết thuốc giống các bệnh viện khác.
Ông nói, “Bệnh viện này thậm chí đã cạn kệt các vật dụng y tế cơ bản nhất như khẩu trang và chất khử trùng gốc cồn (alcohol)” đồng thời cho rằng sự thiếu hụt này là do nhà cầm quyền cộng sản gây ra.
Hồi cuối năm 2022, ông đã lên kế hoạch đào thoát khỏi Trung Quốc để đến Hoa Kỳ cùng một người bạn, nhưng vì lo lắng cho người mẹ già yếu 80 tuổi nên ông buộc phải ở lại. Hiện giờ, người bạn của ông đã làm việc và có một cuộc sống bình thường bên Mỹ.
“Ở Trung Quốc, mạng người chẳng đáng giá,” ông nói, suy ngẫm về những gì ông đã chứng kiến trong ba năm xảy ra đại dịch.
Bản tin có sự đóng góp của Hồng Ninh
Thanh Nhã biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times