Bí ẩn xung quanh cựu Bộ trưởng Trung Quốc càng tăng thêm khi tên của ông vốn đã bị xóa nay xuất hiện trở lại
Hôm thứ Sáu (28/07), trên trang web của Bộ ngoại giao, Trung Quốc đã khôi phục thông tin về cựu bộ trưởng ngoại giao Tần Cương, người đã bị cách chức sau một tháng vắng bóng trước công chúng mà không có lời giải thích. Việc này làm tăng thêm những bí ẩn xung quanh nhà ngoại giao cao cấp này.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã không đưa ra bất kỳ lời giải thích nào về việc cách chức ông Tần. Quyết định này đã được truyền thông nhà nước công bố vào cuối ngày thứ Ba (25/07) trong một tuyên bố chỉ có vỏn vẹn một dòng. Nhà ngoại giao hàng đầu Vương Nghị được tái bổ nhiệm làm bộ trưởng ngoại giao.
Hôm thứ Tư (26/07), trên trang web của Bộ ngoại giao, tất cả các đề cập đến ông Tần, trong đó có tiểu sử và các sự kiện ngoại giao mà ông tham dự trong nhiệm kỳ chỉ kéo dài bảy tháng, đã biến mất.
Sự thay đổi này khiến các nhà quan sát bên ngoài lấy làm ngạc nhiên vì các bản tin về công việc của những người tiền nhiệm của ông Tần vẫn còn nguyên trên trang web của Bộ Ngoại giao. Điều đó cũng làm dấy lên nhiều đồn đoán về số phận của nhà ngoại giao vốn vẫn chưa thấy xuất hiện này.
Tại Bắc Kinh, các phóng viên đã cố gắng tìm kiếm câu trả lời về việc ông Tần đột ngột rời đi như vậy. Theo Bloomberg, tên của ông đã được nhắc đến khoảng 20 lần trong cuộc họp hôm thứ Tư vừa qua.
Tuy nhiên, các nhà chức trách vẫn im hơi lặng tiếng.
“Tôi không có thông tin gì để đưa ra cả,” bà Mao Ninh, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, nói với các phóng viên hôm thứ Tư.
Về lý do tại sao thông tin về nhiệm kỳ của ông Tần lại biến mất khỏi trang web của Bộ, bà trả lời: “Trang web đang được cập nhật theo các quy định liên quan.”
Hôm thứ Năm (27/07), bà Tào Nhã Học (Cao Yaxue), giám đốc của trang web giám sát nhân quyền ChinaChange.org (Cải biến Trung Quốc) đã đăng một ảnh chụp màn hình trang web của bộ này, cho thấy tên của ông Tần không có trong danh sách các cựu bộ trưởng nữa.
“Ông Tần Cương chưa bao giờ tồn tại, phải vậy không?” bà đã viết trên Twitter. “Hãy cứ tiếp tục giả vờ xem Trung Quốc ĐCSTQ như là một quốc gia bình thường vậy.”
Trong khi tin tức về việc xóa hồ sơ của ông Tần vẫn đang nổi bật ở phương Tây, thì hôm thứ Sáu (29/07), tất cả các tài liệu tham khảo về các hoạt động của ông Tần đã xuất hiện trở lại trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Tuy nhiên, cùng ngày, các lượt tìm kiếm tên ông Tần trên trang web của bộ này, bằng Hoa ngữ hoặc Anh ngữ, vẫn không cho kết quả. Chức vụ mới đây nhất của ông được liệt kê là thứ trưởng.
Ông Khấu Kiện Văn (Kou Chien-wen), một giáo sư chính trị tại Đại học Quốc gia Chính Trị ở Đài Loan, mô tả phản ứng của trang web là “không hợp lý.”
Hôm thứ Sáu, ông Khấu nói với The Epoch Times rằng lẽ ra không nên mất nhiều thời gian như vậy để cập nhật trang web của Bộ ngoại giao bởi vì nhân viên của bộ đáng lẽ phải biết về sự rời đi của ông Tần trước cả công chúng.
“[Sự chậm trễ] như vậy thật vô lý,” ông nói thêm.
Tình trạng biến mất
Ông Tần vẫn vắng mặt trước công chúng. Lần cuối cùng ông xuất hiện trên truyền thông nhà nước là vào ngày 25/06, khi ông chào đón các nhà ngoại giao đến từ Nga, Sri Lanka, và Việt Nam.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc viện dẫn “lý do sức khỏe” khiến ông Tần vắng mặt trong cuộc họp của các ngoại trưởng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Indonesia hồi đầu tháng.
Lời giải thích chính thức này chỉ làm tăng thêm những đồn đoán. Các hãng truyền thông ở Hồng Kông và Đài Loan cho rằng lý do có thể là vụ ngoại tình với xướng ngôn viên truyền hình Trung Quốc, bà Phó Hiểu Điền (Fu Xiaotian).
Các nhà phân tích chính trị đã bác bỏ những suy đoán này, cho biết các mối quan hệ ngoài giá thú vốn thường được sử dụng như một vỏ bọc cho giới tinh hoa của Đảng để loại bỏ đối thủ. Thay vào đó, họ nêu ra những sai lầm chính trị và tranh giành quyền lực, đặc biệt là việc ông Vương không hài lòng với công việc của ông Tần.
Sau ba mươi ngày diễn ra vụ biến mất không lời giải thích này, hôm thứ Ba, nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã ký lệnh chính thức cách chức ông Tần khỏi chức vụ ngoại trưởng.
Quyết định được đưa ra chỉ sau 207 ngày, khi ông Tập chọn vị cựu đại sứ tại Hoa Thịnh Đốn này làm người đứng đầu bộ ngoại giao.
Hiện tại, ông Tần vẫn giữ vai trò là một ủy viên Hội đồng Nhà nước, một cơ quan hành chính giống như nội các.
Các nhà phân tích không lạc quan về tương lai chính trị của ông Tần, nhưng họ lại cho rằng việc ông đột ngột rời đi như vậy có thể sẽ không ảnh hưởng gì đến chính sách đối ngoại của ĐCSTQ.
“Việc ông Tần rời đi sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc; các bộ trưởng ngoại giao là những công chức chuyên nghiệp thực hiện các quyết định của đảng”, ông Ian Johnson, một thành viên cao cấp về nghiên cứu Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, viết trong một bài xã luận. “Thay vào đó, điểm mấu chốt là ông Tập Cận Bình đã phải chịu thêm một thất bại đáng xấu hổ nữa trước công chúng, cũng một kiểu khiến người ta đặt câu hỏi về khả năng đánh giá của ông ấy khi ông ấy hiện đang độc tôn cai trị ở vị trí lãnh đạo cao nhất của đảng.”
Hôm thứ Sáu, ông Vương đã đưa ra thông điệp đầu tiên kể từ khi trở lại vị trí bộ trưởng, tuyên bố sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền, an ninh, phát triển, và lợi ích” của Trung Quốc.
Ông Vương từng nắm giữ chức ngoại trưởng gần một thập niên trước khi được bổ nhiệm vào Ủy ban Đối ngoại của ĐCSTQ.
Bản tin có sự đóng góp của Lạc Á và The Associated Press
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times