Bí ẩn chưa có lời giải: Trong bụng người còn có một ‘bộ não’ khác!
Đạo gia xưa nay luôn cho rằng cơ thể người là một tiểu vũ trụ. Tuy nhiên, sự huyền diệu của “tiểu vũ trụ’’ này thâm sâu nhường nào đối với nghiên cứu khoa học hiện đại lại là một quá trình khám phá lâu dài và bất tận.
Trong những năm gần đây, một chủ đề được nhắc đến ngày càng nhiều trong giới y học và dinh dưỡng học, đó chính là “đường ruột’’ là “bộ não thứ hai’’ của cơ thể người.
Trong mấy chục năm trở lại đây, các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu mối quan hệ tương hỗ giữa hệ vi sinh vật đường ruột – vi khuẩn đường ruột với hệ thần kinh. Nghiên cứu này còn được gọi là “nghiên cứu trục ruột-não’’ (Gut Brain Axis), đã phát hiện ra hình thức kết nối và sự ảnh hưởng qua lại giữa hệ thống thần kinh trung ương với đường ruột.
Điều này bao gồm việc vi sinh vật đường ruột có ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch, và việc vi sinh vật đường ruột cùng hệ thống thần kinh có thể tác động qua lại lẫn nhau. Ví dụ, vi sinh vật đường ruột giao tiếp với hệ thống thần kinh thông qua nhiều cách khác nhau, bao gồm vật chất dẫn truyền thần kinh, kích hoạt hệ thống miễn dịch và sản sinh chất chuyển hóa.
Lý do ‘đường ruột’ được gọi là ‘bộ não thứ hai’
Trong giải phẫu học, không khó để nhận thấy rằng đại não là nơi có mật độ neuron thần kinh cao nhất, đặc biệt là vùng vỏ não. Đây là khu vực chính xử lý quá trình nhận thức, suy nghĩ và vận động. Số lượng tế bào thần kinh tại đây rất nhiều. Tủy sống, kênh quan trọng kết nối đại não với các bộ phận khác của cơ thể, cũng chứa một số lượng lớn neuron thần kinh, chịu trách nhiệm dẫn truyền chỉ lệnh phát ra từ đại não, và tiếp nhận thông tin từ các giác quan.
Ngoài ra, cơ thể người còn có một bộ phận có số lượng neuron thần kinh rất nhiều, đó chính là “đường ruột”. Số lượng tế bào thần kinh của nó chỉ đứng sau đại não. Nghiên cứu khoa học phát hiện ra rằng đường ruột là cơ quan nội tạng duy nhất trong cơ thể con người có thể hoạt động độc lập mà không chịu sự khống chế của đại não. Thành ruột được bao phủ bởi nhiều neuron thần kinh.
Điều thú vị là những neuron thần kinh này tổ hợp thành hệ thống thần kinh tự chủ. Theo mô tả của các nhà khoa học thì chúng cấu thành một “đại não” độc lập. Nó là một chi nhánh của hệ thống thần kinh trung ương chịu trách nhiệm về các hoạt động tiêu hóa, và có thể quản lý hệ thống tiêu hóa của cơ thể người một cách độc lập. Đây là một trong những lý do khiến “đường ruột” được gọi là “bộ não thứ hai” của cơ thể con người.
Trên thực tế, từ xưa đến nay, con người luôn tin rằng sự tác động qua lại giữa đại não và đường ruột sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc gây bệnh. Nhưng phải đến thế kỷ trước, các nhà khoa học mới bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn về mối liên hệ giữa đại não và đường ruột.
Người đi đầu là bác sỹ người Mỹ Byron Robinson. Năm 1907, ông cho xuất bản cuốn sách “Bộ não trong vùng bụng và xương chậu”. Cùng thời gian đó, vào năm 1921, nhà sinh lý học người Anh – bác sỹ Johannis Langley đã phát hiện ra có đám thần kinh trong nội tạng, từ đó ông phát minh ra cụm từ “hệ thống thần kinh ruột”.
Khoảng cùng thời điểm đó, các nhà khoa học bắt đầu hiểu rõ ràng rằng hệ thống thần kinh đường ruột có thể vận động tự chủ. Ngay cả khi mối liên hệ chính giữa nó và đại não —thần kinh phế vị bị cắt đứt thì hệ thống thần kinh đường ruột vẫn có thể điều khiển quá trình tiêu hóa.
Bất chấp những phát hiện trọng đại này của các nhà khoa học, mối quan tâm của giới học thuật đối với “đại não trong ruột” vẫn không đáng kể. Cho đến tận những năm 1990, giới học thuật mới dấy lên sự quan tâm đối với ngành “thần kinh tiêu hóa học”.
Ông Michael Gershon, chủ nhiệm Khoa Giải phẫu và tế bào sinh vật học thuộc Đại học Columbia, đã khơi lại chủ đề này vào năm 1996, và đưa ra khái niệm về “bộ não thứ hai” trong dạ dày.
Mặc dù hệ tiêu hóa và đại não có rất nhiều điểm tương đồng, nhưng chúng vẫn có không ít sự khác biệt. Đại não có khả năng nhận thức, có trí nhớ học tập và các hoạt động thần kinh cao cấp, cũng như khả năng điều tiết tình cảm. Đây là những chức năng mà hệ tiêu hóa không được trang bị. Do đó, một vài nhà khoa học cho rằng cách nói dạ dày là “bộ não thứ hai” hoàn toàn không chuẩn xác.
Chúng ta tạm thời không thảo luận về cách gọi này. Trước tiên hãy xem “bộ não thứ hai” hoạt động một cách độc lập rốt cuộc làm được những gì?
‘Bộ não thứ hai’ hoạt động độc lập làm những việc gì?
Trong quá trình nghiên cứu chuyên sâu về Thần kinh tiêu hóa học – một ngành mới nổi vào thời điểm đó, nhà khoa học Gerson đã phát hiện ra rằng, bộ phận có tên gọi “bộ não thứ hai” này thực chất chính là tên gọi chung của hệ thống thần kinh tiêu hóa. Nó có lượng tế bào thần kinh đạt xấp xỉ một triệu, phụ trách hệ thống tiêu hóa của cơ thể người.
Ông Gerson mô tả “bộ não thứ hai” này giống như một thư viện lưu trữ các phản ứng của cơ thể đối với tất cả các quá trình tâm lý. Nó có thể điều động những thông tin này bất cứ khi nào cần thiết và chuyển chúng lên não. Nó có tác dụng theo dõi quá trình tiêu hóa và hoạt động của dạ dày.
Ông còn phát hiện ra rằng “bộ não thứ hai” này có thể quan sát đặc tính của thức ăn, điều chỉnh tốc độ tiêu hóa, tăng hoặc giảm tốc độ tiết dịch tiêu hóa, v.v. Quá trình hoạt động của nó áp dụng phương pháp phản hồi phức tạp giống hệt với việc bộ não chỉ huy tứ chi, nhưng nó hoàn toàn độc lập với đại não.
Bây giờ chúng ta biết rằng hệ thần kinh đường ruột không chỉ hoạt động tự chủ mà còn ảnh hưởng đến đại não. Trên thực tế, khoảng 90% tín hiệu được truyền qua dây thần kinh phế vị không đến từ “bộ não trên đỉnh đầu” mà là từ “bộ não thứ hai” – hệ thống thần kinh ruột.
Đường ruột cũng đảm nhận nhiều chức năng đối với sức khỏe con người. Nó là “nhà máy xử lý nước thải, là trạm xăng dầu và là cơ quan miễn dịch” lớn nhất của cơ thể con người.
Quý vị có để ý thấy rằng khi tâm trạng không tốt hoặc cảm thấy căng thẳng, một số người sẽ đặc biệt thèm ăn những thực phẩm có hàm lượng calo cao, đặc biệt là đồ ngọt. Đây là biểu hiện có sự tương quan giữa cảm xúc và sự thèm ăn. Nghiên cứu phát hiện ra rằng phần lớn cảm xúc là nguyên nhân gây mất cân bằng hệ thực vật đường ruột. Thành phần của hệ thực vật đường ruột thay đổi sẽ dẫn đến sự thay đổi trong lựa chọn thực phẩm.
Vì vậy, khi quý vị lựa chọn ăn một loại thực phẩm nào đó, có thể không phải là vì quý vị cần hoặc muốn ăn nó, mà do hệ thực vật gửi tín hiệu sai đến não và não điều khiển quý vị ăn loại thực phẩm đó.
Đường ruột là cơ quan nội tiết lớn nhất trong cơ thể con người. Hàng chục hormone do đường tiêu hóa tiết ra được phân bố rộng rãi trên thành của đường tiêu hóa, và tham gia điều hòa các chức năng khác nhau. Các hormone có quan hệ mật thiết với cảm giác là dopamine và serotonin.
Dopamine là chất quan trọng ảnh hưởng đến tâm trạng của con người. Khi cảm xúc đi xuống, sản sinh ra sự chán nản, mất hứng thú với mọi thứ và thiếu năng lượng hầu hết là các biểu hiện của lượng dopamine trong cơ thể quá thấp. Serotonin có thể khiến con người sản sinh ra cảm giác vui vẻ. Khi cơ thể không có đủ serotonin, con người sẽ trở nên cáu kỉnh, buồn chán và dễ mất đi lý trí.
Dữ liệu nghiên cứu cho thấy não chỉ tiết ra 5% lượng serotonin trong toàn bộ cơ thể, trong khi 95% serotonin lại tập trung ở đường ruột.
Hệ thống tiêu hóa của đường ruột có tác động lớn như vậy đến sức khỏe tinh thần của con người. Vì vậy. không có gì lạ khi một số nhà khoa học gọi nó là “bộ não thứ hai”.
‘Bộ não thứ hai’ còn có thể cảm nhận được cảm giác trầm cảm và đau thương
Từ những điều trên, không khó để nhận thấy cảm xúc của con người có mối liên hệ mật thiết với đường ruột, hay còn được gọi là “bộ não thứ hai” này. Chẳng trách người ta nói nơi cơ thể con người hiểu rõ cảm xúc nhất thực ra không phải là não mà ẩn sâu bên trong bụng. Quý vị có tin không?
Trong sách “Nội Kinh” của người Trung Quốc cổ đại có ghi chép rằng: “Tức giận hại gan, vui quá hại tim, suy nghĩ hại tỳ, buồn bã hại phổi, sợ hãi hại thận”. Nói cách khác, những cảm xúc không tốt khác nhau của con người sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan khác nhau của cơ thể. Sự sản sinh ra những cảm xúc tiêu cực này có liên quan đến “bộ não thứ hai”. Giữa các cơ quan trong cơ thể với thất tình lục dục của con người có mối liên hệ đối ứng. Hơn nữa, một cơ quan nội tạng sinh bệnh cũng sẽ ảnh hưởng đến các cơ quan khác.
Nghiên cứu khoa học hiện đại của phương Tây đã dần nhận thức được mối liên hệ trong đó. Đặc biệt trong quá trình nghiên cứu hệ thống đường ruột, các nhà khoa học phát hiện ra rằng “bộ não thứ hai” này thực sự có thể ảnh hưởng đến các loại cảm xúc khác nhau của con người như vui, giận, buồn, thích…
“Bộ não thứ hai” không chỉ có chức năng ghi nhớ mà còn có những phản ứng cảm xúc giống hệt bộ não. Hơn nữa, chúng còn có liên hệ tương quan với bộ não. Nếu một bên xuất hiện vấn đề thì bên còn lại cũng sẽ bị ảnh hưởng. Ví dụ, lo lắng, mệt mỏi, nóng nảy, hội chứng ruột kích thích (IBS), loét dạ dày và bệnh Parkinson cũng đều sẽ đồng thời thể hiện ở đại não và hệ thống tiêu hóa. Các bác sỹ phát hiện ra rằng 25% bệnh nhân dùng thuốc chống trầm cảm bị mắc bệnh dạ dày. Tình trạng căng thẳng có thể kích thích các dây thần kinh ở thực quản, dẫn đến cảm giác nghẹt thở cùng nhiều triệu chứng khác.
Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng những người trong quá trình trưởng thành từng trải qua nỗi đau về sinh li tử biệt v.v. thì sau khi lớn lên có nhiều khả năng mắc các bệnh về đường tiêu hóa hơn người bình thường. Ví dụ, ông Gerson từng phát hiện ra rằng khoảng 70% bệnh nhân mắc bệnh đường tiêu hóa mãn tính đã từng trải qua những nỗi đau như cha mẹ ly hôn, bệnh mãn tính hoặc cha mẹ qua đời v.v…vào thời thơ ấu.
Ngoài ra, “bộ não thứ hai” cũng có thể mơ. Khi một người chìm vào giấc ngủ sâu không mộng mị, các cơ quan tiêu hóa thực hiện những chuyển động hình sóng có nhịp điệu và nhẹ nhàng. Nhưng khi nằm mơ, các cơ quan nội tạng bắt đầu rung động dữ dội. Nếu không được ăn ngon người ta thường sẽ gặp ác mộng. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân rối loạn tiêu hóa luôn than phiền rằng họ không thể ngủ ngon.
Các nhà khoa học hiện đang sử dụng “bộ não thứ hai” và liệu pháp phản hồi sinh học để giúp bệnh nhân có thể dựa vào chức năng tinh thần của não tăng cường chức năng tiêu hóa và đạt được kết quả đáng chú ý.
Có vẻ như, không phải bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể bị hỏng thì chỉ cần cắt bỏ là có thể giải quyết vấn đề. Một cơ quan xuất hiện vấn đề thì cũng sẽ ảnh hưởng đến cơ quan khác. Một cơ quan có vấn đề cũng có thể là do bắt nguồn từ vấn đề của cơ quan khác.
Việc bảo vệ tốt ‘bộ não thứ hai’ rất quan trọng
Cùng với việc các nhà khoa học tiến hành nghiên cứu chuyên sâu về tác dụng tương hỗ giữa đường ruột và hệ thần kinh, mọi người càng hiểu sâu hơn về mối liên hệ giữa các hệ thống khác nhau của cơ thể con người. Các tổ chức và hệ thống khác nhau của cơ thể người có mối liên hệ tương hỗ với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau và hợp tác mật thiết với nhau, nhưng chúng lại có thể hoạt động độc lập. Cơ thể con người thật sự rất bí ẩn phải không?
Tôi tin rằng khi hiểu tại sao đường ruột được gọi là “bộ não thứ hai” của con người, chúng ta cũng hiểu rằng việc ăn uống đầy đủ, ăn uống lành mạnh và bảo vệ hệ thống đường ruột của chính mình là rất quan trọng. Đồng thời, học cách điều chỉnh cảm xúc, luôn duy trì tâm thái tường hòa, tĩnh lặng cũng là một phương pháp quan trọng để duy trì sức khỏe đường ruột.
Qua đó chúng ta cũng thấy rằng khoa học hiện đại dù có tân tiến đến đâu cũng chỉ có thể nghiên cứu cơ thể của chúng ta trong không gian vật chất hiện hữu này. Vẫn còn quá nhiều điều bí ẩn về cơ thể con người đang chờ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu y học tìm tòi khám phá.
Có vẻ như câu nói của Đạo gia “cơ thể con người là một tiểu vũ trụ” không hề bí ẩn.
Theo dõi kênh trên Youtube:
https://www.youtube.com/channel/UCzvQZ1p_-AXgAWiyHhE7CxQ
Theo dõi kênh trên Ganjingworld:
https://www.ganjing.com/zh-TW/channel/1eiqjdnq7go2dgb6zFtQ9TYK11080c
Tham gia nhóm “Bí ẩn chưa có lời giải” trên Telegram:
Tổ “Bí ẩn chưa có lời giải” thực hiện
Tịnh Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ