Bí ẩn chưa có lời giải: Cây thần thông thiên thời thượng cổ nằm ở đây?
Trên một vùng đất phẳng ở phía đông bắc tiểu bang Wyoming, Hoa Kỳ, có một gốc cây lớn vô cùng nổi bật, có thể nhìn thấy từ khoảng cách xa 100 km. Gốc cây này to lớn đến mức khó tin, chiều cao lên đến 264 mét, nghĩa là gần bằng một nửa chiều cao tòa nhà Đài Bắc 101 ở Đài Loan. Đường kính đáy gốc cây lên đến 305 mét. Phần đỉnh nhỏ hơn một chút, nhưng cũng có đường kính 84 mét, đủ rộng để chơi một trận bóng đá.
Lẽ nào trên đời này lại có cây lớn đến vậy?
Đúng là không có. “Gốc cây” này thực chất là một tảng đá có hình dạng đặc biệt, có thể gọi là núi đá. Nó có tên gọi là Tháp Ác Quỷ (Devils Tower).
Năm 1977, trong bộ phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng của đạo diễn đoạt giải Oscar Steven Spielberg có tên “Close Encounters of the Third Kind”, Tháp Ác Quỷ đã xuất hiện trong tình tiết cao trào của phim. Lúc đó, nó trở thành địa điểm gặp gỡ giữa người ngoài hành tinh và không quân Hoa Kỳ. Một phi thuyền không gian ngoài hành tinh di chuyển đến bên cạnh gốc cây, ánh sáng chiếu khắp cả bầu trời. Sau khi bộ phim trở nên nổi tiếng, Tháp Ác Quỷ thu hút một số lượng lớn du khách. Cho đến ngày nay, khách tham quan vẫn đến dồn dập không ngớt. Những người hâm mộ khoa học viễn tưởng thường xem đây như một căn cứ của người ngoài hành tinh. Một số người thậm chí tự tin khẳng định rằng họ đã nhìn thấy đĩa bay xuất hiện ở đây.
Vậy liệu tảng đá này có thực sự liên quan đến người ngoài hành tinh không?
Thực ra, việc Tháp Ác Quỷ được đạo diễn Spielberg lựa chọn không phải là không có lý do. Trên thực tế, mặc dù trước đó không nhiều người biết đến tảng đá này, nhưng thực ra nó chính là tượng đài quốc gia đầu tiên của Hoa Kỳ, được Tổng thống Theodore Roosevelt tuyên bố xây dựng vào năm 1906. Ở Hoa Kỳ, mỗi tượng đài quốc gia đều là khu vực bảo tồn, bảo tồn các nguồn tài nguyên tự nhiên đa dạng, cũng như các di chỉ khảo cổ và văn hóa quan trọng.
Tháp Ác Quỷ nhận được sự quan tâm đặc biệt vì nó giữ vai trò thiêng liêng trong văn hóa bản địa của người Anh-điêng. Tên gọi Tháp Ác Quỷ cũng không phải là tên chính xác của nó. Năm đó khi người Anh-điêng giới thiệu tháp này cho người da trắng, họ gọi đây là “nơi ở của gấu” (Bear Lodge). Nhưng trong ngôn ngữ của họ, “gấu” và “ác thần” (bad God) phát âm rất giống nhau, dẫn đến hiểu lầm, cho nên sau đó tên tảng đá được dịch thành “Tháp Ác Quỷ”.
Tuy vậy, tảng đá này không liên quan gì tới ác quỷ. Trong cộng đồng người Anh-điêng sống khu vực quanh đó đều lưu truyền các truyền thuyết với nhiều dị bản. Truyền thuyết kể rằng tảng đá ban đầu không hề cao, một người bình thường cũng có thể leo lên được. Năm đó, có người bị một con gấu đen khổng lồ đuổi theo. Trong lúc hoảng loạn, người này đã leo lên tảng đá, cầu nguyện thần linh bảo vệ và xua đuổi gấu. Sau đó, thần đã làm cho tảng đá này lớn lên, lớn đến mức rất cao, để gấu không thể leo lên được nữa. Gấu thấy vậy không cam tâm, liền tức giận cào mạnh vào bề mặt đá, tạo ra những khe hở dài làm tảng đá trông giống như vỏ cây xù xì.
Trong một truyền thuyết khác được lưu truyền rộng rãi, có bảy cô gái khi bị gấu đuổi theo đã leo lên tảng đá. Sau đó tảng đá lớn dần, cao dần lên, cuối cùng cao lên tới tận trời xanh, và bảy cô gái biến thành bảy ngôi sao trong chòm sao Tua Rua. Chẳng phải Tua Rua chính là quê hương của rất nhiều người ngoài hành tinh vẫn được nhắc đến trong truyền thuyết sao? Có thể linh cảm của đạo diễn Steven Spielberg chính là đến từ đây.
Sau đó, Tháp Ác Quỷ trở nên nổi tiếng. Khung cảnh độc đáo của khu vực đó đã hấp dẫn người châu Á. Dần dần xuất hiện một suy đoán khác, rằng nếu có gấu khổng lồ, chắc hẳn cũng sẽ có người khổng lồ? Tháp Ác Quỷ có thể ban đầu là một cái cây khổng lồ vươn tới Thiên đàng, và người khổng lồ có thể trèo cây để lên tới Thiên đàng. Về sau, những người khổng lồ chống lại các vị Thần, cho nên cây này bị Thần chặt đi, chỉ còn lại gốc. Người khổng lồ không thể lên Thiên đàng được nữa, và qua thời gian dài, gốc cây dần dần bị hóa thạch?!
Nghe tới giả thuyết này, các nhà địa chất học đã lên tiếng. Họ khẳng định rằng đây không phải là hóa thạch, mà thực sự là một tảng đá bazan. Bazan là loại đá màu đen thường thấy ở miệng núi lửa, hình thành từ dung nham núi lửa bị làm lạnh đột ngột ngay sau khi phun trào. Tuy nhiên, quanh đây làm gì có núi lửa? Các nhà địa chất giải thích rằng cách đây 50 triệu năm, ở phần vỏ Trái đất quanh khu vực này từng xảy ra biến động mạnh mẽ. Dung nham dưới lòng đất phun lên, sau đó đông cứng lại và hình thành nên Tháp Ác Quỷ ngày nay. Nhiều năm sau, đất đá nham thạch xung quanh nó đều bị phong hóa, nhưng vì tháp này cứng cáp hơn, chống chịu được phong hóa, cho nên mới tồn tại được.
Tuy nhiên, điều làm người ta thắc mắc là, nếu có phun trào dung nham, thì năng lượng cũng sẽ cực đại. Như vậy đúng ra phải tạo thành một ngọn núi lửa lớn, hoặc vài ngọn núi lửa nhỏ, sao ở đây chỉ có một tảng đá nhỏ như vậy? Hơn nữa trong phạm vi trăm dặm xung quanh cũng chỉ là đất phẳng, không có bất kỳ dấu hiệu cho thấy ở đây từng có biến động mạnh mẽ ở phần vỏ Trái đất, chỉ có mỗi một tảng đá như đài tưởng niệm cao sừng sững vươn tận mây xanh. Rốt cuộc nó muốn nói với con người điều gì, hoặc có điều gì muốn nhắc nhở con người?
Cho đến nay, Tháp Ác Quỷ được hình thành như thế nào vẫn là một bí ẩn chưa được giải đáp. Lý luận do các nhà địa chất học đưa ra vẫn chỉ ở giai đoạn giả thuyết. Trên thực tế, thân phận luôn được gắn liền với Tháp Ác Quỷ trên các trang mạng internet vẫn là cây thần thông thiên bị chặt đứt. Vậy tại sao cây thần thông thiên lại nhận được nhiều sự chú ý đến vậy? Để trả lời câu hỏi này, cần phải bắt đầu từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế.
Cây thần thông thiên bị chặt đứt
Theo truyền thuyết, sau khi Bàn Cổ khai thiên tịch địa, thế giới con người và thế giới thần linh vẫn có thể giao tiếp với nhau. Các vị Thần Tiên thường hạ phàm ở cùng với con người, di chuyển qua chiếc thang trời có tên là Kiến Mộc, mọc giữa trời đất, sừng sững giữa một vùng đất hoang vu rộng lớn. Theo như mô tả trong “Sơn Hải Kinh”, cây Kiến Mộc rất cao, vươn thẳng lên trời, không có cành cây, thân màu tím, lá màu xanh, hoa màu đen, trái màu vàng. Gió thổi qua ngọn không tiếng lá xào xạc, mặt trời chiếu đỉnh cũng không thấy ngả bóng. Cây thần với vẻ đẹp huyền bí khiến người ta chỉ nhìn một lần đã không thể nào quên?
Tuy nhiên, đến thời Chuyên Húc Đế, cháu nội của Hoàng Đế, cây thần bị chặt phá, cắt đứt liên hệ giữa thế giới con người và thế giới thần linh. Tại sao lại có chuyện như vậy?
Thời Hoàng Đế, trong thế giới con người, những người có tiêu chuẩn đạo đức cao thường có khả năng câu thông với thần linh. Họ được người ta gọi là vu sư, có một số phép thần thông nhất định, thậm chí có thể dựa vào sức mạnh của thần linh để hô mưa gọi gió. Tuy nhiên, các vu sư có cảnh giới đạo đức khác nhau cũng sẽ câu thông được với các vị Thần hay Thiên nhân ở những cảnh giới khác nhau, tầng thứ cao thấp khác nhau.
Khi đó, bộ lạc Cửu Lê ở phía Đông bắt đầu trở nên sa đọa. Họ vì mục đích tự tư mà kết nối với các vị Thần và Thiên nhân ở tầng thấp để phục vụ bản thân, không còn lòng kính ngưỡng đối với Thần nữa. Họ đặt thần linh ở vị trí ngang hàng với con người. Thủ lĩnh bộ lạc là Xi Vưu, mặc dù bạo lực và tàn nhẫn vô độ, nhưng vẫn có khả năng sử dụng pháp thuật để triệu hồi những thần linh ở tầng thấp như Phong Bá, Vũ Sư tới phục vụ chiến tranh, làm xáo trộn trật tự nhân gian. Điều này chính là do con người và thần linh quá gần nhau, người-Thần lẫn lộn, dẫn tới loạn thế.
Xi Vưu rất mạnh mẽ và tài ba trong chiến đấu. Hoàng Đế phải tốn rất nhiều sức lực mới có thể chế ngự được hắn. Cuối cùng, Xi Vưu bại trận và mất mạng, Hoàng Đế thống nhất miền đất Trung Nguyên. Tuy nhiên, vì thống nhất mà những độc tố còn sót lại của bộ lạc Cửu Lê theo đó lan rộng ra.
Trong sách sử “Quốc ngữ” ghi lại một đoạn trò chuyện giữa Sở Chiêu Vương và đại vu sư Quan Xạ Phu. Quan Xạ Phu nói, vào cuối thời kỳ con Hoàng Đế là Thiếu Hạo cai trị, bộ lạc Cửu Lê suy đồi đạo đức, ai ai cũng đều có thể tùy ý tế tự thần linh, nhà nhà đều có vu sử. Vu sử là một chức vụ thời cổ đại, phụ trách việc giao tiếp giữa con người và thần linh. Việc để cho con người lẫn lộn với thần linh, không có ranh giới rõ ràng, khiến cho trời đất mất đi trật tự và nguyên tắc vốn có ban đầu, dẫn đến trần gian mùa màng thất thu, tai họa liên miên.
Sau này, khi Chuyên Húc Đế lên ngôi, ông rất thông minh, đã nhìn ra nguyên nhân của loạn tượng này chính là do sự lẫn lộn giữa người và Thần. Vì vậy, ông ra lệnh cho Mộc Chính Trọng quản trời, Hỏa Chính Lê quản đất, tách biệt con người và thần linh, khôi phục lại trật tự của trời đất, chấm dứt việc câu thông trực tiếp giữa người và Thần. Đây chính là sự kiện “tuyệt địa thiên thông” nổi tiếng được ghi chép trong lịch sử.
Trong truyền thuyết, thần thoại, Trọng và Lê là hai anh em, đều là người khổng lồ. Trọng dùng sức đẩy lên chống trời, Lê dùng lực đẩy xuống nén đất. Như vậy, trời và đất dần dần tách xa nhau, con người không còn tự do di chuyển giữa khoảng không trời đất được nữa. Vậy còn Kiến Mộc thì sao? Từ đó trở đi, tung tích của Kiến Mộc cũng biến mất khỏi sách sử.
Nói đến đây, liệu quý vị có tin rằng cây thần thông thiên này thực sự từng tồn tại không?
Đối với câu hỏi này, Bảo tàng Tam Tinh Đôi đã trả lời như sau.
Họ giới thiệu bộ sưu tập tám cây thần bằng đồng thau khai quật được ở Tam Tinh Đôi. Trong đó, cây số một cũng là cây được biết đến nhiều nhất, bao gồm chân đế, cây và rồng trên cây. Chân đế có hình giống như mái vòm, ba mặt được chạm rỗng, trông giống như một ngọn núi thần. Cây được chia thành ba tầng, tổng cộng có chín nhánh. Trên các nhánh cây có lá và quả hình con dao. Quả rất to, quay hướng lên trên, trên mỗi quả đều có một con chim nhỏ. Trên thân cây khắc một con rồng có hình dạng độc đáo, đầu rồng chúc xuống, thân trông như bím tóc, chân trước bò lên gốc cây, chân sau trông giống như bàn tay người. Trên thân còn có lông cánh hình con dao.
Bảo tàng gọi cây này là “cây thần thông thiên”, và cho rằng các đặc điểm của cây và vị trí khai quật đều trùng khớp với cây Kiến Mộc. Trong một hố đất gần chỗ phát hiện cây thần còn đào lên được một số tượng đồng đại biểu cho vu sư và thần linh. Vậy nên các chuyên gia cho rằng cây thần này rất có thể là “thang lên trời” kết nối con người và thần linh trong tâm trí của người Thục thời xưa. Con rồng trên thân cây thần rất có thể là phương tiện được các vu sư cưỡi dùng để di chuyển giữa trời và đất.
Người phía bảo tàng nói, người xưa cho rằng Trái đất phẳng, bầu trời giống như một cái vung hình vòm, lấy ba cây thần là Phù Tang ở phía đông, Kiến Mộc ở trung tâm, Nhược Mộc ở phía tây làm tọa độ, tạo nên một vũ trụ quan dưới hình thức thần thoại. Do đó, cây thần Tam Tinh Đôi không chỉ là sản vật dùng để tôn thờ Mặt trời của người xưa, mà còn là nấc thang lên trời trong tâm trí họ. Đồng thời, nó cũng là “cây vũ trụ” đại diện cho quan niệm vũ trụ của cổ nhân.
Tòa tháp Babel
Văn hóa của cổ nhân chúng ta phải chăng khá thú vị? Đáng chú ý là, vào đúng khoảng thời gian cây thần thông thiên Kiến Mộc bị chặt đứt, nơi phương Tây xa xôi lại có một nhóm người xây nên “tháp thông thiên”. Vậy số phận của tháp thông thiên này sau đó ra sao?
Tháp thông thiên là một câu chuyện rất nổi tiếng trong Kinh Thánh. Chúng có nhiều dị bản, nhưng về cơ bản đều như thế này: Sau trận đại hồng thủy, con người trên Trái đất đều nói chung một loại ngôn ngữ. Một nhóm người rời khỏi phương Đông và đến một vùng đất có tên là Shinar. Tại đó, con người bắt đầu nung gạch làm ngói, dự định xây dựng một bức thành cùng với một một tòa tháp cao “có thể thông lên trời” để truyền bá danh tiếng của mình, tránh việc bị phân tán ra những nơi khác nhau trên thế giới. Sau đó, khi Đức Chúa trời Jehovah đến nhân gian, trông thấy bức thành và tòa tháp, Ngài cảm thấy rất không hài lòng. Ngài nói rằng một nhóm người chỉ nói chung một loại ngôn ngữ như vậy, sau này không có gì là họ không làm được nữa. Do đó, Chúa trời đã xáo trộn ngôn ngữ của họ, và phân chia họ ra những vùng khác nhau trên thế giới. Bức thành từ đó ngừng xây dựng, tòa tháp cũng bị bỏ dở. Sau này, người ta đặt tên cho bức thành này là “Babel”, và tòa tháp cũng được gọi là “Tháp Babel”. Trong tiếng Do Thái Hebrew, “Babel” có nghĩa là “gây ra hỗn loạn”, và sau này được dịch sang tiếng Hy Lạp là “Babylon”.
Câu chuyện tháp Babel được giải nghĩa là do sự kiêu ngạo và tự phụ của con người khiến Chúa tức giận và trừng phạt họ. Kiêu ngạo được đặt ở vị trí đầu tiên trong bảy đại tội thường được nhắc đến trong Kinh Thánh. Xếp thứ hai là tội đố kỵ, sau đó là phẫn nộ, lười biếng, tham tài, phàm ăn và dâm dục. Việc xây tháp Babel được xem là lần thứ hai con người rơi vào sự sa đọa sau khi Adam và Eva ăn trái cấm.
Vậy, sau khi tòa tháp tượng trưng cho sự sa đọa này của con người bị bỏ hoang, số phận của nó ra sao?
Vào thế kỷ thứ 5 trước công nguyên, trong cuốn du ký của nhà sử học cổ Hy Lạp Herodotus có viết rằng ông đã nhìn thấy một tháp khổng lồ ở Babylon. Tháp có hình vuông, mỗi cạnh dài 90 mét, tổng cộng có tám tầng. Phần giữa đặc ruột, toàn bộ xây bằng gạch. Bên ngoài có một con đường xoắn ốc bao quanh tháp cho đến đỉnh. Trên đỉnh tháp là một điện thờ to lớn, bên trong có một chiếc giường được trang trí lộng lẫy và một chiếc bàn màu vàng. Tòa tháp này là kiến trúc cao nhất của Babylon, đứng ở đâu cũng có thể nhìn thấy, và được người ta gọi là “Tháp Thông Thiên”. Cũng có người nói rằng, nó là nơi chư thần nghỉ chân khi đến trần gian, là “trạm dừng chân” hay “nhà trọ” trên con đường thông với trời.
Sử gia Herodotus không đề cập đến tên tháp, nhưng sau này nhiều học giả đã khảo chứng và nói đây có lẽ là miếu thần Etemenanki trong thành Babylon. Đây là một tháp thần kiểu hình kim tự tháp. Tên gọi Etemenanki trong tiếng Sumer có nghĩa là “ngôi nhà và căn cứ của Thiên đường trên Trái đất”. Một số học giả cho rằng nó được xây dựng từ thế kỷ 14 cho đến thế kỷ 9 trước công nguyên.
Tháp thần này từng được tu bổ, làm mới lại vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên. Lúc đó, vua Babylon Nambparassar là người chịu trách nhiệm tu bổ tháp thần. Ông nói rằng tháp được xây dựng từ thời cổ đại, nhưng phần đỉnh tháp vẫn chưa được hoàn thành. Về sau, người ta đã bỏ hoang nó. Từ đó, sau quá trình dài bị động đất và sét tàn phá, gạch bắt đầu mục nát, và cấu trúc bên trong dần trở thành đống đổ nát. Nghe có vẻ rất giống như miêu tả tháp Babel đúng không?
Thật đáng tiếc khi với cùng với sự suy tàn của Babylon, tháp thần này đã một lần nữa bị thời gian phong bế. Cho đến cuối thế kỷ 19, di chỉ của tháp cuối cùng cũng được các dân làng địa phương phát hiện một cách ngẫu nhiên. Năm 1913, nhà khảo cổ học Đức Robert Koldewey bắt đầu chính thức khai quật di chỉ, và miếu Etemenanki một lần nữa được trông thấy ánh mặt trời. Câu chuyện về tháp Babel lại một lần nữa thu hút sự chú ý của công chúng.
Hiện nay, giới học thuật đa phần cho rằng, tòa tháp này không nhất thiết là tháp Babel trong truyền thuyết, nhưng ít nhất câu chuyện trong Kinh Thánh phần nào lấy cảm hứng từ tòa tháp này. Tất nhiên, cũng có những tín đồ sùng đạo tin rằng, câu chuyện trong Kinh Thánh là có thật, chỉ là quý vị có tin hay không mà thôi.
Vậy, quý vị có tin rằng tháp Babel thực sự đã từng tồn tại không?
Theo dõi kênh trên Youtube:
https://www.youtube.com/channel/UCzvQZ1p_-AXgA
Theo dõi kênh trên Gan Jing World:
https://www.ganjing.com/zh-TW/channel/1eiqjdnq7go2dgb6zFtQ9TYK11080c
Tham gia nhóm “Bí ẩn chưa có lời giải” trên Telegram: