Bảy Ủy viên Thường vụ ĐCSTQ không đến thăm hỏi vùng thiên tai, truyền thông Trung Quốc đăng bài bưng bít
Lũ lụt hoành hành tại nhiều nơi ở vùng Hoa Bắc và Đông Bắc Trung Quốc. Bất chấp lũ lụt, toàn bộ bảy Ủy viên Thường vụ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đều có mặt tại Bắc Đới Hà, nhưng không một ai đích thân đến thăm vùng gặp nạn.
Gần đây, trên mạng Internet xuất hiện nhiều hình ảnh và video về các cựu lãnh đạo Trung Quốc đích thân đến thăm hỏi các vùng gặp thiên tai, truyền thông ngoại quốc cũng đang đặt nghi vấn vì sao các lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc không đến thăm vùng bị lũ lụt. Tuy nhiên, các kênh truyền thông nhà nước của Trung Quốc lại đăng tải các bài báo trong hai ngày liên tiếp để ca ngợi chính sách cứu trợ các vùng thiên tai của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Truyền thông Trung Quốc tán tụng công lao của chính quyền làm dấy lên nghi ngờ
Hôm 06/08, Tân Hoa Xã đưa tin cho biết ông Trương Quốc Thanh (Zhang Guoqing), Ủy viên Bộ Chính trị của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và là Phó Tổng lý Quốc vụ viện do ông Tập Cận Bình bổ nhiệm đã đến tỉnh Thiên Tân và Hắc Long Giang từ ngày 05/08 đến ngày 06/08 để chỉ thị công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai.
Hôm 01/08, ông Trương Quốc Thanh cũng đã đến khu Môn Đầu Câu thuộc Bắc Kinh để chỉ thị phương án ứng phó thiên tai.
Cho đến nay, trong Bộ Chính trị của Trung Quốc, chỉ có mình ông Trương Quốc Thanh, Phó Tổng lý đặc trách vấn đề thủy lợi đứng ra cứu trợ các vùng bị thiên tai.
Trong vài ngày qua, trên mạng xã hội Trung Quốc đã lan truyền những bức ảnh và video về các cựu lãnh đạo của Trung Quốc như ông Hồ Cẩm Đào, Chu Dung Cơ, và Ôn Gia Bảo đích thân tham gia hoạt động cứu trợ thiên tai. Trong đó có một video cho thấy ông Hồ Cẩm Đào đích thân tham gia, cùng quân đội chung tay trao tặng quà tiếp tế. Ngoài ra còn có video cho thấy ông Lý Khắc Cường, người đã thôi chức Thủ tướng hồi tháng Ba đang đi thị sát vùng lũ lụt ở tỉnh Trùng Khánh. Hình ảnh cho thấy ông Lý đang bước vào một cánh đồng bắp đang ngập nước và nhặt trái bắp lên để kiểm tra.
Một bài báo trên ấn bản Hoa ngữ của Đài phát thanh quốc tế Pháp (RFI) đăng tải hôm 06/08 cho thấy người dân đang đặt nghi vấn rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã ở đâu trong thời khắc quan trọng như vậy? Bài báo nói rằng từ trước đến nay người dân Trung Quốc thường “không yêu cầu nghiêm khắc” đối với các nhà lãnh đạo của mình, chỉ là hễ khi “có sự so sánh thì ắt có điểm không hài lòng” mà thôi. Vì vậy, họ bỗng nghĩ đến truyền thống cứu trợ đồng bào bị thiên tai của các vị tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình.
Có lẽ trước sức ép của dư luận, Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông của ĐCSTQ đã đăng tải các bài báo trong hai ngày 05/08 và 06/08 liên tiếp để ngợi ca việc ông Tập Cận Bình “đích thân chỉ thị” công tác cứu trợ lũ lụt từ xa.
Hôm 05/08, Tân Hoa Xã đăng tải một bài viết với tiêu đề rõ ràng như sau: “Đồng lòng vượt mưa gió, nhân dân là tối cao – Ban Chấp hành Trung ương Đảng với nòng cốt là đồng chí Tập Cận Bình đang mạnh mẽ và đanh thép chỉ đạo Bắc Kinh trong các công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai.” Trong bài có liệt kê các chỉ thị của ông Tập đối với Bắc Kinh về việc phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai. Sau đó, bài báo đề cập thêm rằng Thủ tướng Lý Cường đã nhiều lần ra chỉ thị để ứng cứu thiên tai. Tất cả các hãng thông tấn lớn của Trung Quốc đều lần lượt đăng tải lại bài viết này.
Hôm 06/08, Tân Hoa Xã tiếp tục đăng “Thông báo quan trọng” với tiêu đề “Đồng tâm hiệp lực chung một chiến tuyến – Ban Chấp hành Trung ương Đảng với nòng cốt là đồng chí Tập Cận Bình đang mạnh mẽ và đanh thép chỉ đạo Hà Bắc trong các công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai.”
Bài báo một lần nữa liệt kê việc ông Tập chỉ thị từ xa đối với tỉnh Hà Bắc trong các công tác phòng chống lũ lụt và cứu trợ thiên tai, đồng thời thủ tướng Lý Cường cũng đưa ra chỉ thị về việc ứng cứu thiên tai. Tuy nhiên, bài báo lại hoàn toàn không đề cập lý do tại sao ông Tập và ông Lý Cường lại không đến các vùng thiên tai để thị sát tình hình?
Ngày 18/07, nhà nước Trung Quốc xuất bản cuốn sách “Nghiên cứu chuyên sâu và học tập rốt ráo các lý luận quan trọng về vấn đề trị thủy của Tập Cận Bình.” Tờ Tin tức về Thủy lợi Trung Quốc đã đăng tải một bài xã luận tán dương rằng, dưới sự chỉ dẫn của các lý luận về vấn đề trị thủy của ông Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã “đạt được những thành tựu mang tính lịch sử trong sự nghiệp trị thủy, dẫn đến cuộc cải cách mang tính lịch sử”, v.v.
Tuy nhiên, chưa đầy hai tuần sau khi cuốn sách này được ấn hành, lũ lụt nghiêm trọng đã tàn phá Bắc Kinh và Hà Bắc.
Dân cư mạng hoài nghi: “Đây có phải là ‘đen cao cấp’ [ý chỉ tâm cơ] không nhỉ, hai ngày trước nói phải học hỏi cách trị thủy của ông Tập, hay ngày nay thì nói ông Tập đích thân chỉ thị [công tác chống lũ].”
Cư dân mạng có nick @BlackTortoise23 viết: “Ái chà, các hoàng đế cổ đại phải đích thân cày ruộng khẩn cầu mưa thuận gió hòa, khi thiên tai đến đều đích thân dâng lễ vật lên Thần linh để xin xá tội, thế mà giờ lũ lụt đến thì lại còn đăng tải thông báo truyền đạt ý tứ. Đây đúng là đến cả việc làm hoàng đế cũng không biết làm rồi.”
Hôm 07/08, nhà bình luận Thạch Xuyên Vân (Shi Chuanyun) đã bày tỏ trên Đài phát thanh Hy Vọng (Sound Of Hope) rằng, thời Trung Quốc cổ đại, khi thảm họa như lũ lụt, động đất xảy ra, các bậc đế vương thường ban xuống những chiếu thư phản tỉnh nhằm thừa nhận lỗi lầm của bản thân và tiến hành thay đổi chính sách trị quốc. Tuy nhiên, điều này sẽ không xuất hiện dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Bất luận sự cai trị đó mang đến bao nhiêu tai họa cho người dân, thì ĐCSTQ cũng không bao giờ thừa nhận sai lầm, mà vẫn tiếp tục tuyên truyền mình là “vĩ đại, quang vinh và đúng đắn.”
Ông cho rằng, lần này, truyền thông của ĐCSTQ liên tiếp đăng tải các bài báo ca ngợi các nhà lãnh đạo, và đây cũng chỉ là một thông lệ cũ mà thôi.
Nhà bình luận Thạch Xuyên Vân còn cho biết khi người dân vẫn còn so sánh truyền thống cứu trợ thiên tai của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm của ông Tập Cận Bình, thì có lẽ sẽ càng cảm thấy bất mãn trước những hành vi mang đậm tính cách mạng văn hóa lần này của nhà lãnh đạo hiện thời. Nhưng ông cho rằng điều đó cũng chỉ giống như đang tìm một điểm gì đó tốt lành trong những điều tồi tệ mà thôi. Toàn bộ hệ thống tuyên truyền của ĐCSTQ luôn là một cỗ máy bức hại nhân quyền mạnh mẽ.
Trác Châu ngập trong biển nước, các lãnh đạo tháo chạy đến Bắc Đới Hà
Gần đây, Bộ trưởng Bộ Thủy lợi của ĐCSTQ Lý Quốc Anh (Li Guoying) đã đề cập đến việc phải “bảo đảm an toàn tuyệt đối trong việc phòng chống ngập lụt cho thủ đô Bắc Kinh và phi trường Đại Hưng” và “bảo đảm an toàn tuyệt đối trong việc phòng lũ ở tân khu Hùng An.” Ông Nghê Nhạc Phong (Ni Yuefeng), Bí thư Tỉnh ủy Hà Bắc nói rằng phải giảm bớt áp lực việc phòng lũ của Bắc Kinh, và Hà Bắc phải kiên quyết làm tốt vai trò “thành hào” của thủ đô.
Tình hình thiên tai tại tỉnh Hà Bắc rất nghiêm trọng, thành phố Trác Châu đã trở thành “Hồ Trác Châu.” Ngày càng có nhiều thông tin cho thấy việc xả lũ ở Hà Bắc và xả lũ ở Trác Châu chủ yếu là để bảo vệ tân khu Hùng An, nơi được gọi là công trình chính tích “kế hoạch thiên niên kỷ” của ĐCSTQ.
Theo ấn bản Hoa ngữ của RFI, chính sách phân lũ và xả lũ được thi hành để bảo vệ Bắc Kinh và “phó thủ đô” Hùng An bắt nguồn từ quyết định không rõ ràng, không kịp thời cảnh báo cho dân chúng, cộng thêm các quan chức đứng đầu không ngần ngại tuyên bố “Hà Bắc phải đảm đương tốt vai trò thành hào của thủ đô.” Điều này làm dấy lên sự phẫn nộ và lo lắng của người dân.
Chính sách xả lũ cũng khiến Bá Châu ngập lụt trên diện rộng, nhà cửa đổ sập, hàng chục ngàn người mất nhà, dân làng bao vây tòa thị chính để phản đối: “Trả nhà cho chúng tôi, nguyên nhân rõ ràng là do xả lũ, mà lại đổ cho trời mưa”! Họ phản đối việc chính quyền che giấu sự thật.
Lần cuối cùng ông Tập xuất hiện trước công chúng trên bản tin của CCTV là vào hôm 31/07 tại Bắc Kinh. Cùng ngày, Thủ tướng Lý Cường đã gặp Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili. Từ đó đến nay, ngoại trừ ông Thái Kỳ (Cai Qi), Bí thư tỉnh ủy Bắc Kinh, thì sáu thành viên của Ủy Ban Thường vụ Bộ Chính trị đều không xuất hiện trên truyền hình.