Thảm trạng của người dân ở Trác Châu và thể diện của lãnh đạo ĐCSTQ
Trong những ngày gần đây, thành phố Trác Châu có dân số lên đến một triệu người đã biến thành “Hồ Trác Châu,” hồ nhân tạo lớn nhất ở miền Bắc Trung Quốc.
Trong khu vực nội thành thành phố, có nơi mực nước sâu đến 7 mét, cây cối trong khu đô thị gần như đều bị ngập, đèn giao thông cũng sắp bị nước nhấn chìm. Nhiều thôn làng bị nước bao phủ hoàn toàn, có thôn bị ngập tới lầu ba, và hiện vẫn còn rất nhiều người dân đang tập trung ở những nơi cao, chờ cứu viện.
Vì sao lần này Trác Châu ngập đến mức thảm khốc như vậy? Vì sao lại chọn một huyện thành nhỏ đông người như Trác Châu để xả lũ?
Các kênh truyền thông chính thức của nhà nước Trung Quốc nói rằng nguyên nhân lũ lụt là do mưa lớn, tức là thiên tai. Dĩ nhiên thảm họa tại Trác Châu có liên quan đến mưa lớn, nhưng nguyên nhân quan trọng hơn là do chính quyền xả lũ và phân dòng lũ. Vì vậy, việc Trác Châu bị nhấn chìm trong nước không chỉ là thiên tai, mà còn là nhân họa.
Vậy tại sao lại chọn xả lũ và phân dòng lũ về Trác Châu?
Một người biết nội tình đã tiết lộ rằng trận lũ lớn ở Hoa Bắc (bao gồm Hà Bắc, Sơn Tây và thành phố Bắc Kinh, Thiên Tân) lần này, không một giọt nước nào chảy vào Hồ Bạch Dương. Tại sao lại để nước ngập ở Trác Châu mà không phải là những vùng khác? Bởi vì nước lũ từ thượng nguồn chảy đến Trác Châu và chỗ cầu lớn thôn Tỳ ở Cố An, sẽ không có chỗ thoát. Nếu xả lũ về hướng Thiên Tân, tất nhiên sẽ đi qua Cố An, nhưng ở đó có phi trường Đại Hưng, nên không thể xả về phía Cố An; còn nếu xả lũ về hồ Bạch Dương như trước, thì chắc chắn nước sẽ dìm tân khu Hùng An, vì vậy cũng không thể xả nước lũ về hướng Hùng An. Cuối cùng, Trác Châu ở phía Tây Nam đã trở thành một lựa chọn tất yếu …
Ông Vương Duy Lạc (Wang Weiluo), chuyên gia về tài nguyên đất và thủy lợi đang sinh sống tại Đức, đã phân tích sâu hơn về vấn đề này trong chương trình “Tinh anh luận đàm” (精英论坛) của Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV).
Ông nói rằng năm nay lũ lụt ở Bắc Kinh chủ yếu tập trung vào hai con sông lớn, một trong số đó là sông Vĩnh Định. Sông Vĩnh Định chảy qua cửa ngõ Môn Đầu Câu của Bắc Kinh. Còn một con sông khác là sông Cự Mã, sông này chảy qua Phòng Sơn của Bắc Kinh, sau đó đi qua Trác Châu tới Bảo Định, rồi tiếp đến Hùng An.
Ông Vương cho biết Bắc Kinh đang tiến hành việc xả lũ, đồng thời thực hiện các biện pháp phân dòng lũ. Phân dòng lũ chủ yếu nhằm giảm nhẹ áp lực cho vùng hạ lưu, bảo vệ tân khu Hùng An. “Vấn đề hiện tại mà Trác Châu đang đối mặt, đó là khu vực này nhất định phải đảm nhận nhiệm vụ nhận nước lũ từ thượng nguồn cho tân khu Hùng An. Hiện nay mức độ bảo vệ tân khu Hùng An này gần giống như bảo vệ Bắc Kinh, địa thế của khu này rất thấp, nên nếu nước lũ tràn về đây, thì khó có thể giữ được tân khu Hùng An.”
Ông Vương nói rằng tân khu Hùng An tiêu tốn 30 tỷ nhân dân tệ và mất sáu năm để xây dựng một hệ thống phòng lũ. Chính là xây dựng một con đê phòng lũ rất cao, rất dày ở phía bắc của tân khu Hùng An, trên bờ nam của sông Cự Mã. Tuy nhiên, nếu lượng nước từ thượng du đổ về quá lớn, thì hệ thống phòng lũ này cũng trở nên vô dụng. Cho nên, trước khi nước lũ đến, thì nhất định phải làm vơi bớt một phần nước lũ ở vùng thượng nguồn. Điều này khiến Trác Châu hiện nay đang ở trong tình trạng vô cùng nguy cấp.
Chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng đã công khai đề cập đến việc bảo vệ tân khu Hùng An. Ông Lý Quốc Anh (Li Guoying), Bộ trưởng Bộ Thủy lợi của ĐCSTQ, đã tuyên bố trong buổi họp chuyên đề vào chiều ngày 01/08 rằng: phải bảo đảm phòng lũ an toàn tuyệt đối cho thủ đô Bắc Kinh và phi trường Đại Hưng, bảo đảm phòng lũ an toàn tuyệt đối cho tân khu Hùng An.
Thế nào gọi là “an toàn tuyệt đối”? Diễn đạt theo ngôn ngữ của ĐCSTQ thì có nghĩa là phải thực hiện bằng mọi giá.
Vậy tại sao phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tân khu Hùng An, mà không phải là bảo đảm an toàn tuyệt đối cho những nơi khác, chẳng hạn như Trác Châu? Một cư dân mạng đã bình luận: “Cứ cho là sinh mạng của người dân ở Bắc Kinh là sinh mạng của tầng lớp thượng lưu, quý hơn cả sinh mạng của thường dân. Nhưng tân khu Hùng An còn chưa xây dựng xong, không có người sinh sống ở phía hạ du, đồng thời càng ở khu vực hạ du thì càng có nhiều thời gian để di tản hơn, vì sao không thể xả lũ về đây? Vì sao phải chọn một huyện thành nhỏ đông dân như Trác Châu để xả lũ?”
Ông Nghê Nhạc Phong (Ni Yuefeng), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hà Bắc, đã đưa ra câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này.
Theo thông tin chính thức của chính quyền Trác Châu, trong đợt kiểm tra công tác phòng lũ và cứu trợ thiên tai tại Bảo Định và tân khu Hùng An hôm 01/08 và 02/08, ông Nghê Nhạc Phong nói rằng, việc xây dựng tân khu Hùng An là một dự án lớn ngàn năm, là quốc gia đại sự, nên không thể có sai sót trong công tác bảo vệ an toàn. Ẩn ý trong câu nói này là tân khu Hùng An là dự án do lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình chấp thuận. Đây là việc liên quan đến thể diện của ông Tập. Liệu có thể để mất an toàn không? Tất nhiên là không thể!
Như vậy, tính mạng và tài sản của một triệu người dân tại Trác Châu, hiển nhiên đã trở thành một phần trong cái giá phải trả cho điều này. Việc này có kỳ lạ không? Có thể thấy là không kỳ lạ chút nào. Từ trước tới nay, vì để bảo vệ thể diện và quyền lực của mình, lãnh đạo ĐCSTQ chưa từng quan tâm đến tính mạng của người dân.
Do Viên Bân thực hiện
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ