Báo cáo: Trung Quốc có nguy cơ không đạt được các mục tiêu khí hậu do phê chuẩn một loạt dự án điện than
Các chuyên gia cho biết, trong lúc cuộc tranh luận về năng lượng bẩn — một thuật ngữ để chỉ việc sản xuất năng lượng đi ngược lại các nỗ lực về khí hậu và gây tổn hại cho cộng đồng — đang diễn ra gay gắt, thì Trung Quốc đã tiếp tục công bố các dự án điện than mới, bất chấp các kế hoạch của chính quyền và những lo ngại về nỗ lực khí hậu toàn cầu.
Một báo cáo mới của tổ chức nghiên cứu Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM) của Hoa Kỳ và Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) có trụ sở tại Helsinki cho thấy, với việc Trung Quốc tăng tốc điện khí hóa mọi thứ, thì quốc gia này đã phê chuẩn một lượng công suất điện than đáng kinh ngạc là 106 gigawatt (GW), và đã bắt đầu khởi công xây dựng 70 GW công suất vào năm 2023. Trung Quốc cũng đã đưa vào hoạt động 47 GW công suất nhiệt điện than và công bố các dự án mới có công suất 108 GW vào năm 2023.
Ngoài “tốc độ cấp phép điên cuồng vào năm 2022,” số dự án mới được phê chuẩn còn tương đương với việc hai nhà máy điện than mới mỗi tuần và bắt đầu khởi công xây dựng một nhà máy mới mỗi tuần.
Báo cáo cho biết: “Trung Quốc đang đi chệch hướng trong việc đạt được một số mục tiêu về khí hậu mà quốc gia này đặt ra vào năm 2025 như một kết quả của việc tăng sử dụng than và đầu tư vào năng lượng than.”
Họ nói thêm rằng sản xuất điện từ than đã tăng 12% từ năm 2020 đến năm 2023, chiếm 44% tổng mức tăng sản lượng điện, bất chấp những lời hoa mỹ cho rằng điện than chỉ đóng vai trò “phụ trợ.”
Gần một nửa (46%) tăng trưởng năng lượng đã đến từ than và 70% từ nhiên liệu hóa thạch, không đạt được mục tiêu năng lượng tái tạo chiếm hơn 50% mức tăng trưởng này.
Trung Quốc đã cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính xuống 0 vào năm 2030 và cam kết “kiểm soát chặt chẽ” việc bổ sung năng lực sản xuất đốt than mới và kết nối một số lượng chưa từng có các cơ sở phong năng và quang năng vào lưới điện của mình.
Theo nghiên cứu của GEM và CREA, quá trình chuyển đổi năng lượng của Trung Quốc có thể bị chậm lại do sự bùng nổ cấp phép điện than gần đây, xảy ra sau làn sóng thiếu điện vào năm 2021.
Chỉ trong hai năm, Trung Quốc đã phê chuẩn 218 GW điện than mới, đủ cung cấp điện cho Brazil.
Theo báo cáo, hiện cần phải có “hành động quyết liệt” để đạt được các mục tiêu cao độ về năng lượng và carbon vào năm 2025. Báo cáo đã cảnh báo rằng Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với những thách thức trong việc đạt được mục tiêu tăng tỷ lệ nhiên liệu không hóa thạch lên 20% trong tổng cấu trúc năng lượng vào cùng năm đó.
Các nhà phân tích cho biết, năng lượng than đã góp phần tạo ra khoảng 70% lượng khí thải ở Trung Quốc.
Đã có đủ công suất
Các đợt thiếu điện cũng thường được xem là lý do chính để xây dựng các nhà máy điện than mới, nhưng bà Vibhuti Garg, một nhà phân tích tại Viện Phân tích Tài chính và Kinh tế Năng lượng (IEEFA), cho biết Trung Quốc đã có đủ công suất phát điện để đáp ứng nhu cầu điện, ngay cả trong thời kỳ cao điểm mùa hè.
Bà Garg nói với The Epoch Times: “Mặc dù Trung Quốc là một nền kinh tế đang phát triển, nhưng công suất than to lớn là rất đáng chú ý và là mối lo ngại vì thực tế là các nhà máy điện than đang hoạt động ở công suất thấp.”
“Tốc độ bổ sung cơ sở hạ tầng hiện tại của Trung Quốc không lý giải được cho việc bổ sung công suất than của nước này, và chúng tôi không hiểu tại sao Trung Quốc không tập trung vào việc sử dụng hết công suất các nhà máy điện hiện có.”
Bà nói thêm rằng Trung Quốc chưa tuyên bố rõ ràng liệu một số công suất mới hơn có thay thế được các nhà máy cũ hoạt động kém hiệu quả hay không.
Theo CREA, phương pháp vận hành lưới điện cứng nhắc lỗi thời là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thiếu hụt. Hiện ở một số khu vực lưới điện đang xảy ra tình trạng dư thừa nguồn cung công suất nhiệt điện than, mặc dù 60% các dự án điện than mới đều nằm ở đó. Ví dụ, ở các tỉnh Sơn Đông và Quý Châu, nơi hiện có rất nhiều công suất chưa được sử dụng, thì vẫn có nhiều nhà máy điện than đang trong quá trình xây dựng.
Bà Flora Champenois, nhà phân tích nghiên cứu thuộc tổ chức Giám sát Năng lượng Toàn cầu, lưu ý, “Việc cấp phép xây dựng nhà máy than đang diễn ra ở Trung Quốc tiếp tục đi ngược lại với cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc kiểm soát chặt chẽ các dự án điện than mới, và không hiệp điệu với phần còn lại của thế giới. Việc xây dựng quá nhiều than ‘để phòng ngừa’ và với cách tiếp cận ‘chúng ta sẽ giải quyết vấn đề đó sau’ là một canh bạc tốn kém và rủi ro, đặc biệt là khi có sẵn các giải pháp thay thế để đáp ứng các mục tiêu và giải quyết vấn đề an ninh năng lượng.”
Thất hứa tất cả những cam kết về khí hậu
Cam kết về khí hậu nhằm “kiểm soát chặt chẽ năng lượng than mới” chỉ là một trong nhiều cam kết mà Trung Quốc đang gặp khó khăn trong việc thực hiện.
Theo Cam kết do Quốc gia tự Quyết định sửa đổi năm 2021 theo Thỏa thuận Paris, đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu giảm đáng kể mật độ năng lượng và carbon, đồng thời hạn chế nghiêm ngặt việc mở rộng sử dụng than. Một mục tiêu bổ sung trong kế hoạch năm năm của Trung Quốc là đáp ứng hơn một nửa mức tăng trưởng tiêu thụ năng lượng từ các nguồn tái tạo vào năm 2025 và nâng tỷ lệ nhiên liệu không hóa thạch trong cấu trúc năng lượng lên 20%.
Nhưng sau năm 2023, sẽ không có mục tiêu nào trong số này đạt được, CREA cho biết.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm trong và sau những năm áp dụng chính sách zero COVID (2020–2023), mặc dù lượng khí thải CO2 tăng vọt. Trong giai đoạn này, lĩnh vực dịch vụ sử dụng ít năng lượng hơn đã rơi vào tình trạng khó khăn trong khi các ngành công nghiệp sử dụng nhiều carbon thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo nghiên cứu của CREA về số liệu thống kê sơ bộ của chính phủ về sử dụng năng lượng vào năm 2023, lượng khí thải CO2 từ ngành năng lượng đã tăng 5.2%.
Bà Xuyang Dong, nhà phân tích chính sách năng lượng Trung Quốc tại Climate Energy Finance, cho biết quá trình khử carbon rất phức tạp và kéo dài. Quá trình này cần một lực lượng nhân sự đầy quyết tâm và đầy tham vọng, một nỗ lực chính sách của chính phủ và doanh nghiệp được hậu thuẫn bằng nghiên cứu vững chắc, và quan trọng nhất là sự cam kết đáng kể về nguồn lực.
Việc dẫn hướng toàn bộ nền kinh tế một cách hiệu quả hướng tới một tương lai không carbon tất yếu cũng đòi hỏi phải lập kế hoạch chiến lược dài hạn, hướng tới các mô hình thị trường trong 10 hoặc 20 năm tới.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times