Báo cáo: Sinh viên Trung Quốc phải cam kết trung thành với ĐCSTQ trước khi ra ngoại quốc
Một hãng truyền thông Thụy Điển tiết lộ rằng, các sinh viên Trung Quốc được yêu cầu phải cam kết trung thành với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trước khi đến Thụy Điển theo một chương trình do chính phủ Trung Quốc tài trợ.
Dagens Nyheter (DN), một tờ báo của Thụy Điển, hôm 12/01 đưa tin rằng sinh viên theo đuổi bằng tiến sĩ được nhận vào Thụy Điển thông qua Hội đồng Học bổng Trung Quốc (CSC), buộc phải ký các thỏa thuận và quy tắc bí mật.
Các thỏa thuận này yêu cầu những người nhận trợ cấp phải cam kết trung thành với ĐCSTQ và “phục vụ cho lợi ích của chính phủ” và không bao giờ được tham gia vào “các hoạt động” trái với ý muốn của chính phủ Trung Quốc.
DN cho biết, nếu sinh viên nào vi phạm thỏa thuận đó thì sẽ khiến những người trong gia đình họ ở Trung Quốc lâm vào cảnh mắc nợ nhà nước.
Bộ trưởng Thụy Điển Mats Persson đã phản ứng gay gắt trước tiết lộ của DN về thỏa thuận bí mật của Trung Quốc với sinh viên nghiên cứu ở Thụy Điển.
Ông Persson nói, “Tôi rất coi trọng vấn đề này, và chúng tôi sẵn sàng thực hiện nhiều biện pháp hơn nữa.” Theo DN, bộ trưởng còn cho biết thêm rằng trước Giáng sinh, chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các trường đại học Thụy Điển phải hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn hoạt động gián điệp, bên cạnh những vấn đề khác.
Kết quả
Viện Công nghệ Hoàng gia (KTH), Đại học Lund, và Đại học Uppsala nằm trong số các trường đại học Thụy Điển đã nhận sinh viên Trung Quốc từ CSC.
Ông David Gisselsson Nord, phó trưởng khoa quốc tế hóa tại khoa y của Đại học Lund, cho biết: “Điều khiến tôi thực sự lo lắng là có thông tin cho biết người bảo lãnh của sinh viên, thường là người thân, không thể rời khỏi đất nước trong một thời gian dài khi sinh viên đó đang ở ngoại quốc.
Ông Nord nói với kênh DN, “Đây chính xác là cách hoạt động của các chế độ độc tài, đó là gia đình ở quê nhà bị bắt làm con tin. Điều này thật khó chịu.”
Vì lý do này, một số trường đại học Thụy Điển hiện đã chọn cách ngừng hợp tác hoàn toàn với CSC.
Những nhiệm vụ của người nhận học bổng
CSC, được thành lập vào năm 1996, trực thuộc Bộ Giáo dục của chính quyền Trung Quốc, có nhiệm vụ thúc đẩy các chương trình trao đổi quốc tế với nhiều trường đại học trên thế giới, gồm cả Hoa Kỳ, Đức, Vương quốc Anh, Nhật Bản, và Nga.
Mỗi năm, CSC đã tài trợ cho hàng chục ngàn nhà nghiên cứu và sinh viên Trung Quốc ra ngoại quốc theo đuổi các ngành đào tạo hàn lâm.
Tờ thông tin về chương trình năm 2022 đã mô tả kế hoạch gửi 20,000 ứng viên đủ điều kiện ra ngoại quốc.
Nền tảng trực tuyến của Trung Quốc, Zhihu, đã ghi lại nhiều cuộc thảo luận của những người nhận học bổng. Theo những bài đăng đó, những người sắp được nhận học bổng và những người đã được nhận học bổng phần lớn đều truyền đạt lại cách chuẩn bị hồ sơ xin học bổng.
Trong các bài đăng này, họ cũng nêu ra một vài bất tiện đối với những người nào được nhận học bổng, chẳng hạn như việc phải báo cáo với CSC mỗi khi người đó rời nước sở tại để gặp gỡ ai đó, đi du lịch, hoặc quay lại Trung Quốc; phải đóng vai trò như một đại diện được chỉ định bởi đại sứ quán Trung Quốc; phải viết báo cáo thường xuyên cho chính phủ Trung Quốc vài tháng một lần; và phải chịu phạt vì ở lại nước sở tại khi có cơ hội sau khi đã tốt nghiệp.
Chính quyền Trung Quốc giám sát du học sinh
Theo một báo cáo trên Đài Á Châu Tự Do, anh Giới Lập Kiến (Jie Lijian), một nhà hoạt động Trung Quốc hiện đang sống lưu vong ở California, nói rằng tất cả các nhà nghiên cứu được nhà nước tài trợ đều phải ký vào thư bảo lãnh và hợp đồng, trong đó bao gồm một công việc đang chờ đợi sau khi trở về quê nhà.
Tuy nhiên, một khi hợp đồng bị vi phạm, thì các hình phạt sẽ ảnh hưởng nặng nề đến những người đã đứng ra bảo chứng cho hồ sơ xin học bổng, bao gồm cả các giáo sư, trường đại học, và các thành viên trong gia đình.
Anh Giới cũng đề cập rằng các tổ chức như hiệp hội hữu nghị ở ngoại quốc của Trung Quốc và hiệp hội cựu sinh viên Trung Quốc cùng phối hợp trong việc giám sát các nhà nghiên cứu và các sinh viên đó và thường xuyên chỉ thị các nghị trình chính trị trong nhóm.
Chẳng hạn như, khi anh ta đang học tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai tại một học viện địa phương ở Los Angeles, thì hiệp hội hữu nghị ở ngoại quốc sẽ thường xuyên tổ chức các sự kiện như đi bộ đường dài, tiệc nướng, và phát tờ rơi để tuyển thành viên trong các trường đại học.
Bản tin có sự đóng góp của Trương Đình
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times