Báo cáo: Nguồn tạng cấy ghép của Trung Quốc có thể đến từ người sống
Một bài báo nghiên cứu mới trên tạp chí Đạo đức Y tế hàng Quý của Cambridge (Cambridge Quarterly of Healthcare Ethics) do Nhà xuất bản Đại học Cambridge phát hành nêu bật các trường hợp bị lạm dụng cấy ghép tạng ở Trung Quốc, nơi các cơ quan nội tạng cấy ghép được cho là đã lấy từ những người còn sống, những người bị tuyên bố sai lạc là chết não.
Một bài báo được bình duyệt, có nhan đề “Các Trường Hợp Lạm Dụng Định Nghĩa Chết Não Trong Mua Bán Nội Tạng Ở Trung Quốc” (tên viết tắt của bài báo là CABDD), đã nghiên cứu các ấn phẩm tạp chí y khoa của Trung Quốc trong đó mô tả phương pháp mổ lấy nội tạng. Các tác giả đã phát hiện ra những hành vi vi phạm trắng trợn các tiêu chí xác định chết não của Trung Quốc, và cuối cùng họ đi đến kết luận là một số người hiến tạng không chết não hoặc chết tim tại thời điểm lấy tạng.
Chết não và cấy ghép nội tạng
Chết não là một sự chấm dứt hoàn toàn và không thể phục hồi của tất cả các chức năng của toàn bộ não. Một người chết não không ở trong trạng thái hôn mê, vốn có thể là kết quả của tình trạng bệnh nguy kịch hoặc chấn thương não, mà là do tất cả các chức năng của não bị ngừng hoạt động không có khả năng phục hồi và sẽ không thể tự thở. Không có oxy, tim sẽ ngừng đập. Một khi tim ngừng đập, tức là tim chết, tất cả các cơ quan sẽ ngừng hoạt động do tuần hoàn máu đã ngừng hoạt động. Sau một khoảng thời gian nhất định, nếu máu không được dẫn tới thì cơ quan đó không còn phù hợp để cấy ghép.
Ngược lại, nếu hoạt động hô hấp của một bệnh nhân chết não có thể được duy trì thông qua một thiết bị hỗ trợ sự sống, chẳng hạn như máy thở, thì các mô vẫn được cung cấp oxy và tim vẫn có thể đập, và thực tế là điều này bảo đảm những cơ quan nội tạng đó sẽ ở trạng thái thích hợp để cấy ghép.
Do đó, việc quản lý và xác định chết não là những khía cạnh quan trọng của y học cấy ghép và cũng có liên quan sâu sắc đến các vấn đề đạo đức.
Bệnh nhân phải thở máy
Thở máy là bắt buộc để duy trì nhịp thở và tuần hoàn máu của bệnh nhân chết não. Chỉ khi bệnh nhân được thở máy, thì quy trình xác định chết não mới được bắt đầu.
Để tuyên bố một người chết não, các bác sĩ phải xác nhận rằng người đó không có phản xạ thân não và không có khả năng tự thở, cùng một số tiêu chí khác.
Quy trình tiêu chuẩn được quốc tế thông qua để chẩn đoán chết não gần như tuân theo chuỗi sự kiện sau. Đầu tiên, bệnh nhân được kết nối với máy thở; sau đó, các xét nghiệm chẩn đoán được thực hiện để bảo đảm không có phản xạ thân não; tiếp theo là kiểm tra ngưng thở, trong đó máy thở được ngắt kết nối (và sau đó được kết nối lại) để xác nhận không có hô hấp tự phát. Cuối cùng, nếu kết quả thỏa mãn các tiêu chí chết não, bệnh nhân được tuyên bố là chết não và có thể tiến hành mổ lấy nội tạng.
Hướng dẫn xác định chết não của Trung Quốc năm 2009 quy định rằng xét nghiệm ngưng thở phải tuân theo “quy trình nghiêm ngặt” bằng cách “ngắt kết nối máy thở của bệnh nhân trong 8–10 phút”. Điều này cho thấy tiêu chí của Trung Quốc cũng ngụ ý rằng bệnh nhân đã được thở máy trước khi tiến hành xét nghiệm chết não.
Bằng chứng không thể chối cãi: ‘Đặt nội khí quản sau khi chết não’
Thông qua việc đánh giá cẩn thận các tài liệu về các ca cấy ghép được bệnh viện quân đội, bệnh viện đại học và bệnh viện dân sự Trung Quốc thực hiện, các tác giả kết luận rằng trong một số trường hợp, cơ quan nội tạng có thể được lấy từ bệnh nhân còn sống.
Bài báo viết, “trong những trường hợp này, ‘các cơ quan hiến tặng’ có thể đã được lấy từ những người vẫn còn sống và những ‘người hiến tặng’ ấy đã bị các chuyên gia y tế sát hại thông qua việc mổ lấy nội tạng.”
Bài báo CABDD này đã lấy năm bài báo trên tạp chí y khoa của Trung Quốc làm ví dụ. Các ca cấy ghép được đề cập trong các bài báo này bao gồm 16 ca ghép tim và 5 ca ghép tim-phổi kết hợp, được thực hiện từ năm 2002 đến năm 2013. Tất cả năm bài báo đều nói rằng đặt nội khí quản là thủ tục giúp bệnh nhân có thể thở với máy thở, xảy ra sau khi chết não.
Không thể tìm thấy cụm từ “xác định chết não” hoặc “chẩn đoán chết não” trong cả năm bài báo nói trên. Các bài báo chỉ đơn giản khẳng định rằng “những người hiến tặng” đã chết não, mà không đề cập đến bất kỳ thủ tục hay tiêu chí nào để xác định.
Theo bài báo CABDD, mô tả của quy trình lấy tạng cho thấy tim vẫn đang hoạt động trước khi xảy ra hiện tượng ngưng tim do các bác sĩ tiến hành cắt bỏ tim. “Những người hiến tặng tim này không phải là những người hiến tạng chết não nhưng tim vẫn đập (nhờ máy thở).”
Luật về chết não
Việc xác định chết não đã có từ rất sớm ở Hoa Kỳ vào năm 1968. Sau nhiều năm phát triển nghiên cứu, các bản hướng dẫn đã được xuất bản vào năm 1995 (pdf). Hướng dẫn mới nhất về xác định chết não ở Hoa Kỳ được xuất bản vào năm 2010. Ngoài ra, mỗi tiểu bang có các tiêu chí ràng buộc pháp lý của riêng mình để xác định những ca chết não.
Ngành công nghiệp cấy ghép của Trung Quốc đã tăng trưởng theo cấp số nhân kể từ đầu những năm 2000 khi chưa có hệ thống hiến tạng cũng như chưa có quy định pháp lý về chết não. Năm 2003, Bộ Y tế Trung Quốc đã phát hành bản dự thảo về quy chuẩn kỹ thuật để xác định chết não. Bộ tài liệu này chỉ đơn thuần là một bản dự thảo để lấy ý kiến và không có ràng buộc về mặt pháp lý. Hiện nay ở Trung Quốc không có luật về chết não.
Tuy nhiên, kể từ năm 2000, thuật ngữ “người hiến tạng chết não” bắt đầu xuất hiện thường xuyên trong các ấn phẩm liên quan đến cấy ghép do các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép và y tá từ các bệnh viện lớn trên cả nước viết.
Làm thế nào các bài báo mô tả “đặt ống nội khí quản sau khi chết não” lại được xuất bản? Bài báo CABDD trích lời Chủ tịch Ủy ban Hiến tặng và Cấy ghép Nội tạng Quốc gia, ông Hoàng Khiết Phu (Huang Jiefu), từng nói hồi năm 2013, “90% các bác sĩ không biết chết não là làm sao.”
Do đó, các bác sĩ Trung Quốc về phẫu thuật cấy ghép trong các bài báo này “chỉ sử dụng thuật ngữ chết não như một cái cớ để che đậy nguồn nội tạng thực vì những nguồn nội tạng đó là bất hợp pháp,” bài báo của CABDD kết luận.
Không phải toàn bộ nội tạng đều đến từ hệ thống phân bổ nội tạng quốc gia
Một phần do sự giám sát của cộng đồng quốc tế đối với các hoạt động cấy ghép phi đạo đức của mình, nên vào năm 2015, Trung Quốc đã tuyên bố rằng “tất cả các cơ quan nội tạng phải được lấy từ hệ thống phân bổ nội tạng quốc gia, Hệ thống Đáp ứng Ghép Tạng Trung Quốc (China Organ Transplant Response System, COTRS).”
Tuy nhiên, bài báo CABDD nói rằng “một báo cáo xác minh dữ liệu nội bộ của Hệ thống Đáp ứng Ghép Tạng Trung Quốc bị rò rỉ cho thấy một số lượng lớn các cơ quan cấy ghép không phải từ Hệ thống Đáp ứng Ghép Tạng Trung Quốc, tức là những ca cấy ghép đó là bất hợp pháp”.
Báo cáo bị rò rỉ (chỉ có phiên bản Hoa ngữ) này so sánh các ca cấy ghép được báo cáo cho cơ quan đăng ký ghép gan và thận với nguồn nội tạng được COTRS phân bổ. Dữ liệu bao gồm từ tháng 01/2015 đến tháng 04/2018. Hơn 2,000 cơ quan nội tạng được cấy ghép trên toàn quốc là từ các nguồn không xác định và trong hơn 10,000 trường hợp, dữ liệu bệnh nhân đã được điều chỉnh một giờ trước khi phân bổ nội tạng.
Bởi vì không phải ca cấy ghép bất hợp pháp nào cũng được báo cáo cho cơ quan đăng ký ghép tạng, bài báo CABDD kết luận số ca cấy ghép nội tạng bất hợp pháp thực sự chắc chắn sẽ cao hơn nhiều so với con số mà bản báo cáo bị rò rỉ này đưa ra.
Cần mở một cuộc điều tra
Tổng kết, các tác giả của bài báo CABDD nói rằng “định nghĩa chết não dường như bị các cá nhân lạm dụng để thu hoạch nội tạng và để che đậy các nguồn nội tạng bất hợp pháp. Trong những trường hợp như vậy, rõ ràng là việc xác định chết não đã không được tiến hành và những người hiến tặng chỉ đơn thuần được tuyên bố là đã chết não.”
Như Tâm biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times