Báo cáo CFPB: Các ngân hàng lớn ở Hoa Kỳ tính lãi suất thẻ tín dụng cao hơn các ngân hàng và hiệp hội tín dụng nhỏ
Báo cáo cho biết việc chuyển sang sử dụng thẻ tín dụng của các công ty tài chính nhỏ hơn có thể giúp người Mỹ tiết kiệm từ 400 đến 500 USD mỗi năm.
Theo một báo cáo gần đây của Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB), các ngân hàng và công ty tài chính lớn hơn đã tính lãi suất thẻ tín dụng cao hơn vào năm ngoái (2023), đồng thời thực hiện “hành vi phản cạnh tranh” gây bất lợi cho khách hàng.
Báo cáo được công bố hôm 16/02 này cho biết: “Trong nửa đầu năm 2023, các ngân hàng và hiệp hội tín dụng nhỏ có xu hướng cung cấp mức lãi suất rẻ hơn so với 25 công ty thẻ tín dụng lớn nhất trên tất cả các cấp điểm tín dụng.” Các công ty bị phát hiện tính lãi suất hàng năm (APR) hoặc lãi suất cao hơn từ 8 đến 10 điểm phần trăm so với các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn của họ. Đối với người tiêu dùng thẻ tín dụng có số dư trung bình là 5,000 USD, việc sử dụng thẻ của một ngân hàng hoặc hiệp hội tín dụng nhỏ thay vì thẻ từ các công ty lớn sẽ tiết kiệm được trung bình từ 400 USD đến 500 USD một năm theo lãi suất.
“Gần một nửa số tổ chức phát hành thẻ tín dụng lớn nhất cho biết họ cung cấp thẻ có APR mua hàng tối đa trên 30%.”
Có thể kể đến một số tổ chức có APR trên 30% như 1st Financial Bank, Ally Bank, Capital One, Citibank, First Premier Bank, Synchrony Financial, TD Bank, và USAA Federal Savings Bank.
Đối với những người có điểm tín dụng kém, các ngân hàng lớn tính lãi suất APR là 28.49%, trong khi các công ty nhỏ hơn tính phí 20.62%. Đối với những người có điểm “tín dụng tốt”, tỷ lệ này lần lượt là 22.99% và 15.24%.
CFPB cho rằng việc thiếu cạnh tranh trên thị trường thẻ tín dụng “có thể góp phần làm tăng lãi suất ở các công ty thẻ tín dụng lớn nhất.” Nhóm đã tìm thấy “mức độ tập trung cao và bằng chứng về các cách làm ám chỉ có hành vi chống cạnh tranh trên thị trường thẻ tín dụng tiêu dùng.”
Trong năm 2023, 30 công ty thẻ tín dụng hàng đầu chiếm khoảng 95% tổng số nợ thẻ tín dụng ở Hoa Kỳ. Báo cáo cho biết khoảng một nửa số ngân hàng lớn hơn đã ngừng gửi thông tin thanh toán của khách hàng đến các cơ quan tín dụng, do đó “khiến người tiêu dùng khó tìm được giao dịch tốt hơn.”
CFPB cũng phát hiện ra rằng các công ty lớn cũng cung cấp các ưu đãi cho các trang web so sánh mua sắm để tạo động lực quảng bá những sản phẩm đắt tiền hơn thay vì những sản phẩm rẻ hơn cho khách hàng sử dụng thẻ tín dụng.
“Những chiến thuật đáng lo ngại này có thể hạn chế sự cạnh tranh về giá, đẩy mức giá lên cao hơn cho người tiêu dùng có số dư nợ, và có khả năng gây hại.”
Tổ chức này khuyến nghị mọi người tìm kiếm các sản phẩm thẻ tín dụng rẻ hơn tại các ngân hàng nhỏ hơn hoặc các hiệp hội tín dụng địa phương của họ. “Bảo đảm rằng người tiêu dùng có thể nhận được mức lãi suất hấp dẫn có thể tiết kiệm hàng tỷ USD cho các gia đình.”
Ngoài lãi suất, cũng có sự khác biệt lớn về phí thường niên giữa các công ty thẻ tín dụng lớn và nhỏ.
“Các sản phẩm được cung cấp bởi các tổ chức phát hành lớn có khả năng bao gồm phí hàng năm cao gấp ba lần so với các sản phẩm tại các tổ chức nhỏ. Mức phí trung bình hàng năm đối với các tổ chức phát hành lớn nhất cao hơn khoảng 70% so với các tổ chức nhỏ.”
Trong khi 27% các tổ chức phát hành thẻ tín dụng lớn tính phí hàng năm thì chỉ có 9.5% ngân hàng nhỏ hơn tính phí như vậy. Phí hàng năm của các công ty lớn trung bình là 157 USD so với 94 USD của các tổ chức phát hành nhỏ hơn.
Giám đốc CFPB Rohit Chopra cho biết: “Với nợ thẻ tín dụng hiện ở mức hơn 1 ngàn tỷ USD, CFPB sẽ tăng tốc nỗ lực để bảo đảm rằng người tiêu dùng có thể tiếp cận mức lãi suất tốt hơn, giúp các gia đình tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm.”
Nợ thẻ tín dụng tăng
Theo dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, báo cáo của CFPB được đưa ra khi nợ gia đình tăng lên 17.5 ngàn tỷ USD trong quý 4/2023, với số dư thẻ tín dụng tăng từ 50 tỷ USD lên 1.13 ngàn tỷ USD. Trên cơ sở hàng năm, ước tính khoảng 8.5% số dư thẻ tín dụng đã chuyển sang tình trạng nợ quá hạn.
“Các khoản nợ thẻ tín dụng quá hạn nghiêm trọng gia tăng ở mọi nhóm tuổi, đặc biệt là với việc những người đi vay trẻ tuổi đã có số dư vượt mức trước đại dịch.”
Ông Wilbert van der Klaauw, cố vấn nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York, đã nêu lên thực tế rằng “việc chuyển đổi nợ thẻ tín dụng và nợ vay mua xe hơi sang tình trạng nợ quá hạn vẫn đang tăng trên mức trước đại dịch.” Điều này cho thấy “căng thẳng tài chính ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các gia đình trẻ và có thu nhập thấp hơn.”
Theo một cuộc khảo sát về thẻ tín dụng của Bankrate được công bố hồi tháng trước (01/2024), ngày càng có nhiều chủ thẻ có số dư thẻ tín dụng hàng tháng. Trong tháng 11/2023, 49% số chủ thẻ có số dư sang tháng sau, tăng từ mức 47% đạt được vào tháng 07/2023 và 39% vào năm 2021.
Nhà phân tích ngành cao cấp của Bankrate, ông Ted Rossman, trích dẫn dữ liệu của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York cho biết: “Trong hai năm qua, số dư thẻ tín dụng của người Mỹ đã tăng vọt 40%.”
“Và lãi suất của hầu hết chủ thẻ đã tăng 5.5% trong khoảng thời gian đó do Fed tăng lãi suất nhằm chống lạm phát. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi chúng ta thấy ngày càng có nhiều người mắc nhiều nợ hơn trong thời gian dài hơn.”
Thế hệ X có khả năng mắc nợ thẻ tín dụng cao nhất, tiếp theo là thế hệ Thiên niên kỷ (Millennials), Thế hệ Z, và sau đó là thế hệ Bùng nổ Trẻ sơ sinh (Baby Boomers). Phụ nữ có nhiều khả năng mắc nợ thẻ tín dụng hơn nam giới.
Về thu nhập, 56% chủ thẻ thuộc nhóm những người có thu nhập gia đình dưới 50,000 USD hàng năm đều mắc nợ thẻ tín dụng. Trong số những người kiếm được 100,000 USD trở lên mỗi năm, chỉ có 38% mắc những khoản nợ như vậy.
Ông Rossman nói: “Trong khi người Mỹ đang quản lý khá tốt khoản nợ thẻ tín dụng của mình, thì xét về mọi khía cạnh, chúng tôi đang nhận thấy những rắc rối ở cấp độ gia đình.”
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times