Bằng mọi giá: Cuộc chiến chống lại đức tin của cựu lãnh đạo ĐCSTQ
Đối với đông đảo 100 triệu người Trung Quốc, thì năm 1999 là một bước ngoặt trong cuộc đời của họ.
Năm đó, một cuộc bức hại quy mô lớn trên toàn quốc đã bắt đầu theo mệnh lệnh của ông Giang Trạch Dân, Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đương thời, một chiến dịch nhắm mục tiêu một cách tùy tiện vào các học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công.
Ông Giang, được một số người ủng hộ nhân quyền mô tả là một trong những kẻ độc tài tàn bạo nhất trong lịch sử, đã lìa trần vào ngày cuối cùng của tháng Mười Một, nhưng nỗ lực xóa sổ sâu rộng mà ông khởi xướng vẫn chưa dừng lại.
Trong 23 năm qua, hàng triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ trong các trại lao động, bệnh viện tâm thần, trung tâm cai nghiện ma túy, các hắc lao không chính thức, hoặc các cơ sở giam giữ khác. Sự phỉ báng, tra tấn, và sát nhân có tổ chức thông qua thu hoạch nội tạng cưỡng bức phát sinh từ cuộc bức hại đã dẫn đến vô số người thiệt mạng. Những người sống sót vẫn mang theo thương tích, đồng thời gánh chịu những thiệt hại về tài chính và tâm lý từ những hành vi lạm dụng đang diễn ra.
Họ đã phải chịu đựng tình trạng tàn bạo này chỉ vì không chịu từ bỏ đức tin của mình vào chân, thiện, và nhẫn, các nguyên lý cốt lõi chỉ dẫn cho môn tu luyện gồm một bộ các bài công pháp tĩnh tại với chuyển động chậm rãi này.
Chiến dịch tàn bạo này đã khiến ông Giang, người chính thức cầm quyền tại Trung Quốc trong hơn một thập niên kể từ năm 1989, trở thành nhà lãnh đạo Trung Quốc đầu tiên phải đối mặt với các vụ kiện ở cả trong lẫn ngoài Trung Quốc. Năm 2009, ông Giang nằm trong số năm nhà lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc bị truy tố ở Tây Ban Nha vì tội tra tấn và diệt chủng đối với những học viên của môn tu luyện tinh thần này.
Kẻ chủ mưu
Ông Giang đã đích thân khởi xướng cuộc đàn áp Pháp Luân Công và điều động toàn bộ bộ máy nhà nước để tiến hành chiến dịch tàn bạo này.
Ông đã tỏ ra thiết tha trong việc kêu gọi sự ủng hộ của quốc tế cho chiến dịch này đến nỗi, trong cuộc họp thường niên của APEC hồi tháng 09/1999, hai tháng sau khi phát động cuộc đàn áp, ông đã trao một quyển sách phỉ báng Pháp Luân Công đến tận tay Tổng thống Hoa Kỳ đương thời Bill Clinton với hy vọng thuyết phục vị tổng thống này có thái độ “đúng đắn” đối với môn tu luyện, hãng thông tấn Associated Press đưa tin vào thời điểm đó.
Bài báo này cho biết, “Cuốn sách dày 150 trang được viết bằng Anh ngữ này là một loạt tuyên truyền tàn nhẫn từ các hãng truyền thông hoàn toàn do nhà nước Trung Quốc điều hành.”
Lòng ganh tị và tâm lý bất an được cho là một trong những động lực đằng sau khiến ông Giang Trạch Dân sinh lòng thù hận đối với môn tu luyện tâm linh này. Sự phổ biến rộng rãi của Pháp Luân Công, gần như cứ 13 người Trung Quốc thì có 1 người tập luyện, là điều mà ông không thể dung thứ được.
Theo cuốn “Bất Cứ Điều Gì Vì Quyền Lực: Câu Chuyện Có Thật Về Ông Giang Trạch Dân,” một bộ sách dài tập do The Epoch Times phát hành hồi năm 2011, phu nhân của ông Giang là bà Vương Dã Bình (Wang Yeping) đã từng tu luyện Pháp Luân Công hồi năm 1994. Vào một buổi tối, khi đang luyện công, bà cảm thấy có ai đó đang bắt chước các động tác của bà. Khi mở mắt ra, bà phát hiện ra đó không ai khác chính là ông Giang.
Cảm thấy xấu hổ và tức giận vì bị bắt quả tang, ông đã bắt bà Vương phải ngừng luyện tập.
“Ngay cả vợ tôi cũng tin ông Lý Hồng Chí. [Vậy] thì ai sẽ tin tôi, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc,” ông nói, nhắc đến nhà sáng lập môn tu luyện này.
Quyết định truy lùng một trong những cộng đồng tu luyện lớn nhất của Trung Quốc không phải là một quyết định hướng đến quần chúng ngay từ đầu.
Theo ấn phẩm này, trong số bảy thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan nội bộ của Đảng, thì có đến sáu người đã bày tỏ sự phản đối khi ông Giang đề xướng ý tưởng đàn áp môn tu luyện này. Ông Chu Dung Cơ, thủ tướng của Trung Quốc vào thời điểm đó, cho rằng một hành động như vậy sẽ làm tổn hại đến hình ảnh của đất nước và rằng họ chỉ đơn giản là nên “cho phép quần chúng nhân dân tập luyện bình thường.”
Ông Giang đã đứng dậy, chỉ tay vào mặt ông Chu và hét lớn: “Hồ đồ! Hồ đồ! Hồ Đồ! Đây là vấn đề tồn vong của đảng và của đất nước!”
Ông tuyên bố: “Nếu chúng ta không giải quyết vấn đề Pháp Luân Công ngay lập tức, thì chúng ta đang mắc một sai lầm mang tính lịch sử.”
Bằng mọi giá
Theo ấn phẩm này, ông Giang đã đưa ra một tuyên bố như vậy vào ngày 26/04/1999, một ngày sau khi 10,000 học viên tập trung ôn hòa gần trụ sở chính quyền ở Trung Nam Hải để kêu gọi quyền tự do thực hành tín ngưỡng của họ, và yêu cầu trả tự do cho hàng chục học viên đã bị giam giữ nhiều ngày trước đó.
Đám đông đã giải tán sau khi thủ tướng Chu bảo đảm với họ về sự ủng hộ của ông trong một cuộc gặp với một số người đại diện Pháp Luân Công. Nhưng ông Giang, người đã lên nắm quyền sau vụ thảm sát Thiên An Môn một thập niên trước, đã đẩy mạnh cuộc đàn áp này.
Vào ngày 10/06, ông Giang đã trực tiếp ra lệnh thành lập một cơ quan ngoài vòng pháp luật để phối hợp các nỗ lực trên toàn quốc. Sau này được gọi là Phòng 610 sau ngày thành lập cơ quan đó, cấu trúc và hoạt động của văn phòng này tương tự như Gestapo ở Đức Quốc Xã.
Một tháng sau, cuộc bức hại đã bắt đầu trở nên toàn diện. Các hãng thông tấn nhà nước ở tất cả các cấp đã đẩy mạnh một chiến dịch tuyên truyền mạnh mẽ phỉ báng môn tu luyện này đồng thời hạ thấp nhân phẩm của các học viên, trong khi những người không chịu từ bỏ đức tin đã phải chịu bạo lực leo thang và các hình thức ngược đãi khác.
“Chúng tôi có 108 loại phương pháp tra tấn! Bà có nghĩ mình sẽ rời khỏi đây mà vẫn giữ được mạng sống không?” một lính canh tại Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Cát Lâm ở tỉnh Cát Lâm đã từng nói với một học viên Pháp Luân Công bị cầm tù ở đó hồi năm 2012, theo Minghui, một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ chuyên ghi chép lại cuộc bức hại này.
Theo Minghui, ông Giang được cho là đã đưa ra một chỉ thị bí mật rằng các học viên Pháp Luân Công qua đời vì bị đánh đập và các hình thức tra tấn khác sẽ bị tuyên bố là tự sát và được đưa đi hỏa táng.
Để khuyến khích những người hành ác tham gia vào kế hoạch này, các quan chức đã thưởng cho họ những khoản tiền lương hậu hĩnh và thường gắn tiền thưởng với mức độ tham gia của họ.
Theo một bài báo năm 2001 của Minghui, một đồn công an ở Đại Liên, một thành phố cảng ở miền bắc Trung Quốc, đã yêu cầu mỗi công an phải bắt được chín học viên để nhận lấy một khoản tiền thưởng.
Tại Thượng Hải, ông Lục Hạnh Quốc (Lu Xingguo), 45 tuổi, đã bị lột hết quần áo và bị tra tấn trong phòng giam với một chiếc khăn nhét vào miệng để ngăn ông không phát ra tiếng động.
Ông Lục đã tử vong trong vòng một giờ. Ông bị mất răng và bong hết da môi. Tóc ông bị cháy xém và toàn thân là những vết tích của việc bị giật điện. Công an đã tuyên bố ông Lục là một nạn nhân tự sát.
Tháng 10/2003, một cai ngục ở đó cho biết: “Chúng tôi được thông báo rằng tỷ lệ tử vong 5% là bình thường. Chúng tôi không lo lắng về số người tử vong.”
Tại thành phố Đan Đông, nơi có dân số hơn 2.4 triệu người vào thời điểm đó và là thủ phủ của tỉnh Liêu Ninh ở phía đông bắc Trung Quốc, chính quyền đã cử viên chức chính trị và lực lượng công an hơn 5,000 lần để tiến hành các hoạt động đàn áp Pháp Luân Công trong hai tháng đầu tiên của cuộc bức hại, theo các tài liệu nội bộ mà The Epoch Times thu thập được từ một nguồn đáng tin cậy. Kết quả là hơn 100 điểm luyện công đã bị cấm trong khoảng thời gian đó, đồng thời công an đã đến kiểm tra 22,000 học viên trong khu vực này.
Thành phố này cũng đã chi 30,000 nhân dân tệ (4,311 USD) — gấp 5 lần mức thu nhập khả dụng trung bình hàng năm vào năm 2000 — nhằm dựng lên một vở kịch công kích Pháp Luân Công để “giáo huấn” cho hơn 10,000 người; cho đến năm 2005, họ đã in hàng triệu tấm bích chương, tờ rơi, và tác phẩm nghệ thuật phỉ báng môn tu luyện này vừa bằng hình thức phân phát vừa bằng hình thức ghim trên các bảng thông báo công cộng, theo tài liệu trên.
Những nỗ lực bức hại giống chiến tranh
Ông Giang đã theo dõi sát sao diễn biến của cuộc đàn áp.
Hồi tháng 03/2002, các học viên Pháp Luân Công đã chèn vào sóng truyền hình cáp của đài truyền hình nhà nước ở thành phố Trường Xuân, đông bắc Trung Quốc để phát sóng thông tin về cuộc bức hại kéo dài 45 phút. Theo tiểu sử cá nhân của ông được công bố năm 2005, chỉ 10 phút sau khi chương trình này kết thúc, ông Giang tức giận gọi điện cho một người bạn thân trong thành phố, yêu cầu được biết ai là bí thư Đảng ủy hay thị trưởng của thành phố Trường Xuân. Ngay sau đó, chính quyền thành phố này đã thực hiện hàng ngàn vụ bắt giữ liên quan đến vụ việc trên. Những thành viên chủ chốt đã nhận bản án lên tới 20 năm. Họ hầu hết đều qua đời trong tù hoặc ngay sau khi được thả.
Ông Giang đã nắm giữ ảnh hưởng chính trị từ phía sau hậu trường rất lâu sau khi ông ta mãn nhiệm tất cả các chức vụ chính thức của mình vào năm 2004. Ông là lãnh đạo của một phe cánh trong Đảng được gọi là băng đảng Thượng Hải, được đặt tên theo thành phố nơi ông Giang đã tích lũy vốn liếng chính trị của mình với tư cách là Bí thư Đảng ủy. Những người trung thành với ông, nhiều người trong số họ là những nhân vật chủ chốt giám sát cuộc đàn áp, đã chiếm giữ nhiều chi bộ Đảng khi lãnh đạo đương nhiệm của chế độ là ông Tập Cận Bình nhậm chức vào năm 2012.
Với hàng triệu nhân sự được điều động để thực hiện chiến dịch, cuộc bức hại này đã gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề cho nhà nước Trung Quốc.
Minghui dẫn lời một quan chức tư pháp cao cấp ở Liêu Ninh cho biết rằng “nguồn tài chính được sử dụng để đối phó với Pháp Luân Công đã vượt quá chi phí của một cuộc chiến.”
Trách nhiệm giải trình
Sau khi ông Giang qua đời, những người chỉ trích bên ngoài lại tiếp tục kêu gọi trách nhiệm giải trình, của cả ông lẫn chính quyền Trung Quốc.
Cựu Chủ tịch Hạ viện Newt Gingrich gần đây đã nói với The Epoch Times, “Nếu quý vị tin vào nhân quyền, và quý vị tin vào tính hợp pháp của những người dân tự câu thúc bản thân cũng như tính chính đáng của việc lên tiếng và có quyền tự do ngôn luận, thì chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, và có rất nhiều điều buộc các nhà lãnh đạo của chính quyền này phải chịu trách nhiệm.”
“Cuộc bức hại Pháp Luân Công, và mức độ khắc nghiệt của cuộc bức hại đó, thực sự đáng kinh ngạc, và cho quý vị biết tất cả những gì quý vị cần biết rằng hệ thống đó độc tài đến mức độ kinh khủng như thế nào.”
Ông Trần Dụng Lâm (Chen Yonglin), một cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc đã đào thoát sang Úc năm 2005, xem sự qua đời của ông Giang là khúc dạo đầu cho sự sụp đổ cuối cùng của chính quyền này.
“ĐCSTQ đã trượt ngã khỏi đỉnh cao quyền lực và hiện đang ở một vị trí bấp bênh,” ông Trần nói với The Epoch Times.
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times