Bạn đã thử bao nhiêu loại bánh kếp đặc sắc từ các quốc gia trên thế giới? (P.2)
Tiếp theo Phần 1.
Trong hơi nóng bốc lên, lớp vỏ bột của chiếc bánh kếp chuyển dần từ màu trắng sang màu vàng, mùi thơm phức cũng theo đó tỏa ra. Chỉ chốc lát sau, những chiếc bánh giòn rụm, vàng óng, béo ngậy cả hai mặt đã được dọn lên bàn. Nhúng, kẹp, cuốn, các loại nước sốt và nhân đa dạng… đều tùy bạn lựa chọn. Đây có lẽ là kỉ niệm khó quên nhất về món bánh kếp trong tuổi thơ của nhiều người.
Xét về mặt thời gian, bánh kếp là một trong những thực phẩm lâu đời, và gần như đều có một vị trí trong các nền văn hóa trên thế giới. Những miếng bánh kếp nóng hổi và thơm phức đã nuôi sống không biết bao con người trong suốt các thế hệ.
Ngày nay, hầu hết mọi quốc gia đều có một loại bánh kếp mang tính tiêu biểu. Lúa mì, ngô, cao lương, diêm mạch hoặc thậm chí các loại ngũ cốc đặc biệt của vùng đều có thể dùng để chế biến. Bánh kếp ở các nơi có ngọt có mặn, thể hiện sự sáng tạo của con người trong việc sử dụng sản vật. Dưới đây là những món bánh kếp đặc sắc của 14 quốc gia khác nhau. Chúng ta hãy cùng xem những người dân khắp nơi trên thế giới sử dụng sự khéo léo để biến những loại ngũ cốc đơn giản thành những món ăn tuyệt vời như thế nào.
-
Bánh kếp Hàn Quốc
Người ta nói rằng, bánh kếp Hàn Quốc ban đầu là một món ăn được các bà mẹ làm từ những nguyên liệu còn sót lại ở nhà để an ủi con trẻ không thể ra ngoài chơi vào những ngày mưa. Giờ đây, bánh kếp Hàn Quốc cũng giống như bánh gạo chiên cay, đều là món ăn được người dân Hàn Quốc ưa chuộng. Đây không chỉ là món bánh nhà nào cũng làm trong dịp lễ tết, mà còn là món ăn vặt đường phố quen thuộc.
Cách làm bánh kếp Hàn Quốc là trộn bột mì, bột gạo, trứng và nước để tạo thành bột nhão, sau đó thêm hành tây, hẹ, cà rốt, hành hoa và các nguyên liệu khác vào. Ngoài ra, cho thêm kim chi thì sẽ là bánh kếp kim chi, thêm các loại hải sản như mực, hàu, chân cua và sò điệp v.v. thì sẽ trở thành bánh kếp hải sản. Bột được chiên với nhiều dầu cho đến khi có mùi thơm, rồi cắt miếng vừa ăn.
Món bánh này thường được chấm với nước sốt giấm Hàn Quốc. Cách làm nước sốt giấm: mỗi thìa nước tương Hàn Quốc thì cho thêm một thìa nước, rồi thêm nửa thìa giấm trắng, một ít đường và ớt bột Hàn Quốc.
-
Bánh Blini của Nga
Bánh Blini, một loại bánh kếp phổ biến ở Nga, Ukraine và các quốc gia Đông Âu, là loại bánh tròn nhỏ làm bằng bột mì hoặc bột kiều mạch, thường được ăn kèm với phô mai tvorog, kem, trứng cá muối, cá hồi hun khói, thì là, ở Trung Đông Âu thì thường được ăn kèm với kem chua (smetana).
Chiếc bánh tròn nhỏ dễ thương này có lịch sử rất lâu đời, ngay từ thời trước Công nguyên đã là món ăn của người Slav Đông, khi đó người Slav Đông tin rằng chiếc bánh tròn này là tượng trưng cho Mặt trời. Họ làm chúng vào cuối mùa đông để chào mừng sự trở lại của Mặt trời, đồng thời gọi tuần lễ đó là “tuần lễ bơ” (butter week) hay “tuần lễ bánh kếp” (pancake week). Truyền thống này sau đó đã được Chính thống giáo (Orthodox church) áp dụng, vì vậy bánh kếp vẫn trở nên rất phổ biến cho đến ngày nay.
-
Bánh Roti jala của Malaysia
“Roti jala” trong tiếng Malaysia có nghĩa là “bánh mì hình lưới”. Nó trông giống như một chiếc khăn trải bàn bằng ren màu kem. Món bánh rất đẹp mắt này là món ăn phổ biến ở Indonesia, Malaysia và Singapore.
Theo truyền thuyết, bánh Roti jala có nguồn gốc từ bang Johor, Malaysia. Rất lâu về trước, những người Malaysia ở đây đều làm nghề đánh cá, họ đã tìm thấy nguồn cảm hứng từ lưới đánh cá để tạo ra món bánh này.
Cách làm: Đầu tiên tạo ra một hỗn hợp bột bánh từ bột mì, nước cốt dừa (hoặc sữa), nước, trứng, bột nghệ và muối. Sau đó cho bột vào một cái khuôn có 5 lỗ, dùng bột vẽ hình tấm lưới trên chảo đáy bằng đã phết bơ, làm nóng chảo rồi chiên từ từ.
Thành phẩm có màu vàng tươi trông rất bắt mắt. Có thể ăn trực tiếp, cũng có thể ăn kèm với cà ri thay cho cơm.
-
Bánh kếp Đan Mạch (pancake puffs)
Những viên bánh kếp trông giống bánh takoyaki của Nhật Bản này là món tráng miệng truyền thống của người Đan Mạch. Chúng phải được chiên trên một loại bếp đặc biệt. Bột bánh được làm từ bột mì, sữa, trứng, đường và các nguyên liệu khác. Khi làm, bột được đổ vào khuôn hình cầu, các viên bánh kếp cần được lật 3~4 lần.
Ban đầu, bánh kếp Đan Mạch có nhân táo, nhưng hiện nay phần lớn là không nhân, khi ăn sẽ rắc đường bột lên và ăn kèm với mứt nam việt quất hoặc dâu tây. Bánh kếp Đan Mạch có kích thước bằng một trái bóng bi-a, có vị giòn bên ngoài và đặc bên trong.
-
Bánh chua của Ethiopia (injera)
Nếu bạn đang ở trong một nhà hàng nhỏ ở Ethiopia, hãy thử một chút món bánh kếp injera truyền thống. Khi người phục vụ mang món bánh này đến, thoạt nhìn có lẽ bạn sẽ không tìm thấy nó ở đâu, bởi vì injera chính là “tấm vải xám” bên dưới các món ăn phụ!
Injera còn được gọi là bánh chua, đây là món ăn quốc gia của Ethiopia, Eritrea và Somalia, là một trong những thực phẩm quan trọng nhất đối với người dân ở các quốc gia này. Nguyên liệu của món ăn này là một loại ngũ cốc đặc biệt của Phi Châu tên là “teff”. Teff là một loại ngũ cốc rất nhỏ, chỉ dài khoảng 1mm nhưng chứa rất nhiều chất xơ, sắt và calci.
Khi làm bánh injera, đầu tiên teff được nghiền thành bột, sau đó thêm nước và men lỏng còn sót lại từ quá trình lên men trước đó, rồi để bột lên men trong 2~3 ngày. Sau đó, bột được đổ vào chảo rán tròn lớn (gọi là mitads) và nướng trên củi lửa. Mặt tiếp xúc với chảo của bánh rất mịn và xốp, trông giống như một miếng bọt biển, rất dễ hấp thụ nước sốt. Các món ăn phụ sẽ được đặt trực tiếp lên trên bánh kếp này. Rất nhiều người thưởng thức món bánh này đều nói rằng nó mang theo hương vị hoang dã và nguyên thủy.
-
Bánh đậu gà của Ý (Farinata)
Bánh đậu gà của Ý (Farinata) là một loại bánh không lên men được làm từ bột đậu gà, nước, dầu ô liu và muối. Nó được kẹp trong bánh mì, cũng có thể rắc hương thảo hoặc hạt tiêu lên để ăn trực tiếp.
Cho đến ngày nay, vẫn chưa rõ nguồn gốc của Farinata. Tương truyền loại bánh này đã có từ thời La Mã, lúc đó binh lính La Mã dùng khiên để nướng bánh.
Theo truyền thống, Farinata được cắt thành các hình tam giác không đều và ăn trực tiếp, nhưng ở Tuscany, người ta thường kẹp Farinata trong bánh mì để ăn.
-
Bánh xèo của Việt Nam
Giống như bạn có thể hình dung ngay từ tên gọi của nó, món bánh kếp thơm ngon của Việt Nam này tỏa ra mùi thơm và âm thanh “xèo… xèo” khi chiên.
Phần vỏ của bánh xèo Việt Nam chủ yếu làm từ bột gạo, nước và bột nghệ, có thể mua bột bánh xèo Việt Nam đã pha sẵn ở các siêu thị Đông Nam Á. Nước cốt dừa hoặc nước dừa cũng có thể được thêm vào bột bánh xèo để làm cho vỏ bánh thơm hơn.
Bánh xèo Việt Nam có rất nhiều nhân, nhân bánh cũng có nhiều sự lựa chọn, và mỗi cửa hàng cũng có cách làm khác nhau. Nhân bánh thường là giá đỗ, thịt heo, tôm, xà lách và các nguyên liệu khác, khi ăn ngoài việc chấm với nước mắm chua ngọt của Việt Nam, bạn cũng có thể dùng rau xà lách lớn kẹp bánh và nhân để ăn cùng.
-
Bánh Arepa của Colombia
Arepa là một món ăn phổ biến ở Colombia và Venezuela. Đây là một loại bánh tortilla làm từ bột ngô đã lưu hành ở Nam Mỹ trong nhiều thế kỷ. Arepa trông hơi giống bánh nướng xốp kiểu Anh. Ở Nam Mỹ, Arepa được cắt làm đôi và ăn kèm với phô mai, cuajada hoặc bơ.
Trần Đình thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ