Ba niềm vui của các gia đình đông con nhiều cháu
Mặc dù thời nay các gia đình đông con là ngoại lệ hiếm hoi thay vì lẽ thường, nhưng họ vẫn có niềm vui trọn vẹn như thời xưa
Lấy bối cảnh là những năm đầu của thế kỷ 20, bộ phim “Cheaper by the Dozen” (“Nhà Có Một Tá Con”) trình chiếu hồi năm 1950 đã giới thiệu cho chúng ta về gia đình nhà Gilbreth: gồm một người cha, một người mẹ, và 12 người con.
Trong một cảnh phim, một đại diện của tổ chức Planned Parenthood (Tổ chức kế hoạch hóa Gia đình), được một người hàng xóm hay bông đùa dẫn đến nhà Gilbreth để thuyết phục bà Lillian Gilbreth làm trưởng chi nhánh tại địa phương của tổ chức này. Bà Lillian nói với vị khách này rằng bà cần tham khảo ý kiến của chồng, là ông Frank. Ông đi theo vợ mình trở lại phòng khách, chào người phụ nữ này một cách ngắn gọn, rồi huýt một cái còi. Một nhóm gồm các trẻ em, thanh thiếu niên và trẻ em chập chững biết đi, rầm rập lao xuống cầu thang và tề tựu quanh người cha của mình. Khi người đại diện đó biết rằng đám trẻ con ồn ào này là những người con ruột của bà Lillian và ông Frank thì bà kinh hoàng rời khỏi ngôi nhà của họ.
Dù thế nào đi nữa thì quy mô của gia tộc Gilbreth cũng khá ấn tượng, ngay cả khi cách đây một thế kỷ, nhưng thời đó có rất nhiều gia đình có năm, sáu, hoặc bảy người con.
Thời nay thì không còn nhiều gia đình đông con như thế nữa.
Với tỷ lệ sinh hiện tại của chúng ta là 1.78 trẻ em trên một phụ nữ, quy mô của các gia đình Mỹ đang nhỏ hơn bao giờ hết. Một gia đình có bốn người con, từng được xem là điều bình thường, lại là khá đông theo tiêu chuẩn thời nay.
Tuy vậy, không hẳn là thời nay không còn các gia đình đông con nữa.
Chúng ta hãy cùng dạo chơi và gặp gỡ một trong số những gia đình đông con nào.
Một số điểm căn bản
“Tôi nói với các con tôi rằng, ‘Đừng bao giờ kết hôn với một người Canada.’”
Lời khuyên đó là của cô Alex Klassen, một bà mẹ sáu con năng động và hóm hỉnh với em bé thứ 7 sẽ được hạ sinh vào tháng Ba. Sinh trưởng tại Ottawa, cô gặp gỡ chồng mình, anh Ron Klassen, khi đang theo học trường Cao đẳng Christendom ở Front Royal, tiểu bang Virginia, nơi gia đình hiện đang sinh sống.
Cô Alex kể lại những khó khăn và thủ tục giấy tờ khi nộp đơn nhập tịch Hoa Kỳ, kể cả khoảng thời gian mà cô và anh Ron phải trình diện trước các quan chức nhập cư với album ảnh cưới của họ để trả lời các câu hỏi và chứng minh cuộc hôn nhân của họ là thực sự chứ không phải là một mưu đồ nào đó nhằm giúp cô xâm nhập vào Hoa Kỳ.
“Lúc ấy, tôi đang mang thai bé thứ hai và bụng của tôi đã nặng lắm rồi,” cô nói, “và nhìn vẻ mặt của người đàn ông đó, tôi nghĩ ông ấy chỉ muốn tôi ra khỏi văn phòng trước khi tôi vỡ ối.”
Kết hôn đã được 18 năm, anh Ron hiện là một nhân viên thẩm định bảo hiểm làm việc tại nhà trong khi cô Alex là điều phối viên sự kiện bán thời gian cho Học viện Chelsea, một trường tư thục địa phương nơi 5 người con của cô đang theo học. Cô cũng thích lập kế hoạch cho các sự kiện như đám cưới và chuẩn bị bảng charcuterie (một khay thịt xông khói kết hợp với phô mai và trái cây) cho các bữa tiệc.
Nhưng hầu hết sự quan tâm của cô đều dành cho gia đình, chồng, và các con. Người con lớn nhất, cậu bé Timothy, đang học trung học phổ thông và có niềm đam mê thể thao. Em Ronald, một học sinh cấp 2, “thích những chiếc xe hơi sang trọng, đắt tiền, và đọc tạp chí ‘Xe Hơi và Tài Xế’ (Car and Driver).” Em Regina, 13 tuổi, biết chơi bóng chuyền và viết thư pháp rất giỏi, trong khi bé Grace, 10 tuổi, cũng thích bóng chuyền, thích đi học và có những người bạn. Giống như chị gái mình, cô bé 7 tuổi Stella là một người quảng giao và là người yêu sách nhất trong một gia đình toàn những người thích đọc sách. Mỗi ngày, cô bé thường dành một hoặc hai giờ để đọc sách cho cậu em trai Alexander 2 tuổi nghe.
Đối với anh Ron và cô Alex, và nhiều người láng giềng cũng như bằng hữu của họ trong khu Front Royal, những gia đình đông con là điều bình thường chứ không phải — như một số người nghĩ — là điều kỳ lạ hay bất thường. Cô Alex là con của một gia đình có chín người con, anh Ron là con cả trong một gia đình có bốn người con, và một trong những chị gái của cô Alex có đến 14 người con cả trai lẫn gái. Các buổi Thánh Lễ tại giáo xứ của họ tràn ngập trẻ em từ trẻ sơ sinh cho đến thanh thiếu niên, và một số bạn hữu của họ từ thời đại học cũng phải cặm cụi thay tã, đưa đón lũ trẻ đi học khiêu vũ, và giặt cả chồng quần áo hàng ngày.
Những khó khăn của một gia đình đông con
Khi được hỏi về những khó khăn của việc gánh vác một gia đình đông con, cô Alex đề cập đến việc chăm nom nhà cửa. Anh Ron đề cao sự ngăn nắp, và cô Alex muốn mọi thứ phải luôn luôn sạch bóng. Khi một người bạn hỏi cô về ba mẹo làm sạch các vật dụng cầm tay, cô Alex khuyên nên dùng nước xà bông nóng, những miếng giẻ lau bằng vải microfiber, và một chiếc máy hút bụi tốt. Cô phá lên cười khi kể lại câu chuyện về nhân viên sửa chữa máy hút bụi của hãng Dyson. Người nhân viên này đã ngạc nhiên khi thấy chiếc máy của cô vẫn còn tương đối mới nhưng đã cần bảo dưỡng rồi.
“Cô sử dụng chiếc máy hút bụi này thường xuyên không?” anh ta hỏi. “Tôi không biết,” cô đáp. “Có thể là 10 lần một ngày.” Anh ta nhìn cô và nói rằng, “Thưa cô, cô đúng là một người dùng máy hút bụi hàng loạt.”
“Trẻ con lúc nào cũng thật đáng yêu và vui vẻ,” cô nói về cuộc chiến của mình với bụi bặm và sự bừa bãi. “Nhưng các cháu cũng rất bừa bộn.”
Giống như tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang phải trông nom những gia đình đông con, lạm phát đã ảnh hưởng đến ngân sách gia đình. Với ngôi trường chỉ cách đó một dặm (≈1.6 km) và văn phòng anh Ron đặt tại nhà, giá xăng không mang lại nhiều lo lắng, nhưng nhu yếu phẩm là một vấn đề khác. Giống như bất kỳ nhà quản lý giỏi nào, cô Alex phải quan tâm đến từng chi tiết.
“Chỉ một năm trước, 4 pounds (≈1.8 kg) bơ ở cửa hàng Costco chỉ có giá 10 USD, vậy mà giờ đây đã lên đến 14 USD rồi,” cô nói.
Những niềm vui của gia đình đông con
Nhưng đối với cô Alex và anh Ron, những khó khăn đó chỉ là những điều nhỏ nhặt so với niềm vui mà bọn trẻ mang lại cho họ. Khi nhớ lại một số khoảnh khắc gia đình đặc biệt đối với cô, cô Alex trở nên trầm ngâm và tư lự hơn.
“Tôi nghĩ rằng khoảng thời gian yêu thích mỗi ngày của tôi là lần chuỗi Mân Côi cầu nguyện cùng gia đình,” cô nói sau một hồi ngẫm nghĩ. “Tôi nhìn bọn trẻ xung quanh và thấy chúng tôi được ban phước lành nhiều thế nào.”
Là một người Canada bản xứ, cô không hứng thú với bóng bầu dục Mỹ, nhưng anh Ron lớn lên ở Kansas, anh và các con là những cổ động viên cuồng nhiệt của đội bóng Kansas City Chiefs.
“Tôi thấy thật hạnh phúc khi vừa chuẩn bị bữa ăn ngày Chủ Nhật vừa nghe mấy cha con cổ vũ và hò hét trước truyền hình,” cô Alex cười nói. “Người Mỹ là vậy đó.”
Khi được đề nghị đưa ra lời khuyên cho các bà mẹ khác, cô Alex nhanh chóng đưa ra câu trả lời.
Cô nói: “Khi ở cửa hàng bách hóa, hầu như người mẹ nào cũng đều có những lúc nhận được những lời khuyên từ những người lớn tuổi hơn về việc nên tận hưởng những giây phút vui vẻ bên các con khi còn có thể, vì bọn trẻ lớn rất nhanh.Tôi hy vọng các bà mẹ sẽ thực sự lắng nghe lời khuyên đó, vì điều ấy rất đúng.”
Cần nhìn nhận một bức tranh toàn cảnh
Các bậc cha mẹ có đông con cũng quen với việc có những người lạ đến gần họ trong các cửa hàng và nhận xét, “Chắc anh/chị bận tối mắt tối mũi nhỉ” hoặc hỏi là, “Tất cả những đứa bé đó là con của anh/chị ư?” Họ cũng đã quen với việc một số người thân hoặc bằng hữu hỏi họ sau mỗi lần mang thai rằng liệu họ đã “xong việc” [sinh đẻ] chưa.
Một vài người phụ nữ mà tôi biết khi đến bệnh viện sinh em bé thứ ba hoặc thứ tư đã được các nhân viên y tế ở đó hỏi xem liệu họ có muốn thắt ống dẫn trứng khi ở bệnh viện luôn không. Những bậc cha mẹ này cũng biết rằng có một số người thường xem con người là mối nguy hại hơn là điều quý báu đối với hành tinh này, xem họ như những kẻ ích kỷ không nhìn thấy điều được cho là “những dấu vết carbon” mà họ đang tạo ra bằng việc có con.
Có một sự thật trái ngược không mấy được đề cập trong lời phê phán này. Kể từ đầu thế kỷ 21, giống như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Hoa Kỳ đang thất bại trong việc thay thế dân số bản địa hiện có của mình. Trong bài báo “Các Nền Văn Minh Sẽ Được Quyết Định Như Thế Nào” (“How Civilizations Will Be Decided”), một bài báo gần đây đã xuất hiện trên The Epoch Times dưới dạng một bài đăng lại từ Viện Gatestone, ký giả Giulio Meotti đã đưa ra một phân tích xuất sắc về các nhóm dân cư đang suy giảm này và những vấn đề mà họ gây ra trong hiện tại và trong tương lai gần.
Ở một số quốc gia như Nhật Bản, Nam Hàn, và Đài Loan, không còn đủ thanh niên để nhập ngũ. Từng nổi tiếng nhờ các gia đình đông con, gắn bó mật thiết, nhưng dân số của Ý, giống như hầu hết các nước Âu Châu khác, đều đang suy giảm.
Ký giả Meotti viết: “Đến năm 2050, 60% người Ý sẽ không có anh, chị, em ruột; anh, chị, em họ hoặc cô, dì, chú, bác.”
Sớm muộn gì thì hậu quả của tình trạng khan hiếm sinh nở này có thể sẽ trở thành một vấn đề khủng hoảng xã hội. Chỉ cần xét một ví dụ thôi: Ở Hoa Kỳ lẫn ở ngoại quốc, sự dịch chuyển dân số này sẽ dẫn đến việc càng ngày càng có nhiều người cao tuổi cần mọi thứ từ hỗ trợ y tế đến An sinh Xã hội, nhưng lại càng ngày càng ít người trẻ làm việc để chi trả cho các khoản chăm sóc đó.
Và quan trọng hơn là …
Không giống như tổ tiên xa xưa của họ, thời nay, nhiều bậc cha mẹ Mỹ có đông con lựa chọn làm như vậy. Một số người tuân theo các nguyên lý trong đức tin tôn giáo của họ nên luôn cởi mở với việc sinh sản và sự sống, nhưng không ai khinh khi trẻ em hoặc than vãn vì những trách nhiệm của việc làm cha làm mẹ lại muốn sinh nhiều con.
Tôi biết rất nhiều bậc cha mẹ của những gia đình đông con rất quý trọng con trai và con gái của họ, họ hướng dẫn các con học hành, giáo dục các con về đức tin tôn giáo, và cố gắng giúp các con trở thành những người trưởng thành có đạo đức, chăm chỉ, và giàu lòng trắc ẩn. Những bậc cha mẹ này đáng được tán dương, chứ không đáng bị chỉ trích.
Khi vào cửa tiệm bách hóa, quý vị nhìn thấy một bà mẹ dẫn theo năm hoặc sáu đứa trẻ, một ngày nào đó, những đứa trẻ này sẽ lớn lên. Các em sẽ trở thành các bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, thợ sửa ống nước, và cũng sẽ trở thành những bậc cha mẹ. Các em sẽ là những người bỏ ra những đồng tiền khó nhọc kiếm được để nộp thuế, đóng vai trò bảo vệ đất nước của chúng ta, và chi trả cho An sinh Xã hội.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times.