BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Quỹ Trudeau và khoản đóng góp của Trung Quốc – Toàn bộ cuộc luận chiến này là về điều gì?
Tâm điểm của cuộc luận chiến xung quanh Quỹ Pierre Elliott Trudeau là một khoản quyên góp của hai nhân vật có liên hệ với chính quyền Trung Quốc và các cáo buộc nói rằng khoản quyên góp này nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến ông Justin Trudeau, người sau này trở thành thủ tướng của Canada.
Kể từ đó, các diễn biến gây tranh cãi khác đã xảy ra, bao gồm cả việc vị thủ tướng này bổ nhiệm các cựu thành viên của Quỹ Trudeau để điều tra các vấn đề can thiệp của ngoại quốc, sự gần gũi của ông Trudeau hoặc văn phòng của ông với quỹ này và các thành viên của quỹ này, và cách giải quyết của quỹ này đối với khoản đóng góp của Trung Quốc.
Quỹ Pierre Elliott Trudeau
Quỹ Trudeau được thành lập năm 2001 để vinh danh cố thủ tướng Pierre Trudeau. Quỹ này đã được chính phủ liên bang cấp cho một khoản tài trợ trị giá 125 triệu USD.
Tổ chức từ thiện này cung cấp các chương trình cố vấn, học bổng, và hội viên tập trung vào việc phát triển khả năng lãnh đạo của các học giả trong các lĩnh vực học thuật khác nhau. Quỹ này được điều hành bởi hai cơ quan, các thành viên của quỹ và một hội đồng quản trị, với giới hạn là 30 thành viên và 18 giám đốc. Các thành viên bầu giám đốc vào hội đồng quản trị, từ đó quản lý các hoạt động của quỹ này.
Các giám đốc được bầu với nhiệm kỳ hai năm có thể gia hạn được. Hai ghế dành cho các giám đốc do Bộ trưởng Đổi mới, Khoa học, và Phát triển Kinh tế bổ nhiệm, và hai ghế khác dành cho các đại diện của gia đình ông Pierre Trudeau. Sáu ghế được dành cho các thành viên do bộ trưởng bổ nhiệm, và ba ghế khác dành cho các quản tài viên kế nhiệm ông Pierre Trudeau.
Các con của ông Trudeau, bao gồm cả thủ tướng đương nhiệm Justin Trudeau, đã từng là thành viên của quỹ. Ông Justin Trudeau cho biết ông đã tạm dừng mối quan hệ của mình với quỹ này sau khi trở thành lãnh đạo của Đảng Tự Do vào năm 2013.
Em trai của ông Justin Trudeau, ông Alexandre, hiện là một thành viên của quỹ này. Em gái của họ, bà Sarah Coyne, nằm trong hội đồng quản trị nhưng đã từ chức vì những tranh cãi gần đây.
Các cựu thành viên hoặc cựu giám đốc trứ danh của quỹ này bao gồm cựu Toàn quyền David Johnston và cựu thủ hiến Peter Lougheed của Alberta, cùng nhiều người khác trong giới chính trị.
Một phân tích của National Post cho thấy các khoản quyên góp cho quỹ này đã tăng đáng kể vào năm 2013 sau khi ông Trudeau trở thành lãnh đạo Đảng Tự Do. Trước năm 2013, số tiền quyên góp nhận được là khoảng 62,000 USD mỗi năm. Nhưng sau đó đã tăng lên 254,000 USD vào năm 2013 và lên hơn 600,000 USD vào năm 2015 và năm 2016 sau khi ông Trudeau trở thành thủ tướng. Đồng thời, các khoản đóng góp của ngoại quốc bắt đầu xuất hiện từ năm 2014 trở đi, đạt đến 535,000 USD vào năm 2016.
Đóng góp của Trung Quốc
Cuộc luận chiến xung quanh tác động ảnh hưởng của Trung Quốc lần đầu tiên nhen nhóm vào năm 2016, khi The Globe and Mail đưa tin rằng ông Trudeau đã tham dự một buổi gây quỹ bằng tiền mặt để đổi lấy quyền tiếp cận ở Vancouver, nơi doanh nhân có liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc Trương Bân (Zhang Bin) cũng tham dự. Vài tuần sau sự kiện đó, Quỹ Trudeau và Khoa Luật của Đại học Montreal — trường học và nơi làm việc cũ của ông Pierre Trudeau — thông báo đã nhận được khoản quyên góp trị giá 1 triệu USD từ ông Trương và một công dân Trung Quốc giàu có khác.
Ông Trương là một thành viên của Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc lần thứ 12, một cơ quan cố vấn chính trị bên trong chính quyền cộng sản này.
Trong bối cảnh các đảng đối lập yêu cầu điều tra bất kỳ lo ngại nào về việc gây ảnh hưởng, ủy viên giám sát đạo đức đương thời Mary Dawson cho biết không có bằng chứng nào cho thấy ông Trudeau có bất kỳ vai trò nào trong việc thu hút tiền tài trợ từ ông Trương, vì thỏa thuận quyên góp này đã được thương lượng sau khi ông Trudeau không còn liên quan đến quỹ này.
Tuy nhiên, các thành viên Đảng Tự Do đã dừng các sự kiện gây quỹ bằng tiền mặt để đổi lấy quyền tiếp cận sau vụ lùm xùm đó.
Cuộc luận chiến tăng lên vài bậc trong những tháng gần đây sau khi các hãng thông tấn đưa tin về thông tin tình báo bị rò rỉ đã tiết lộ thêm về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc tại Canada.
Một bài báo hôm 28/02 của Globe and Mail dẫn lời các quan chức an ninh quốc gia cho biết năm 2014, Cơ quan Tình báo An ninh Canada đã ghi được một cuộc trò chuyện giữa một nhà ngoại giao Trung Quốc và ông Trương, trong đó nhà ngoại giao này chỉ thị cho ông Trương quyên góp cho Quỹ Trudeau. Nhà ngoại giao này được cho là đã nói với ông Trương rằng Đảng Tự Do, lúc đó do ông Trudeau lãnh đạo, có khả năng sẽ chiến thắng Đảng Bảo Thủ cầm quyền trong cuộc bầu cử năm 2015, và Bắc Kinh sẽ hoàn trả cho ông ta số tiền quyên góp đó.
Trong số tiền quyên góp đó, thì 140,000 USD đã được chuyển đến Quỹ Trudeau. Lãnh đạo Đảng Bảo Thủ Pierre Poilievre đã yêu cầu em trai của ông Trudeau, ông Alexandre, xuất hiện trước một ủy ban quốc hội vì ông này “là người đã đàm phán và ký thỏa thuận nhận tiền.”
Các cuộc điều tra về can thiệp bầu cử
Trong bối cảnh những tiết lộ gần đây về sự can thiệp của Trung Quốc vào các cuộc bầu cử liên bang năm 2019 và 2021, chính phủ Đảng Tự Do đã đưa ra một vài sáng kiến và các cuộc điều tra để bảo đảm tính liêm chính bầu cử. Nhưng bản thân những người được bổ nhiệm đứng đầu các cuộc điều tra của chính phủ ông Trudeau đã gây tranh cãi vì mối liên hệ của họ với Quỹ Trudeau.
Hôm 27/02, Đảng Bảo Thủ đã chỉ trích việc bổ nhiệm cựu chủ tịch và Giám đốc điều hành của Quỹ Trudeau, ông Morris Rosenberg, để đưa ra một bản báo cáo về sự can thiệp của ngoại quốc vào cuộc bầu cử năm 2021. Ông Rosenberg, cựu thứ trưởng bộ ngoại giao, từng là chủ tịch và giám đốc điều hành của Quỹ Trudeau từ tháng 08/2014 đến tháng 07/2018.
Gây tranh cãi nhất là việc Thủ tướng Trudeau bổ nhiệm cựu Toàn quyền David Johnston làm báo cáo viên đặc biệt để điều tra sự can thiệp của ngoại quốc. Các đảng đối lập nói rằng có những vấn đề xung đột lợi ích vì ông Johnston là một bằng hữu của gia đình Trudeau và từng là thành viên của Quỹ Trudeau.
Ông Trudeau đã bảo vệ việc bổ nhiệm ông Johnston và ca ngợi nhân cách của ông. Ông cũng từ chối lời kêu gọi của phe đối lập nhằm tổ chức một cuộc điều tra công khai về vấn đề can thiệp bầu cử, thay vào đó nói rằng chính phủ sẽ tổ chức một cuộc điều tra nếu ông Johnston quyết định rằng một cuộc điều tra là cần thiết.
Rút khỏi hội đồng quản trị và hậu quả
Hôm 01/03, không lâu sau khi the Globe đưa tin về khoản đóng góp của Trung Quốc và những liên hệ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Quỹ Trudeau cho biết họ sẽ trả lại số tiền này.
Tuy nhiên, tranh cãi tiếp tục xảy ra sau khi La Presse đưa tin hôm 12/04 rằng quỹ này trên thực tế đã không trả lại khoản tiền đó. Trích dẫn những người trong cuộc ẩn danh tại quỹ này và một tài liệu nội bộ, La Presse cho biết số tiền không thể được trả lại vì tên trên tờ ngân phiếu quyên góp không cùng tên với người quyên góp thực sự.
Toàn bộ ban lãnh đạo của quỹ này, cụ thể là hội đồng quản trị cũng như chủ tịch và giám đốc điều hành, đã tuyên bố từ chức hồi tháng Tư, với ba giám đốc đồng ý ở lại trên cơ sở tạm thời để duy trì các hoạt động.
Hôm 13/04, Lãnh đạo Khối Québécois Yves-Francois Blanchet đã kêu gọi Văn phòng Tổng Kiểm toán điều tra khoản quyên góp vào quỹ này. Ngày hôm sau, ông Poilievre yêu cầu Cơ quan Thuế vụ Canada kiểm toán quỹ này, tập trung đặc biệt vào khoản quyên góp được cho là có liên quan đến Bắc Kinh.
Chủ tịch hội đồng quản trị lâm thời của quỹ này đã hoan nghênh cuộc điều tra của Tổng Kiểm toán Karen Hogan. Hôm 18/04, bà Hogan cho biết văn phòng của bà đang đánh giá xem quy định của họ có cho phép tiến hành một cuộc điều tra như vậy đối với quỹ này hay không.
Văn phòng Thủ tướng (PMO) liên lạc với quỹ
Một bài báo khác của La Presse hôm 14/04 tuyên bố rằng mặc dù thủ tướng đã nói rằng có “một bức tường” ngăn cách văn phòng của ông với Quỹ Trudeau, nhưng văn phòng của ông đã liên lạc với quỹ này vào năm 2016 sau khi tờ Globe tiết lộ khoản quyên góp của ông Trương. Văn phòng Thủ tướng được cho là đã biện minh cho hành động này, nói rằng việc nhân viên thu thập thông tin về các vấn đề mà thủ tướng có thể được phỏng vấn là điều bình thường.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times