Tại sao nhà nghiên cứu này cho rằng dịch bệnh tiếp theo có thể là virus Nipah do Trung Quốc phát triển
Bác sĩ-khoa học gia thảo luận về nghiên cứu đầy rủi ro của Trung Quốc, cách sử dụng các mẫu virus từ Canada, và những hậu quả bất lợi tiềm ẩn
Tiến sỹ Steven Quay, bác sĩ-khoa học gia kiêm tác giả, cho rằng đợt bùng phát dịch SARS vào đầu những năm 2000, từng khiến hàng ngàn người trên toàn thế giới bị nhiễm bệnh và nhiều người tử vong, là một thời cơ để Bắc Kinh học hỏi về mức độ nguy hiểm của những loại virus này.
Tiến sỹ Quay, từng là giảng viên của Trường Y khoa thuộc Đại học Stanford và hiện là Tổng giám đốc của Atossa Therapeutics, nói với The Epoch Times: “Họ bắt đầu xem đây là vũ khí sinh học tiềm năng.”
Sau đại dịch COVID-19, Tiến sỹ Quay lo sợ bệnh dịch tiếp theo có thể ở mức độ gây tử vong nhiều hơn nếu nghiên cứu đầy rủi ro về virus Nipah tại các phòng thí nghiệm như Viện Virus học Vũ Hán (WIV) tiếp tục không suy giảm.
Ông nói, “Nếu người ta có thể tạo ra một loại vaccine cho chính người dân của mình trước khi phát hành loại vaccine đó … thì họ thực sự có thể tạo ra một hiệu quả khác biệt. Và đó chính là vũ khí kinh tế, và là vũ khí của sự sợ hãi.”
Tiến sỹ Quay cho biết có bằng chứng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành việc thiết kế virus Nipah trong phòng thí nghiệm có tính rủi ro cao. Một số bằng chứng gồm có dữ liệu từ WIV, một mặt khác còn có liên quan đến việc chuyển các mẫu virus chết người từ phòng thí nghiệm bảo mật cao của Canada ở Winnipeg tới Trung Quốc.
Nipah, một loại virus có thể lây truyền từ động vật như dơi hoặc heo sang người, có tỷ lệ tử vong rất cao, dao động từ 40% đến 75%. Một số đợt bùng phát virus này từng xảy ra đã được biết đến, tất cả đều ở châu Á.
Tiến sỹ Quay cho rằng nếu các nhà nghiên cứu làm cho việc lây truyền Nipah trở nên dễ dàng hơn thì hậu quả sẽ rất thảm khốc.
Ông nói, “Nếu họ biến loại virus này thành khí dung thì nền văn minh của chúng ta sẽ kết thúc.”
Tiến sỹ Lâm Hiểu Húc (Sean Lin), cựu giám đốc phòng thí nghiệm virus học tại Bệnh viện Lục quân Walter Reed ở Maryland, cho biết việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chuyên chú vào virus Nipah này khiến ông lấy làm lo ngại.
“Những người nhiễm Nipah có thể mắc các hội chứng bệnh lý thần kinh. Họ có thể bị tổn thương não nghiêm trọng. Nhưng họ không tử vong ngay lập tức, không giống như khi bị nhiễm Ebola. Vì vậy, virus này có thể có cơ hội tốt hơn để lây lan thêm từ vật chủ bị nhiễm bệnh,” ông Lâm, một cộng tác viên cho The Epoch Times, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
“Nếu vật chủ có thể sống được lâu hơn và truyền virus từ người sang người nhiều hơn thì đó sẽ là một vũ khí sinh học tốt hơn. Đó là lý do tại sao ĐCSTQ rất quan tâm đến virus Nipah, và đó là lý do tại sao tôi nghĩ loại virus này rất nguy hiểm.”
Nhà vi trùng học người Mỹ Richard Ebright đồng ý rằng, do những rủi ro liên quan, nên cần cấm việc nghiên cứu để tăng mức độ gây tử vong hoặc khả năng lây truyền, còn được gọi là tăng chức năng (gain-of-function).
“Nghiên cứu tăng chức năng và nghiên cứu mầm bệnh đại dịch tiềm ẩn được gia tăng trên virus Hennipah gây những ra rủi ro cao đến mức không thể chấp nhận được. Loại nghiên cứu như vậy nên bị cấm, ở cả Hoa Kỳ lẫn các quốc gia khác,” ông Ebright, giáo sư hóa học và sinh hóa tại Trường Khoa học và Nghệ thuật Rutgers-New Brunswick, đã viết trong một bức thư điện tử. Nipah là một loại virus Henipah.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ đã đưa virus Nipah vào danh sách các chất khủng bố sinh học tiềm ẩn mà chính phủ Hoa Kỳ cần phải lường trước với mức độ ưu tiên cao nhất.
Các bằng chứng
Đánh giá của Tiến sỹ Quay về sự tham gia của WIV vào nghiên cứu Nipah đầy rủi ro là dựa trên dữ liệu ban đầu mà các nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm này đưa vào trong một bài nghiên cứu đã được xuất bản.
Ông cho biết, trọng tâm chính của bài nghiên cứu này là việc kiểm tra các bệnh nhân COVID-19 giai đoạn đầu vào tháng 12/2019, nhưng dữ liệu ban đầu là gồm 20 tạp chất không mong muốn đã xuất hiện do lây nhiễm chéo từ các nghiên cứu khác của WIV.
Đối với 19 tạp chất trong số đó, chẳng hạn như của gene cây kim ngân hoa, Tiến sỹ Quay đã có thể tìm thấy các bài nghiên cứu tương ứng do WIV xuất bản, trong đó xác nhận rằng phòng thí nghiệm này đã tiến hành nghiên cứu về gene này và WIV sẵn sàng công khai thừa nhận đang nghiên cứu loại gene đó. Nhưng đối với một trong những tạp chất mà ông phát hiện — virus Nipah — không có bài nghiên cứu nào được xuất bản.
Ông nói, “Đó không chỉ là những mẫu virus, mà đó là những mẫu virus ở hình thức được gọi là một dạng nhân bản dễ lây nhiễm.”
Lấy hình ảnh tay cầm của một chiếc chảo chiên làm phép ẩn dụ, Tiến sỹ Quay cho biết loại virus đã được phát hiện này có “tay cầm” sinh học tổng hợp để “đưa các gene di chuyển vòng quanh.”
“Chúng tôi phát hiện rằng virus Nipah trong những tay cầm này rất thường được sử dụng để tạo ra các bản sao dễ lây nhiễm. Điều này hoàn toàn đi ngược lại tất cả các quy ước về vũ khí sinh học,” ông nói.
Bằng chứng còn lại đối với nhà nghiên cứu này là việc Phòng thí nghiệm Vi sinh Quốc gia (NML) ở Winnipeg đã chuyển các chủng Nipah và Ebola cho WIV vào tháng 03/2019.
Bà Khưu Hương Quả (Xiangguo Qiu), cựu khoa học gia của NML, đã giúp tạo thuận tiện cho việc chuyển giao này. Bà Khưu sau đó đã bị sa thải khỏi phòng thí nghiệm cùng với chồng bà, cũng là đồng nghiệp, nhà khoa học Thành Khắc Định (Keding Cheng), vì họ có mối quan hệ với chính quyền và quân đội Trung Quốc mà không tiết lộ. Một trong những mối lo ngại mà Cơ quan Tình báo An ninh Canada (CSIS) cảnh báo chính là việc bà Khưu đã hợp tác với các tướng lĩnh cấp cao của Trung Quốc chuyên phụ trách nghiên cứu về khủng bố sinh học và phòng vệ sinh học.
Tiến sỹ Quay ban đầu không biết liệu các mẫu virus mà Canada gửi đi có được sử dụng trong nghiên cứu mang tính rủi ro tương tự hay không. Nhưng sau đó ông quan sát thấy chủng Nipah mà ông phát hiện ở WIV là chủng Bangladesh. Và một trong những chủng mà Canada đã gửi đến phòng thí nghiệm Vũ Hán cũng là chủng Bangladesh.
“Tôi đã dành khoảng ba tiếng để nghiên cứu bộ gene của cả hai chủng này để biết chắn rằng các chủng này giống hệt nhau hay không, và [đúng là] các chủng này giống hệt nhau,” ông cho hay.
“Chủng này đến WIV vào tháng 03/2019. Sau đó, mất một hoặc hai hoặc ba tuần để đưa chủng này vào một vật chủ trung gian, và tôi tìm thấy chủng này trong một vật chủ trung gian vào tháng 12/2019 từ phòng thí nghiệm. Đó là thời điểm thật hoàn hảo.”
Một căn cứ khác đối với Tiến sỹ Quay là bài thuyết trình năm 2019 của bà Thạch Chính Lệ (Shi Zhengli), giám đốc WIV, người thường được gọi là “quý bà dơi” vì công trình nghiên cứu của bà về virus corona ở dơi.
Tiến sỹ Quay cho biết bài thuyết trình của bà Thạch tại Hội nghị Quốc tế về Virus Nipah ở Singapore, được tổ chức từ ngày 09 đến ngày 11/12 cùng năm đó, cho thấy có sự tham gia của Trung Quốc vào việc nghiên cứu về Nipah.
“Vậy là có ba bằng chứng: Canada chuyển [mẫu virus] cho WIV vào tháng Ba [2019]. Tôi phát hiện ra Nipah sinh học tổng hợp, tăng chức năng, đã được đưa vào một vật chủ trung gian vào tháng Mười Hai. Và [bài thuyết trình] của bà Thạch tại một hội nghị vào tháng Mười Hai nói về việc thực hiện nghiên cứu trên Nipah,” ông kết luận.
Ông Lâm nói rằng sự kiện bà Khưu, nhà khoa học đã bị sa thải khỏi phòng thí nghiệm Winnipeg, đã mạo hiểm khi thu hút quá nhiều sự chú ý bằng cách tạo thuận tiện cho việc vận chuyển các virus này đến WIV, cho thấy tầm quan trọng của virus này đối với Trung Quốc.
“Điều đó có nghĩa là ĐCSTQ quan tâm đến loại virus Nipah có thể gây bệnh cao như vậy,” ông nhận định.
Mặc dù các chủng virus này đã được vận chuyển dưới sự chấp thuận của ban quản lý phòng thí nghiệm, nhưng các đảng đối lập và bộ trưởng an toàn công cộng đương nhiệm cho biết họ rất ngạc nhiên khi biết về việc vận chuyển này.
Cơ quan Y tế Công cộng Canada, là cơ quan giám sát NML, trước đây đã nói với The Epoch Times rằng các chuyến hàng được thực hiện theo các thủ tục và quy định thích hợp.
Ông Lâm nói rằng các trung tâm nghiên cứu và chính phủ ở Tây phương không nên xem các trung tâm nghiên cứu của Trung Quốc như bất kỳ viện học thuật nào khác, vì các trung tâm đó là có nghĩa vụ với quân đội Trung Quốc.
“Dưới cơ chế hợp nhất quân sự-dân sự của ĐCSTQ, nhiều viện nghiên cứu có thể dễ dàng kết hợp với các nhiệm vụ quân sự,” ông nói.
‘Tích cực thí nghiệm’
Vào năm 2012, Trung Quốc đã báo cáo các trường hợp nhiễm loại virus giống Nipah ở các thợ mỏ ở phía nam của quốc gia này. Loại virus này được đặt tên là virus Mặc Giang (Mojiang), theo tên huyện Mặc Giang ở tỉnh Vân Nam, nơi có hầm mỏ.
Mỏ này trở nên nổi tiếng hơn sau đại dịch khi người ta biết rằng bà Thạch của WIV đã phát hiện ra virus corona RaTG13 từ những con dơi trong cùng hầm mỏ này vào năm 2013. Ông Lâm lưu ý rằng RaTG13 rất gần với SARS-COV-2, chủng virus đã gây ra đại dịch COVID-19. Ông nói thêm rằng chính quyền Trung Quốc ngăn cản các nhà khoa học và ký giả bên ngoài tiến hành các cuộc điều tra sâu hơn về khu mỏ này.
Vào năm 2022, một chủng khác thuộc họ Henipah, chủng này có tên là virus Lang Da (Langya), được tìm thấy ở các tỉnh Sơn Đông và Hà Nam của Trung Quốc. Ông Lâm cho biết, không phải virus Nipah hay Hendra, vốn là những loại virus Henipa được biết đến một cách phổ biến hơn, mà virus Lang Da mới là gần giống với virus Mặc Giang nhất.
Theo một bài nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc chuyên nghiên cứu về trường hợp này, được công bố trên New England Journal of Medicine (Tập san Y học New England), các mầm bệnh khác còn được phát hiện ở 9 trong số 35 bệnh nhân bị nhiễm virus Lang Da. Những bệnh nhân này mang virus Hanta và bị sốt cao kèm virus hội chứng giảm tiểu cầu (SFTSV). Ông Lâm lưu ý rằng mặc dù virus Hanta và SFTSV đã trở thành bệnh dịch đặc hữu ở Sơn Đông và Hà Nam, nhưng việc tìm thấy cả ba loại virus này trong một mẫu cỡ nhỏ vẫn là điều rất bất thường. Ông cũng lưu ý rằng các loại virus này rất nguy hiểm, nhưng không có bệnh nhân nào trong số đó tử vong do bị nhiễm những loại virus này.
“Tôi nghi ngờ rằng ĐCSTQ đang tiến hành một số thử nghiệm tại chỗ đối với các loại virus hiếm khác nhau để xem loại nào có thể lây truyền ở động vật và sau đó lây sang người, bởi vì rất hiếm khi con người nhiễm hai hoặc ba loại virus hiếm cùng một lúc,” ông Lâm nói.
Điều này làm tăng thêm sự nghi ngờ của ông rằng các tác giả chính của bài nghiên cứu đến từ Viện Vi sinh và Dịch tễ học Bắc Kinh, còn được gọi là Viện Vi sinh và Dịch tễ học, Học viện Khoa học Quân y, trực thuộc Quân Giải phóng Nhân dân.
Ông nói: “Tôi nghĩ ĐCSTQ đang tích cực thử nghiệm các phiên bản khác nhau của virus Henipah để xem liệu loại virus này có khả năng thích ứng hơn nữa với khả năng lây nhiễm ở người hay không.”
‘Nền văn minh sẽ kết thúc’
Tiến sỹ Quay cho biết đại dịch Cái Chết Đen xảy ra vào thế kỷ 14 đã khiến châu Âu thụt lùi lại 250 năm.
Ông cho rằng, trong thế giới hiện đại, nếu một đại dịch nghiêm trọng đến mức dân số giảm đi rất nhiều cùng với sự đứt gãy của chuỗi cung ứng năng lượng và thực phẩm quan trọng, gián đoạn giao thông vận tải, và mất đi các dịch vụ như trị an, cứu hỏa, và bệnh viện, thì “nền văn minh sẽ kết thúc.”
Ông cho biết thêm, điều này có thể xảy ra với một đại dịch do một loại virus có khả năng gây tử vong từ 50% trở lên gây ra.
“SARS-CoV-2 có dưới 1% [tử vong]. Vì vậy, họ đang nghiên cứu bệnh cúm, họ đang nghiên cứu Nipah, họ đang nghiên cứu MERS. Tất cả những loại virus đó đều có tỷ lệ gây tử vong từ 30 đến 70%.
Nguy cơ cao hơn
Tiến sỹ Quay nói rằng kể từ đại dịch COVID-19, nhiều quốc gia đã thành lập các phòng thí nghiệm để nghiên cứu virus, và điều này làm tăng thêm lo ngại về các đợt bùng phát xảy ra nếu việc nghiên cứu đầy rủi ro đang diễn ra.
“Chúng ta có thêm 50% các phòng thí nghiệm thực hiện loại công việc nguy hiểm này trên khắp thế giới, và hơn một nửa trong số đó nằm ở các quốc gia mà Liên Hiệp Quốc xác định là không ổn định về mặt chính trị.”
“Điều đó có nghĩa là gì? Chà, nếu xảy ra một cuộc nội chiến hoặc có sự lật đổ nào đó, đột nhiên một phòng thí nghiệm với tất cả những mầm bệnh này sẽ nằm dưới sự kiểm soát của những người mà lẽ ra không nên kiểm soát.”
Ông Lâm đồng ý rằng việc phổ biến rộng rãi các nghiên cứu đầy rủi ro về mầm bệnh có thể gây tử vong đặt ra một mối nguy hiểm khôn lường.
“Với sự tiến bộ của công nghệ sinh học, công nghệ kỹ thuật di truyền, con người đang thực hiện ngày càng nhiều thí nghiệm nguy hiểm hơn.”
Vân Sa biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times