Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott hy vọng người dân sẽ thoát khỏi ‘sự thống trị của chế độ cầm quyền ĐCSTQ
Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott nói rằng ông hy vọng theo thời gian, người dân Trung Quốc sẽ thoát khỏi chế độ cộng sản ở Trung Quốc.
OTTAWA—Cựu Thủ tướng Úc Tony Abbott nói rằng ông hy vọng theo thời gian, người dân Trung Quốc sẽ thoát khỏi chế độ cộng sản ở Trung Quốc.
“Tôi nghĩ rằng theo thời gian khoảng một triệu người Úc gốc Hoa sẽ trở thành tác nhân gây ảnh hưởng của Úc ở Trung Quốc chứ không phải ngược lại,” ông Abbott nói tại hội nghị Mạng lưới Tự do và Mạnh mẽ Canada ở thủ đô Ottawa hôm 12/04.
“Bởi vì theo thời gian, chúng ta thực sự phải hy vọng rằng anh chị em của chúng ta ở Trung Quốc sẽ thoát khỏi ách thống trị của cộng sản.”
Buổi tọa đàm của ông Abbott là một phần của phiên thảo luận tại hội nghị tập trung vào các hoạt động can thiệp của Trung Quốc. Vấn đề này đang được chú ý ở Canada trong bối cảnh thông tin tình báo bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông về sự can thiệp sâu rộng của Bắc Kinh vào các cuộc bầu cử ở Canada và các vấn đề nội bộ khác.
Ông Abbott nhấn mạnh rằng điều quan trọng là phải phân biệt giữa người dân Trung Quốc và chính quyền cộng sản ở Trung Quốc.
Ông nói: “Chính chế độ Trung Quốc, chính phủ Bắc Kinh, mới là vấn đề.”
‘Nguy hiểm hơn so với Chiến tranh Lạnh’
Trong phần tọa đàm của mình, ông Abbott cho biết phương Tây đang tham gia vào cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc cộng sản, một cuộc chiến nguy hiểm hơn so với cuộc chiến tranh với Liên Xô ở thế kỷ trước.
“Đây là cuộc chiến tranh lạnh mới và nguy hiểm hơn nhiều so với cuộc chiến tranh cũ mà chúng ta đã giành chiến thắng vào khoảng năm 1989,” ông nói.
“Chúng ta phải xem xét những kẻ độc tài này một cách nghiêm túc khi họ nói rằng họ quyết tâm chiếm lấy Đài Loan. Khi họ nói rằng họ muốn trở thành cường quốc số một thế giới vào năm 2049, họ thực sự có ý như vậy.”
Ông Abbott, giữ cương vị thủ tướng từ năm 2013 đến năm 2015, đã nói đùa rằng có lẽ ông xin được “xá tội” khi nói rằng trong 18 tháng đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình, ông và những người khác đã “lạc quan” một cách sai lầm về việc chính quyền Trung Quốc đang thay đổi đường lối của mình.
Nhưng ông cho biết bắt đầu từ năm 2015, khi mà Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự và gây hấn ở Biển Đông, sự ra đời của hệ thống tín dụng xã hội nhằm tăng cường kiểm soát các quyền tự do, và tăng cường đàn áp các nhóm thiểu số, thì rõ ràng là chính quyền này không hề thay đổi đường lối của mình.
“Giờ đây chúng ta đột nhiên như bừng tỉnh, chúng ta phải chấp nhận rằng Trung Quốc đang trong một cuộc cạnh tranh chiến lược toàn diện với phương Tây,” ông Abbott nói.
“Chúng ta phải chấm dứt cơn mộng du,… mà chúng ta hiện vẫn còn đang đắm chìm trong đó.”
Úc đối đầu với sự can thiệp
Ông Abbott ca ngợi hành động của những người kế nhiệm trong việc đối mặt với những rủi ro do chính quyền Trung Quốc gây ra.
Năm 2018, ông lưu ý rằng Úc là quốc gia đầu tiên chính thức cấm Huawei của Trung Quốc tham gia mạng 5G của quốc gia. Đồng thời, cùng thời điểm đó, chính phủ đã ban hành luật ghi danh đại diện ngoại quốc như một phần nhằm hạn chế các hoạt động ảnh hưởng của Trung Quốc tại Úc.
Ngay sau khi Úc ban hành luật của mình, hai cựu bộ trưởng nội các và một thủ hiến đã ngừng làm việc với các công ty có liên quan đến chính quyền Trung Quốc.
Trong bối cảnh ngày càng có nhiều báo cáo về sự can thiệp sâu rộng của Bắc Kinh ở Canada, các đảng đối lập đã thúc đẩy ban hành luật tương tự ở đây. Chính phủ Đảng Tự Do cho biết họ đã tiến hành tham vấn về dự luật tiềm năng, nhưng cho đến nay vẫn chưa chính thức đưa ra luật này.
‘Lợi ích tài chính ngắn hạn’
Ông Abbott nói rằng ngay cả khi đã ghi danh, nhiều người vẫn tiếp tục hoạt động mà không khai báo và đó là một vấn đề lớn hơn.
“Vấn đề lớn là có quá nhiều người dân của chúng ta có quá nhiều lợi ích thương mại gắn liền với Trung Quốc, và khá dễ dàng đặt lợi ích tài chính ngắn hạn của chính quý vị lên trên lợi ích quốc gia lâu dài của đất nước quý vị,” ông nói.
“Cần phải có một cá tính khá mạnh mẽ để đặt quốc gia lên hàng đầu.”
Ông nói, vấn đề khác là Trung Quốc quá “vô đạo đức.”
“Tôi nghĩ khá rõ ràng rằng một số nghị viện ở các đảo Thái Bình Dương thực chất đã bị mua chuộc bởi người Trung Quốc, vốn sẽ dùng hối lộ để thông qua các thành viên của các hội đồng này.”
Ông Abbott cho rằng phương Tây cần tìm ra giải pháp cho vấn đề này, nếu không thì có thể bất ngờ chứng kiến “một loạt căn cứ hải quân của Trung Quốc trong khu vực của chúng ta.”
Cựu lãnh đạo này cũng cho biết điều quan trọng là phải theo đuổi nguyên tắc tương hỗ khi đối phó với chính quyền Bắc Kinh.
Ông nói: “Nếu người Trung Quốc không cho phép chúng tôi làm ở quốc gia của họ những gì họ đang đề xướng làm ở quốc gia chúng ta, thì chúng ta sẽ không cho phép điều đó.”
“Nếu họ không cho phép chúng tôi đầu tư vào thứ gì đó, nếu họ không cho phép chúng tôi quyên góp vì họ không tin vào cách việc đó sẽ diễn ra, thì các quy tắc tương tự ở đây: quý vị không thể đầu tư, quý vị không thể mua, quý vị không thể quyên góp, v.v.”
‘Sự cầu toàn’
Ông Abbott cho biết một vấn đề khác khiến Bắc Kinh chiếm thế thượng phong so với phương Tây là ở các khu vực như châu Phi, trong một số trường hợp, các hoạt động đầu tư và mạo hiểm thương mại không thể tiến triển nếu không có “hành vi phi đạo đức.”
Trung tâm Chính sách Phương Nam Mới có trụ sở tại châu Phi cho biết, hiện tại, Trung Quốc chiếm khoảng 12% sản lượng công nghiệp của châu Phi và các công ty Trung Quốc chiếm gần một nửa thị trường xây dựng theo hợp đồng của lục địa này.
Sự hiện diện quân sự và thương mại ngày càng gia tăng của chính quyền Trung Quốc ở châu Phi được coi là mối đe dọa địa chính trị đối với phương Tây.
Theo Tổ chức phi chính phủ Minh bạch Quốc tế có trụ sở tại Đức, phần lớn người châu Phi cho biết tham nhũng đang gia tăng trên lục địa này, trong đó nạn hối lộ tràn lan.
Ông Abbott cho biết Trung Quốc phát triển mạnh trong những điều kiện như vậy, trong khi các công ty phương Tây thì không thể vì họ sẽ bị chính phủ của mình truy tố nếu vi phạm các ranh giới đạo đức.
“Đây là nơi mà sự cầu toàn và tiêu chuẩn đạo đức cao của chúng tôi, vốn làm nên sự tín nhiệm của chúng tôi ở một mức độ nào đó, cũng gây bất lợi lớn cho chúng tôi ở cấp độ thực tế và điều này xảy ra mọi lúc,” ông Abbott nói.
“Nếu ông Churchill là một nhà lãnh đạo quá cầu toàn thì có lẽ đã không thể giành chiến thắng trong Đệ Nhị Thế chiến. Đôi khi quý vị phải khom lưng để chinh phục. Quý vị có thể khom lưng bao xa mà vẫn giữ được tính cách của mình? Đây là những thách thức khó khăn mà chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.”
Cuộc điều tra của Canada
Ông Abbott ca ngợi Canada đã tổ chức cuộc điều tra công khai về sự can thiệp của ngoại quốc vào bầu cử.
Cuộc điều tra được chính phủ liên bang ủy quyền vào ngày 07/09/2023, sau áp lực của các đảng đối lập trong bối cảnh thông tin tình báo bị rò rỉ trên các phương tiện truyền thông về sự can thiệp rộng rãi của Trung Quốc vào cuộc bầu cử ở Canada. Một loạt quan chức chính phủ và các nhân chứng khác đã xuất hiện tại cuộc điều tra công khai trong vài tháng qua. Cuộc điều tra dự kiến sẽ đưa ra báo cáo đầu tiên vào ngày 03/05/2024.
“Quý vị đang nói một cách công khai những gì đã được đồn thổi ở Úc trong nhiều năm, cụ thể là có nỗ lực toàn diện, đa phương thức nhằm xâm nhập và mua chuộc các hệ thống, tổ chức, để có được bí mật, thu thập dữ liệu,” ông nói.
“Có lẽ lòng dũng cảm của quý vị ở phương diện này sẽ giúp ích cho những người còn lại trong chúng ta càng thêm can đảm hơn.”
Phần thưởng và rủi ro
Nghị sĩ Đảng Bảo Thủ Canada Michael Chong nói rằng mặc dù Úc có thể học hỏi một số điều từ Canada nhưng Canada có thể học hỏi nhiều bài học từ Úc.
“Úc đã có đường lối mạnh mẽ hơn nhiều đối với các mối đe dọa của PRC [Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa] trước khi các nền dân chủ khác làm như vậy,” ông Chong nói.
“Và vào thời điểm đó, Úc khá bị cô lập. Đã có những mức thuế áp dụng đối với rượu vang đỏ xuất cảng của Úc… [và] than của Úc.”
Hành động này được đưa ra trong bối cảnh Úc có lập trường mạnh mẽ hơn trước các hoạt động can thiệp của Bắc Kinh và khi Canberra thúc đẩy một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19 tại Trung Quốc hồi năm 2020.
Để đáp trả, chính quyền Trung Quốc đã đặt ra mức thuế nhập cảng leo thang lên tới 218% đối với rượu vang Úc vào năm 2020. Sau đó, các nhà sản xuất rượu vang Úc bắt đầu đa dạng hóa thị trường của họ, rồi cuối cùng Trung Quốc đã dỡ bỏ thuế quan trong năm nay.
“Chúng tôi đã vượt qua điều đó,” ông Abbott nói. “Hóa ra rất nhiều lo lắng đã bị đặt nhầm chỗ.”
Ông Chong có thân nhân ở Hồng Kông đã bị Trung Quốc nhắm tới vì ông thẳng thắn phản đối hành vi vi phạm nhân quyền của chính quyền này. Ông cho biết nhờ các sáng kiến của chính phủ Úc, quốc gia này hiện là mục tiêu “có lợi nhuận thấp, rủi ro cao” đứng từ góc độ Trung Quốc.
Ngược lại, ông nói, Canada là mục tiêu “lợi nhuận cao, rủi ro thấp” đối với Trung Quốc.
“Chúng tôi đã nghe từ cơ quan tình báo quốc gia của chúng tôi rằng Canada không chỉ tụt hậu so với phần còn lại của liên minh tình báo Ngũ Nhãn (Five Eyes) bao gồm cả Úc, mà chúng tôi còn trở thành nơi có rủi ro thấp, lợi nhuận cao đối với các hoạt động can thiệp của ngoại quốc,” ông Chong nói.
Đoàn kết chặt chẽ hơn
Ông Abbott cũng cho rằng các quốc gia dân chủ cần đoàn kết chặt chẽ hơn khi đối mặt với chính quyền Trung Quốc.
“Tôi có niềm tin lớn lao vào các quốc gia như Canada, Vương quốc Anh, Úc, New Zealand, vốn là những quốc gia có rất nhiều điểm chung và có rất nhiều mối liên hệ về lịch sử và văn hóa.”
Hân Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times