Cựu thành viên hội đồng quản trị: Quỹ Trudeau đầu tư vào các công ty Trung Quốc bị cảnh báo rủi ro bảo mật
Quỹ Trudeau có các khoản đầu tư vào hai công ty Trung Quốc Baidu và Tencent, một cựu thành viên hội đồng quản trị nói với các nghị sĩ trong một ủy ban quốc hội. Cả hai công ty này đều là đối tượng của cảnh báo bảo mật.
Quỹ Trudeau được thành lập với khoản tài trợ trị giá 125 triệu USD từ chính phủ liên bang vào năm 2001 để tưởng nhớ cựu thủ tướng Pierre Elliot Trudeau, với mục đích cung cấp các khoản trợ cấp và học bổng học thuật.
Bà Madeleine Redfern, một nữ doanh nhân và là cựu thị trưởng của Iqaluit, nói rằng 0.07% danh mục đầu tư của quỹ này được đầu tư vào các đại công ty công nghệ Trung Quốc Tencent và Baidu.
Bà Redfern, người ngồi trong ủy ban tài chính và đầu tư của Quỹ Trudeau, đã làm chứng trước ủy ban đạo đức của Hạ viện hôm 02/06 như một phần của cuộc điều tra về sự can thiệp của ngoại quốc. Bà nói rằng bà đã hỏi quỹ này từ một năm trước về việc liệu họ có các khoản đầu tư ở Trung Quốc hay không.
“Khi bà muốn biết thêm về đầu tư ngoại quốc, họ có phối hợp với bà, hay có gây khó dễ cho bà không?” ông René Villemure, Nghị sĩ Khối Québécois, đã hỏi.
Bà Redfern trả lời: “Tôi chắc chắn đã có một số lo ngại về khả năng đầu tư vào Trung Quốc tùy thuộc vào nơi mà các khoản đầu tư đó được thực hiện.”
Bà Redfern đã có lập trường chỉ trích Bắc Kinh và các khoản đầu tư của nước này vào Canada trong lời khai trước đó trước ủy ban quốc phòng hồi tháng 11/2022.
Bà nói rằng “rất đáng lo ngại và có vấn đề khi thấy cơ sở hạ tầng viễn thông của Trung Quốc được cung cấp cho phía bắc Canada,” ám chỉ đến đại công ty viễn thông Huawei có liên kết với Bắc Kinh.
“Đó là một rủi ro lớn — không chỉ cho cá nhân mà còn cho khu vực và quốc gia — rủi ro an ninh,” bà Redfern cho biết hôm 29/11/2022.
Sau khi tìm hiểu về cổ phiếu ở Tencent và Baidu, bà Redfern cho biết bà đã nghiên cứu hai công ty này và nhận thấy có những vấn đề về quyền riêng tư.
“Hai công ty Trung Quốc quả thực có những lo ngại về quyền riêng tư, và họ được biết đến là có quan hệ mật thiết với chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa,” ông Villemure nói về tiết lộ của bà Redfern.
Tencent là nhà phát triển ứng dụng phổ biến rộng rãi WeChat. Việc sử dụng ứng dụng này để giám sát và kiểm duyệt đã được Phòng thí nghiệm Công dân tại Đại học Toronto ghi lại. Phòng thí nghiệm này cũng đã tìm thấy các vấn đề về quyền riêng tư với trình duyệt của Baidu. Công ty phòng thủ mạng Unit 42 có trụ sở tại Hoa Kỳ trước đây đã báo cáo về việc các ứng dụng Baidu trên nền tảng Android tiết lộ dữ liệu nhạy cảm của người dùng.
“Tôi đã có một cuộc thảo luận sôi nổi với các thành viên của ủy ban và công ty đầu tư về cách chúng tôi đầu tư và được bảo rằng chúng tôi có các nguyên tắc ESG [môi trường, xã hội, và quản trị doanh nghiệp] hướng dẫn các khoản đầu tư và có khá nhiều công việc đã được thực hiện trước khi tôi đến để phần nào giúp định hướng công ty về cách chúng tôi đầu tư,” bà Redfern cho biết.
Bà xác nhận công ty đầu tư mà bà đề cập đến là Willis Towers Watson. Bà Redfern không cho biết tổng số tiền thể hiện cho giá trị của các khoản đầu tư của Trung Quốc, nhưng tổ chức này đã báo cáo hơn 141.5 triệu USD trong tổng số tiền đầu tư theo giá trị hợp lý trong báo cáo thường niên năm 2022 của họ. Con số này sẽ tương đương dưới 100,000 USD một chút nếu 0.07 phần trăm được áp dụng cho số tiền đó.
Hầu hết các hoạt động của quỹ này được tài trợ bằng tiền lãi từ khoản tài trợ đã đầu tư. Quỹ này đã không phúc đáp yêu cầu bình luận về các khoản đầu tư ở Trung Quốc.
Khủng hoảng quản trị
Bà Redfern nằm trong số một số thành viên hội đồng quản trị khác đã từ chức khỏi Quỹ Trudeau hồi tháng Bốn trong bối cảnh khủng hoảng quản trị liên quan đến việc quản lý khoản quyên góp 140,000 USD từ các tổ chức có liên hệ với chính quyền Trung Quốc trong năm 2016.
Hồi cuối tháng Hai, The Globe and Mail đưa tin rằng chính quyền Trung Quốc đứng đằng sau khoản quyên góp này, trong một nỗ lực bị cáo buộc là nhằm gây ảnh hưởng đến ông Justin Trudeau. Sự việc đã được xác nhận vì tất cả các tổ chức tham gia quyên góp đều có quan hệ chính thức với chế độ cộng sản này.
“Từng tham gia nhiều hội đồng khác nhau trong 30 năm qua, tôi hài lòng với mức độ quản lý của Quỹ Pierre Elliot Trudeau cho đến khi chúng tôi gặp phải cuộc khủng hoảng đó vài tháng trước,” bà Redfern nói.
Các cựu thành viên hội đồng quản trị khác đã từ chức cũng làm chứng cùng với bà Redfern và mô tả thông tin tương tự mà cựu chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pascale Fournier đã cung cấp cho ủy ban này.
Tiến sĩ Ginger Gibson, giám đốc công ty tư vấn Firelight Group, cho biết bà là người đã trình bày đề nghị yêu cầu các thành viên đã có mặt khi quỹ này nhận tiền của Trung Quốc tự rút khỏi quá trình xem xét.
Bà nói: “Chúng tôi đã cố gắng thực hiện những đề nghị đó theo một quy trình tốt, nhưng ở mỗi lượt … những đề nghị này đều bị loại bỏ.”
“Tôi không có tiếng là bỏ chạy trong lúc sóng gió, tôi chưa bao giờ làm điều đó. Tôi đã quản lý nhiều hồ sơ gây tranh cãi trong suốt sự nghiệp của mình,” Tiến sĩ Dyane Adam, cựu phó chủ tịch hội đồng quản trị của quỹ này cho biết.
“Tôi không thể tin tưởng rằng hồ sơ này sẽ được xử lý một cách minh bạch và liêm chính.”
Ông Edward Johnson, người hiện đang điều hành quỹ này, đã làm chứng trước ủy ban hôm 09/05 và chỉ trích các cuộc tấn công “không có cơ sở” mà quỹ này đang phải đối mặt.
Hôm 12/04, ông Johnson thông báo rằng quỹ này đang tiến hành đánh giá độc lập về khoản đóng góp của Trung Quốc.
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times