BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Lập trường của mỗi tiểu bang về vấn đề phá thai
Vào những năm 1960, thân mẫu của ông Mark Minck nằm trong nhóm dân số hàng đầu thực hiện phá thai — bà còn trẻ, độc thân, và đang mang thai.
Thế nhưng, bà đã lựa chọn để đem con trai mình làm con nuôi. Ông Minck nói với The Epoch Times rằng ông đã lớn lên bằng tình thương yêu của cha mẹ, những người đã làm cho ông cảm thấy tự hào vì được nhận làm con nuôi và được chọn.
“Các bạn vừa được sinh ra trong gia đình mình – gia đình phải mang các bạn về nhà,” ông nhớ lại khi còn nhỏ, ông đã nghĩ ngợi về những đứa trẻ khác. “Chà, mình đã được nhận nuôi. Tôi nghĩ đó là một điều gì đó rất đặc biệt.”
“Hồi đó, mẹ đã đưa ra quyết định quan trọng nhất mà mẹ có thể làm được cho cuộc đời tôi,” ông Minck nói. “Nếu mẹ đưa ra quyết định kia, thì tôi đã không có mặt trên cõi đời này. Và không chỉ tôi không tồn tại trong cuộc đời này nếu mẹ đưa ra một quyết định khác, mà cả ba đứa con của tôi cũng không tồn tại, và chúng tôi có lẽ sẽ không bao giờ có thể tồn tại trong lịch sử thế giới này.”
Ông cho biết hơn 50 năm sau, họ đã “đoàn tụ một cách kỳ diệu” bằng một “xét nghiệm DNA đơn giản.” Bấy giờ ông mới cảm ơn thân mẫu của mình, và giới thiệu bà với các cháu của mình. Hai mẹ con đoàn tụ chia sẻ những ngày lễ rộn ràng niềm vui, đong đầy yêu thương, và tràn ngập tiếng cười cho đến khi bà qua đời.
Hiện nay, ông Minck là chủ tịch tiểu bang của nhóm ủng hộ sự sống Bảo vệ Sự sống Con người Florida (Protect Human Life Florida), nhằm mục đích thay đổi Hiến Pháp của tiểu bang bằng một Tu chính án Bảo vệ Sự sống Con người. Ông cho biết đó là một sứ mệnh mà người mẹ thân sinh của ông đã gánh vác cùng với ông, và là một sứ mệnh đã làm cho bà “rất xúc động, vô cùng tự hào.”
Tu chính án đó sẽ công nhận “quyền được sống do Chúa ban cho người chưa được sinh ra,” tức là cấm phá thai trong tiểu bang này.
Và nỗ lực đó đã đưa ông Minck vào một hàng ngũ các nhà hoạt động và nhà lập pháp đang tranh đấu để cấm phá thai lần lượt theo từng tiểu bang trên toàn quốc.
Chiến trường chính trị mới
Phán quyết của Tối cao Pháp viện hồi tháng 06/2022 lật ngược án lệ Roe kiện Wade đã tạo ra một chiến trường chính trị mới, trao lại cho chính phủ các tiểu bang quyền cấm hoặc bảo vệ việc phá thai.
Trở lại năm 1973, Tối cao Pháp viện đã ra phán quyết trong án lệ Roe kiện Wade rằng Hiến Pháp bao gồm một “quyền riêng tư” cho phép phụ nữ được phá thai. Vào thời điểm đó, các thẩm phán đã công nhận ba giai đoạn — hay còn gọi là tam cá nguyệt — của thai kỳ.
Phán quyết trong án lệ Roe kiện Wade không cho phép chính phủ hạn chế phá thai trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên. Quyết định chấm dứt thai kỳ hoàn toàn do thai phụ thực hiện.
Các thẩm phán phán quyết rằng các tiểu bang có thể “quy định,” nhưng không cấm thủ thuật [phá thai] trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai.
Phán quyết trong án lệ Roe kiện Wade cho phép các tiểu bang hạn chế phá thai trong giai đoạn tam cá nguyệt thứ ba.
Mọi thứ đã thay đổi vào ngày 24/06/2022, khi Tối cao Pháp viện đã lật ngược tiêu chuẩn 49-năm đó để ra phán quyết cho một vụ án mới — án lệ Dobbs kiện Jackson.
Và kể từ đó, đã có một loạt các luật mới của tiểu bang nhằm giải quyết vấn đề phá thai.
Với phán quyết trong án lệ Roe kiện Wade không còn bảo đảm tính hợp pháp của các ca phá thai ở Hoa Kỳ, các luật cũ — một số luật có trước Nội Chiến — đã trở thành một phần của cuộc tranh luận này. Một số người tin rằng những luật cũ đó kêu gọi cấm phá thai hoàn toàn ở các tiểu bang của họ.
Ở các tiểu bang khác, các nhà lập pháp đã thông qua luật hạn chế phá thai. Và tiếp đó các thẩm phán đã ngăn chặn những lệnh cấm phá thai mới đó.
Và một số tiểu bang đang tăng cường bảo vệ pháp lý cho việc phá thai.
Các điều luật trong quá trình chuyển đổi
Ông Walter Weber, cố vấn cao cấp của Trung tâm Luật và Công lý Hoa Kỳ (ACLJ), dự đoán rằng vòng chiến thắng đầu tiên trong các cuộc tranh đấu về luật phá thai mới có vẻ nghiêng về việc vận động hành lang ủng hộ phá thai được viện trợ tốt.
“Cuộc vận động hành lang cho việc phá thai, nếu tôi định gọi như vậy, cần có rất nhiều quyền lực và rất nhiều tiền,” ông nói với The Epoch Times. “Và điều đó thường chuyển thành chiến thắng trong bầu cử.”
Ông nói, những người tranh đấu được viện trợ đủ tốt có thể mang lại những chiến thắng cho các nhà hoạt động ủng hộ phá thai ngay cả ở những tiểu bang mà hầu hết mọi người cổ súy các lệnh ủng hộ sự sống.
Tuy nhiên, ông Weber dự đoán rằng công nghệ y tế ngày càng cho người Mỹ thấy thai nhi chưa chào đời cũng là con người, và khi phụ nữ cởi mở hơn trong việc phá thai đã gây tổn hại cho những đứa trẻ như thế nào, thì dư luận sẽ quay trở lại với phong trào ủng hộ sự sống.
“Sau khi mọi chuyện lắng xuống, thì tôi nghĩ chúng ta sẽ bắt đầu chứng kiến một sự vãn hồi. Thế nhưng, điều đó có thể sẽ mất một khoảng thời gian.”
Ông Minck gọi sự pha trộn kết quả của các luật hiện hành là một “hỗn hợp điên rồ.”
Và do đó, ông cho rằng các nhà lãnh đạo ủng hộ sự sống đã bị rối trí không biết phải làm gì sau sự đảo ngược của án lệ Roe kiện Wade.
Ông Minck cho biết trong nhiều năm, các nhà lãnh đạo ủng hộ sự sống đã đề xướng luật nhằm cấm một số ca phá thai, bất chấp sự tồn tại của án lệ Roe, hoặc tạo ra các luật sẽ là “trường hợp thử nghiệm” cho án lệ Roe.
Nhưng với việc án lệ Roe bị lật ngược, những chiến lược này không còn tác dụng nữa, ông cho biết.
Ông nói rằng các nhà lãnh đạo ủng hộ sự sống đã quá tập trung vào việc đo lường dư luận, đến nỗi họ không nhận ra rằng mình có thể rơi vào vòng dư luận đó.
“Trọng tâm là, ‘Chúng ta phải đảo ngược án lệ Roe. Chúng ta phải đảo ngược án lệ Roe. Chúng ta phải đảo ngược án lệ Roe.’ Vâng, chúng ta ở đây.”
Kể từ khi kết thúc án lệ Roe kiện Wade, bốn tiểu bang đã cấm phá thai sau khi nhịp tim của thai nhi có thể được phát hiện, thường được cân nhắc khi thai được khoảng sáu tuần tuổi. 13 tiểu bang cấm phá thai từ thời điểm thụ thai, với một số trường hợp ngoại lệ.
Cứu sinh mạng của người mẹ
Tất cả các luật hiện hành của tiểu bang hạn chế phá thai sẽ cho phép thực hiện thủ thuật này nếu cần thiết để cứu mạng sống của người mẹ.
Trong một số trường hợp, việc mang thai thực sự có thể xảy ra sai sót theo cách có thể đe dọa đến tính mạng của người mẹ.
Cứ 100 trường hợp mang thai thì có hai trường hợp trứng được thụ tinh không đi hết ống dẫn trứng đến tử cung, nơi mà trứng sẽ phát triển. Sự bất thường của thai kỳ này luôn dẫn đến tình trạng thai nhi tử vong.
Một thủ thuật bỏ thai có thể cứu được mạng sống của người mẹ.
Trong những trường hợp hiếm hoi khác, sự can thiệp y tế cần thiết để điều trị một tình trạng trong đó người mẹ có thể gây tử vong cho đứa con chưa sinh của mình. Có khoảng một trong số 1,000 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư khi mang thai.
Một số phương pháp điều trị ung thư có thể gây hại cho các thai nhi. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, phụ nữ không cần phải lựa chọn giữa đứa con chưa chào đời và mạng sống của mình.
Bốn tiểu bang cấm phá thai từ khi thụ thai tạo ra một ngoại lệ cho phép thực hiện thủ thuật này trong các trường hợp bị cưỡng gian hoặc loạn luân.
Ba tiểu bang cấm phá thai sau khi phát hiện có tim thai, nhưng chỉ dưới 20 tuần tuổi. Và 26 tiểu bang cấm phá thai sau 20 tuần.
Chỉ có tiểu bang Oregon, Colorado, New Mexico, và New Hampshire là không hạn chế về thời điểm đối với việc phá thai.
Tuy nhiên, con số này có thể thay đổi, khi các nhà lập pháp trên toàn quốc đánh giá lại luật phá thai của tiểu bang họ trong các phiên họp lập pháp đầu tiên sau phán quyết lật ngược án lệ Roe.
Nhiều nhà hoạt động phản đối việc lật ngược án lệ Roe kiện Wade cho biết họ e sợ rằng việc phá thai hợp pháp sẽ kết thúc với phán quyết này của Tối cao Pháp viện.
Tuy nhiên, đa số các tiểu bang — 28 trong số 50 tiểu bang — tiếp tục hợp pháp hóa việc phá thai cho đến giữa thai kỳ.
Số ca phá thai không giảm nhiều
Nói về đại nghĩa ủng hộ sự sống này, ông Minck bày tỏ: “Nhiều nhà lập pháp không muốn động đến [việc phá thai] trừ phi họ sống ở những địa hạt an toàn, màu đỏ thắm, nơi mà việc này rất phổ biến với cơ sở của họ.”
“Việc này chỉ được chuyển thành một mục hoặc một quan điểm thảo luận trong một chiến dịch tranh cử, chứ không phải là một vấn đề thiết thực là ‘hãy tiếp tục và làm điều gì đó về vấn đề này đi.’”
Bởi vì rất nhiều tiểu bang không hoàn toàn cấm phá thai, nên cuối cùng án lệ Roe kiện Wade hầu như không làm giảm số ca phá thai ở Hoa Kỳ. Theo một báo cáo của Hiệp hội Kế hoạch hóa Gia đình ủng hộ phá thai, con số này chỉ giảm khoảng 7%.
Báo cáo này cho biết, trước khi có phán quyết của án lệ Dobbs kiện Jackson, khoảng 82,270 ca phá thai được thực hiện ở Hoa Kỳ mỗi tháng. Giờ đây, con số này giảm xuống còn 77,073 ca phá thai hàng tháng.
Nếu tỷ lệ này vẫn giữ nguyên, điều đó có nghĩa là những thay đổi do án lệ Dobbs kiện Jackson mang đến sẽ chuyển nước Mỹ từ 987,240 ca phá thai mỗi năm xuống còn 924,876.
Báo cáo này cũng lưu ý rằng còn có bằng chứng cho thấy phụ nữ di chuyển [sang các tiểu bang khác] để phá thai. Các tiểu bang có ít hạn chế hơn về phá thai đã chứng kiến tổng số ca phá thai tăng lên.
Bà Kristi Hamrick, phó chủ tịch truyền thông và chính sách của tổ chức Sinh viên Hành động vì Sự sống (Students for Life Action), cho biết các chuyên gia trong phong trào ủng hộ sự sống không biết những con số đó chính xác đến mức nào.
Bà nói trong một bức thư điện tử rằng, “Những gì chúng tôi biết về số ca phá thai là những gì mà Corporate Abortion cho chúng tôi biết.”
Ông Minck nhận định rằng dù bằng cách nào đi nữa, sự phân chia lâu dài giữa “các tiểu bang ủng hộ phá thai” và “tiểu bang ủng hộ sự sống” sẽ không hiệu quả.
“Chúng tôi gặp những thống đốc của các tiểu bang treo biển quảng cáo nói rằng, ‘Này, hãy đến tiểu bang của chúng tôi! Chúng tôi nhiệt thành chào đón quý vị để quý vị có thể đến và hạ sát đứa con sắp chào đời của mình,’” ông nói.
“Và các tập đoàn sẽ đưa [việc phá thai] vào gói phúc lợi [nguồn nhân lực] của họ.”
“‘Hãy đến New York, tham gia một buổi biểu diễn, ngắm Central Park, và phá bỏ đứa con sắp chào đời của quý vị hai ngày trước ngày dự sinh!’”
“Làm thế nào để điều đó hoạt động lâu dài ở đất nước chúng ta?”
Ông Minck cho biết, với tình trạng pháp lý hiện tại của việc phá thai, một phụ nữ nào muốn phá thai đều sẽ có thể thực hiện được.
Ông nói, để chấm dứt việc phá thai, các nhà hoạt động ủng hộ sự sống cần phải có luật ủng hộ sự sống hoặc các sửa đổi hiến pháp ở cấp liên bang.
Ông cho rằng, mặc dù điều quan trọng đối với các nhà hoạt động ủng hộ sự sống là chống lại sự chấp nhận văn hóa của việc phá thai, nhưng việc giải quyết cuộc tranh luận bằng luật là giải pháp lâu dài.
“Tôi rất hài lòng nếu phá thai là điều không ai nghĩ tới. Tôi cũng sẽ hài lòng nếu hành vi trộm cắp là điều không ai nghĩ tới. Hoặc lái xe khi say rượu là điều không ai nghĩ tới. Hoặc cưỡng gian, buôn người, và xâm phạm gia cư, hoặc hành hung và lạm dụng trẻ em. Mà mọi người vẫn làm những chuyện này.”
Ông nghi ngờ Tối cao Pháp viện cuối cùng sẽ ra phán quyết về việc liệu một đứa trẻ chưa chào đời có phải là một sinh mạng hay không.
Trong khi đó, nhiều người đang tiếp tục làm việc với mục đích nhắm đến một lệnh cấm phá thai trên toàn quốc.
Nhóm của bà Hamrick đang làm việc để thông qua luật chống lại thuốc phá thai ở cấp tiểu bang và quốc gia. Họ cũng hy vọng sẽ thông qua một “lệnh cấm phá thai sớm,” một luật cấm phá thai sau khi phát hiện được nhịp tim của thai nhi.
“Chúng tôi muốn thấy sự sống được bảo vệ càng sớm càng tốt, sớm nhất có thể, và chúng tôi muốn thấy các dịch vụ gia tăng để trợ giúp các gia đình,” bà Hamrick viết cho The Epoch Times.
Nhóm của bà cũng đã kiến nghị với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) về việc hạn chế sử dụng thuốc phá thai nhằm ngăn ngừa tác hại về môi trường.
Theo đơn kiến nghị này, chất thải từ thuốc phá thai đi thẳng vào hệ thống nước thải.
Từ đó, các loại thuốc phá thai này có thể gây hại cho những con vật đang mang thai hoặc gây dị tật bẩm sinh. Hơn nữa, hài cốt của những thai nhi đã tử vong cũng được xả vào nguồn nước mà tất cả chúng ta đều uống.
Đơn khiếu nại này viết rằng, “Có khả năng nước uống của quốc gia bị ô nhiễm ở một mức độ đáng kể do thuốc Mifepristone và hài cốt người ngày càng nhiều – kể từ tháng 02/2022, 54% tổng số ca phá thai được thực hiện thông qua việc sử dụng Mifepristone, tăng từ 39% vào năm 2017 – đang bị xả vào hệ thống nước thải.”
Tổ chức Sinh viên Hành động vì Sự sống đã yêu cầu một lệnh tạm dừng phá thai trong khi FDA nghiên cứu các tác động môi trường tiềm ẩn của việc phá thai bằng thuốc.
The Epoch Times đã liên lạc với tổ chức Planned Parenthood để đề nghị bình luận, nhưng tổ chức này, nhà cung cấp dịch vụ phá thai hàng đầu của quốc gia, đã không phúc đáp.
Các luật kích hoạt và các lệnh ngăn chặn
Trước khi án lệ Roe kiện Wade được lật ngược, nhiều tiểu bang đã tạo ra “các luật kích hoạt” (trigger laws) được thiết lập để có hiệu lực ngay lập tức nếu vụ kiện liên bang mang tính bước ngoặt này được lật ngược. Miễn là án lệ Roe kiện Wade được giữ nguyên, thì những luật đó sẽ được xem là bất hợp pháp.
Thế nhưng, khi Tối cao Pháp viện đã lật ngược án lệ Roe kiện Wade, các luật kích hoạt hạn chế phá thai đã nhanh chóng có hiệu lực ở 13 tiểu bang.
Nhưng các nhà hoạt động ủng hộ phá thai đã sẵn sàng với các đơn kiện.
Họ đã đệ trình các đơn kiện, và, kết quả là, các thẩm phán trên toàn quốc đã chặn một số luật kích hoạt giới hạn phá thai đó, ít nhất cũng là tạm thời.
Ở hầu hết các tiểu bang, kể từ đó, các lệnh ngăn chặn tư pháp đã kết thúc, và những luật đó đã được phép có hiệu lực.
Tuy nhiên, ở các tiểu bang khác, các lệnh ngăn chặn này đã được chứng minh là mạnh mẽ hơn.
Ở Wyoming, một tu chính hiến pháp của tiểu bang từ năm 2012 nói rằng, “Mỗi người trưởng thành đủ năng lực sẽ có quyền tự đưa ra các quyết định về việc chăm sóc sức khỏe của mình.”
Giờ đây, câu này đang được sử dụng để ngăn chặn một lệnh cấm phá thai được các nhà lập pháp thông qua.
Tại tòa án, tiểu bang này đã lập luận rằng các nhà lập pháp đã thêm câu này với hy vọng chống lại sự vi phạm tiềm ẩn từ Đạo luật Bảo vệ Bệnh nhân và Chăm sóc Giá cả phải chăng (Patient Protection and Affordable Care Act), thường được gọi là Obamacare.
Tuy nhiên, Thẩm phán Melissa Owens của Tòa án Quận Teton nói rằng câu trong tu chính án đó cũng cho phép phá thai tại tiểu bang này.
Các nhà lập pháp theo phái bảo tồn truyền thống của tiểu bang Wyoming đã lập luận rằng phá thai không phải là chăm sóc sức khỏe mà là lấy đi một sinh mạng của con người.
Một phán quyết cuối cùng trong vụ án này đã chưa được đưa ra.
Các luật phá thai hiện hành
Hành động tư pháp ngăn chặn các luật có thể có tác động lớn đến hiệu lực của luật phá thai.
Theo án lệ Roe kiện Wade, luật Wyoming cho phép phá thai đến ngưỡng sống sót (viability), tức là tại thời điểm mà một thai nhi có khả năng sống sót bên ngoài tử cung. Thai nhi được xem là có khả năng sống sót ở tuần thứ 23 hoặc 24 của thai kỳ. Thế nhưng hiện nay, những thai nhi sống sót sau khi được sinh ra thậm chí còn sớm hơn. Ít nhất một em bé đã được sinh ra ở tuần thứ 21 và vẫn sống sót.
Luật mới này của Wyoming sẽ cấm tất cả các ca phá thai, ngoại trừ các trường hợp bị cưỡng gian hoặc người mẹ có nguy cơ bị tử vong hoặc tổn thương nghiêm trọng. Thế nhưng, luật này đã không được thừa nhận, và đã bị chặn lại.
Utah, Indiana, Ohio, South Carolina, North Dakota, và Iowa cũng đã thông qua luật cấm phá thai nhưng bị các thẩm phán ngăn chặn.
Ở Utah, Indiana, Iowa và Ohio, đang diễn ra các cuộc chiến pháp lý về các lệnh tư pháp như vậy.
Ở South Carolina và North Dakota, những tòa án này đã bác bỏ lệnh cấm phá thai của hai tiểu bang.
Tuy vậy, North Dakota đã cố gắng thông qua một luật cấm phá thai khác. Luật này sẽ cấm phá thai trước sáu tuần của thai kỳ, ngoại trừ các trường hợp cưỡng gian và loạn luân. Cơ quan lập pháp tiểu bang vừa thông qua luật này với một khối đa số chống phủ quyết.
Nếu không có hành động tư pháp, thì lẽ ra 23 tiểu bang sẽ hạn chế phá thai khi thai nhi đủ hoặc trước sáu tuần.
Các luật bảo vệ phá thai
Việc lật ngược án lệ Roe kiện Wade đã khiến các nhà lập pháp ở các tiểu bang khác gia tăng các luật bảo vệ quyền phá thai.
Trong bốn năm qua, California, New York, New Jersey, Minnesota, Colorado, Michigan, Illinois, Maryland, Rhode Island, và Delaware đã thông qua các luật bảo vệ quyền tiếp cận phá thai. Những luật này hoạt động theo những cách khác nhau.
Ở California, Kansas, Alaska, và Michigan, Hiến Pháp tiểu bang quy định phá thai là một quyền. Những người tranh đấu ủng hộ sự sống ở những tiểu bang đó biết rằng việc loại bỏ quyền đó gần như là điều không thể.
Để sửa đổi Hiến Pháp của mình, tất cả những tiểu bang đó đều đòi hỏi một cuộc biểu quyết có hai phần ba những nhà lập pháp ủng hộ và một cuộc trưng cầu dân ý trên toàn tiểu bang.
Tại Maryland và Rhode Island, các nhà lập pháp đã đưa phán quyết liên bang trong án lệ Roe kiện Wade vào luật tiểu bang.
Các luật cũ
Việc lật ngược án lệ Roe kiện Wade cũng làm hồi sinh những luật hầu như đã biến mất khỏi ký ức.
Ở Wisconsin và Arizona, các luật có từ thời Nội Chiến hoặc trước đó đã đưa ra một số biện pháp bảo vệ ủng hộ sự sống mạnh mẽ nhất trên toàn quốc. Những luật xa xưa này cấm tất cả các trường hợp phá thai, chỉ trừ những trường hợp ngoại lệ để cứu sống người mẹ.
Phán quyết của Tối cao Pháp viện trong án lệ Roe kiện Wade đã khiến cho những luật đó không còn hiệu lực. Tuy vậy, các nhà lập pháp tiểu bang đã không bao giờ chính thức loại bỏ những luật này.
Hiện giờ, những luật này có hiệu lực trở lại, [cho thấy rằng] các thẩm phán địa phương đã suy xét thận trọng.
Có khả năng những luật này sẽ không được thông qua ở Wisconsin và Arizona ngày nay. Cả hai tiểu bang này đều có các chính phủ bị chia rẽ, với các thống đốc thuộc Đảng Dân Chủ và các cơ quan lập pháp do Đảng Cộng Hòa kiểm soát.
Hầu hết các thành viên Đảng Dân Chủ ủng hộ một số hạn chế, nếu có, đối với việc phá thai, trong khi hầu hết các thành viên Đảng Cộng Hòa giữ các quan điểm ủng hộ sự sống và cho rằng phá thai là sai.
Những luật lâu đời này có thể có quá khứ lâu dài, mà không có tương lai.
Trước khi mọi người đều biết rằng một luật của tiểu bang Arizona đã hiện hữu trong các sách luật cấm hầu hết mọi trường hợp phá thai, thì năm 2022 các nhà lập pháp thuộc tiểu bang Arizona đã thông qua một luật cấm phá thai sau 15 tuần tuổi.
Kể từ đó, các tòa án đã phán quyết rằng luật cấm phá thai vốn đã hiện hữu 159 năm qua của Arizona không còn được áp dụng vì luật mới này.
Tại Wisconsin, Tổng chưởng lý Đảng Dân Chủ Josh Kaul đã yêu cầu tòa án lật ngược một luật năm 1849 vốn cấm phá thai ở tiểu bang này. Ông lập luận rằng một luật được thông qua 136 năm sau sẽ vượt trội hơn luật đó. Luật năm 1985 đã hình sự hóa việc phá thai khi vượt qua ngưỡng sống sót.
Các luật cũ khác có thể có các tác động trên phạm vi toàn quốc.
Một luật liên bang năm 1873 về việc gửi nội dung tục tĩu hoặc kích động tội phạm qua đường bưu điện nghiêm cấm việc gửi hoặc nhận “mọi vật phẩm hoặc đồ vật được thiết kế, điều chỉnh, hoặc nhằm mục đích phá thai.”
Ông Weber cho biết lệnh cấm sâu rộng này có thể bao gồm thuốc phá thai, dụng cụ phẫu thuật, và bất kỳ vật dụng nào khác được sử dụng trong việc phá thai. Theo ông, ngay cả ở những tiểu bang mà việc phá thai là hợp pháp, thì việc nhận các công cụ để thực hiện một ca phá thai qua đường bưu điện có thể là vi phạm luật này.
“Nếu chúng tôi diễn giải đúng rằng Đạo luật Comstock có nghĩa như nội dung của luật truyền tải, và quý vị không thể gửi thuốc phá thai qua đường bưu điện, thì điều đó không có nghĩa phá thai là bất hợp pháp ở mọi nơi trên toàn quốc — điều đó chỉ có nghĩa là loại thuốc này không thể được gửi qua đường bưu điện,” ông Weber nói.
Thành phố Eunice, tiểu bang New Mexico, đã yêu cầu tòa án thi hành luật này trên toàn quốc.
Ông cho rằng việc thực thi luật 150 năm tuổi này trên toàn liên bang có thể có tác động lớn nhất đối với việc phân phối thuốc phá thai. Ông cho biết ngày nay, hầu hết các ca phá thai diễn ra bằng thuốc.
“Thông thường, quý vị không gửi các máy hút thai qua đường bưu điện. Mà quý vị sẽ gửi những viên thuốc,” ông Weber nói.
Những người ủng hộ phá thai thường mô tả việc lật ngược án lệ Roe kiện Wade như là một “sự phản hồi quá khứ.”
Tuy nhiên, có vẻ như ít ai tưởng tượng được quá khứ có thể quay trở lại mạnh mẽ đến mức có thể gây nguy hiểm cho việc phá thai.
Đối với ông Minck, ông cho rằng cuộc chiến nhằm chấm dứt phá thai của ông bắt đầu từ quyết định “chọn sự sống” của thân mẫu mình. Khi trưởng thành, ông biết được rằng bà ấy chưa bao giờ “có ý định phá thai,” và quyết định để cho ông làm con nuôi vì vậy ông có thể là một phước lành cho một cặp vợ chồng không thể có con.
Ông chia sẻ: “Bà ấy đặc biệt nói với tôi rằng bà tự hào về tôi vì tôi muốn bảo vệ những đứa trẻ chưa chào đời, hơn là việc ‘chấm dứt phá thai.’”
“Đó là một sự khác biệt tinh tế, nhưng điều này liên quan đến việc sửa đổi [Hiến Pháp Florida] được đề xướng của chúng tôi nhằm khẳng định sự sống, thay vì lên án việc phá thai.”
Bản tin có sự đóng góp của Nanette Holt
Nhóm tin tức Anh ngữ Epoch Times Tiếng Việt biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times