BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Phá thai, dịch vụ chuyển giới, Bí tích Thánh thể, và ‘sự biến đổi’ của các tổ chức nổi bật trong Giáo hội Công giáo
Từ việc hợp tác với một tổ chức cung cấp các dịch vụ phẫu thuật chuyển giới và phá thai, cho đến việc sửa đổi chính sách về những ai được nhận Bí tích Thánh thể, các nhà lãnh đạo trong cộng đồng tôn giáo lo ngại về việc các thế lực nổi bật trong Giáo hội Công giáo vốn dường như đang thỏa hiệp và thậm chí hợp tác với những người ủng hộ phá thai, và ủng hộ tư tưởng chuyển giới một cách cực đoan.
Theo ông Michael Hichborn, chủ tịch của Viện Lepanto, “có một nỗ lực nhằm biến đổi” Giáo hội.
Như đã giải thích trên trang web của mình, “Viện Lepanto — Phục hồi Vạn vật trong Đức Kitô (Lepanto Institute for the Restoration of All Things in Christ) là một tổ chức nghiên cứu và giáo dục tập trung bảo vệ Giáo hội Công giáo khỏi các cuộc tấn công từ bên ngoài cũng như từ nội bộ.”
Vấn đề phá thai
Sự thay đổi đáng kinh ngạc nhất trong Giáo hội Công giáo có lẽ liên quan đến vấn đề phá thai. Mặc dù quan điểm chính thức của Giáo hội về phá thai chưa bao giờ thay đổi, nhưng các nhà phê bình chỉ ra rằng các cá nhân đứng đầu trong Giáo hội sẵn lòng thỏa hiệp với các tổ chức cũng như các cá nhân công khai tán thành hoặc cổ vũ việc phá thai.
Ví dụ gần đây nhất là sự hợp tác của một mạng lưới y tế lớn thuộc Công giáo với một tổ chức chăm sóc sức khỏe phụ nữ từng công khai quảng cáo về mục tiêu cung cấp dịch vụ phá thai của mình.
CommonSpirit Health là mạng lưới y tế thuộc Công giáo lớn nhất thế giới và là hệ thống bệnh viện bất vụ lợi lớn thứ hai tại Hoa Kỳ.
Theo một báo cáo của Viện Lepanto do ông Hichborn công bố hôm 14/08, CommonSpirit đã hợp tác với Tia Women’s Health, một nhà cung cấp dịch vụ “phá thai bằng thuốc” tại nhà.
CommonSpirit đã công bố quan hệ đối tác với Tia Women’s Health vào ngày 31/03/2021, gọi liên minh này là “mối quan hệ đối tác đầu tiên nhằm mở ra một cánh cửa mới cho việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ”.
Như thông cáo báo chí này đã giải thích, “Thử nghiệm hợp tác ban đầu giữa Tia-CommonSpirit” sẽ ra mắt phòng khám trực tuyến vào mùa xuân năm 2021, sau đó là một phòng khám “thực” tại Phoenix “với việc mở rộng ở Arizona và các thị trường khác của CommonSpirit trong vài năm tới.”
“Trung tâm trợ giúp Ask Tia Help Center” giải thích rằng, “Bằng cách hợp tác, Tia có thể mở rộng để tiếp cận nhiều người hơn ở nhiều tiểu bang hơn, mở rộng các gói bảo hiểm được chúng tôi chấp nhận vốn rất quan trọng để tiếp cận các dịch vụ của chúng tôi, và cho phép bệnh nhân của chúng tôi tiếp cận liền mạch với chuyên khoa chăm sóc và bệnh viện hàng đầu, bắt đầu từ Arizona.”
Hai năm trước, “Ask Tia” dường như đã công bố về kế hoạch sử dụng liên minh này để cung cấp dịch vụ phá thai.
“Ngay từ đầu, chúng tôi không thể cung cấp dịch vụ phá thai tại Phòng khám Tia, nhưng hoàn toàn có ý định làm như vậy trong tương lai khi chúng tôi mở rộng phạm vi dịch vụ của mình,” tổ chức Tia đã đăng trên phương tiện truyền thông xã hội vào ngày 07/02/2019. “Vào ngày đầu tiên, chúng tôi sẽ cung cấp tư vấn về tất cả các lựa chọn, và giới thiệu trực tiếp đến các nhà cung cấp dịch vụ phá thai mà chúng tôi tin tưởng ở thành phố New York.”
CommonSpirit cũng có một đại diện trong “Hội đồng tư vấn Đa dạng, Bình đẳng, và Hòa nhập” của Tia.
Tên bà là Tiến sĩ Marijka Grey. Các bài đăng trên nền tảng X của bà phản ánh sự ủng hộ nhất quán cho các chính sách đa dạng, bình đẳng, và hòa nhập.
Trong một tuyên bố ngày 31/03/2021 của CommonSpirit, bà Carolyn Witte, người đồng sáng lập và Tổng giám đốc của Tia, đã nói rằng CommonSpirit là “đối tác lý tưởng” để giúp Tia truyền bá “mô hình” của họ ra cấp quốc gia và cho phép họ được công nhận vì “sự xuất sắc về mặt lâm sàng, và cam kết dẫn đầu ngành về bình đẳng y tế.”
Đến ngày 06/05/2022, “Ask Tia” đã thông báo rằng họ sẽ cung cấp “dịch vụ phá thai bằng thuốc trực tuyến ở các tiểu bang nơi chúng tôi hoạt động và những nơi mà việc làm này là hợp pháp (hiện tại là California & New York).”
Vào ngày 13/05/2022, “Ask Tia” thông báo rằng họ sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ phá thai nội khoa (phá thai bằng thuốc) vào tuần đó.
Đến ngày 24/06/2022, ngày mà Tối cao Pháp viện đảo ngược phán quyết vụ Roe kiện Wade, “Ask Tia” tuyên bố họ sẽ không từ bỏ và sẽ “vẫn giữ” niềm tin của mình “rằng phá thai cũng là chăm sóc sức khỏe, vậy đấy.”
Vào ngày 01/07/2022, “Ask Tia” cho biết, “Hãy chú ý theo dõi khi chúng tôi góp phần giúp thay đổi cuộc trò chuyện về phá thai và kêu gọi nhiều nhà cung cấp hơn để cung cấp dịch vụ phá thai bằng thuốc như một phần trong các dịch vụ chăm sóc [sức khỏe] chính của họ.”
Hiện tại, trong mục “Sách Phụ khoa”, trang web của Tia liệt kê “Phá thai” là một trong những dịch vụ của mình, đồng thời nói rằng: “Chúng tôi cung cấp dịch vụ phá thai bằng thuốc tại nhà.”
Dịch vụ chuyển giới
Như National Catholic Register (Nhật báo Công giáo Quốc gia) đã đưa tin vào ngày 13/07, Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB) đã yêu cầu Ủy ban Giáo lý của mình giải thích về vấn đề phẫu thuật chuyển giới và điều trị bằng hormone — cũng như sự không tương thích của những vấn đề này với giáo huấn của Giáo hội — để cập nhật “Hướng dẫn Đạo đức và Tôn giáo cho Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe Công giáo” (ERD) (pdf) của các giám mục.
Tuy nhiên, những phát hiện từ một báo cáo khác của Viện Lepanto (pdf), được công bố hôm 09/06, đã làm phức tạp thêm nhiệm vụ này khi báo cáo tiết lộ rằng các bệnh viện không theo Công giáo trong mạng lưới CommonSpirit đang thực hiện các ca phẫu thuật chuyển giới và cung cấp thuốc kìm hãm dậy thì cho trẻ em dưới vỏ bọc “chăm sóc khẳng định-giới tính.”
Báo cáo trên đã xác định có 45 cơ sở, hoạt động như các công ty con của CommonSpirit dưới các tên Dignity Health và Virginia Mason Franciscan Health. Những nơi này cung cấp một hoặc nhiều dịch vụ như chăm sóc chuyển giới, phẫu thuật chuyển giới, phúc lợi chăm sóc sức khỏe cho nhân viên vốn chi trả các dịch vụ đó, phá thai, tránh thai, hoặc phẫu thuật triệt sản.
Để đáp lại những phát hiện của Viện Lepanto, một bài viết của Thông tấn xã Công giáo lưu ý rằng: “Do sự phức tạp của hệ thống chăm sóc sức khỏe Công giáo ngày nay, các chỉ thị của các giám mục có thể không dễ dàng thực thi”.
Báo cáo đặc biệt đề cập đến Bệnh viện Saint Francis Memorial ở San Francisco, một bệnh viện không liên quan đến tôn giáo (mặc dù có tên như vậy) đã liên kết với CommonSpirit Health. Giáo hoàng Francis là người tiên phong trong phẫu thuật giới tính và tiếp tục là người đi đầu trong lĩnh vực này.
Ông Peter Marlow, giám đốc điều hành thông tin và quan hệ truyền thông tại Tổng giáo phận San Francisco, nhấn mạnh rằng “CommonSpirit Health là một hệ thống bệnh viện Công giáo và chỉ có các bệnh viện Công giáo trong đó”.
Tuy nhiên, ông đã thừa nhận rằng “Khi mối liên kết này được thiết lập, đã có một sự dành riêng đặc biệt cho các bệnh viện không theo Công giáo để họ có thể tiếp tục thực hiện phẫu thuật triệt sản trực tiếp.”
Ông Marlow nói: “Một ban giám sát riêng điều hành việc này, và doanh thu được tách riêng biệt.”
“Các bệnh viện không theo Công giáo đã đồng ý với ‘Tuyên bố về các Giá trị Chung’ (pdf) với các bệnh viện Công giáo,” ông nói thêm. “Vì vậy, các bệnh viện không theo Công giáo không thực hiện các ca phá thai, ca trợ tử, hoặc IVF [Thụ tinh trong ống nghiệm].”
Tia Health thực sự có cung cấp dịch vụ phá thai và giới thiệu các dịch vụ phá thai.
Mẫu 990 của CommonSpirit cho tài khóa 2020 (pdf) cho thấy họ sở hữu 65% cổ phần của Công ty TNHH Tia Arizona.
Mẫu này cũng xác nhận — dưới mục danh sách chi tiết tiết lộ “Các khoản tài trợ và trợ giúp khác cho các tổ chức, chính phủ và cá nhân ở Hoa Kỳ” — rằng CommonSpirit đã tài trợ cho các bệnh viện không theo Công giáo.
Ông Marlow đã thừa nhận rằng vấn đề về dịch vụ chuyển giới đã gây ra sự xung đột.
“Phẫu thuật chuyển giới là một vấn đề mới mà ban đầu không được nêu ra trong ERD (Hướng dẫn Đạo đức và Tôn giáo),” ông nói. “Thỏa thuận này đã quy định rằng các vấn đề đạo đức và tôn giáo khác trong tương lai có thể được đưa vào ERD trong số những dịch vụ mà các bệnh viện không theo Công giáo không thực hiện. Vấn đề này (dịch vụ chuyển giới) chỉ vừa mới được biết đến rộng rãi, vì vậy nó cần được xem xét.”
Vào ngày 08/06/2022, Tiến sĩ Gray đã chia sẻ một bài đăng trong Tháng Tự hào của Cộng đồng LGBT từ CommonSpirit, trong đó nêu rằng, “Sứ mệnh của chúng tôi luôn là cung cấp dịch vụ chăm sóc nhân ái, toàn diện cho tất cả mọi người. Đó là lý do tại sao chúng tôi tự hào được sát cánh cùng các bệnh nhân LGBTQ+ của mình. Dịch vụ chăm sóc an toàn, thân thiện không nên khó tìm kiếm — và ở đây, quý vị sẽ luôn được chào đón.”
Báo cáo của ông Hichborn cũng tiết lộ rằng CommonSpirit nhận được sự tài trợ từ Liên đoàn Chăm sóc Sức khỏe Công giáo, mà Liên đoàn này được Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Đời sống Tông đồ của Vatican cấp quyền hạn.
Bí tích Thánh thể
Trong cuộc họp của Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB) vào tháng 11/2021 ở Baltimore, Maryland, các giám mục đã thông qua một tài liệu dài 35 trang gây tranh cãi mang tên “Mầu nhiệm của Lễ ban Thánh Thể trong Đời sống Giáo hội” (pdf), [trong đó] làm sáng tỏ lập trường của Giáo hội về việc ai nên lãnh nhận Bí tích Thánh thể (rước lễ).
Ở trang 21, tài liệu viết: “Giáo dân thực thi một số hình thức thẩm quyền công cộng có một trách nhiệm đặc biệt trong việc hình thành lương tâm của mình phù hợp với đức tin và luật luân lý của Giáo hội, đồng thời phục vụ gia đình nhân loại bằng cách bảo vệ tính mạng và phẩm giá con người.”
Ở trang 24 tài liệu nói, “bất cứ điều gì trái với chính sự sống, chẳng hạn như bất kỳ hình thức sát nhân, diệt chủng, phá thai, an tử hoặc muốn tự hủy hoại bản thân, bất cứ điều gì vi phạm tính toàn vẹn của con người.”
Tài liệu này được đưa ra sau nhiều tháng suy đoán rằng tài liệu sẽ đưa ra hướng dẫn rõ ràng trong việc trao quyền cho từng giám mục [để họ] từ chối ban Bí tích Thánh Thể cho những giáo dân Công giáo nào công khai bất đồng với giáo huấn của giáo hội về việc phá thai.
Vấn đề này đã tồn tại từ năm 2004, khi thành viên Đảng Dân chủ John Kerry, một giáo dân Công giáo ủng hộ phá thai, ra tranh cử chức tổng thống. Vào thời điểm đó, dưới sự lãnh đạo của Đức Hồng Y lúc bấy giờ là Theodore McCarrick, USCCB đã chấp thuận cái mà sau này được gọi là “Học thuyết McCarrick”, một thỏa hiệp mà [trong đó Giáo hội] không từ chối một cách rõ ràng việc ban Bí tích Thánh thể cho các chính trị gia ủng hộ phá thai.
Năm 2019, ông McCarrick bị tước áo linh mục vì các cáo buộc về lạm dụng tình dục.
Tuy nhiên, mặc dù trên bề mặt tài liệu mới của USCCB khẳng định lại giáo huấn truyền thống của Giáo hội Công giáo về Bí tích Thánh thể, tội lỗi công khai, và ai nên và không nên lãnh nhận bí tích, ông Hichborn cho rằng có một sự nhấn mạnh tinh tế vẫn tiếp tục trao quyền quyết định vào tay các linh mục để họ chọn liệu có nên từ chối ban Bí tích Thánh thể đối với những nhân vật công khai ủng hộ việc phá thai hay không.
Trong khi tài liệu này nêu rõ, “Việc lãnh nhận Bí tích Thánh thể trong tình huống như vậy cũng có khả năng gây tai tiếng cho người khác”, thì sau đó tài liệu lại nói, “trách nhiệm đặc biệt của giám mục giáo phận là làm việc để khắc phục các tình huống liên quan đến các hành động công khai trái ngược với việc ban Bí tích của Giáo hội và luật luân lý”.
Trong khi các giám mục không được nêu tên, ông Hichborn cho biết tài liệu mới có khả năng được soạn thảo cho Tổng thống Joe Biden và các chính trị gia theo Công giáo khác, như cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân chủ-California), người vốn công khai lên tiếng ủng hộ việc phá thai.
“Điều 915 Bộ Giáo luật nói rằng những người đang bị cấm, bị vạ tuyệt thông (cắt phép thông công) hoặc cố chấp phạm tội, trọng tội thì không được ban Bí tích,” ông giải thích. “Điều 916 Bộ Giáo luật nói rằng nếu quý vị ý thức được bất kỳ trọng tội nào trong tâm hồn mình thì quý vị không được ban Bí tích.”
Vì vậy, trong khi điều 916 “thúc đẩy một cá nhân không dám nhận Bí tích Thánh Thể,” thì ông nói điều 915 “đặt trách nhiệm lên người ban Bí tích.”
“Trong những điều kiện đó, điều đó là khá rõ ràng,” ông nói. “Luật trên nêu rằng quý vị không được ban Bí tích Thánh thể cho người trong những trường hợp này.”
Trong một trường hợp đáng chú ý, vào tháng 05/2022, Đức Tổng Giám mục Salvatore Cordileone của San Francisco đã trích dẫn trách nhiệm của giám mục giáo phận khi ngài công khai cấm bà Pelosi nhận Bí tích.
Tuy nhiên, bà Pelosi sau đó vẫn được nhận Bí tích tại Vatican.
Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ (USCCB)
Theo trang web của mình, USCCB là “một hội đồng phân cấp các giám mục, vốn là những người cùng thực hiện các chức năng mục vụ thay mặt cho các tín hữu Kitô giáo của Hoa Kỳ và Quần đảo Virgin thuộc Hoa Kỳ.” Một trong số các mục đích của hội đồng này là “tổ chức và thực hiện các công việc tôn giáo, từ thiện, và phúc lợi xã hội trong và ngoài nước” và “chăm sóc người nhập cư.”
Vì tên gọi của tổ chức là Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ, nên nhiều người tin rằng tổ chức này là một phần và đại diện cho Giáo hội Công giáo.
Trong cuộc họp báo “Defund the Bishops” (Cắt giảm ngân sách cho các Giám mục) ngày 20/07 vừa qua, do các thành viên của Deposit of Faith Coalition tổ chức tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, ông Michael Voris đã có những lời lẽ gay gắt đối với USCCB và mục đích của tổ chức này.
“USCCB, mặc dù có từ ‘Công giáo’ trong đó, nhưng không phải là Công giáo dưới bất kỳ cách thức, hình thù, hay hình thức nào,” ông nói. “Đó là một tổ chức vận động hành lang chính trị ở các tiểu bang và đó là tất cả những gì họ tham gia. Tổ chức này không thể hiện bất cứ điều gì về ‘Đức tin’.” Nó không có thẩm quyền ràng buộc khi nói đến ‘Đức tin’. Không có giám mục nào bị buộc phải tuân theo bất cứ điều gì được đưa ra từ USCCB.”
Ông Voris là người sáng lập và chủ tịch của St. Michael’s Media/Church Militant, được mô tả trên trang web của mình là “một doanh nghiệp truyền thông được thành lập để khắc phục sự xói mòn đức tin Công giáo nghiêm trọng trong 50 năm qua.”
Trong cuộc họp báo này, ông Voris cho biết mục tiêu của DFC “là cắt ngân sách cho các giám mục và các thành viên khác của điều mà chúng tôi gọi là phe thiên tả phi tôn giáo,” vốn là những người đang “nhận hàng tỷ dollar tiền thuế của Hoa Kỳ và chuyển nó trở lại cho nghị trình của Đảng Dân Chủ.”
Tài trợ kinh phí
Ông Voris cho rằng việc Giáo hội tập trung vào “người nghèo” bắt đầu vào khoảng năm 1968 khi Giáo hội Công giáo được giới thiệu về thần học giải phóng, vốn khẳng định “quyền của người nghèo” và cho rằng “các quốc gia công nghiệp hóa đã làm giàu bản thân trong khi lại làm tổn hại các nước đang phát triển.”
“Đó là động lực đằng sau tất cả những điều này,” ông nói. “Nhập cư, biến đổi khí hậu, công bằng xã hội, tất cả đều tập trung vào việc giả vờ chăm sóc người nghèo.”
Tuy nhiên, các nhà phê bình nói rằng thật khó để bỏ qua số tiền tài trợ rất lớn đang đổ vào và thông qua USCCB cho các mục đích liên quan đến nhập cư.
Theo một bản tin ngày 24/08/2021 của tạp chí điều tra The Pillar — tạp chí tự mô tả mình là “một dự án truyền thông của Công giáo” — một phần doanh thu đáng kể của USCCB đến từ tiền tài trợ của người đóng thuế, các khoản trợ cấp của chính phủ.
Trang web USASpending.gov cho thấy USCCB đã nhận được khoản tài trợ gần 40 triệu USD từ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho “chương trình tiếp nhận và sắp xếp cho người tị nạn được chấp thuận tại Hoa Kỳ.”
USASpending.gov cho thấy rằng USCCB đã nhận được một khoản trợ cấp khác của DHHS trị giá 18.8 triệu USD — được phân bổ từ ngày 01/02/2020 đến ngày 30/04/2023 — “để cung cấp dịch vụ chăm sóc và sắp xếp cho trẻ vị thành niên không có người đi kèm bị bắt giữ” tại biên giới Hoa Kỳ thông qua “Chương trình Trẻ em Ngoại quốc không có người đi kèm” (UACP).
Trong một bài đăng không ghi ngày tháng của USCCB, các giám mục đã thông báo rằng “Chiến dịch Công giáo vì Sự phát triển Nhân loại,” được thành lập vào năm 1970, chỉ thị rằng “chiến dịch này tài trợ” cho các dự án như ghi danh cử tri, các tổ chức cộng đồng, trường học do cộng đồng điều hành, hợp tác xã do dân tộc thiểu số sở hữu và các hiệp hội tín dụng,” cung cấp “vốn cho việc phát triển công nghiệp và chương trình đào tạo nghề, cũng như thành lập các hợp tác xã nông thôn.”
Các khoản tài trợ cho việc phát triển cộng đồng do USCCB cung cấp dao động từ 25,000 USD đến 75,000 USD. Khoản tài trợ cho Phát triển Kinh tế nằm trong khoảng từ 25,000 USD đến 75,000 USD.
“Để phù hợp với bản chất chiến lược của chúng, những khoản tài trợ này là dành cho các sáng kiến kiểu chiến dịch có quy mô lớn, với mục tiêu tập trung vào thời gian cụ thể có tầm quan trọng trong khu vực hoặc quốc gia.”
Trong một tài liệu tháng 05/2022 (pdf), USCCB cho biết, với tư cách là một phần của “Danh mục Công giáo Chính thức” (Official Catholic Directory), tổ chức này được “chấp nhận là tổ chức được miễn thuế thu nhập liên bang.”
‘Quý vị phải trung thành’
Người sáng lập Priests for Life, ông Frank Pavone (trước đây là Linh mục), đã quen thuộc với công việc của ông Hichborn và không ngạc nhiên trước những phát hiện của ông, đặc biệt là về “những thỏa hiệp” mà Giáo hội Công giáo đã thực hiện đối với “các vấn đề đạo đức quan trọng”.
Ông Pavone, một người nổi tiếng đồng thời là nhà hoạt động ủng hộ sự sống và có phần gây tranh cãi, từ lâu đã bị trừng phạt vì lập trường kiên quyết của ông rằng phá thai, theo bất kỳ định nghĩa nào, là một tội lỗi và việc chống phá thai phải là ưu tiên hàng đầu của Giáo hội.
Vào tháng 12/2022, ông Pavone đã bị cách chức khỏi hàng giáo sĩ vì “thông tin báng bổ trên mạng xã hội” và “liên tục không tuân thủ các chỉ thị hợp pháp của giám mục giáo phận của ông.”
Ông Pavone tin rằng sự hợp tác của Giáo hội với một nhà cung cấp dịch vụ phá thai, sự thay đổi của Giáo hội đối với quyền về Bí tích Thánh thể, và sự tập trung vào vấn đề nhập cư có liên quan nhiều đến tiền bạc.
Ông giải thích, Giáo hội Công giáo có rất nhiều nhà thờ và tổ chức từ thiện đang cần hàng triệu dollar để duy trì.
“Quý vị luôn phải gây quỹ,” ông nói. “Để gây quỹ, quý vị phải làm hài lòng các nhà tài trợ, và nhận được tiền của chính phủ có nghĩa là quý vị phải làm hài lòng chính phủ. Nhưng quý vị phải trung thành với chân lý đạo đức. Ngay cả khi quý vị gây khó chịu cho chính phủ hoặc các nhà tài trợ khác.”
Theo ông, một cách để vẫn trung thành với chân lý đạo đức, đó là hãy kiên quyết “giữ vững sự trong sạch trong chứng tá đạo đức của chúng ta đối với xã hội rằng chúng ta không hợp tác với việc sát hại trẻ em bằng cách phá thai dưới bất kỳ hình thức nào.”
Tuệ Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times