BÀI VIẾT CHUYÊN SÂU: Báo cáo Durham cho thấy FBI liên tục ngăn chặn các cuộc điều tra bà Clinton
Theo một báo cáo mới đây của Biện lý Đặc biệt John Durham, trước cuộc bầu cử năm 2016, các quan chức FBI đã nhiều lần can thiệp nhằm hạn chế khả năng của các đặc vụ trong việc điều tra hoạt động tội phạm tiềm ẩn liên quan đến cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton hoặc chiến dịch tranh cử tổng thống của bà.
Báo cáo này đối chiếu cách cơ quan này giải quyết các vấn đề liên quan đến bà Clinton với những vấn đề liên quan đến đối thủ của bà, ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng Hòa Donald Trump.
Các văn phòng địa phương đã khởi xướng các vụ việc liên quan đến bà Clinton đều vấp phải sự chậm trễ và kháng cự khi họ mong muốn trụ sở chính ở Hoa Thịnh Đốn chấp thuận và hợp tác. Theo báo cáo nói trên, các quan chức hàng đầu của FBI đã phản ứng với những cuộc điều tra này với thái độ chống đối và đã cố gắng chỉ trích khẳng định của họ.
Mặt khác, báo cáo này còn cho biết cuộc điều tra nhằm vào các thành viên chiến dịch tranh cử của ông Trump đã được thông qua một cách nhanh chóng và đồng lòng ở những cấp cao nhất, hơn nữa đã được các quan chức thúc đẩy tiến hành mặc dù cuộc điều tra này dựa trên những tuyên bố mơ hồ, chưa được xác thực.
Chiến dịch gây ảnh hưởng của ngoại quốc
Báo cáo này cho biết, vào cuối năm 2014, từ một người cung cấp tin tức, FBI biết được rằng một chính phủ ngoại quốc đang dự trù “đóng góp cho chiến dịch tranh cử tổng thống dự kiến của bà Clinton, như một cách để có ảnh hưởng đến bà Clinton nếu bà đắc cử tổng thống.”
Báo cáo cho biết không chỉ người cung cấp tin tức này “có hoàn cảnh thuận tiện” mà FBI còn có thể chứng thực thông tin này một cách độc lập.
Văn phòng địa phương đang quản lý người cung cấp thông tin này đã “gần như ngay lập tức” yêu cầu một lệnh theo Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc (FISA) để theo dõi người ngoại quốc này. Theo báo cáo, đặc vụ đặc trách (SAC) tại văn phòng địa phương này cho biết văn phòng này đã cố gắng để lệnh này được chấp thuận nhanh chóng, nhưng trụ sở chính đã để đơn yêu cầu này “trong tình trạng bị bỏ quên” suốt bốn tháng. Báo cáo này cũng lưu ý rằng sự chậm trễ này một phần là do họ đang chờ một tổng chưởng lý mới xác nhận.
Một đặc vụ khác cho biết, “mọi người đều ‘đặc biệt cẩn thận hơn’” và “sợ hãi nhân vật quan trọng này [bà Clinton].”
“Họ khá ‘tránh né’ các chủ đề [về bà Clinton] vì có khả năng bà ấy sẽ là vị tổng thống tiếp theo.”
Báo cáo cho biết những người có chức vụ cao hơn đã đề nghị với SAC này rằng “họ không muốn một ứng cử viên tổng thống bị ghi vào hồ sơ vụ án,” đồng thời lưu ý rằng, theo quan điểm của SAC này, “đó là một khả năng rất xa vời.”
Cuối cùng, FISA chỉ được ban hành khi nào FBI đưa ra “các thông báo bảo vệ” cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton đồng thời các ứng cử viên khác đã bị cùng một chính phủ ngoại quốc nhắm đến. Những thông báo như vậy nhằm cảnh báo một người Mỹ rằng người đó đang bị một hoạt động của chính phủ ngoại quốc nhắm đến.
Một chiến dịch gây ảnh hưởng khác của ngoại quốc
Tháng 11/2015, cũng chính người cung cấp tin tức đó đã nói với FBI rằng ông đã được một người trong nội bộ của một chính phủ ngoại quốc khác tiếp cận và yêu cầu ông sắp xếp một cuộc gặp với bà Clinton để đề nghị “điều gì đó.” Báo cáo cho biết người cung cấp tin tức này đã hiểu điều đó có nghĩa là nếu bà Clinton trở thành tổng thống, thì “các khoản đóng góp chiến dịch thay mặt cho” chính phủ ngoại quốc đó đều “nhằm mục đích đổi lấy việc bảo vệ lợi ích [của chính phủ đó].”
Theo ông Durham, FBI đã biết rằng người trong nội bộ này có “các mối quan hệ tình báo và tội phạm ngoại quốc” và các khoản đóng góp cho chiến dịch được đề nghị được cho là có liên quan đến “một khoản tiền lớn.”
Người trong nội bộ này đã muốn tham dự một buổi gây quỹ cho bà Clinton hồi tháng 11/2015, nhưng cuối cùng đã không tham gia và thay vào đó đã yêu cầu người cung cấp tin tức này gửi một “thông điệp ủng hộ” cho bà Clinton tại một buổi gây quỹ khác vào tháng 01/2016. FBI đã cho phép người cung cấp tin tức này gửi thông điệp đó, nhưng sau hành động này, người cung cấp tin tức này đã báo cáo rằng ông cũng đã đóng góp 2,700 USD cho chiến dịch thay mặt cho người trong nội bộ này. Ông Durham lưu ý rằng hành động ủng hộ một chiến dịch thay mặt cho một người ngoại quốc là bất hợp pháp.
“Họ [chiến dịch này] đã đồng ý với điều đó,” người cung cấp tin tức này cho biết. “Đúng vậy, họ đã biết được mọi chuyện ngay từ đầu.”
Khoản quyên góp chiến dịch bất hợp pháp này đã không được ghi lại trong hồ sơ vụ án và không ai, từ đặc vụ giải quyết vụ việc này cho đến những người có chức vụ cao hơn tại trụ sở chính, có thể cung cấp cho ông Durham bất kỳ lời giải thích tại sao — nếu họ thừa nhận nhớ bất kỳ điều gì về khoản quyên góp kể trên.
Tuy nhiên, ông Durham đã phát hiện ra một số tin nhắn nội bộ vốn cho thấy một số đặc vụ cao cấp hơn tại trụ sở chính đã hay biết về khoản quyên góp này và lúc đó đang cấp bách tìm kiếm thêm thông tin về khoản tiền này.
Báo cáo này cho biết, tuy nhiên cuối cùng, cuộc điều tra này dường như đã bị dập tắt.
Theo báo cáo này, “để tuân theo chỉ thị,” đặc vụ phụ trách đã nói với người cung cấp tin tức như sau:
“ĐỪNG tham dự thêm bất kỳ sự kiện chiến dịch nào, tổ chức các cuộc họp, hoặc bất kỳ điều gì khác liên quan đến chiến dịch của [bà Clinton]. Chúng tôi cần phải giữ quý vị hoàn toàn tránh xa hoàn cảnh đó. Tôi không biết tất cả các chi tiết, nhưng đó là để bảo vệ chính quý vị.”
Báo cáo cho biết, “FBI thực sự đã loại bỏ nguồn cung cấp thông tin chi tiết duy nhất của họ về mối đe dọa này.”
Các cuộc điều tra nhằm vào Clinton Foundation
Bắt đầu từ tháng 01/2016, những văn phòng địa phương FBI ở Hoa Thịnh Đốn, New York, và Little Rock (ở tiểu bang Arkansas) đã tiến hành các cuộc điều tra về hoạt động tội phạm tiềm ẩn liên quan đến tổ chức Clinton Foundation.
Báo cáo này cho biết, cuộc điều tra của văn phòng Little Rock được tiến hành dựa trên một “kết quả tình báo và báo cáo chứng thực tài chính,” đồng thời chỉ ra rằng một “ngành có khả năng lôi kéo một công chức liên bang vào một mưu đồ lợi ích, cụ thể là các khoản đóng góp tài chính lớn được thực hiện cho một tổ chức bất vụ lợi, dưới sự kiểm soát trực tiếp lẫn gián tiếp của công chức liên bang đó, để đổi lấy hành động và/hoặc ảnh hưởng có lợi từ chính phủ.”
Theo báo cáo này, hai văn phòng Little Rock và New York cũng nhận được một cáo buộc từ một người cung cấp tin tức rằng các chính phủ ngoại quốc “đã thực hiện, hoặc đề nghị đóng góp cho [Clinton] Foundation để đổi lấy sự đối xử thuận lợi hoặc ưu tiên từ bà Clinton.”
Cuộc điều tra của văn phòng Hoa Thịnh Đốn đã dựa trên những cáo buộc của tác giả Peter Schweizer trong cuốn sách “Clinton Cash” (Tiền của Clinton) của ông.
Ông Durham viết rằng các cuộc điều tra của [hai văn phòng] New York và Hoa Thịnh Đốn chỉ là “sơ bộ,” bởi vì cơ sở của những cuộc điều tra này chưa được xác thực.
Vào ngày 01/02/2016, những văn phòng này đã tổ chức một cuộc họp với nhau, cũng như với các quan chức trụ sở chính, Bộ Tư pháp (DOJ), và các công tố viên địa phương.
Một trong những quan chức DOJ có liên quan, ông Ray Hulser, đã chế nhạo các cuộc điều tra nói trên là “được tiến hành kém” và mặt khác đã “hạ thấp” một số thông tin khi sau đó ông nói chuyện với nhóm của ông Durham. Theo báo cáo, ông tuyên bố thông tin từ các hồ sơ tài chính là liên quan đến số tiền “không đáng kể.” Ông Durham lưu ý, trên thực tế, số tiền liên quan đã lên tới hàng trăm ngàn [dollar].
Một quan chức khác nhớ lại phản ứng của DOJ đối với những cuộc điều tra này là “chống đối,” báo cáo cho biết.
Ba tuần sau, một cuộc họp khác diễn ra tại trụ sở FBI, lần này do Phó Giám đốc đương thời Andrew McCabe chủ trì.
Ông McCabe lúc đầu yêu cầu những văn phòng này chấm dứt vụ án, nhưng đã bớt gay gắt khi có một số phản đối.
Về sau, một quan chức từ Văn phòng Địa phương Hoa Thịnh Đốn, ông Paul Abbate, đã mô tả rằng trong cuộc họp đó, ông McCabe đã “cấm đoán,” “khó chịu,” và “tức giận.”
“[DOJ] nói rằng mấy vụ này chẳng có gì,” ông McCabe nói, theo ông Abbate. “Tại sao chúng ta vẫn còn đang làm điều này?”
Cuối cùng, những văn phòng này nhận được lệnh phải có được sự chấp thuận trực tiếp của ông McCabe trước khi thực hiện bất kỳ bước điều tra công khai nào.
Báo cáo này cho biết, tình trạng hạn chế này “về cơ bản vẫn được giữ nguyên cho đến tháng 08/2016”.
Ông Abbate cho biết các đặc vụ địa phương rời cuộc họp đó đã thất vọng với những hạn chế này.
Ông Diego Rodriguez, quản lý đương thời của Văn phòng Địa phương New York, kể lại rằng một trong những quan chức hàng đầu của FBI đã gọi điện cho ông hồi tháng 05/2016 thay mặt cho Giám đốc đương thời James Comey để yêu cầu ông “dừng và hủy bỏ” cuộc điều tra nhằm vào tổ chức Clinton Foundation vì một lý do phản gián không được tiết lộ. Tuy nhiên, ông Durham không thể tìm thấy bất kỳ lý do nào như vậy.
Có một cuộc họp khác hồi tháng Tám, lần này là một hội nghị qua video. Hai văn phòng Little Rock và Hoa Thịnh Đốn được yêu cầu chấm dứt những cuộc điều tra và chuyển cho văn phòng New York, vốn cũng được ủy quyền để yêu cầu trát đòi trong vụ án này từ các công tố viên liên bang New York trong khu vực của họ.
Tuy nhiên, khi văn phòng này cố gắng lấy trát, thì các công tố viên đã từ chối phê chuẩn trát, báo cáo cho biết.
Sự tương phản
Ông Durham nhiều lần chỉ ra sự tương phản giữa những cuộc điều tra liên quan đến bà Clinton và cuộc điều tra liên quan đến ông Trump.
Hồi tháng 07/2016, FBI đã mở một cuộc điều tra đối với các nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump dựa trên một tuyên bố chưa được kiểm chứng rằng một phụ tá chiến dịch, ông George Papadopoulos, đã “gợi ý” trong một cuộc nói chuyện tình cờ với một nhà ngoại giao Úc rằng chiến dịch này đã nhận được “một số gợi ý” rằng Nga có thể giúp đỡ chiến dịch bằng cách tiết lộ thông tin gây tổn hại cho bà Clinton. Về sau, ông Durham biết rằng ông Papadopoulos có thể chưa bao giờ đưa ra bất kỳ gợi ý nào như vậy ngay từ đầu.
Bất chấp cơ sở hời hợt, ban lãnh đạo FBI, bao gồm cả ông Comey và ông McCabe, đã đồng thuận khởi động cuộc điều tra này như một cuộc điều tra “toàn diện” ngay lập tức, một sự thật mà ông Durham chỉ trích.
Hơn nữa, hầu hết những quan chức có liên quan này thậm chí còn không nhớ có thảo luận về việc có nên cung cấp cho chiến dịch tranh cử của ông Trump một thông báo bảo vệ hay không. Họ giải thích rằng họ không muốn tiết lộ cho chiến dịch này vì FBI không biết liệu nhóm của ông Trump có thực sự thông đồng với Nga hay không.
Ông Durham chỉ ra rằng trong một trong những vụ việc liên quan đến bà Clinton, FBI cũng không biết liệu chiến dịch tranh cử của bà có thông đồng với chính phủ ngoại quốc có liên quan hay không, nhưng vẫn cung cấp cho bà Clinton một thông báo bảo vệ thông qua luật sư của bà.
Hơn nữa, FBI đã không do dự tìm kiếm một lệnh giám sát FISA (Đạo luật Giám sát Tình báo Ngoại quốc) đối với một phụ tá chiến dịch tranh cử khác của ông Trump, ông Carter Page, đồng thời sử dụng các tuyên bố chưa được xác thực từ Hồ sơ Steele tai tiếng, mà họ biết đang được phe của bà Clinton đưa vào FBI.
Các quan chức FBI đã đưa các tuyên bố trong hồ sơ đó vào một đơn yêu cầu lệnh FISA chỉ hai ngày sau khi nhận được những tuyên bố này, thậm chí trước khi có nỗ lực xác thực các tuyên bố đó. Lệnh này đã được thông qua trong vòng một tháng.
Thanh Tâm và Nhã Đan biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times