Bác sĩ kể về việc chính quyền Trung Quốc tiêu hủy dữ liệu đại dịch
Nhiều người dân bình thường ở nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc đã tiết lộ những thông tin cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã yêu cầu tiêu hủy tất cả dữ liệu liên quan đến thời kỳ đại dịch COVID-19. Một trong những bác sĩ liên quan đến việc tiêu hủy dữ liệu đã tiết lộ thông tin chi tiết cho ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times.
Bác sĩ này, yêu cầu giấu tên vì lo ngại về an toàn, làm việc tại một bệnh viện ở một thành phố phía bắc Trung Quốc. Ông cho biết rằng việc tiêu hủy dữ liệu liên quan đến bệnh nhân COVID-19 đã bắt đầu ngay sau khi Bắc Kinh đột ngột chấm dứt chính sách zero-COVID kéo dài ba năm vào tháng 12/2022.
Tuy nhiên, một đợt bùng phát COVID-19 trên toàn quốc đã bị phơi bày khi lệnh phong tỏa nói trên được dỡ bỏ. Theo các bản tin của Trung Quốc, các bệnh viện quá tải bệnh nhân, và người ta xếp thành các hàng dài bên ngoài các nhà tang lễ.
“Các bệnh viện nắm giữ những dữ liệu chi tiết nhất. Để một người đã qua đời được hỏa táng, thì cần phải có sự xác thực của hai bác sĩ cùng bác sĩ điều trị để xác định nguyên nhân tử vong,” ông giải thích.
Theo vị bác sĩ này, dữ liệu bị tiêu hủy bao gồm hồ sơ bệnh nhân với những lần đến bệnh viện, các lần chích vaccine, những lần nhập viện cấp cứu, các triệu chứng vào thời điểm đó, giấy chứng tử có chữ ký, thảo luận về [nguyên nhân] tử vong, cách sử dụng thuốc, và các thông tin liên quan khác.
Ông nói thêm: “Cũng có những tài liệu do nhân viên của cục công an ký cho thấy người quá cố được xác nhận là qua đời vì COVID-19 và cho phép hỏa táng.”
Bác sĩ này cho biết bệnh viện của ông đã hủy dữ liệu ít nhất mỗi tháng một lần, đồng thời nói thêm, “Việc này đôi khi được làm hai lần một tháng và luôn được truyền đạt qua truyền miệng. Mỗi lần như vậy, khoảng 100 tài liệu trở lên bị tiêu hủy, tùy thuộc vào quy mô của bệnh viện.”
Ông cho biết, chính ủy cục công an địa phương đã thông qua thủ tục này và phó chủ tịch huyện đã ký phê chuẩn. Sáu người, bao gồm cả công an, đã giám sát việc đốt dữ liệu ở các khu vực được chỉ định.
Ông kể lại chuyến đi đến một địa điểm không được tiết lộ, nơi tiêu hủy dữ liệu.
“Trong chuyến đi đó, cửa kính xe hơi đều bị che lại. …Tại địa điểm đó, [không có cột mốc] xung quanh, không có cảm giác để định hướng. Đôi khi có cảm giác như chiếc xe đã đi một quãng đường dài, có lúc lại giống như đang đi vòng tròn, và đôi khi chiếc xe chỉ chạy thẳng,” ông nói.
“Việc tiêu hủy dữ liệu thường xảy ra vào lúc nửa đêm, khi các bác sĩ chịu trách nhiệm về hồ sơ liên quan được kéo ra khỏi giường để đi đến bệnh viện lấy dữ liệu, rồi sau đó được hộ tống đến nơi tiêu hủy. Họ không được phép mang theo điện thoại,” ông nói thêm.
Theo mô tả của ông, địa điểm thiêu hủy được canh gác nghiêm ngặt, có công an và quan chức đồn trú ở đó, cũng như một đội cảnh sát vũ trang địa phương túc trực với súng ống.
“Có một cái hố lớn có một chiếc thang. Họ đổ parafin nóng [lên tài liệu], tiếp theo là xăng và cồn, rồi mọi người rời đi,” ông kể lại.
“Một số người mặc đồ trắng còn những người khác mặc đồ đen,” ông nói và cho biết rằng những người mặc đồ đen là công an. “Không ai lên tiếng, nên rất khó nhận ra ai đang ở đó.”
Bác sĩ này cho biết nhân viên bệnh viện e ngại thảo luận vấn đề này một cách cởi mở vì chính quyền đã cảnh báo họ.
“Nếu anh muốn sống thì hãy im cái miệng lại,” ông nói.
“Với sự kiểm soát dữ liệu quan trọng một cách chặt chẽ như vậy, thì ai dám lên tiếng chứ? Các bác sĩ chỉ thở dài và nói: ‘Thật khó để tồn tại trong thế giới này,’” ông nói thêm.
The Epoch Times không thể xác thực những tuyên bố của vị bác sĩ này.
‘Xóa bỏ những trở ngại’
Một cư dân Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, trước đây đã nói với The Epoch Times rằng Bắc Kinh yêu cầu những điều sau: “Không được để sót dữ liệu nào, kể cả trên giấy hay trên máy điện toán. Các hồ sơ về chích vaccine phải bị hủy, cũng như những hồ sơ xét nghiệm axit nucleic và bất kỳ trục trặc đáng xấu hổ nào đã xảy ra trong toàn bộ quá trình phòng chống dịch bệnh.”
The Epoch Times không thể xác thực những tuyên bố của cư dân này.
Hồi tháng 03/2023, Vô Tích, một thành phố ở phía nam tỉnh Giang Tô, đã tiêu hủy lô dữ liệu cá nhân đầu tiên liên quan đến đại dịch.
Cơ quan ngôn luận nhà nước Tân Hoa Xã tuyên bố rằng “lô 1 tỷ thông tin ban đầu, tổng cộng 1.7 terabyte, đã được xóa thành công.”
Vị bác sĩ ẩn danh nói trên tiết lộ với The Epoch Times rằng việc tiêu hủy dữ liệu nhằm “ngăn chặn bí mật của chính quyền bị rò rỉ ra ngoài, tăng cường tính bảo mật, và ngăn công dân thông báo cho cộng đồng quốc tế. Đó là để xóa bỏ những trở ngại cho các bước tiếp theo trong kế hoạch của Trung Quốc.”
Tuy nhiên, ông không tiết lộ bước đi tiếp theo của chính quyền là gì.
Tình trạng nhiễm bệnh nặng ở các khu vực nông thôn
Bác sĩ này nói với The Epoch Times rằng ông phải thường xuyên đến thăm các vùng nông thôn. Tại đó, ông thấy nhiều gia đình bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề trong đại dịch do nghèo đói và hệ thống y tế yếu kém.
Ông nói rằng, “Nhiều người dân ở khu vực nông thôn không đủ tiền mua thuốc và bị nhiễm COVID-19, cuối cùng đã phải nằm ở nhà chờ chết — tình trạng này rất phổ biến.”
“Một số ngôi làng thậm chí còn bị biến mất hoàn toàn [vì tất cả dân làng đều qua đời vì đại dịch]. Chính quyền địa phương cử người đi phun xăng và dầu diesel lên mọi thứ dễ cháy và đốt cháy bằng súng phun lửa. … Sau đó, họ phá hủy mọi thứ, và toàn bộ ngôi làng đã bị xóa sổ trong vòng vài ngày. Nhiều trẻ em đã qua đời,” ông nói tiếp.
“Nhưng dân số vẫn như báo cáo. [Bởi vì] nếu có người qua đời và việc ghi danh hộ khẩu của họ bị hủy bỏ, thì các khoản trợ cấp do chính quyền cấp trên rót xuống cũng sẽ bị chấm dứt,” ông nói thêm.
Ông đề cập rằng trong chiến dịch chích ngừa bắt buộc của ĐCSTQ, “một số người đã chích đến bốn mũi vaccine, sử dụng hạn ngạch dành cho những người đã qua đời.”
“Bí thư đảng ủy của làng kiếm được 500 nhân dân tệ [khoảng 70 USD] cho mỗi dân làng được chích ngừa. Nếu hộ khẩu của người quá cố bị hủy, thì chẳng phải là khoản thu nhập này bị mất đi không?”