Bác sĩ Bệnh viện Phổi Thượng Hải tiết lộ ‘3 ca ghép phổi một ngày’, dấy lên nghi vấn về thu hoạch nội tạng sống
Nối tiếp ông Trần Tĩnh Du (Chen Jingyu), Phó Viện trưởng Bệnh viện Nhân dân thành phố Vô Tích, bác sĩ Hồ Dương (Hu Yang) ở Bệnh viện Phổi thành phố Thượng Hải đã trở thành một chuyên gia ghép phổi khác khoe khoang thành tích rầm rộ trên mạng xã hội. Đằng sau thành tích này là ngành kinh doanh cấy ghép nội tạng đang phát triển nhanh chóng tại hầu hết các tỉnh ở Hoa lục.
Ông Hồ Dương: Bệnh viện Phổi thành phố Thượng Hải “trong nửa năm đã thực hiện hơn 60 ca ghép phổi”
Ngày 27/07/2023, bác sĩ Hồ Dương, Phó Trưởng khoa Khoa Hô hấp, Bệnh viện Phổi thành phố Thượng Hải, đã đăng tải một bài viết trên Weibo với tiêu đề: “Ba ca ghép phổi một ngày, phổi hiến tặng đều được vận chuyển bằng trực thăng, độ tươi của phổi quyết định hiệu quả điều trị.” Trong bài viết này, ông tiết lộ, “trong nửa đầu năm nay, bệnh viện đã thực hiện hơn 60 ca ghép phổi.”
Trong bài viết nói trên, ông Hồ Dương đề cập đến các loại bệnh phổi của những bệnh nhân này, nhưng ông không nói rõ họ được ghép một lá phổi hay hai lá phổi, và cũng không đề cập đến chủ đề vô cùng nhạy cảm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) – nguồn tạng được cấy ghép.
Theo ông Hồ Dương, phần lớn phổi hiện nay được vận chuyển qua đường hàng không, vì bệnh viện cách khá xa phi trường và trạm xe lửa, nên đầu tiên phổi được vận chuyển đến quận Tiêu Sơn, thành phố Hàng Châu, sau đó mới chuyển đến bệnh viện bằng trực thăng. Về vấn đề chi phí vận chuyển, ông Dương cho biết giữa bệnh viện và hãng hàng không có sự hợp tác lâu dài, nên chi phí chỉ bằng 1/5 so với chi phí ban đầu.
Theo bài viết của ông Hồ Dương, trong nửa đầu năm nay, Bệnh viện Phổi thành phố Thượng Hải đã thực hiện trung bình hơn 10 ca phẫu thuật ghép phổi mỗi tháng, và trung bình 03 ngày thực hiện ít nhất 01 ca phẫu thuật ghép phổi.
Sau khi được các hãng truyền thông Hoa lục đăng lại, bài viết trên Weibo của ông Hồ Dương đã làm dấy lên tranh luận trong cộng đồng cư dân mạng.
Một cư dân mạng bình luận: “Hơn 60 ca ghép phổi trong nửa năm, và đây chỉ là dữ liệu của một bệnh viện. Tính xem năm nay, trên cả nước cần có bao nhiêu lá phổi hiến tặng?”; “Phổi hiến tặng đến từ đâu?”; “Khi tổ chức cần bạn, thì bạn chính là [người được chọn]!”
Một cư dân mạng khác cho biết: “Trước đây, có một số người thường xuyên đi nhét những cuốn tài liệu nhỏ. Khi ấy, tôi nghĩ chuyện thu hoạch nội tạng sống gì đó mà họ nói là chuyện hoang đường, giờ nghĩ tới nghĩ lui, tôi thấy rất đáng tin.”
Trước những tranh luận trên mạng Internet, ông Hồ Dương đã đăng bài giải thích. Ông viết: “Nhiều người liên tưởng việc hiến tặng phổi với thế lực tà ác của quốc gia nào đó ở phương Nam, nói rằng là không có kinh doanh thì không có sát sinh. Ở đây, tôi cần phải giải thích một chút.”
Trong bài viết giải thích này, ngoài việc một lần nữa nhấn mạnh tốc độ vận chuyển nội tạng cấy ghép nhanh chóng như thế nào, thì ông Hồ Dương không đề cập cụ thể nguồn nội tạng được lấy từ đâu và được thực hiện cấy ghép ở bệnh viện nào. Ông chỉ cho biết “phổi hiến tặng là miễn phí, nói kinh doanh phổi là khinh nhờn người hiến tặng.”
Sau phẫu thuật cấy ghép, bệnh nhân tiếp tục “chi tiền kéo dài tuổi thọ”
Chi phí ghép phổi đắt đỏ đến từ đâu?
Ông Hồ Dương cho biết: “Chủ yếu là có hai khoản chi phí. Một khoản là chi phí phẫu thuật, khoảng 80,000 đến 100,000 nhân dân tệ; còn các khoản chi phí sau đó chủ yếu là chi phí thuốc men dùng trong quá trình phục hồi sức khỏe, bao gồm thuốc kháng sinh cao cấp, thuốc kháng virus, thuốc chống nấm, các loại thuốc bồi bổ dinh dưỡng, thuốc chống đào thải miễn dịch, v.v. Ngoài ra, còn có một số chi phí xét nghiệm và chi phí nhập viện, mỗi ngày khoảng 10,000 đến 20,000 nhân dân tệ. Bệnh nhân hồi phục nhanh có thể xuất viện trong vòng một tháng, chi phí sẽ thấp hơn một chút. Bệnh nhân hồi phục chậm cần hai tháng hoặc thậm chí là lâu hơn, chi phí sẽ cao hơn một chút.”
Theo lời của ông Hồ Dương, bệnh nhân hầu như cần “chi tiền kéo dài tuổi thọ” trong vài năm sau khi làm phẫu thuật ghép tạng. Ông Hồ Dương tiết lộ rằng, “Tỷ lệ tái phát cao nhất là trong vòng hai năm sau phẫu thuật, thậm chí một số người làm xong phẫu thuật ba tháng đã xuất hiện [khối u] di căn vào xương, thậm chí di căn lên não”, “phải sử dụng loại thuốc nhắm trúng đích [target drugs] trong vòng vài năm.”
Ông Trần Tĩnh Du: 2-3 ngày thực hiện một ca ghép phổi là chuyện bình thường
Giống như ông Hồ Dương, ông Trần Tĩnh Du, Phó Viện trưởng Bệnh viện Nhân dân thành phố Vô Tích, là một chuyên gia ghép phổi cũng thường hay khoe khoang thành tích cá nhân trên Weibo. Thậm chí ông Trần còn phát sóng trực tiếp các ca phẫu thuật.
Một ca phẫu thuật ghép phổi của ông Trần Tĩnh Du từng gây chấn động dư luận. Đó là sự việc xảy ra vào năm 2020, thời điểm đại dịch COVID tiếp tục lan rộng ở Hoa lục. Khi đó, các hãng truyền thông của chính quyền ĐCSTQ rầm rộ tuyên truyền đội ngũ y tế của ông Trần Tĩnh Du đã thực hiện “ca phẫu thuật ghép phổi kép đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân nhiễm COVID.” Tuy nhiên, thời gian có được phổi cho ca phẫu thuật này ngắn đến mức khiến ngoại giới phải đặt nghi vấn.
Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật này, ông Trần Tĩnh Du đã tiết lộ thông tin đáng kinh ngạc khi tiếp nhận phỏng vấn của hãng thông tấn Bành Bái (m.thepaper.cn). Ông nói, vì bản thân đã từng thực hiện hơn 1,000 ca phẫu thuật ghép phổi, nên ca ghép phổi này là một ca phẫu thuật thông thường. Theo ông, 2-3 ngày thực hiện một ca phẫu thuật ghép phổi được xem là chuyện bình thường.
Bệnh viện của ông Trần Tĩnh Du và ông Hồ Dương bị nghi ngờ tham gia vào tội ác thu hoạch nội tạng sống
Vụ việc này đã thu hút sự chú ý của ngoại giới. Ông Uông Chí Viễn (Wang Zhiyuan), một người từng làm công tác nghiên cứu tại trường Đại học Harvard, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) rằng, Hoa Kỳ là quốc gia cấy ghép nội tạng phát triển nhất trên toàn thế giới, những ca ghép tạng loại này thông thường phải chờ từ 2 đến 3 năm. Vậy mà ca phẫu thuật ghép phổi do đội ngũ của ông Trần Tĩnh Du thực hiện thuộc loại ghép tạng khẩn cấp, tạng có được nhanh một cách đáng kinh ngạc. Quá trình từ khi tìm kiếm nội tạng, kiểm tra sự tương thích, và nhận được nội tạng này, chỉ mất 3 đến 4 ngày, đây là một điều bất thường.
Ngoài ra, ông Uông Chí Viễn là chủ tịch kiêm phát ngôn viên của Tổ chức Thế giới Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG). Theo báo cáo do WOIPFG công bố vào ngày 27/09/2014, hơn 800 bệnh viện ở Trung Quốc đại lục bị nghi ngờ tham gia thu hoạch nội tạng sống từ các học viên Pháp Luân Công; Bệnh viện Nhân dân thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô và các nhân viên y tế như ông Trần Tĩnh Du của bệnh viện này đã bị đưa vào danh sách điều tra. (Bấm để xem danh sách điều tra quốc tế)
Ngày 22/12/2014, Bệnh viện Phổi thành phố Thượng Hải, nơi ông Hồ Dương từng làm việc, bị liệt vào danh sách điều tra của WOIPFG. (Bấm để xem danh sách điều tra quốc tế)
Theo báo cáo điều tra do WOIPFG công bố, Bệnh viện Phổi thành phố Thượng Hải trực thuộc Đại học Đồng Tế (Bệnh viện Phòng chữa Bệnh nghề nghiệp thành phố Thượng Hải), đã phát triển thành một bệnh viện giảng dạy chuyên khoa cấp 3, hạng A. Ngày 23/05/2007, bệnh viện này được Bộ Y tế Trung Quốc chỉ định khai triển hoạt động cấy ghép phổi. Từ tháng 01/2003 đến tháng 08/2012, bệnh viện này đã thực hiện 51 ca ghép phổi.
Hầu hết các tỉnh ở Hoa lục đều đang mở rộng hoạt động cấy ghép nội tạng
Theo báo cáo của WOIPFG, kể từ năm 2000, tại các bệnh viện có quy mô khác nhau ở các tỉnh Hoa lục, cùng xuất hiện hiện tượng thu hoạch nội tạng của người hiến tặng với số lượng rất lớn. Có rất nhiều bệnh viện tham gia thu hoạch và cấy ghép nội tạng, thậm chí một số bệnh viện chuyên khoa và bệnh viện cỡ nhỏ không có đủ điều kiện, cũng bắt đầu tiến hành cấy ghép nội tạng. Thời gian thu hoạch và số ca cấy ghép tạng gia tăng nhanh chóng, hơn nữa rất trùng hợp với thời gian ĐCSTQ tiến hành cuộc đàn áp mang tính diệt chủng nhắm vào bộ phận lớn các học viên Pháp Luân Công tại Hoa lục.
Ngày 01/03/2020, WOIPFG đã công bố “Tóm tắt điều tra của WOIPFG năm 2019 về hiện trạng ĐCSTQ thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công”. Trong báo cáo này, WOIPFG tiếp tục tiến hành các cuộc điều tra, truy vết qua điện thoại về các nhân viên y tế ở Hoa lục tham gia thu hoạch nội tạng học viên Pháp Luân Công. Từ đó, tổ chức này đã thu thập được một lượng manh mối và bằng chứng mới, làm rõ hơn về bức màn đen tối của “thu hoạch nội tạng”. (Bấm để xem báo cáo liên quan)
Trong các cuộc điều tra định kỳ hằng năm, WOIPFG chủ yếu tập trung tiến hành điều tra xoay quanh 178 bệnh viện cấp 3 hạng A có đủ điều kiện thực hiện cấy ghép tạng.
WOIPFG cũng đã tiến hành cuộc điều tra trọng điểm đối với các “ông lớn thu hoạch tạng” của ĐCSTQ, cũng như các cơ quan và nhân viên phụ trách có nhiều điểm nghi vấn.
Tính đến nay, tất cả các tỉnh thành, khu tự trị, và thành phố trực thuộc trung ương ở Hoa lục, ngoại trừ Khu tự trị Tây Tạng, đều đã khai triển cấy ghép tạng trên diện rộng, chủ yếu là ghép gan và thận. Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Hàng Châu, Quảng Châu và Trịnh Châu vẫn luôn là các “ông lớn” ghép tạng. Hiện tại, ngành kinh doanh cấy ghép nội tạng ở các khu vực như Hải Nam, Thâm Quyến, Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) và Côn Minh đang phát triển nhanh chóng.
Lý Tịnh thực hiện
Ngọc Vũ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ