‘Cuộc diệt chủng lạnh’: Luật sư tiết lộ nạn thu hoạch nội tạng các học viên Pháp Luân Công do nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc
Hôm 23/08, luật sư nhân quyền quốc tế David Matas đã nói trước các nghị sĩ Quốc hội Latvia về chương trình thu hoạch nội tạng cưỡng bức do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn, vốn đã diễn ra trong nhiều thập niên qua.
Trong phần trình bày của mình, ông Matas cho biết chính quyền cộng sản cầm quyền của Trung Quốc đã dùng tội ác phản nhân loại này như một phần của “cuộc diệt chủng lạnh” nhắm vào những học viên Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần theo truyền thống Phật giáo.
Theo ông Matas, việc sát hại trên quy mô lớn để cướp nội tạng bắt đầu từ đầu những năm 2000, một vài năm sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công được phát động vào năm 1999. Lúc đó ước tính khoảng 100 triệu người Trung Quốc tập luyện môn này.
“Sau nhiều thập niên trôi qua, bằng chứng đã tăng lên đáng kể,” ông Matas nói, đồng thời xác định bốn loại bằng chứng.
Loại bằng chứng đầu tiên là lời khai của các học viên Pháp Luân Công bị bức hại đã đào thoát khỏi Trung Quốc và kể lại rằng họ được xét nghiệm y tế trong khi các tù nhân khác thì không được xét nghiệm.
“Điều đó không được thực hiện vì sức khỏe của họ,” ông Matas giải thích, “bởi vì họ bị tra tấn để từ bỏ đức tin của mình.”
Thứ hai, số lượng ca cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc cao bất thường — con số này đã tăng vọt sau khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu.
Ông nói: “Không có lời giải thích nào cho số lượng này ngoài việc sát hại hàng loạt tù nhân lương tâm.” Ông cho biết thêm, một hiện tượng khác không thể giải thích được là các bệnh viện Trung Quốc có thời gian chờ đợi cấy ghép nội tạng ngắn.
Cuối cùng, các nhà điều tra đã thu thập nhiều bản ghi âm các cuộc trò chuyện với các bệnh viện thừa nhận một cách trắng trợn việc cung cấp “nội tạng của [các học viên] Pháp Luân Công” — được xem là tốt hơn hẳn vì các học viên Pháp Luân Công tuân thủ một lối sống lành mạnh, không dùng ma túy và rượu.
Ngoài ra, một số nhân chứng đào thoát khỏi Trung Quốc đã xác nhận những nghi ngờ khủng khiếp này. Trong số đó, có một bác sĩ mới đây đã liên tiếng về việc thu hoạch nội tạng từ một người còn sống, được tiến hành ngay trong một chiếc xe tải.
Cuộc diệt chủng lạnh
Ông Matas giải thích rằng việc công nhận cuộc đàn áp Pháp Luân Công là một hành vi diệt chủng là phù hợp, xét đến phạm vi và mục đích có tính toán của cuộc đàn áp này.
Cuộc đàn áp Pháp Luân Công được xem là một “cuộc diệt chủng lạnh,” trong khi một “cuộc diệt chủng nóng” có nét đặc trưng là những vụ sát nhân hàng loạt ngay lập tức và rõ ràng. Một cuộc diệt chủng lạnh có mục đích loại bỏ một nhóm nhất định thông qua nhiều cách thức khác nhau trong một thời gian dài hơn.
Ông Matas nói rằng một cuộc diệt chủng lạnh “không thu hút sự quan tâm chú ý đều đặn của của công chúng như những cuộc diệt chủng nóng.”
Các cuộc điều tra năm 2006
Theo đề nghị của ông David Kilgour, cố Ngoại trưởng Canada đồng thời là nhà hoạt động nhân quyền, ông Matas đã tham gia một cuộc điều tra bắt đầu sau lời khai hồi tháng 03/2006 của một phụ nữ gốc Hoa sống ở Hoa Thịnh Đốn. Bà đã tiết lộ rằng chồng cũ của bà đã thu hoạch giác mạc của các học viên Pháp Luân Công tại bệnh viện Tô Gia Đồn ở tỉnh Liêu Ninh.
Báo cáo đầu tiên của ông Kilgour và ông Matas, Bloody Harvest (Thu hoạch Đẫm Máu), xuất bản hồi tháng 07/2006, kết luận rằng không thể thống kê được những người hiến tạng cho 41,500 ca cấy ghép ở Trung Quốc từ năm 2000 đến năm 2005. Sau đó, những phát hiện của họ đã được Liên Hiệp Quốc, ký giả điều tra Ethan Gutmann, và những người khác xác nhận.
Ông Cao Trí Thịnh (Gao Zhisheng), một luật sư nhân quyền người Trung Quốc đồng ý giúp đỡ cuộc điều tra nói trên, đã sớm bị thu hồi giấy phép hành nghề luật sư. Hồi cuối năm 2006, ông bị bắt và tra tấn trong 50 ngày. Trong những năm tiếp theo, ông được trả tự do và bỏ tù nhiều lần, cuối cùng mất tích vào năm 2017.
Ông Matas nói: “Khi chúng tôi bắt đầu, quan điểm chính thức của Trung Quốc là: mọi thứ đều đến từ hiến tặng.”
“Nhưng họ không có hệ thống hiến tặng nội tạng. Và sau đó họ đổi sang nói, à, mọi thứ đều đến từ các tù nhân… những tù nhân bị kết án tử hình đã chuộc tội bằng cách hiến nội tạng trước khi bị hành quyết.”
Tuy nhiên, ông Matas giải thích rằng hầu hết tù nhân đều không phù hợp để hiến tạng vì nhiều người mắc bệnh viêm gan và các bệnh khác.
Do áp lực từ cộng đồng quốc tế, Trung Quốc đã thay đổi luật cấy ghép và số người bị kết án tử hình đã giảm xuống. Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng vẫn tiếp tục tăng một cách khó hiểu.
Những nhóm nạn nhân khác
Ông Matas cho biết, kể từ đó, các tù nhân lương tâm khác ngoài các học viên Pháp Luân Công đã trở thành mục tiêu thu hoạch nội tạng, bao gồm cả người Duy Ngô Nhĩ, tín đồ Cơ Đốc Giáo tại gia, và người Tây Tạng.
Ông nói: “Đó là một ngành kinh doanh trị giá hàng tỷ USD,” đồng thời cho biết thêm rằng một phần doanh thu từ cấy ghép nội tạng sẽ được dùng để tài trợ cho lĩnh vực y tế công của Trung Quốc thông qua các bệnh viện quân đội Trung Quốc hoạt động như các doanh nghiệp thương mại công cộng.”
Ông Matas nói: “Họ thực hiện rất nhiều hoạt động kinh doanh du lịch cấy ghép,” đồng thời nhận định rằng việc các bệnh viện quân sự dễ dàng tiếp cận hệ thống nhà tù do cả hai đều thuộc cơ cấu quyền lực nhà nước.
Nâng cao nhận thức
Khi được hỏi Latvia và các nước phương Tây khác có thể làm gì để thay đổi tình hình, ông Matas đề nghị đưa ra quy định bắt buộc các tổ chức y tế và chuyên gia y tế phải báo cáo về du lịch ghép tạng, vì hiện tại vẫn chưa biết có bao nhiêu người Latvia đến Trung Quốc thực hiện ghép tạng.
Trong cuộc đàm luận này, các nghị quyết được Nghị viện Châu Âu thông qua năm 2013 và năm 2022 lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp và cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc đã được đề cập đến.
Khi được hỏi về tính hữu ích của các nghị quyết tuyên bố như vậy, ông Matas cho rằng điều quan trọng là phải nâng cao nhận thức của công chúng. Nếu một người bệnh cần nội tạng biết được những gì đang diễn ra ở Trung Quốc, thì việc hiểu rằng có người sẽ bị sát hại để cứu họ sẽ khiến hầu hết những người đó phải tìm kiếm những lựa chọn khác.