Bắc Kinh yêu cầu tài xế đường dài đeo vòng tay giám sát điện tử trước thềm Đại hội Đảng
Trước thềm Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Bắc Kinh và các thành phố lớn lân cận bị đặt trong trạng thái kiểm soát gắt gao. Theo đó, các tài xế xe buýt đường dài ở Bắc Kinh được yêu cầu đeo vòng tay giám sát điện tử để theo dõi “trạng thái tinh thần” thông qua “công nghệ nhận dạng cảm xúc”.
Tuy nhiên, các chuyên gia pháp lý đã bày tỏ những lo ngại về quyền riêng tư, đồng thời cho rằng việc này có thể gây ra căng thẳng quá mức cho các tài xế xe buýt, hoặc dẫn đến sự phân biệt đối xử.
Quy định này được đưa ra vài tuần trước khi Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 diễn ra, trong bối cảnh các quan chức của ĐCSTQ được yêu cầu giảm bớt “rủi ro xã hội” trước và trong khi diễn ra đại hội.
Gần đây ở Quý Dương, một chiếc xe buýt chở người đến cơ sở cách ly tập trung đã gặp tai nạn khiến 27 người thiệt mạng và 20 người bị thương. Sự việc này khiến công chúng càng thêm nghi ngờ và tranh luận về chính sách zero COVID của ĐCSTQ.
Theo tờ “Nhật báo Bắc Kinh”, cơ quan ngôn luận chính thức của ĐCSTQ, hôm thứ Tư tuần trước (21/09), Tập đoàn Giao thông Công cộng Bắc Kinh đã phát khoảng 1,800 vòng tay giám sát điện tử (mà phương tiện truyền thông của ĐCSTQ gọi là “thiết bị nhận dạng cảm xúc”) cho các tài xế xe buýt chạy tuyến liên tỉnh và trên xa lộ. Hiện tại vẫn chưa rõ có bao nhiêu tài xế sẽ phải đeo thiết bị này.
Bài báo cho biết, thiết bị này sẽ được dùng để theo dõi các dấu hiệu sự sống và trạng thái cảm xúc của tài xế trong thời gian thực, “cung cấp sự bảo vệ vững chắc cho sức khỏe thể chất và tinh thần của tài xế,” đồng thời cải thiện an toàn công cộng.
Vòng tay giám sát điện tử này có thể theo dõi nhiệt độ cơ thể, nhịp tim, nhịp thở, nồng độ oxy trong máu, lượng vận động, huyết áp, giấc ngủ, cũng như các trạng thái cảm xúc như lo lắng … Các công ty vận tải công cộng có thể tức thời truy cập những số liệu này.
Tờ Nam Hoa Tảo báo ở Hồng Kông đã dẫn lời luật sư Vương Tông Vỹ (Wang Congwei), giám đốc các vấn đề pháp lý về an ninh mạng tại Công ty luật Kinh Sư ở Bắc Kinh. Bà cho biết, quyết định này có vẻ “xuất phát nhiều hơn từ an toàn công cộng, vì số vụ tai nạn giao thông tăng cao trong những năm gần đây”, “nhưng chúng ta cần phải cân nhắc xem, liệu có thực sự cần thu thập nhiều thông tin cá nhân đến như vậy từ các tài xế xe buýt hay không.”
Bà Vương cũng đặt câu hỏi, liệu các nhà chức trách có thời gian để can thiệp nếu chiếc vòng tay phát hiện ra điều bất thường – ngay cả khi dữ liệu được thu thập trong thời gian thực – hay không. “Những số liệu này chỉ có thể được sử dụng để phân tích tai nạn sau khi sự việc xảy ra”, bà nói.
Ông Calvin Ho Wai-loon, phó giáo sư tại Trường Luật của Đại học Hồng Kông đã đặt câu hỏi về tính chính xác của vòng tay giám sát điện tử này. Ông nói: “Cần xem xét độ tin cậy và độ chính xác của các thiết bị này trong việc báo cáo tâm trạng và trạng thái sức khỏe, vì [số liệu] không chính xác có thể dẫn đến những lo lắng không cần thiết, cũng như sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử.”
Trong những tháng gần đây, ở Trung Quốc thường xuyên có những phản ánh cho rằng chính quyền ĐCSTQ sử dụng vòng tay giám sát điện tử để giám sát người dân Trung Quốc. Hồi tháng Bảy, người dân ở quận Xương Bình, thành phố Bắc Kinh, và nhiều nơi khác đã phản ánh rằng, trong thời gian bị cách ly tại nhà sau khi từ nơi khác trở về Bắc Kinh, họ được yêu cầu phải đeo vòng tay giám sát điện tử, hơn nữa phải đeo suốt 24 giờ trong một tuần liên tiếp. Vòng đeo tay này được kết nối với một ứng dụng (App) di động để tự động báo dữ liệu nhiệt độ cơ thể. Điều này đã gây ra phản đối mạnh mẽ từ công chúng, vì vậy sau đó một số phường đã hủy bỏ yêu cầu này.
Hồi tháng Ba, chính quyền thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, đã bắt đầu sử dụng vòng tay giám sát điện tử và GPS trên điện thoại di động để theo dõi các nghi phạm bị cấm đi khỏi nơi cư trú hoặc được tại ngoại trong thời gian chờ xét xử.
Do Từ Giản thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ