Bắc Kinh khởi động cuộc ‘đại điều tra’ khắp nhiều bộ và nhiều tỉnh thành
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được cho là đang tiến hành một “cuộc đại điều tra” đối với nhiều lĩnh vực khác nhau trong chính quyền, trong đó có một số chính quyền cấp tỉnh và các bộ chủ chốt.
Ông Lý Yến Minh (Li Yanming), một chuyên gia về Trung Quốc tại Hoa Kỳ, cho biết điều này sẽ dẫn đến một đợt thanh trừng chính trị mới.
Hôm 06/04, ông Lý nói với The Epoch Times, “Cái gọi là chiến dịch điều tra đã diễn ra sau khi ông Tập Cận Bình có được quyền lực cho nhiệm kỳ thứ ba [hồi tháng Ba].”
“Điều đó phản ánh cuộc tranh đấu nội bộ trong ĐCSTQ đang leo thang,” ông nói. “Tình hình chính trị hỗn loạn ở Trung Quốc chứa đầy những bất ổn nghiêm trọng.”
Ông Lý nói rằng ông Tập đã phát động “cuộc đại điều tra” để củng cố hơn nữa quyền lực của mình, điều này sẽ tạo cơ sở cho một cuộc thanh trừng lớn hơn nữa.
Ông Lý cho biết, như một phần trong cuộc điều tra này, hôm 02/04, bằng hữu thân thiết của ông Tập là ông Vương Tiểu Hồng (Wang Xiaohong), Bộ trưởng Bộ Công an, đã ban hành một kế hoạch hoạt động chính thức nhằm “Thúc đẩy Điều tra và Nghiên cứu trong các Cơ quan Công an trên khắp Trung Quốc.”
Mục đích của kế hoạch này là bảo vệ “an ninh chính trị của ĐCSTQ.”
Kế hoạch này cũng nhấn mạnh “làm thế nào để học hỏi từ những bài học của ‘băng đảng chính trị Tôn Lập Quân.’”
Vào ngày 23/09/2022, ông Tôn Lập Quân, nguyên Ủy viên Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an, đã bị kết án tử hình hoãn thi hành trong hai năm, và bị tịch thu toàn bộ tài sản cá nhân. Ông Tôn là thuộc hạ của phe trung thành với cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân, người đã qua đời hồi tháng Mười Một năm ngoái (2022).
Ông Giang Trạch Dân và đồng minh Tăng Khánh Hồng là hai đối thủ của ông Tập.
Mở rộng ra các tỉnh và thành phố lớn
Hôm 06/04, chính quyền tỉnh Hồ Bắc cho biết trên trang web chính thức của họ rằng tỉnh này đang bắt tay vào một “cuộc đại điều tra.”
Điều này cho thấy Hồ Bắc sẽ cùng tham gia với các khu vực khác như Liêu Ninh, Giang Tô, Quảng Tây, và Thượng Hải trong nỗ lực theo kịp Ủy ban Trung ương, cơ quan đã tuyên bố hôm 19/03 là “thúc đẩy điều tra và nghiên cứu trong ĐCSTQ” trong 12 lĩnh vực, trong đó có chính trị – pháp luật, tài chính, và tư tưởng.
Chính quyền Giang Tô cho biết các cán bộ Đảng địa phương sẽ đi đầu trong việc tiến hành các cuộc khảo sát và nghiên cứu đặc biệt trên toàn tỉnh.
Các hệ thống tài chính cũng sẽ được xem xét, như ông Tuyên Xương Năng (Xuan Chang), phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, đã đưa ra hôm 04/04.
Theo một bản tin trên cổng thông tin Sina của Trung Quốc, ông Tuyên cho biết tại hội nghị học thuật năm 2023 của Hiệp hội Tài chính Trung Quốc, “Việc điều tra và nghiên cứu mạnh mẽ” các hệ thống tài chính sẽ bao gồm “cách kết hợp các hoạt động kinh tế khác nhau vào sự giám sát và bảo vệ điểm mấu chốt trước các rủi ro hệ thống.”
Cùng ngày, cơ quan ngôn luận Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài bình luận tuyên bố rằng cần phải nỗ lực hơn nữa để cuộc điều tra và nghiên cứu trở nên “sâu sắc và thiết thực hơn.”
Tại sao lại là một ‘cuộc đại điều tra’?
Ông Lý cho rằng có hai yếu tố giải thích tại sao ông Tập có ý định “điều tra” ĐCSTQ trên quy mô lớn sau khi lên nắm quyền:
Thứ nhất, chế độ cộng sản này hiện đang lâm vào tình cảnh khó khăn bên trong lẫn bên ngoài, đồng thời các cuộc khủng hoảng từ dân số trong nước, lương thực, kinh tế, tài chính, đạo đức xã hội, và an ninh đan xen với nhau.
Tuy nhiên, dữ liệu này trong giới quan chức của ĐCSTQ và trong các lĩnh vực khác nhau, ở một mức độ nào đó, đã bị làm sai lệch.
Ông Lý nói, trong trường hợp này, “cần phải vạch ra tình hình khủng hoảng ở từng khu vực” cho ông Tập.
Thứ hai, các đối thủ chính trị trước đây của ông Tập Cận Bình là ông Giang Trạch Dân và bè phái quyền lực của ông Tăng Khánh Hồng đã có một lịch sử lâu dài trong việc thao túng các lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp quốc doanh, và ngành ngân hàng, mà tất cả những yếu tố này đều quan trọng đối với sinh kế của đất nước.
Ông Lý nói, “Các cuộc khủng hoảng trong các lĩnh vực khác nhau của xã hội Trung Quốc gắn liền với các cuộc tranh đấu nội bộ của các nhóm lợi ích cao cấp trong ĐCSTQ.”
Trong vòng chưa đầy nửa năm kể từ khi Đại hội Đảng lần thứ 20 kết thúc vào ngày 26/10/2022, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã tuyên bố bắt giữ 23 cán bộ quản lý cấp trung ương — những người do Ủy ban Trung ương bổ nhiệm và đã được đệ trình lên Bộ Tổ chức ĐCSTQ, thường ở cấp thứ trưởng hoặc cao hơn. Mười sáu người trong số này đã bị điều tra trong năm 2023, và chín người trong số họ đã bị bắt giữ trong vòng chưa đầy một tháng sau lưỡng hội, trong đó có ba giám đốc phụ trách tài chính:
- Ông Lý Hiểu Bằng (Li Xiaopeng), cựu bí thư đảng ủy và chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn Everbright,
- Ông Lưu Liên Khả (Liu Liange), từng giữ chức bí thư kiêm chủ tịch của Ngân hàng Trung Quốc (Bank of China)
- Ông Phạm Nhất Phi (Fan Yifei), thành viên Đảng ủy và phó chủ tịch Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, hay Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Kể từ khi ông Tập tái nhậm chức hồi năm ngoái, nhiều quan chức cao cấp ở cấp tỉnh và cấp địa phương đã bị cách chức do các vấn đề về chính trị và pháp luật, đồng thời cuộc thanh trừng này còn nhắm mục tiêu chính vào ngành công nghiệp quân sự, tài chính, và doanh nghiệp quốc doanh.
Các phong trào chính trị
Theo phân tích của ông Lý, trong lịch sử của ĐCSTQ, các chiến dịch điều tra phần nào có liên quan đến cuộc khủng hoảng sinh tử của chế độ cộng sản này.
Một cuộc “Điều tra và Nghiên cứu Lớn” đã được nhà lãnh đạo đầu tiên của chế độ cộng sản Mao Trạch Đông đề xướng.
Tại Phiên họp Toàn thể lần thứ 9 của Ủy ban Trung ương khóa 8 vào đầu tháng 01/1961, ông Mao Trạch Đông đã kêu gọi toàn Đảng “đẩy mạnh điều tra và nghiên cứu,” trong bối cảnh nền kinh tế nước này lâm vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng, Đảng nghi ngờ sự cai trị của ông, và các cuộc đấu tranh nội bộ trong ĐCSTQ cũng căng thẳng hơn.
Điều này đã xảy ra sau khi ông Mao phát động Đại Nhảy Vọt, để rốt cuộc dẫn đến Nạn Đói Lớn từ năm 1958 đến năm 1962, khiến hàng chục triệu người Trung Quốc thiệt mạng.
Tại “Đại hội Bảy Ngàn Người” (cuộc họp làm việc mở rộng của Ủy ban Trung ương) hồi đầu năm 1962, chủ tịch nước đương thời Lưu Thiếu Kỳ đã chỉ trích chính sách Đại nhảy vọt của ông Mao Trạch Đông cùng các chính sách khác. Điều này khiến ông Mao tức giận và phát động Phong trào Tứ Thanh (còn gọi là Phong trào Giáo dục Xã hội Chủ nghĩa) vào năm 1963 như tiền thân của Cách mạng Văn hóa năm 1966, trong đó ông Lưu đã bị tra tấn đến tử vong.
Thanh trừ những người bất đồng chính kiến
Hôm 06/04, ông Quý Đạt (Ji Da), một chuyên gia về Trung Quốc, nói với The Epoch Times rằng cái gọi là chiến dịch điều tra và nghiên cứu là một sản phẩm của hệ thống ĐCSTQ.
Ông Quý nói: “Chế độ cộng sản này đã thường xuyên tiến hành các chiến dịch vì chế độ này cần tập trung quyền kiểm soát thông qua các chiến dịch, vốn thể hiện ở việc loại trừ những ai bất đồng chính kiến.”
Ông Quý cho biết, là một cường quốc độc tài, “nếu ĐCSTQ muốn làm bất cứ điều gì, thì họ phải có một nhóm người hoàn toàn phục tùng, vì vậy họ phải loại trừ những người bất đồng chính kiến.”
“Hệ thống chuyên chế này có một mức độ độc chiếm quyền lực cao và hoàn toàn không chia sẻ [quyền lực với người khác]. Nếu không, thì hệ thống cứng nhắc này sẽ không hoạt động.”
Theo ông Quý, ĐCSTQ phải luôn loại bỏ những người bất đồng chính kiến vì họ sợ bị những người bất đồng chính kiến trả thù nếu những người này lên nắm quyền.
Thanh Nguyên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times