Bà Yellen thúc đẩy ‘sản xuất tại nước bạn’ để bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi các quốc gia ‘rủi ro’ như Trung Quốc
Bà Janet Yellen, Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ, đã ở Ấn Độ để thúc đẩy “việc sản xuất tại nước bạn” nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi các quốc gia không đáng tin cậy như Trung Quốc và Nga.
Đại dịch, các vấn đề về chuỗi cung ứng, và sự trung thành về địa chính trị thay đổi nhanh chóng trong hai năm qua đã thúc đẩy việc tái cấu trúc các mối quan hệ thương mại và kinh tế trên toàn thế giới.
Bà đã thúc đẩy tầm nhìn của mình về một hình thức đầu tư và quan hệ thương mại toàn cầu hóa mới phù hợp với các đồng minh tiềm năng như Ấn Độ, tại cơ sở của Microsoft ở New Delhi hôm 11/11.
Bà Yellen đã đưa ra những bình luận của mình trước cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman, để thảo luận về việc thúc đẩy quan hệ kinh tế và tài chính giữa Hoa Thịnh Đốn và New Delhi.
Hệ thống toàn cầu hóa cũ, vốn là động lực cho phần lớn tăng trưởng kinh tế trong 30 năm qua, đã bị tác động nặng nề do nguồn cung toàn cầu bị gián đoạn nghiêm trọng.
Bà Yellen nói: “Chúng ta đang ứng phó với một loạt các trở ngại”, khi đề cập đến sự hỗn loạn kinh tế do đại dịch gây ra, quan hệ với Nga trở nên tồi tệ, và lạm phát tăng vọt trên toàn thế giới.
Cách tiếp cận ‘sản xuất tại nước bạn’ trong thương mại
Việc thực hiện thuê gia công cho phép các công ty phương Tây cắt giảm chi phí bằng cách chuyển sản xuất sang các nước có lao động rẻ hơn đã bị gián đoạn bởi làn sóng thuế quan và sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Điều này đã chuyển một số hoạt động sản xuất trở về trong nước hay còn được gọi là đưa hoạt động sản xuất về lục địa hoặc đưa sản xuất về nước.
Chính phủ Tổng thống Biden đã cảnh báo trong một báo cáo vào đầu năm nay: “Hoa Kỳ không thể tự chế tạo, khai thác, hoặc sản xuất mọi thứ. Chúng ta phải hợp tác với các đồng minh và đối tác của mình để thúc đẩy và khuyến khích khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng tập thể.”
Thay vào đó, chính phủ đã theo đuổi cái mà họ gọi là “sản xuất tại nước bạn” hoặc “sản xuất tại đồng minh”, chính sách đầu tư vào sản xuất, tìm nguồn cung ứng linh kiện, và khai thác nguyên liệu thô giữa một nhóm các quốc gia có cùng chí hướng.
Đây là một giải pháp thay thế cho kế hoạch của cựu Tổng thống Donald Trump nhằm bảo vệ sản xuất trong nước và đưa hoạt động sản xuất trở lại Hoa Kỳ.
Bà Yellen xem chiến lược “sản xuất tại nước bạn” mới là một cách để rút khỏi các quốc gia đang là mối đe dọa địa chính trị đối với chuỗi cung ứng của Hoa Kỳ, hướng tới các quốc gia thân thiện hơn như Ấn Độ và Việt Nam.
Một số nhà kinh tế cho rằng quá trình phi toàn cầu hóa này dẫn đến giá cao hơn trong ngắn hạn và làm suy yếu tăng trưởng của doanh nghiệp trong dài hạn.
Mối quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ mạnh mẽ hơn
Bà Bộ trưởng Ngân khố đã ca ngợi tiềm năng cho mối bang giao sâu sắc hơn giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ, với thương mại và đầu tư song phương là một trong những chủ đề chính của cuộc thảo luận.
Bà nói rằng Hoa Kỳ và Ấn Độ là các đồng minh tự nhiên do truyền thống dân chủ chung của họ.
Bà Yellen nói: “Chúng tôi đang chủ động hội nhập kinh tế sâu rộng với các đối tác thương mại đáng tin cậy như Ấn Độ.”
Bà Yellen nói rằng một sự tái cấu trúc lớn đã đang hình thành rồi, khi các công ty phương Tây đang đa dạng hóa chuỗi cung ứng và ít phụ thuộc nhiều hơn vào một số quốc gia nhất định cho nhu cầu của họ.
Bà Yellen cho biết: “Đã quá lâu, các quốc gia trên thế giới đã phụ thuộc quá nhiều vào các quốc gia rủi ro hoặc một nguồn cung cấp duy nhất cho những đầu vào quan trọng,” khi đề cập đến sự phụ thuộc vào các quốc gia như Trung Quốc và Nga.
“Chiến lược của chúng tôi cũng sẽ tạo ra sự dư thừa trong chuỗi cung ứng của chúng tôi để giảm thiểu rủi ro tập trung quá mức. Và chúng tôi cũng đang giải quyết sự phụ thuộc của chúng tôi vào các nhà sản xuất có cách tiếp cận xung đột với các giá trị nhân quyền của chúng tôi.”
Bà nói, “Các khoản đầu tư của chúng tôi cũng nhất quán với các giá trị của chúng tôi như [đối với] một số vật liệu bảng điều khiển năng lượng mặt trời được sản xuất ở Trung Quốc, giống như vật liệu từ vùng Tân Cương, được biết là được sản xuất bằng lao động cưỡng bức.”
Bà nói thêm, “Phải nói rõ rằng, sản xuất ở các nước bạn không chỉ giới hạn ở một câu lạc bộ độc quyền của các quốc gia. Chúng tôi tìm kiếm sự hội nhập với một nhóm lớn các quốc gia mà chúng tôi có thể tin tưởng — các nước đang phát triển và các nền kinh tế tiên tiến.”
Bà cũng đánh giá cao kế hoạch của First Solar, một công ty của Mỹ, xây dựng một cơ sở sản xuất ở tiểu bang Tamil Nadu, miền nam Ấn Độ, cũng như việc Apple chuyển một số hoạt động sản xuất iPhone sang nền cộng hòa Nam Á này từ Trung Quốc.
Đầu tư ngoại quốc vào Ấn Độ từ lâu đã bị cản trở trong nhiều năm do những lo ngại liên quan đến cơ sở hạ tầng yếu kém, hành chính quan liêu, và luật lao động cổ hủ.
New Delhi coi đây là cơ hội để thu hút nhiều đầu tư nhiều hơn và kéo doanh nghiệp ra khỏi Trung Quốc, một đối thủ địa chính trị và kinh tế lớn, đồng thời cũng là bên ủng hộ chính cho đối thủ lâu năm của Ấn Độ là Pakistan.
Bà Yellen vẫn nói rằng Hoa Kỳ mong muốn “duy trì lợi ích của hội nhập kinh tế sâu rộng với Trung Quốc, không đi đến một thế giới lưỡng cực,” miễn là Trung Quốc không đe dọa các lợi ích sống còn của Hoa Kỳ.
‘Thương mại như một vũ khí địa chính trị’
Bộ trưởng Ngân khố cáo buộc Nga, một trong những đồng minh thân cận nhất của Ấn Độ, đã vũ khí hóa nguồn cung cấp khí đốt cho Âu Châu sau cuộc xâm lược Ukraine, bất chấp việc Hoa Kỳ và các đồng minh phương Tây áp lệnh trừng phạt đối với hoạt động xuất cảng năng lượng của Moscow.
Chính phủ ông Biden coi Ấn Độ là một trung gian hòa giải quan trọng trong việc gây sức ép buộc đồng minh Nga chấm dứt xung đột Ukraine.
Bà Yellen nói rằng hai nền cộng hòa chia sẻ lợi ích chung trong việc tăng cường chuỗi cung ứng của họ trong một thế giới mà các chính phủ nhất định sử dụng thương mại như một vũ khí địa chính trị, ám chỉ Nga.
Bà Yellen nói, “Hoa Kỳ và Ấn Độ chia sẻ lợi ích trong việc tăng cường chuỗi cung ứng của chúng ta trong một thế giới nơi một số chính phủ sử dụng thương mại như một vũ khí địa chính trị,” và nói thêm rằng Hoa Kỳ “sẽ tiếp tục làm sâu sắc hơn các mối quan hệ kinh doanh và thương mại với Ấn Độ khi chúng tôi theo đuổi nghị trình sản xuất tại nước bạn của chúng tôi.”
Trung Quốc độc quyền toàn cầu về các nguyên liệu thô như đất hiếm và các khoáng chất khác, trong khi Nga là nước xuất cảng chính các mặt hàng như khí đốt tự nhiên, ngũ cốc, và phân bón.
Ấn Độ từ lâu đã duy trì quan hệ với Moscow và đã chịu được sức ép từ các quốc gia phương Tây nhằm cắt đứt quan hệ kinh tế với Nga sau cuộc xâm lược.
Bà Yellen nói rằng việc Tổng thống Vladimir Putin không muốn xuất cảng khí đốt cho các nước láng giềng thù địch ở Âu Châu là “một ví dụ về cách các tác nhân độc hại có thể sử dụng vị thế thị trường của họ để cố gắng đạt được đòn bẩy địa chính trị hoặc phá vỡ thương mại vì lợi ích của riêng họ.”
Bà nói: “Những gián đoạn gần đây đã góp phần khiến giá cả ở cả hai nước chúng ta tăng cao hơn và làm giảm sản lượng kinh tế”, đề cập đến sự gia tăng đột biến về giá năng lượng và hàng hóa do cuộc chiến ở Ukraine và các lệnh trừng phạt đối với Nga.
Vị Bộ trưởng Ngân khố nói thêm rằng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine là “điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm để giúp nền kinh tế toàn cầu” trong ngắn hạn, vốn đang đối mặt với “thời điểm quan trọng” vào lúc này.
Bà Yellen tán dương Ấn Độ
Trong khi đó, bà Yellen đưa ra danh sách các mục tiêu mà Hoa Kỳ và Ấn Độ có thể thực hiện tại hội nghị thượng đỉnh G-20, khi quốc gia Nam Á này sẽ giữ chức chủ tịch hội nghị kinh tế vào năm tới.
Bà kêu gọi sự cần thiết của các quốc gia giàu có hơn trong việc phối hợp xóa nợ cho các quốc gia kém phát triển hơn thông qua một chương trình G-20 được gọi là Khung khổ Chung.
Bộ trưởng Ngân khố nói rằng Hoa Kỳ hoan nghênh “sự lãnh đạo của Ấn Độ trong lĩnh vực này, cho dù thông qua việc mở rộng Khung khổ Chung hay khung khổ đa phương khác.”
Bà Yellen nói: “Khung khổ chung đã không thể thực hiện lời hứa của mình, phần lớn là do Trung Quốc thiếu hợp tác”, chỉ trích phía Trung Quốc vì họ không tham gia vào chương trình.
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times