Bà Yellen phủ nhận nền kinh tế Hoa Kỳ đang suy thoái bất chấp số liệu GDP cho thấy suy thoái
Sau khi nền kinh tế Hoa Kỳ đáp ứng định nghĩa thông thường của một cuộc suy thoái vì đã ghi nhận mức tăng trưởng âm trong hai quý liên tiếp, Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen đã nhấn mạnh quan điểm của chính phủ Tổng thống Biden rằng nền kinh tế Hoa Kỳ trên thực tế chưa rơi vào suy thoái.
Bà Yellen nói trong một cuộc họp báo hôm 28/07 rằng “hầu hết các nhà kinh tế và hầu hết người Mỹ” định nghĩa suy thoái là một “sự suy yếu trên diện rộng” của nền kinh tế Hoa Kỳ bao gồm việc các doanh nghiệp đóng cửa với số lượng đáng kể và sa thải hàng loạt.
Bà Yellen nói: “Đó không phải là những gì chúng ta đang chứng kiến ngay bây giờ khi quý vị nhìn vào nền kinh tế. Việc tạo ra việc làm đang tiếp diễn, tài chính gia đình vẫn mạnh, người tiêu dùng đang chi tiêu, và các doanh nghiệp đang phát triển.”
Nhận xét của bà được đưa ra cùng ngày khi Cục Phân tích Kinh tế (BEA) công bố dữ liệu cho thấy GDP thực tế của Hoa Kỳ đã giảm 0.9% hàng năm trong quý thứ hai sau khi giảm 1.6% trong quý đầu tiên.
Theo nhiều nhà kinh tế, số liệu GDP âm hai quý liên tiếp là một định nghĩa thông dụng thực tế cho một cuộc suy thoái.
Tuy nhiên, về mặt hình thức, suy thoái ở Hoa Kỳ được tuyên bố bởi một ủy ban gồm các nhà kinh tế tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBER), những người sử dụng một định nghĩa rộng hơn quy tắc hai quý để xem xét một loạt các chỉ số — bao gồm cả việc làm — vốn đang tiếp tục tăng trưởng.
“Ví dụ, trong ba tháng qua, nền kinh tế của chúng ta đã tạo ra hơn 1.1 triệu việc làm,” bà Yellen nói. “Trong ba tháng khi bắt đầu mỗi cuộc suy thoái hiện đại ngoài đại dịch, nền kinh tế của chúng ta mất trung bình 240,000 việc làm.”
Các số liệu khác mà bà Yellen đề cập bao gồm chi tiêu của người tiêu dùng tiếp tục tăng trong quý thứ hai và sản lượng công nghiệp cho thấy “mức tăng trưởng trung bình mạnh mẽ trong nửa đầu năm so với mức giảm trung bình mạnh trong các cuộc suy thoái trước đây.”
Bà cũng chỉ ra sự sụt giảm lớn trong hàng tồn kho tư nhân, làm giảm hơn 2% trong con số GDP tổng thể khi các công ty cắt giảm kho dự trữ mà họ gấp rút xây dựng vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng.
Nếu loại trừ sự dao động mạnh của hàng tồn kho sẽ đưa con số GDP quý 2 vào vùng dương.
‘Chắc chắn là một cuộc suy thoái’
Ông Vance Ginn, nhà kinh tế trưởng tại Tổ chức Chính sách Công Texas, nói với NTD, hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn rằng, mặc dù NBER là cơ quan chính thức tuyên bố suy thoái, nhưng phép tính tắt hai quý là “cách nó thường được thực hiện theo một công thức tính nhanh.”
“Tôi nghĩ rằng đây chắc chắn là một cuộc suy thoái mà hiện nay chúng ta đang phải đối mặt do những chính sách tồi tệ này,” ông Ginn nói thêm, quy trách nhiệm cho một loạt “chính sách cấp tiến” từ Tòa Bạch Ốc, Hạ viện do Đảng Dân Chủ kiểm soát, và Fed.
Ông Ginn nói thêm rằng, mặc dù “không có một cách rõ ràng nào để định nghĩa một cuộc suy thoái,” kể từ khoảng năm 1950, mỗi khi nền kinh tế trải qua hai quý liên tiếp tăng trưởng âm, thì điều đó đã được coi là suy thoái.
Ông Ginn cũng phản đối việc bà Yellen quảng bá sức mạnh thị trường lao động như một bằng chứng cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn chưa rơi vào suy thoái.
“Thị trường lao động là một chỉ số có độ trễ trong nền kinh tế nói chung,” ông Ginn cho biết, đồng thời cho biết thêm rằng các doanh nghiệp sa thải nhân viên như một biện pháp cuối cùng và thị trường việc làm thường là một trong những chỉ số cuối cùng thay đổi.
Ông nói thêm rằng đã có một số bằng chứng về sự căng thẳng trên thị trường lao động.
Ông Ginn nói: “Các doanh nghiệp nhỏ, họ đã cắt giảm việc làm tại ba trong bốn tháng vừa qua và niềm tin của các doanh nghiệp nhỏ hiện đang ở mức thấp nhất trong 48 năm và niềm tin của người tiêu dùng đang ở mức thấp nhất trong hơn một thập niên, thậm chí còn tệ hơn cả cuộc suy thoái mà chúng ta đã có vào năm 2020.”
Trong tháng Sáu, Chỉ số Lạc quan của Liên đoàn Doanh nghiệp Độc lập Quốc gia (NBIF) đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử 48 năm của chỉ số này.
Nhà kinh tế trưởng Bill Dunkelberg của NFIB cho biết trong một tuyên bố, “Khi lạm phát tiếp tục chi phối các quyết định kinh doanh, kỳ vọng của các chủ doanh nghiệp nhỏ cho các điều kiện kinh doanh tốt hơn đã đạt mức thấp mới.”
Bên cạnh những thách thức trước mắt về lạm phát và tình trạng thiếu lao động mà các doanh nghiệp nhỏ đang phải chật vật ứng phó, ông Dunkelberg nói rằng triển vọng chính sách kinh tế của chính phủ Tổng thống Biden “cũng không đáng khích lệ vì các cuộc bàn luận về chính sách đã chuyển sang nói về tăng thuế và nhiều quy định hơn.”
‘Căng thẳng lớn do lạm phát cao’
Trong nhận xét của mình, bà Yellen thừa nhận rằng các gia đình Mỹ đang trải qua “căng thẳng lớn do lạm phát cao” và người tiêu dùng đang cảm thấy thiếu tự tin hơn về nền kinh tế.
Bà Yellen nói, “Tôi nghĩ rằng mối quan tâm lớn nhất của họ là lạm phát và giá cả cao khiến họ cảm thấy không đủ khả năng đổ xăng vào bình xăng của mình, và mọi người lo lắng về khoản tiết kiệm khi về hưu và liệu họ có đủ tiền để về hưu hay không. Giờ đôi khi người ta sử dụng từ suy thoái để chỉ điều đó, [nhưng] đó thực sự là về lạm phát.”
“Sự khó chịu mà các gia đình cảm thấy, đó không phải là do thị trường việc làm — việc làm luôn sẵn có và hầu hết người Mỹ cảm thấy hài lòng về triển vọng việc làm của họ,” bà tiếp tục và cho biết thêm rằng một số người Mỹ có thể lo lắng rằng thị trường lao động sẽ suy yếu.
Bà nói thêm: “Nhưng tôi nghĩ rằng gánh nặng lớn nhất đang đè nặng lên tâm lý các gia đình là lạm phát.”
Trong một nỗ lực để hạ nhiệt giá cả tăng vọt, Fed đã khởi hành trên con đường tích cực thắt chặt chính sách tiền tệ, khiến một số nhà kinh tế lo ngại rằng điều này sẽ đẩy nền kinh tế vào suy thoái.
Ông Tom Ozimek là người có kiến thức chuyên môn sâu rộng về lĩnh vực báo chí, bảo hiểm tiền gửi, tiếp thị và truyền thông cũng như đào tạo cho người trưởng thành. Lời khuyên về việc viết lách hay nhất mà ông từng nghe là từ Roy Peter Clark: ‘hãy nhắm trúng mục tiêu của quý vị’ và ‘hãy để lại điều thú vị nhất ở sau cùng.’