Nga cắt giảm 80% lượng khí đốt sang Âu Châu, thúc đẩy biến động giá
Giá khí đốt tự nhiên ở Âu Châu đã ổn định vào thứ Sáu (29/07) sau một tuần đầy biến động, trong đó Nga cắt giảm 80% dòng khí đốt qua đường ống Nord Stream 1, gây ra cuộc khủng hoảng năng lượng cho khối này trước mùa đông lạnh giá.
Hợp đồng bán buôn tương lai của Hà Lan, tiêu chuẩn Âu Châu, đạt mức 190.25 euro mỗi megawatt-giờ hôm 29/07.
Tổng số hợp đồng khí đốt tương lai đã tăng 400% so với cùng thời điểm vào năm 2021.
Giá năng lượng tương lai của Đức ở mức 359 euro mỗi megawatt-giờ sau khi đạt mức cao kỷ lục vào đầu tuần.
Đường ống Nord Stream 1 hiện là tuyến đường chính dẫn khí đốt tự nhiên của Nga đến phần lớn Âu Châu, chiếm một phần ba lượng khí đốt nhập cảng từ quốc gia này.
Hôm 26/07, EU đã quyết định thu hẹp quy mô một kế hoạch khẩn cấp nhằm giảm nhu cầu về khí đốt sau khi đạt được một thỏa hiệp, trong đó một số quốc gia sẽ tự nguyện giảm sử dụng năng lượng với sự lường trước về việc cắt giảm dẫn khí đốt qua đường ống này.
Nếu việc tự nguyện giảm sử dụng năng lượng trên toàn khối 27 thành viên không thể giải quyết vấn đề, việc cắt giảm sẽ được thực hiện bắt buộc.
Khối sẽ cắt giảm nhập cảng khí đốt 15% từ tháng 08/2022 đến tháng 03/2023, với hy vọng rằng việc giảm tỷ lệ tiêu thụ sẽ hạ bớt tác động của tình trạng thiếu hụt nếu Gazprom cuối cùng chấm dứt cung cấp năng lượng.
Không đủ năng lượng cho mùa đông
Cho đến nay, Điện Kremlin đã cắt giảm hoặc cắt hoàn toàn khí đốt tự nhiên đối với 12 nước Âu Châu kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, một phần do một số nước EU từ chối thanh toán khí đốt bằng đồng rúp.
Cũng có nhiều lo ngại rằng một số thành viên EU sẽ không thể tăng cường khả năng lưu trữ khí đốt kịp thời cho mùa đông để giữ ấm cho công dân của họ và cho phép các nhà máy dễ bị ảnh hưởng của họ hoạt động.
Tăng trưởng kinh tế của Âu Châu, vốn đang phục hồi sau đại dịch và bị tác động bởi nhiều đợt thiếu hụt nguồn cung cùng lạm phát gia tăng, có thể bị ảnh hưởng thêm nếu khí đốt tiếp tục được phân bổ.
Tính đến ngày 27/07, lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1 đã giảm xuống còn 14.4 triệu KWh/h ở Âu Châu, giảm so với khoảng 28 triệu KWh/h ngày trước đó, vốn chỉ đạt 40% công suất bình thường.
Đường ống khởi động lại mới chỉ một tuần sau thời gian bảo trì 10 ngày theo lịch trình.
Gazprom đổ lỗi cho việc trì hoãn đưa trở lại một tuabin đang được bảo dưỡng sửa chữa ở Canada đã gây ra cuộc khủng hoảng đường ống, bên cạnh các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây vì cuộc chiến ở Ukraine.
Phó Giám đốc điều hành Gazprom Vitaly Markelov cáo buộc Canada không giao một tuabin chính do Siemens thiết kế và được sử dụng tại trạm máy nén Portovaya của Nord Stream 1. Tuabin này đang được bảo trì ở Canada.
Siemens Energy AG phản hồi rằng Gazprom không cung cấp được giấy tờ hải quan để đưa tuabin trở lại Nga.
Ông Klaus Mueller, người đứng đầu cơ quan quản lý mạng lưới năng lượng của Đức, nói với đài phát thanh Deutschlandfunk: “Khí đốt hiện là một phần trong chính sách ngoại giao của Nga và có thể là chiến lược chiến tranh của Nga.”
Nga bị cáo buộc tống tiền năng lượng
Brussels đã cáo buộc Moscow sử dụng xuất cảng năng lượng như một vũ khí để tống tiền các nền kinh tế EU, trong khi các nhà chức trách Nga đáp trả rằng phương Tây phải chịu trách nhiệm về sự thiếu hụt của chính họ do các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của chính họ gây ra.
Các quan chức EU thừa nhận rằng Moscow có thể chặn hoàn toàn các dòng khí đốt vào mùa đông năm 2022, đẩy các nhà nhập cảng năng lượng lớn như Đức và Ý vào tình trạng suy thoái và khiến giá vốn đã cao đối với người tiêu dùng và nhà sản xuất trở nên tồi tệ hơn.
Cả hai quốc gia này đều cho biết họ đã nhập cảng ít khí đốt hơn từ Gazprom trong những ngày gần đây.
Đức là nhà nhập cảng khí đốt của Nga lớn nhất EU và là nền kinh tế lớn nhất của khu vực đồng euro. Các ngành công nghiệp của Đức có thể không tồn tại nếu không có nguồn cung cấp khí đốt của Nga.
Berlin đã đối mặt với cuộc khủng hoảng cung cấp năng lượng kể từ giữa tháng Sáu, khi công ty khí đốt quốc gia Uniper của họ buộc phải nhận khoản cứu trợ của chính phủ trị giá 15 tỷ euro (15.21 tỷ USD) sau khi cắt giảm cung cấp năng lượng của Nga.
Ý cũng dễ bị tổn thất, vì nước này thường nhập cảng 40% khí đốt từ Nga.
Công ty khí đốt Ý Eni, cùng với các quan chức chính phủ ở Rome, dự đoán rằng họ sẽ đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung năng lượng vào cuối mùa đông 2022–2023 nếu nguồn cung từ Nga bị cắt giảm nhiều hơn nữa.
Đức đang ở giai đoạn hai của kế hoạch năng lượng khẩn cấp ba giai đoạn. Trong giai đoạn ba, việc phân bổ khí sẽ không thể tránh được nữa.
Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết chính phủ cởi mở hơn trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân để tránh tình trạng thiếu điện. Cựu Thủ tướng Angela Merkel đã dùng cả một thập niên để thu hẹp ngành năng lượng hạt nhân của quốc gia trước khi bà rời nhiệm sở.
Ông Lindner cho biết ba nhà máy hạt nhân còn lại của Đức có thể sản xuất 6% điện năng cần thiết để duy trì tăng trưởng nếu nước này mất nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.
Các đại diện của ngành công nghiệp Đức cảnh báo họ có thể cắt giảm tỷ lệ sản xuất để tồn tại tài chính trong tình trạng thiếu khí đốt do phản ứng chậm chạp của chính phủ trong việc tìm kiếm một nguồn nhiên liệu thay thế đáng tin cậy.
Chính phủ Đức đang tiếp tục kêu gọi các hộ gia đình và các ngành công nghiệp tiết kiệm khí đốt để tránh phải phân bổ trong tương lai.
Anh Bryan S. Jung là người bản xứ và cư trú tại Thành phố New York với nền tảng chính trị và ngành luật. Anh tốt nghiệp Đại học Binghamton.