Nga nối lại việc cung cấp khí đốt cho Âu Châu qua đường ống Nord Stream
Nhà điều hành đường ống đã xác nhận, khí đốt tự nhiên của Nga đã bắt đầu chảy trở lại qua đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 vào thứ Năm sau khi tạm ngừng hoạt động 10 ngày để bảo trì theo dự kiến.
Nord Stream 1 là đường ống duy nhất và lớn nhất vận chuyển khí đốt của Nga đến Đức, và vận chuyển 55 tỷ mét khối (bcm) khí đốt mỗi năm dưới Biển Baltic.
Đường ống này bắt đầu quá trình bảo trì hàng năm hôm 11/07.
Phát ngôn viên của Nord Stream AG đã xác nhận với nhiều hãng thông tấn rằng đường ống hiện đã được vận hành trở lại, tuy nhiên chưa rõ công suất là bao nhiêu.
Trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử cho CNBC, vị phát ngôn viên này nói rằng công ty “đang trong quá trình nối lại hoạt động vận chuyển khí đốt” và “có thể mất vài giờ đồng thổ để đạt được khối lượng vận chuyển được chỉ định.”
Trong khi đó, chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang của Đức, ông Klaus Müller, cho biết trên Twitter rằng đường ống này đã chạy với công suất khoảng 30% vào sáng thứ Năm (21/07), ông ghi nhận khối lượng này đã được bảo đảm trong hai giờ.
Trong một bài đăng thứ hai trên Twitter, ông Müller nói rằng dòng khí đốt có thể sẽ đạt mức công suất tối đa khoảng 40% vào thứ Năm, đồng thời lưu ý rằng “thật không may, sự bất ổn chính trị và mức cắt giảm 60% [lượng khí đốt] từ giữa tháng Sáu vẫn chưa kết thúc.”
Dữ liệu trên trang web chính thức của Nord Stream AG cho thấy dòng khí đốt đầu ra ở mức 21,388,236 kWh/h lúc 6 giờ sáng đến 7 giờ sáng thứ Năm theo giờ chuẩn Trung Âu, tăng so với mức 0 kWh/h trước đó.
Vào ngày vận hành cuối cùng trước khi đường ống này tạm ngừng để bảo trì, lưu lượng chảy là 29,278,309 kWh/h.
Thở phào nhẹ nhõm
Việc nối lại dòng khí đốt qua đường ống này chắc chắn sẽ khiến các quan chức Âu Châu thở phào nhẹ nhõm, những người trước đó đã chuẩn bị tinh thần cho khả năng nguồn cung cấp khí đốt bị cắt giảm hơn nữa và đang tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế cho khí đốt của Nga.
Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho một số quốc gia Âu Châu không tuân thủ yêu cầu của Tổng thống Vladimir Putin về việc thanh toán bằng đồng rúp.
Tuy nhiên, Liên minh Âu Châu phụ thuộc vào khí đốt của Nga, vốn chiếm 40% tổng lượng khí đốt nhập khẩu của EU vào năm 2021, tương đương khoảng 155 bcm khí đốt tự nhiên.
Sự phụ thuộc đó đã tăng lên 65% ở Đức vào năm 2020 và sự gián đoạn nguồn cung cấp có thể làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng trên khắp Âu Châu hiện thời cũng như chứng kiến giá tiêu dùng tiếp tục tăng cao, làm tăng nguy cơ suy thoái kinh tế.
Mặc dù vậy, Đức đã tuyên bố sẽ giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga do cuộc xâm lược Ukraine của nước này.
Hôm thứ Tư (20/07), Chủ tịch Ủy ban Âu Châu Ursula von der Leyen cáo buộc Điện Kremlin sử dụng năng lượng như một “vũ khí”, đồng thời yêu cầu các nước thành viên EU cắt giảm tối thiểu 15% lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ cho đến mùa xuân năm 2023.
Bà Ursula von der Leyen viết trên Twitter: “Nga đang tống tiền chúng tôi. Nga đang sử dụng năng lượng như một vũ khí. Và do đó, trong bất kỳ trường hợp nào, cho dù có phải cắt giảm một phần lớn khí đốt của Nga hay cắt giảm toàn bộ khí đốt của Nga, thì Âu Châu cũng cần phải chuẩn bị sẵn sàng”, và nói thêm rằng EU đã “làm rất nhiều để chuẩn bị” và rằng lượng khí đốt dự trữ hiện đang ở mức 64%.
Điện Kremlin đã bác bỏ những cáo buộc như vậy và khẳng định rằng Nga là nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy và “thực hiện nghiêm túc mọi nghĩa vụ của mình” đối với Âu Châu.
Bà Ursula von der Leyen tiếp tục: “Nguồn cung cấp khí đốt từ các nguồn khác đã tăng 75% so với năm ngoái. Và kể từ đầu năm, ước tính có thêm 20 GW công suất năng lượng tái tạo đã được bổ sung.”
Chủ tịch Ủy ban cho biết các nước EU “hiện giờ cần phải cố gắng hết khả năng của mình để tiết kiệm 15% lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm.”
Theo quy định được đề xướng (pdf), được công bố hôm thứ Tư, họ sẽ đặt ra mức giảm đầu tiên là 15% đối với việc sử dụng khí đốt tự nhiên trong khoảng thời gian từ ngày 01/08/2022 đến 31/03/2023.
Bà von der Leyen nói: “Chúng tôi đang cung cấp hướng dẫn để làm điều đó, một cách mau chóng. Hiện giờ, mục tiêu này là niềm ao ước. Trong trường hợp đáng báo động ở Âu Châu, thì 15% là bắt buộc. Chúng ta hành động càng nhanh, thì chúng ta càng tiết kiệm được nhiều, chúng ta càng an toàn hơn.”
Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô đưa tin tức và kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.