Âu Châu không thể trông cậy vào khí đốt của Hoa Kỳ để chống lại sự thâm hụt nguồn cung ngày càng tăng từ Nga
Âu Châu vốn đã có thể trữ đầy các bể chứa của mình và duy trì một công suất thích hợp vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, sự gián đoạn dòng chảy từ Nga sẽ được bù đắp bằng nguồn cung hiện tại từ Hoa Kỳ và dẫn đến thâm hụt trữ lượng tồn kho đáng kể vào năm 2023.
Theo phân tích của hãng thông tấn Bloomberg, có hai vấn đề liên quan đến nguồn cung từ Hoa Kỳ. Một là nguồn cung bị hạn chế, dự kiến sẽ không tăng nhiều trong vài năm tới. Hai là, thực tế cho thấy các thương buôn và đại công ty năng lượng đã ổn định được đa phần lượng xuất cảng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của đất nước và đa phần đã chốt các nguồn cung cấp trong tương lai. Điều này có nghĩa là họ có thể bán lượng cung cấp này cho bất kỳ ai trả giá cao nhất, có thể đó là Trung Quốc, khi quốc gia này thoát khỏi các đợt phong tỏa do COVID-19 và các hạn chế kinh tế.
Để Âu Châu vẫn là một thị trường hấp dẫn đối với các thương buôn, thì họ cần phải thu hút khoảng 70% nguồn cung giao ngay toàn cầu, chủ yếu từ Hoa Kỳ.
“Nguồn cung của Hoa Kỳ đặc biệt nhạy cảm với giá cả và sẽ chảy sang thị trường cao cấp, nơi mà Âu Châu sẽ vẫn duy trì trừ khi nhu cầu của Á Châu tăng lên,” nhà phân tích Arun Toora của Bloomberg cho biết. “Tuy nhiên, mức tăng thường niên này không đủ để bù đắp lượng khí đốt bị cắt hoàn toàn từ đường ống của Nga khi mà lượng LNG tăng lên chỉ đáp ứng được dưới một nửa khối lượng bị cắt giảm này.”
Hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành nhà cung cấp LNG hàng đầu cho Liên minh Âu Châu và Vương quốc Anh, và cấp khoảng 60% nguồn cung của mình cho khu vực này.
Khi mùa đông cần sưởi ấm đến gần, Âu Châu đã cố gắng trữ đầy các kho cung cấp khí đốt của mình lên 93.8% công suất, vượt mục tiêu cho ngày 01/11 là 80% trước thời hạn. Tuy nhiên, vào năm tới, nếu không có nguồn khí đốt của Nga, thì việc trữ đầy những bồn chứa vẫn là một thách thức.
Theo các nhà phân tích của Bloomberg, xét đến 43% lượng khí đốt có thể được cung cấp đến bất cứ nơi đâu theo hợp đồng, nếu Âu Châu nhập cảng 60% LNG giao ngay, thì khu vực này này sẽ bị thiếu hụt và chỉ xoay sở để trữ đầy công suất dưới 70% vào cuối mùa hè.
Các nhà cung cấp khí đốt Âu Châu
Tốc độ xuất cảng khí đốt từ Hoa Kỳ sang Âu Châu tăng nhanh sau khi Nga xâm lược Ukraine. Âu Châu đã nhập cảng 83% lượng khí đốt tự nhiên trong năm ngoái (2021).
Cho đến nửa cuối năm 2021, Nga chiếm gần 50% lượng khí đốt nhập cảng vào khu vực. Đến tháng 08/2022, con số đó giảm xuống còn 17.2%, trong khi nhập cảng từ các nước khác tăng lên 82.8%.
Trong nửa đầu năm 2022, Na Uy cung cấp hơn 22% lượng khí đốt nhập cảng vào Âu Châu, Algeria trên 10%, cùng với hơn 25% nhập cảng LNG từ Hoa Kỳ, Qatar và Nigeria.
Nga đã cung cấp 155 tỷ mét khối (bcm) khí đốt cho Âu Châu trước chiến tranh. Nhập cảng LNG của Hoa Kỳ tăng từ 22 bcm trong năm 2021 lên gần 40 bcm từ tháng 01/2022 đến tháng 08/2022.
27 quốc gia thành viên trong Liên minh Âu Châu đã tiêu thụ 412 bcm khí đốt hồi năm ngoái, chủ yếu để sưởi ấm gia đình và phục vụ cho các quy trình công nghiệp. Hơn 30% gia đình Âu Châu sử dụng khí đốt để sưởi ấm.
Bên cạnh các nhà cung cấp thông thường, Âu Châu cũng đang tìm hiểu các phương án nhập cảng khí đốt từ các nước khác.
Trong khi Na Uy đang nâng công suất sản xuất để đáp ứng nhu cầu của Âu Châu, các khu vực miền nam, miền trung và miền tây có thể nhập cảng khí đốt từ Azerbaijan.
“Trong những năm tới, ít nhất chúng tôi sẽ tăng gấp đôi sản lượng và xuất cảng sang Âu Châu. Chúng tôi có các nguồn lực,” Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliev nói với các phóng viên hồi tháng trước.
Thông qua đường ống xuyên Biển Adriatic, 8 bcm khí đốt của Azerbaijan đã được vận chuyển vào Ý. Azerbaijan đang có kế hoạch tăng lượng nhập cảng của Âu Châu thêm 40%, lên 11.2 bcm trong năm 2022.
Khánh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times