Người Đức chi tiêu ít hơn khi chi phí điện, thực phẩm tăng vọt làm suy giảm khả năng tài chính
BERLIN — Trong 25 năm, ông Theo Jost đã phục vụ món ngỗng Giáng Sinh kiểu Đức trong nhà hàng của mình gần vùng núi Rừng Đen (Schwarzwald, ở Baden-Württemberg thuộc miền tây nam nước Đức). Những con chim còn tươi này được nuôi dưỡng bởi những người nông dân ở miền bắc nước Đức. Nhưng năm nay, ông đã bỏ món ăn này khỏi thực đơn vì chi phí tăng cao trên toàn chuỗi cung ứng sẽ khiến giá của nó tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Ông Jost nói với Reuters: “Tôi nói với con trai tôi: ‘Chúng ta không thể mong đợi những vị khách của mình trả 60–70 euro (62–75 USD) cho một suất ngỗng.’”
Điều đó sẽ vượt quá ngân sách của những người Đức đang tìm cách cắt giảm những thứ không thiết yếu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do giá năng lượng tăng cao. Giá cả đã tăng mạnh khi thế giới thoát khỏi phong tỏa đại dịch vào năm 2021 và càng được đẩy lên cao hơn trong cuộc đối đầu giữa nước Nga giàu khí đốt và phương Tây.
Những người Đức được Reuters phỏng vấn cho biết họ đang trì hoãn các quyết định chi tiêu khi lạm phát ảnh hưởng đến thu nhập của họ, trong khi nhiều dữ liệu kinh tế cho thấy bức tranh sẽ không được cải thiện trong nhiều tháng tới trong năm 2023.
Phụ thuộc nặng nề vào khí đốt của Nga, Đức đã chứng kiến lạm phát ở mức 11.3% trong tháng 11 theo thước đo hài hòa chính thức của Liên minh Âu Châu (Harmonised Index of Consumer Prices, HICP) — cao hơn mức trung bình 10% của các quốc gia sử dụng đồng euro và cao hơn mức 7.1% của nước láng giềng Pháp.
Đức được dự đoán sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất của G7 rơi vào suy thoái vào năm tới. Quỹ Tiền tệ Quốc tế nhận thấy sản lượng (GDP) giảm 0.3% trong mức tăng trưởng trung bình khiêm tốn là 1.1% theo tiêu chuẩn của các nền kinh tế phát triển.
Là nền kinh tế lớn nhất Âu Châu, lạm phát cao và tăng trưởng yếu ở Đức là vấn đề đối với khu vực: một mặt, tình hình này có thể giúp thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Âu Châu hướng tới chính sách thắt chặt hơn; mặt khác, nó kìm hãm hoạt động tổng thể.
Trong khi sự phụ thuộc vào năng lượng Nga đã làm dấy lên lo ngại về thiệt hại lâu dài đối với sức mạnh công nghiệp của Đức, mức tăng giá năng lượng hàng năm 43.5% mà nước này chứng kiến cũng đồng thời đang tác động mạnh mẽ đến người tiêu dùng, khiến giá cả tăng cao hơn và ảnh hưởng đến thu nhập khả dụng của họ.
Cô Ulrike Malmendier, giáo sư kinh tế tại Đại học California–Berkeley, thành viên của hội đồng chuyên gia kinh tế SVR của Đức, chuyên tư vấn cho chính phủ về chính sách, cho biết: “Đây không chỉ là suy thoái kinh tế thông thường của quý vị.”
Cô Malmendier nói với Reuters: “Chúng ta đang đối phó với thực tế là giá năng lượng sẽ cao hơn đáng kể trong dài hạn, đồng thời cho biết thêm rằng điều này có thể có tác động dài hạn tương tự đối với chi tiêu của người tiêu dùng, điều mà các nhà hoạch định chính sách cần phải giải quyết.
Tác động của hóa đơn nhiên liệu có độ trễ
Hiện tại, SVR đã nhận thấy mức tiêu dùng tư nhân yếu kém làm giảm 0.3% trong tổng mức tăng trưởng của Đức vào năm 2023, góp phần gây ra suy thoái kinh tế mà IMF và các tổ chức khác hiện dự đoán.
Theo số liệu của SVR, cũng như ở các nước Âu Châu khác, tiền lương của Đức được điều chỉnh theo lạm phát vào giữa năm 2022 thấp hơn so với cuối năm 2019.
Nhưng các thỏa thuận về tiền lương gần đây cho thấy mức lương sẽ còn giảm tiếp: một thỏa thuận do nghiệp đoàn IG Metall ở tây nam nước Đức ký kết vốn sẽ tạo ra xu hướng cho các thỏa thuận khác đã không đạt đến mức lạm phát với mức tăng tích lũy 8.5% trong hai năm.
Trong khi một số nhà kinh tế dự đoán lạm phát ở Đức sẽ đạt đỉnh vào đầu năm tới, một số yếu tố trong nước cho thấy tác động của nó đối với người tiêu dùng sẽ cộng hưởng trong nhiều tháng tới ở một quốc gia có văn hóa ác cảm sâu sắc với việc tăng giá.
Anh Tobias Rademacher, một nhà phát triển phần mềm đến từ Leipzig, vừa nhận được hóa đơn tiền điện mới cho năm tới. Anh nói rằng anh sẽ phải dành gấp đôi thu nhập của mình để trang trải các hóa đơn vào năm 2023, so với năm nay.
Tuy nhiên, giống như nhiều người trong lĩnh vực thuê nhà địa phương, nỗi sợ hãi lớn nhất của anh là những gì sẽ xảy ra vào cuối năm đó. Những người thuê nhà ở Đức thanh toán hóa đơn sưởi ấm hàng tháng cho chủ nhà của họ — giá phụ thuộc vào việc sử dụng trong năm trước. Vào một thời điểm nào đó trong năm 2023, anh và hàng trăm ngàn người khác sẽ nhận được hóa đơn cho việc sưởi ấm vào năm 2022 của mình để thu hồi chi phí tăng thêm do giá cả tăng cao.
Người đàn ông 42 tuổi này nói với Reuters, “Hiện tại, tôi đã quyết định không lên kế hoạch cho một kỳ nghỉ lớn vào năm tới, chỉ đơn giản bởi vì quý vị không biết mình sẽ phải đối mặt với điều gì.” Anh cho biết thêm rằng ngay cả với số tiền mà anh gọi là một mức lương dễ chịu, anh cũng đang tạm dừng việc mua một chiếc xe đạp mới.
Anh Rademacher không đơn độc. Công ty du lịch Đức ta.ts cho biết lượng đặt chỗ đi du lịch đã giảm 15% so với năm ngoái, trong khi dữ liệu của OpenTable chỉ ra xu hướng giảm lượng đặt chỗ nhà hàng.
Hiệp hội bán lẻ HDE đã cảnh báo lĩnh vực của họ phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số bán hàng Giáng Sinh lớn nhất kể từ năm 2007 trong năm nay. Nhà bán lẻ giảm giá Primark cho biết hồi tháng 11 rằng họ đang tìm cách giảm sự hiện diện của mình ở Đức khi phải vật lộn với doanh số bán hàng yếu và chi phí gia tăng.
Không có cách khắc phục dễ dàng nào đối với vấn đề năng lượng của Đức, với nhóm nghiên cứu Prognos dự đoán giá điện bán buôn sẽ tăng gấp đôi mức trước chiến tranh Ukraine vào cuối năm 2023.
Ông Joerg Angelé, chuyên gia kinh tế cao cấp tại công ty quản lý tài sản Bantleon, cho biết ông hy vọng người tiêu dùng sẽ tiếp tục tiết kiệm cho những thứ không thiết yếu.
“Quý vị không thể tiết kiệm được điện hoặc khí đốt, và những thứ đó sẽ đắt hơn vào năm tới,” ông Angelé nói. “Tôi e rằng tiền thuê nhà sẽ tăng nhiều hơn trong những năm tới và quý vị không thể tiết kiệm được tiền khi mua hàng bách hóa.”
Chính phủ hỗ trợ quá muộn?
Tâm lý tiêu dùng ảm đạm này được phản ánh trong các cuộc thăm dò do nhóm nghiên cứu GfK thực hiện. Số liệu mới nhất cho thấy tâm lý người tiêu dùng tăng nhẹ so với tháng Mười. Nhưng tâm lý vẫn ở một số mức thấp nhất trong hai thập niên qua.
Tinh thần xuống thấp đã được nhấn mạnh thêm trong một nghiên cứu xuyên quốc gia gần đây của công ty tư vấn EY, cho thấy 23% người Đức lo cho tài chính của họ so với chỉ 16% người dân ở Pháp lo lắng.
Điều đó có thể không có gì đáng ngạc nhiên. Không chỉ chi phí năng lượng mà giá thực phẩm ở Đức cũng tăng nhiều hơn ở Pháp: 18.9% ở Đức trong tháng Mười so với 12.9% ở Pháp, theo một chỉ số hài hòa.
Đây càng là một chấn động mạnh đối với một đất nước là lãnh địa của các hãng tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ chi phí thấp như Aldi và Lidl, vì người Đức từng có thể dựa vào các cửa hàng bách hóa có giá tương đối rẻ này trong nhiều năm.
Đánh vào tất cả các quốc gia nhập cảng lương thực, cuộc chiến ở Ukraine đã bóp nghẹt nguồn cung cấp dầu hướng dương và tăng giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, và năng lượng, những thứ cần thiết để sưởi ấm chuồng trại, vận hành các cơ sở sản xuất, và vận chuyển.
Các quan chức ngành công nghiệp thực phẩm địa phương cũng chỉ ra một hành động gần đây làm tăng mức lương tối thiểu của Đức lên 12 euro mỗi giờ, khiến chi phí sản xuất tăng thêm.
Chính sách quốc gia cũng là một yếu tố. Một số người chỉ ra việc Đức chậm trễ trong việc hạn chế giá năng lượng và so sánh phản ứng này với hành động sớm hơn nhiều của Pháp nhằm hỗ trợ người tiêu dùng bằng các khoản trợ cấp tại trạm xăng và các nơi khác.
Ông Jeromin Zettelmeyer, giám đốc tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels, cho biết Pháp có thể đã hành động nhanh hơn vì “độ nhạy cảm cao hơn” đối với tình trạng bất ổn xã hội sau các cuộc biểu tình “gilets jaunes” (áo vàng) diễn ra vào năm 2018 chống lại nỗ lực tăng thuế năng lượng của chính phủ.
Theo OECD, tất cả những yếu tố này kết hợp lại khiến người Đức lo lắng hơn về lạm phát trong tương lai: Kỳ vọng lạm phát 5 năm của các gia đình Đức ở mức 6% trong tháng Chín. ECB báo cáo kỳ vọng lạm phát ba năm của người tiêu dùng Âu Châu nói chung là 3%.
Do Mathis Richtmann thực hiện
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times