Athens của trời Nam
Vào năm 1822, đức cha Philip Lindsley đến thành phố Nashville, Tennessee để giải cứu trường Đại học Cumberland (nay là Đại học Nashville) đang gặp khó khăn. Ông mang theo một tầm nhìn rộng lớn: tạo ra “một trung tâm học tập và văn minh ở giữa vùng Tây Nam Cũ.” Ông hình dung đến một nhóm học giả, tương tự như những vị được miêu tả trong bức bích họa nổi tiếng “The School of Athens” (Trường học Athens) của danh họa Raphael, làm phong phú thêm nền văn hóa của thành phố.
Cha Lindsley đã mời một số học giả xuất sắc nhất đương thời làm giáo sư thỉnh giảng và mở rộng các chương trình học thuật của trường. Tập trung vào các ngành học cổ điển, ngôn ngữ, toán học, và khoa học, trường đại học này đã đặt định ra sự phát triển văn hóa của thành phố. Chính sự phát triển đó đã khiến cha Lindsley gọi Nashville là “Athens của trời Nam.” Chính xác hơn thì, ông gọi nó là “Athens” của phương Tây, hay Tây Nam. Vào năm 1796, lãnh thổ Tennessee đã gia nhập Liên bang và được xem là biên giới phía tây lúc bấy giờ.
Xây dựng một tầm nhìn
Trong thế kỷ 19 đầy biến động, thành phố Nashville phát triển và thịnh vượng. Trong cuốn sách “Athens của Trời Nam Mới (Athens of the New South), tác giả Mary Ellen Pethel giải thích rằng ngay cả trong những ngày tháng u ám của cuộc Nội Chiến, thành phố này vẫn tiếp tục vươn mình phát triển. Đây là thành phố miền Nam đầu tiên bị lực lượng Liên minh chiếm đóng và tránh được sự tàn phá mà rất nhiều thành phố khác đã trải qua. Sau chiến tranh, ngành công nghiệp và vị trí trung tâm đã thúc đẩy sự phồn thịnh của nơi đây. Theo bà Pethel, thành phố này được ban phước với “cấu trúc nhân khẩu học, hạ tầng, và văn hóa độc đáo.”
Dựa trên tầm nhìn của mục sư Lindsley, ít nhất tám trường học đã mở cửa tại Nashville từ năm 1864 đến năm 1912: Đại học David Lipscomb, Đại học Fisk, Đại học Y Meharry, Đại học Peabody, Đại học Roger Williams, Trường Đại học Nông nghiệp và Công nghiệp Tennessee (Đại học Tiểu bang Tennessee), Đại học Vanderbilt, và Trường Ward-Belmont (Đại học Belmont).
Triển lãm Quốc tế và Kỷ niệm 100 năm tiểu bang Tennessee
Để kỷ niệm 100 năm thành lập tiểu bang Tennessee, thành phố Nashville đã tổ chức một hội chợ thế giới được xếp vào hàng các triển lãm tân cổ điển quy mô lớn vào cuối thế kỷ 19. Triển lãm quốc tế năm 1897 trưng bày các sảnh theo phong cách kiến trúc Beaux-Arts lộng lẫy và có bản sao tỷ lệ 1:1 của đền Parthenon ở Athens. Ban đầu được xây dựng dưới thời trị vì của Pericles (thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên), đền Parthenon ở Hy Lạp là đền thờ nữ thần Athena, vị thần bảo hộ của thành phố. Sau đó, nơi này đã trở thành nhà thờ Thiên Chúa Giáo, và sau khi bị đế quốc Ottoman chiếm đóng, ngôi đền biến thành một thánh đường Hồi Giáo.
Tòa nhà Quốc hội Tiểu bang Tennessee, do kiến trúc sư William Strickland thiết kế, đã giới thiệu kiến trúc Phục Hưng Hy Lạp đến với thành phố Nashville. Lấy cảm hứng từ những công trình cổ kính của Athens, tòa nhà này có cả ba thức cột Hy Lạp — Ionic, Doric, và Corinthian — và được xây dựng với kỹ thuật khéo léo cùng độ chính xác cao. Thiếu tá Eugene Castner Lewis, giám đốc của hội chợ năm 1897, ban đầu đề xướng rằng một phiên bản tái hiện đền Parthenon sẽ là biểu tượng phù hợp cho triển lãm này.
William Crawford Smith là kiến trúc sư phác thảo bản thiết kế có độ chính xác cao bằng kích thước nguyên bản cho mô hình đền Parthenon. Ngôi đền đã trở thành điểm thu hút khách nổi tiếng tại hội chợ thành công này — nổi tiếng đến mức không ai muốn dỡ bỏ nó. Điều này gây ra một vấn đề đặc biệt, vì tòa nhà này vốn được xây dựng làm nơi trưng bày tạm thời. Công trình này làm từ thạch cao, gỗ, và gạch. Tòa nhà tồn tại được 20 năm, nhưng do thời tiết và thời gian tàn phá, công trình bị xuống cấp nghiêm trọng đến mức không thể cứu vãn. Nơi đây từng trở thành một tòa nhà dân sự, một hình ảnh biểu tượng cho nền tảng văn hóa của thành phố.
Vậy phải làm sao đây? Liệu thành phố có nên xây dựng một đền Parthenon cố định không? Đá cẩm thạch quá đắt đỏ, đặc biệt là xây dựng ở quy mô tỷ lệ 1:1 của đền Parthenon.
Tái thiết đền Parthenon
Người ta quyết định xây dựng lại công trình này bằng bê tông trên nền móng ban đầu của ngôi đền. Năm 1920, công trình gốc đã bị san bằng và ngôi đền Parthenon mới bắt đầu được xây dựng. Phần bên ngoài được hoàn thành vào năm 1925 và bên trong được hoàn thành vào năm 1931. Công trình đã trở thành một ngôi đền nghệ thuật. Bức tượng “Athena Parthenos” của điêu khắc gia Alan LeQuire được khánh thành vào năm 1990, tái hiện lại bức tượng Athena đứng trong ngôi đền Hy Lạp nguyên bản.
Ngày nay, phiên bản đền Parthenon được tái thiết này đóng vai trò là tâm điểm thu hút sự chú ý tại Công viên Centennial của Nashville — một công viên cố định được xây dựng trên địa điểm diễn ra triển lãm năm 1897. Ngôi đền từng làm bối cảnh cho nhiều lễ hội và chương trình biểu diễn sân khấu. Các sự kiện long trọng vào mùa xuân với hàng trăm người tham gia đã trở thành địa điểm chính thu hút khách du lịch khi các tuyến đường sắt đưa ra mức giá khuyến mại đặc biệt để khuyến khích người tham dự. Các cuộc đua xe ngựa, khiêu vũ hoành tráng, và các phần trình diễn thị giác khác mời gọi du khách từ các tiểu bang lân cận đến tận mắt trải nghiệm “Athens của trời Nam.”
Tất cả điều này là sự tri ân xứng đáng đối với một thành phố đã nhìn xa trông rộng và cam kết cống hiến cho giáo dục và văn hóa khi có được sự khởi sắc kinh tế. Đó là lời tri ân dành cho những nhà lãnh đạo đã nhìn thấy tầm quan trọng của việc làm giàu cho các thế hệ sau — là minh chứng cho những gì mà một người có thể truyền cảm hứng. Di sản của mục sư Philip Lindsley xứng đáng được ghi nhớ.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times