Ông Thomas Paine, Ngài đại sứ James Monroe, và Triều đại Khủng bố
Ông Thomas Paine là tác giả của hai cuốn sách nhỏ “The American Crisis” (Cuộc Khủng Hoảng Hoa Kỳ) và “Common Sense” (Lẽ Thường) xuất bản năm 1776. Hai tác phẩm này đã giúp động viên những người dân thuộc địa tiếp tục đấu tranh giành độc lập, và chính ông cũng phải vào tù vì tội phản quốc. Ông không bị giam giữ trong nhà tù của Mỹ hay Anh, mà là một nhà tù ở Paris, nước Pháp.
Ông Paine nổi tiếng là người không hề dè dặt trong suy nghĩ, sẵn sàng ghi lại và công bố chúng, khiến những người cầm quyền cảm thấy mất mặt. Trước khi bắt đầu ủng hộ việc tách khỏi chế độ quân chủ Anh trong thời Cách mạng Mỹ, nhà văn cộng hòa cấp tiến và năng nổ sáng tác này hầu như không định cư ở bờ biển Mỹ quốc.
Khi chiến tranh cách mạng kết thúc, ông Paine trở về Anh vào năm 1787. Ba năm sau, ông bắt đầu một cuộc đấu trí chính trị nổi tiếng chống lại nghị sĩ bảo thủ Edmund Burke khi Cách mạng Pháp bùng nổ. Khi ông Burke xuất bản cuốn “Reflections on the Revolution in France” (Những Suy Ngẫm về Cuộc Cách Mạng Pháp) vào tháng 11/1790, ông Paine đã đáp trả bằng cuốn “Rights of Man” (Quyền Con Người) vào tháng 03/1791.
Bị buộc tội nổi loạn
Những lời lẽ của ông Paine gay gắt đến mức cả Quốc hội và chế độ quân chủ đều không thể dung thứ. Vào tháng 05/1792, nhà vua đã ban hành một tuyên bố của hoàng gia nhằm chống lại “nhiều bài viết gian ác và phản loạn … có xu hướng kích động sự Hỗn loạn và Gây rối.” Cuối năm đó, ông Paine bị xét xử vì tội phỉ báng với lời cáo buộc “là người có tính cách gian ác, hiểm độc, và phản loạn; muốn gây ra hỗn loạn và mất trật tự để khiến người ta tin rằng, Vương quyền của quốc gia đối nghịch với quyền lợi của người dân ở đất nước này.” Tuy nhiên, lúc này ông Paine đang ở Pháp và phiên tòa sẽ phải diễn ra mà không có mặt ông. Thật vậy, phiên tòa vẫn được tiến hành và quả thực ông đã bị tuyên án.
Ông Paine đến Pháp và được chào đón như một người hùng, khi Đệ Nhất Cộng hòa Pháp trao cho ông quyền công dân danh dự. Ông được trao một ghế trong Đại hội Quốc gia và được bổ nhiệm vào Ủy ban phụ trách soạn thảo Hiến Pháp mới. Giống như ông Paine từng được trọng dụng và được cấp quyền công dân ở Mỹ, ông cũng được đối đãi công bằng khi ở Pháp. Cho đến khi phe Jacobins cấp tiến lên nắm quyền mà đứng sau là những người như Maximilien Robespierre, kẻ đã mở màn cho Triều đại khủng bố vào tháng 09/1793.
Kết cục sai lầm của Cuộc Cách mạng
Ông Paine ủng hộ việc lật đổ và loại bỏ chế độ quân chủ, nhưng ông kịch liệt phản đối việc xử tử nhà vua và sử dụng máy chém. Ngay sau khi lên tiếng ủng hộ tha mạng cho Vua Louis XVI, vào sáng sớm ngày 28/12/1793, ông Paine bị bắt với tội danh là “kẻ âm mưu ngoại quốc.” Ông sẽ sớm là người tiếp theo bị đưa lên máy chém.
Ông Paine bị tống vào tù. Tuy nhiên, nhà tù này khá khác biệt so với bất kỳ nhà tù nào khác. Nơi đây được gọi là Nhà tù Luxembourg, nhưng trước kia được gọi là Cung điện Palais du Luxembourg, và từng là nơi ở của Vương thất Hoàng gia. (Khi Napoléon Bonaparte trở thành hoàng đế, ông đã cho cải tạo nhà tù này làm nơi ở của các thượng nghị sĩ đầu tiên vào năm 1804.)
Trong thời gian ở tù, ông tiếp tục viết cuốn “The Age of Reason” (Thời Đại Lý Trí). Ông cũng viết thư cho ông Gouverneur Morris, đại sứ Mỹ tại Pháp để xin được trả tự do. Ông yêu cầu gửi bức thư của mình cho Tổng thống George Washington. Nhưng chủ nghĩa cấp tiến của ông Paine đã làm phức tạp thêm mối quan hệ thân thiện một thời giữa họ.
Ông Morris từng cảnh báo ông Paine đang đi quá xa về mặt chính trị. Quả thật, những cảnh báo này cũng phản ánh suy nghĩ của Tổng thống Washington, nhưng những lời nói đó đã bị ông Paine bỏ ngoài tai. Sự bất đồng giữa ngài Washington và ông Paine thể hiện rõ ràng khi ông tặng tác phẩm cấp tiến “The Rights of Man” (Quyền Con Người) cho Tổng thống Washington. Tổng thống [có lẽ đã] cảm thấy không thể giúp hoặc quyết định không giúp đỡ tình cảnh của ông Paine.
Ông James Monroe đến Pháp
Ông Morris đã giúp nhiều quý tộc Pháp thoát khỏi máy chém. Ông từng nỗ lực cứu nhà vua và vương hậu Marie Antoinette nhưng không thành. Chính phủ mới của Pháp yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ triệu hồi ông khỏi vị trí đại sứ ở Pháp. Cuối cùng, Tổng thống Washington miễn cưỡng bằng lòng và bổ nhiệm ông James Monroe thay thế, với hy vọng ổn định mối bang giao Mỹ-Pháp. Vào mùa xuân năm 1794, ông Monroe được giao cho nhiệm vụ này và ông cùng gia đình lên đường sang Pháp vào tháng Sáu.
Tháng Bảy mang đến cho ông Paine một tin vui dưới hai hình thức: ông Monroe đã thay thế ông Morris, điều này mang lại cho ông hy vọng được trả tự do; và người lãnh đạo Cách mạng Pháp là Robespierre đã bị đưa lên máy chém, điều này cho ông hy vọng rằng ông sẽ thoát chết.
Ba ngày sau khi ông Paine bị tống vào tù, ngài Thomas Jefferson từ chức Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Washington. Vào ngày 02/01/1794, ông Edmund Randolph thay thế vị trí của ông. Sau nhiều tháng ở Pháp, vào ngày 02/11, ông Monroe nhận được một lá thư từ Bộ trưởng Ngoại giao Randolph thông báo rằng, ông phải bảo vệ những người Mỹ vô tội bị buộc tội. Cho rằng điều này đặc biệt có ý nghĩa với ông Paine, đại sứ Monroe ngay lập tức bắt đầu đàm phán về việc thả vị tác giả này.
Giờ đây, khi đối diện với một chính phủ ít cấp tiến hơn, chính trong tuần này năm xưa, vào ngày 04/11/1794, ông Monroe đã thành công trong việc trả tự do cho tác giả Paine. Sau gần một năm ở tù, ông Paine giờ đã ngót nghét 60 tuổi, ốm yếu và bệnh tật. Ông Paine chuyển đến sống cùng gia đình ông Monroe để hồi phục sức khỏe, và khi ở đó, ông đã hoàn thành phần hai của cuốn “The Age of Reason” (Thời Đại Lý Trí).
Bực tức với ngài Washington
Vị tác giả này vẫn còn ác cảm với ngài Washington, và như ông thường làm, ông viết và công bố những suy nghĩ của mình. Ông bắt đầu rằng, “Vì lời xin lỗi chỉ xoa dịu sự chỉ trích một cách vụng về nên tôi sẽ không đưa ra lời xin lỗi nào cho ngài về bức thư này. Cuộc khủng hoảng đầy biến động mà nền chính trị kép của ngài đã gây ra bao vấn đề cho quốc gia cần phải có một cuộc điều tra không bị ràng buộc về mặt nghi thức.”
Người đàn ông đã cống hiến rất nhiều cho Cách mạng Mỹ và Cách mạng Pháp, cũng từng viết rất nhiều về tự do và bình đẳng, giờ đây đã thực sự tự cô lập mình bằng chính những lời ông viết. Bức thư được xuất bản này, cũng như cuốn sách “Age of Reason” (Thời Đại Lý Trí) của ông, đều không được đón nhận nồng nhiệt ở Mỹ quốc (cuốn sách không được đón nhận là vì những lý do tôn giáo).
“Bức thư mà ông Tom Paynes gửi Tổng thống đã phụng sự rất nhiều cho sự nghiệp Tự do và Tôn giáo,” cựu Đệ nhất phu nhân Abigail Adams viết một cách mỉa mai trong bức thư gửi con trai mình và cũng là tổng thống tương lai, ngài John Quincy Adams. “[N]gay cả những kẻ thuộc phe Jacobin cũng cảm thấy xấu hổ về ông ấy. [Ông] được xem là kẻ bội đạo và bị ruồng bỏ, giống như Cain, có một Dấu Ấn trên người ông. [Ông] bị nguyền rủa trên trái đất.” (Cain là một nhân vật trong Kinh Thánh, kẻ bị Chúa trừng phạt và đóng dấu lên người vì lòng đố kỵ và ganh ghét).
Ông Paine lưu lại Pháp cho đến cuối thời Đệ nhất Cộng hòa (1792–1802), và trở về Mỹ quốc năm 1802. Không giống như lúc ông đến Pháp, lần này ông xuống tàu trong lặng lẽ. Mặc dù đã công kích Tổng thống Washington và Quốc hội, nhưng theo lệnh của ngài Washington, Quốc hội đã cung cấp cho ông một trang trại ở thành phố New Rochelle, New York, nơi ông sống quãng đời còn lại. Khi ông qua đời vào năm 1809, chỉ có sáu người đến đưa tang. Người đàn ông tài năng và có tầm ảnh hưởng này, giống như ông Morris từng cảnh báo, đã đi quá xa và khiến tất cả những người biết đến ông đều xa lánh ông.
Một cái kết lạ thường
Mười năm sau, hài cốt của ông Paine bị ký giả người Anh William Cobbett, từng là kẻ thù không đội trời chung của ông Paine, đào trộm. Ông Cobbett đã thay đổi quan điểm về nền dân chủ, và kể từ đó trở đi, cây bút này trở nên say mê [lý tưởng của] ông Paine. Dự định của ký giả Cobbett là chôn cất ông Paine ở Anh, nơi mà ông từng được yêu mến và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, ông Cobbett hóa ra chỉ đang ảo tưởng và nước Anh cũng chẳng hề quan tâm. Cuối cùng, ông Cobbett không đủ khả năng chôn cất ông Paine cũng không thể tìm được những người quan tâm để quyên góp cho mục đích của mình. Hài cốt của ông Paine hiện đã biến mất hoàn toàn trong lịch sử và nhiều người trên khắp thế giới tuyên bố rằng họ đang sở hữu các phần hài cốt của ông.
Hữu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times