8 thực phẩm ngon và bổ dưỡng trong mùa thu có thể bạn không nghĩ đến
Nếu như nói mùa hè nóng nực khiến người ta không ngon miệng, vậy thì mùa thu là “mùa thèm ăn” với thực phẩm dồi dào, từ các loại trái cây ngọt ngào đến các loại củ như khoai lang, khoai môn… Có vô số thực phẩm tươi ngon theo mùa, vậy loại nào được yêu thích nhất?
Trang web xếp hạng thực phẩm của Nhật Bản đã thống kê khoảng 20 loại thực phẩm trong mùa thu được yêu thích. Dưới đây là 8 loại thực phẩm phổ biến, trong đó có một loại mà có thể bạn không nghĩ đến. Loại thực phẩm này không phải là thực vật, đó là cá thu đao sống ở trong biển.
1. Cá thu đao
Mùa thu là mùa thu hoạch cá thu đao (Pacific Saury), có thể nói cá thu đao là loại cá phổ biến đại biểu cho hương vị mùa thu, nhất là ở Nhật Bản. Cá thu đao sinh trưởng ở các vùng biển Nhật Bản, Đài Loan thuộc vùng biển ôn đới Thái Bình Dương.
Vào mùa thu, đối với những người thích hải sản thì món cá thu đao nướng chắc chắn sẽ làm họ vừa lòng thỏa ý. Mặc dù món này có vị béo ngậy một chút, nhưng khi ăn, phối hợp với củ cải bào nhỏ chấm nước tương sẽ đem đến cảm giác thanh mát ngon miệng.
Điều đáng nói chính là, phần đen trên lưng cá thu đao chứa rất nhiều vitamin B12, có tác dụng ngăn ngừa bệnh thiếu máu. Cá thu đao tuy được nhiều người yêu thích nhưng lại không thích hợp cho người bị xơ gan.
2. Khoai lang
Ăn khoai lang tươi vào mùa thu có tác dụng dưỡng sinh. Khoai lang có vị ngọt giống như đường, là thực phẩm giàu chất xơ giúp điều tiết môi trường đường ruột và giảm táo bón, cũng như các Vitamin giúp nâng cao khả năng miễn dịch và dưỡng da.
Có nhiều cách ăn khoai lang, có thể nấu với cơm để làm thành món “cơm khoai lang”, hoặc có thể nấu riêng làm món ăn kèm với những món khác. Nhưng cách ăn kinh điển nhất thơm ngon nhất là khoai lang nướng, hương vị ngọt ngào của nó thật khiến người ta khó quên!
3. Hạt dẻ
Hạt dẻ vào mùa thu rất hấp dẫn, đi trên những con phố bán đồ ăn, sẽ dễ dàng bắt gặp mùi thơm của hạt dẻ rang. Trong các tiệm bánh ngọt cũng có rất nhiều hạt dẻ, đây là một món ăn vặt không thể thiếu trong mùa thu.
Hạt dẻ rất giàu chất dinh dưỡng, gồm có Protein, Vitamin và các nguyên tố vi lượng. Đây cũng là loại hạt chứa nhiều acid béo không bão hòa, rất tốt cho tim mạch.
Ngoài cách mua hạt dẻ đã được nấu chín, cũng có thể mua hạt dẻ sống về làm món cơm hạt dẻ, gà nấu hạt dẻ. Nên chọn hạt dẻ có vỏ ngoài màu nâu sẫm đều, những hạt như vậy mới chín và còn tươi. Nếu vỏ ngoài có màu nâu nhạt, là hạt dẻ chưa chín.
4. Bí đỏ
Bí đỏ chứa nhiều Vitamin, là loại rau củ có nhiều công dụng không thể thiếu trong các món ăn mùa thu, có thể dùng làm món ăn chính, cũng có thể làm món ăn kèm. Nhưng nếu không ngại thưởng thức vị ngọt và cảm giác mềm dẻo của bí đỏ tươi, thì hãy thử làm món bí đỏ hấp.
Mặc dù bí đỏ có thể cất giữ được lâu, nhưng cần phải được bảo quản nguyên trái ở nơi râm mát và thoáng gió thì có thể cất giữ được khoảng 1-2 tháng. Nếu đã cắt ra, thì phải loại bỏ hạt và xơ, dùng màng bọc thực phẩm bao kín, cho vào tủ lạnh, cố gắng ăn trong vòng một tuần.
Bí đỏ còn có thể bảo quản bằng cách đông lạnh, như vậy càng thuận tiện hơn khi chế biến món ăn. Cắt bí đỏ thành từng miếng rồi luộc chín, để nguội, nghiền nhỏ, cho vào túi giữ thực phẩm, cất vào ngăn đông tủ lạnh. Cũng có thể phân ra từng phần để bảo quản để tránh chúng dính chung vào với nhau. Mỗi khi muốn dùng bí đỏ làm món hầm thì có lấy từ trong tủ lạnh ra bất kỳ lúc nào.
5. Trái lê
Lê chắc chắn là một đại diện tiêu biểu cho các loại trái cây mùa thu. Một trái lê ngọt ngào mọng nước, giàu chất xơ, có thể ngăn ngừa táo bón. Ở Nhật Bản, người ta đem lê ướp lạnh rồi ăn sẽ ngọt và ngon hơn, một số người còn xay nhuyễn lê để làm thức ăn dặm cho trẻ sơ sinh.
Người ta thường nói rằng trái lê càng to thì càng ngon, khi mua lê ở siêu thị, quan trọng là phải chọn trái có phần thịt ở gần cuống tròn đầy và chắc. Ngoài ra, những trái lê chín sẽ có vỏ trơn bóng không có vân thô ráp.
6. Nho
Nho có rất nhiều loại như nho xanh, nho đỏ, nho tím, chứa nhiều chất dinh dưỡng, được mệnh danh là “bảo thạch của trái cây”, hay “sữa thực vật” mọc lên từ đất. Đối với các loại trái cây mùa thu, sẽ rất thiếu vắng nếu không có nho.
Nho chứa nhiều chất chống oxy hóa, một trong số đó chính là Resveratrol, một hợp chất Polyphenol được tìm thấy trong vỏ nho đỏ và hạt nho. Hóa chất thực vật (phytochemical) này có đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh tim, đồng thời giúp ngăn ngừa ung thư.
Nho thuộc loại trái cây có hàm lượng đường cao, cho dù ngon đến đâu cũng không nên ăn nhiều. Những người có tỳ vị hư hàn, người mắc bệnh tiểu đường nên ăn với số lượng hạn chế.
7. Trái hồng
Ăn một trái hồng chín ngọt mới có thể cảm nhận được mùa thu đã đến, vì trái hồng chưa chín sẽ có vị rất chát, trái hồng chín vàng báo hiệu mùa thu thực sự đã đến.
Trái hồng có rất nhiều lợi ích. Nó là loại trái cây có hàm lượng calo thấp, hơn nữa còn chứa nhiều chất dinh dưỡng thực vật, Flavonoid vàng và chất chống oxy hóa, có tác dụng kháng khuẩn và chống viêm, còn có thể ngăn ngừa hiện tượng xuất huyết trong các mạch máu nhỏ. Trái hồng còn chứa nhiều iodine, có thể ngăn ngừa và cải thiện bệnh bướu cổ do thiếu iod.
Có nhiều loại hồng khác nhau, trái hồng cứng có thể bảo quản ở nhiệt độ bình thường, đợi đến khi chín mềm mới có thể ăn được, nếu không sẽ có vị chát; trái hồng ngọt có thể ăn trực tiếp khi còn cứng, sẽ có vị tươi giòn khác biệt.
Cần lưu ý không nên ăn hồng quá nhiều hoặc ăn lúc bụng đói, cũng không nên ăn cùng với cua, nếu không sẽ bị đau bụng.
8. Nấm thông
Mùa nấm thông là từ tháng 7 đến tháng 10, vì vậy muốn ăn nấm thông tươi thì phải chờ vào mùa thu.
Nấm thông hay còn gọi là nấm Matsutake, nấm tùng nhung, sinh trưởng ở vùng Đông Bắc và Tây Nam của Trung Quốc và ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, được mệnh danh là “Vua của các loài nấm”. Sở dĩ loài nấm này quý là do yêu cầu rất cao về nhiệt độ và đất trồng, rất khó trồng nhân tạo, vì vậy ở Nhật Bản nó được gọi là “Vua nấm thần kỳ”.
Mạt Lỵ biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ