2 loại thực phẩm màu trắng cải thiện chứng hanh khô của mùa thu
Mùa thu khí hậu khô hanh, dễ xuất hiện các chứng “khô hanh” như ho khan và đại tiện khô cứng. Vì thế “nhuận táo” là điểm quan trọng trong dưỡng sinh vào mùa thu, Trung y khuyên nên ăn hai loại thực phẩm màu trắng như củ sen, trái lê nhằm cải thiện các triệu chứng trên.
4 triệu chứng chủ yếu vào mùa thu, hanh khô là vấn đề lớn nhất
Sau khi bước vào mùa thu, cùng với sự chuyển mùa, cơ thể sẽ có ít hoặc nhiều cảm giác khó chịu. Bác sĩ Lâm Bội Trân (Lin Peizhen), giám đốc Phòng khám Trung y Lý Tưởng tại Đài Loan cho biết, vào mùa thu sẽ xuất hiện 4 triệu chứng chủ yếu:
Mệt mỏi (Thu phạp): Người dễ cảm thấy mệt mỏi, cần phải ngủ đủ giấc mới có thể khôi phục thể lực.
Âu sầu (Thu sầu): Mùa thu dễ có cảm xúc âu lo buồn bã, thế nên câu “Thu phong, thu vũ sầu sát nhân” (Tạm dịch: Gió thu, mưa thu làm buồn chết người) rất có lý.
Tăng cân (Thu phiêu): Cuối thu khi sắp bước qua mùa đông, quá trình trao đổi chất của cơ thể trở nên chậm, vì thế mùa thu dễ tăng cân.
Hanh khô (Thu táo): Thời tiết hanh khô khiến cho cơ thể dễ bị thiếu nước. Trung y cho rằng ‘táo tà’ (khí khô) gây tổn thương Phế (phổi), mà Phế chủ bì mao (phổi làm chủ da và lông), lại kết hợp với hệ thống tiêu hóa biểu hiện ra cả trong lẫn ngoài, dễ gây khó chịu ở các bộ phận hô hấp, đường ruột, mắt, miệng. Ví dụ như ho khan, táo bón, khô ngứa ở da và mắt, viêm khóe miệng v.v…
Có một số người lầm tưởng triệu chứng ho khan thành cảm cúm, nhưng không phải như vậy. Nếu là ho khan do khí hanh khô của mùa thu gây ra, thì sẽ có các biểu hiện là ho khan không có đờm, cũng không nhức đầu, cổ họng không đau nhức, vì vậy cần phải chú ý bổ sung nước.
Bác sĩ Lâm Bội Trân nói: “Vấn đề lớn nhất trong mùa thu là khô hanh, thiếu nước”, cho nên ông đề nghị tiêu thụ hai loại thực phẩm trắng như củ sen, trái lê nhằm cải thiện các chứng trên.
Củ sen thanh nhiệt lương huyết, là dược thiện quan trọng
Trong “Bản Thảo Cương Mục” gọi củ sen là ‘linh căn’, những người sau khi khỏi bệnh, người già yếu, suy nhược, sau sinh đều có thể dùng được. Nó được xem là nguyên liệu quan trọng dùng làm món ăn trị liệu.
Củ sen nhập các kinh Phế, Tâm, Tỳ (phổi, tim, lá lách), có thể dùng ăn sống hay nấu chín đều được, phát huy tác dụng cũng khác nhau.
Củ sen tính mát, có thể thanh nhiệt lương huyết, cầm máu tan bầm, thích hợp với những người thường bị miệng đắng lưỡi khô và người có hỏa khí lớn. Khi chảy máu mũi do niêm mạc mũi bị khô ngứa vì khí hậu hanh khô mùa thu gây ra, thì cũng có thể ăn sống củ sen để cải thiện.
Củ sen sau khi nấu chín, tính vị của nó từ mát sang ôn ấm, có tác dụng bổ khí, dưỡng âm, còn có tác dụng kiện tỳ, điều dưỡng dạ dày. Nấu chín củ sen, cắt nhỏ ngâm mật ong, hoặc dùng bột củ sen ngâm với mật ong để cải thiện tình trạng đường hô hấp, nhuận tràng, trị táo bón và bảo vệ đường tiêu hóa.
Bác sĩ Lâm Bội Trân cho biết, vào mùa thu hanh khô, đường hô hấp nhạy cảm nhất, bởi vì đường hô hấp dễ bị ảnh hưởng bởi độ ẩm trong không khí quá cao hoặc quá thấp. Mật ong có tác dụng làm nhuận phế giảm ho, nhuận dạ dày và dưỡng ẩm cho da.
Sự kết hợp giữa củ sen và mật ong cũng rất thích hợp cho những người lớn tuổi. Vì người lớn tuổi dễ bị táo bón, đường tiêu hóa không tốt, cũng có thể bị suy nhược cơ thể ảnh hưởng đến khả năng ăn uống. Họ không nên dùng những bữa ăn quá phức tạp, chỉ thích hợp vói những thức ăn nhẹ nhàng, dễ tiêu hóa hấp thu lại tươi nguyên tự nhiên, như vậy mới có thể bổ sung dinh dưỡng. Tuy nhiên, củ sen khá xơ cứng, cần phải hầm chín kỹ, để người già dễ ăn.
Ngoài ra, có thể nấu thành món canh sườn heo củ sen mặn, cũng có hiệu quả dưỡng sinh.
Bác sĩ Lâm nhắc nhở, củ sen tuy tốt, nhưng không nên ăn hàng ngày, có thể ăn xen kẽ với các loại thực phẩm khác như trái lê. Đồng thời có hai nhóm người không thích hợp ăn củ sen nhiều:
- Người dễ bị đầy hơi. Củ sen có nhiều sợi xơ thô, người có dạ dày yếu dễ trướng khí không thích hợp ăn nhiều.
- Người bị bệnh đường tiết niệu. Củ sen thuộc về loại thực vật giàu tinh bột, ăn nhiều ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Lê sống và chín đều có thể trị chứng khô táo, bảo vệ đường hô hấp
Trái lê có hiệu quả trị chứng khô táo, có tác dụng giảm bớt các chứng bệnh tương ứng ở các bộ phận khác nhau:
* Đường hô hấp: Có thể nhuận phế tiêu đờm, giảm ho khan.
* Mắt: Có thể cải thiện tình trạng mắt quá khô.
* Đường ruột: Đường ruột quá khô, ruột yếu dễ dẫn đến táo bón, trái lê có tính nhuận ẩm, lại chứa nhiều chất xơ, giúp ích cho bài tiết. Khi bài tiết thông thuận thì các vấn đề về khẩu vị, huyết áp, giấc ngủ đều có thể được cải thiện. “Có câu nói rằng ngăn ngừa táo bón là trị được bách bệnh”, bác sĩ Lâm cười nói.
Tuy nhiên, những thức ăn nhuận táo đều khá lạnh, nếu ăn sống lê thường xuyên dễ ảnh hưởng đến dạ dày. Vì vậy nên chưng trái lê, ví dụ làm lê chưng đường phèn, hoặc không thêm đường phèn mà thay bằng bách hợp, táo đỏ hay trái nhãn để cân bằng tính vị.
Lý Thanh Phong biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ