6 bí quyết không thể bỏ qua để dưỡng thành những người con ưu tú
Muốn bồi dưỡng nên một đứa trẻ ưu tú, cần phải hiểu rõ định nghĩa của “ưu tú.” Trước đây, ưu tú thường được đánh giá dựa trên chỉ số thông minh (IQ), hiện nay người ta chú trọng nhiều hơn đến chỉ số trí tuệ cảm xúc (EQ). Vì vậy, chỉ dựa trên IQ để đánh giá xem trẻ em có tài năng ưu tú hay không, cũng giống như việc trường học dựa vào điểm số để đánh giá học sinh, sẽ không được toàn diện.
Các bậc cha mẹ nên tập trung nhiều hơn vào quá trình học tập của con, khuyến khích con học cách giải quyết vấn đề, thay vì chỉ quan tâm con có tài năng gì. Nếu cha mẹ bị hạn cuộc vào lối tư duy như vậy thì không thể bồi dưỡng nên một người con ưu tú, ngược lại sẽ sớm hủy mất khả năng sáng tạo của con trẻ. Trong một bài viết được đăng tải trên tờ Huffington Post, nhà văn tự do Jenny Marcha đã chia sẻ sáu bí quyết quan trọng không thể bỏ qua để nuôi dưỡng những người con ưu tú.
1. Dùng phương thức cởi mở để trả lời con
Trẻ em sẽ quyết định cách giải quyết vấn đề dựa trên những kinh nghiệm mà trẻ học được thông qua các hành vi và phản ứng của cha mẹ đối với trẻ. Ví dụ, nếu phản ứng của bạn là thờ ơ hoặc hạn chế, có thể khiến con bạn không dám thử những điều mới, tạo thành sự thận trọng quá mức dẫn đến hạn chế trải nghiệm cá nhân của trẻ.
Ngược lại, dùng phương thức đặt câu hỏi mở để khuyến khích con, sẽ giúp trẻ có không gian để suy nghĩ về hành vi của mình cũng như ý nghĩ của những người xung quanh. Nếu trẻ làm sai, hãy để trẻ tự suy ngẫm xem hành vi của mình ảnh hưởng đến những người liên quan như thế nào, qua đó giúp trẻ thay đổi nhận thức của mình.
Những đứa trẻ thông minh sẽ biết tận dụng cơ hội nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau, từ đó phát triển nhận thức của bản thân.
2. Không nên đặt ra quá nhiều quy tắc trong gia đình
Hãy suy nghĩ về những quy tắc mà bạn đặt ra, liệu chúng có thực sự cần thiết không? Có nghiên cứu đã phát hiện, quy tắc trong gia đình quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến sự sáng tạo của trẻ.
Một số nghiên cứu còn phát hiện, những kiến trúc sư sáng tạo nhất tại Hoa Kỳ thường được cha mẹ họ khuyến khích tự đặt ra tiêu chuẩn đạo đức của riêng mình, thay vì bị ép buộc họ tuân theo quy tắc gia đình. Quan điểm này cho rằng, trẻ em có thể phát triển quan niệm đúng-sai từ nhiều nguồn khác nhau, không nhất thiết phải hoàn toàn học tập từ cha mẹ. Điều này thậm chí còn giúp trẻ phát triển những đặc điểm cá nhân và trí tuệ mang tính sáng tạo cao hơn.
Các tác giả của nghiên cứu này định nghĩa sự sáng tạo như sau:
Những đặc điểm tính cách sáng tạo bao gồm trí tuệ rộng, tính cởi mở, mức độ nhạy cảm về thẩm mỹ, tính tự chủ về tư duy và hành động, tìm kiếm thử thách mới và các phương án giải quyết, ham học hỏi, quyết tâm, đạt thành tích cao, tự suy xét, tự lập, có trực giác và sự đồng cảm, cảm xúc nhạy cảm, khả năng tưởng tượng, tham vọng và khả năng lãnh đạo, chấp nhận bản thân, tự chủ, tự tin, chấp nhận quan điểm khác thường v.v.
Quá nhiều quy tắc sẽ hạn chế sự phát triển toàn diện về khả năng sáng tạo và trí tuệ của trẻ. Đừng đặt ra quá nhiều quy tắc cho con trẻ, cho trẻ có nhiều thời gian hơn để tự do sáng tạo, có nhiều không gian để tham gia các hoạt động tự do; hãy ngừng việc quản lý mọi thứ và liên tục uốn nắn trẻ. Tất nhiên, trẻ em vần cần phải có một số quy tắc, những quy tắc này sẽ có lợi cho sự phát triển trí tuệ lâu dài của trẻ.
3. Để trẻ học cách làm quen và chấp nhận sự buồn tẻ
Nhàm chán, buồn trẻ thường được xem là tiêu cực. Mặc dù bạn cần phải tận dụng các cơ hội để khuyến khích khả năng sáng tạo của trẻ, nhưng thực tế là buồn tẻ không hẳn là điều xấu. Thậm chí đôi khi để cho trẻ trải nghiệm một chút buồn tẻ cũng có thể nâng cao khả năng tư duy của chúng. An tĩnh suy ngẫm có thể mở ra những lối tư duy khác, giúp cho não bộ có không gian phát huy sức sáng tạo. Đừng lo lắng rằng trẻ học chưa đủ nên phải tìm một số việc để cho trẻ làm. Bản thân sự buồn tẻ cũng là quãng thời gian để não bộ của trẻ bồi dưỡng khả năng sáng tạo.
4. Cha mẹ phải chú ý gương mẫu khi giáo dục con
Giáo dục con bằng hành động gương mẫu của cha mẹ là con đường chính để bồi dưỡng thói quen và nhận thức thế giới của con trẻ. Nếu con trẻ thấy cha mẹ đọc sách, viết lách hoặc tham gia các hoạt động sáng tạo, thì trẻ sẽ học tập theo. Thông qua quá trình bắt chước này sẽ giúp trẻ học hỏi tốt hơn.
Giảng giải cho con trẻ nghe về thành quả của việc cần cù chăm chỉ làm việc. Đây là việc rất quan trọng. Nhấn mạnh và khen ngợi sự cố gắng trong quá trình học tập và làm việc, thay vì quá chú trọng vào kết quả cuối cùng. Như đã đề cập ở trên, nếu chúng ta chỉ tập trung vào thành tích, trí tuệ và năng lực, sẽ vô tình truyền đạt cho trẻ một thông điệp rõ ràng rằng “trẻ thông minh học giỏi mới là một đứa trẻ ngoan.” Loại hình thức tư duy cố định này, nếu phát triển trong thời gian dài, có thể sẽ bồi dưỡng nên những đứa trẻ dễ tổn thương và có tâm lý đề phòng.
5. Khuyến khích trẻ mạo hiểm và trải nghiệm thất bại
Thiên tính của các bậc làm cha mẹ là bảo vệ con trẻ trước những khó khăn thất bại. Tuy nhiên, việc để con trẻ mạo hiểm và nếm thử thất bại sẽ dạy cho trẻ các kỹ năng cơ bản trong cuộc sống ngay từ khi còn nhỏ. Nếu thiếu những trải nghiệm thất bại trong giai đoạn ban đầu, có thể trẻ sẽ phát triển lòng tự trọng thấp, không thích sáng tạo và học hỏi.
Sợ hãi có thể nói là cảm xúc hàng đầu trong cuộc sống của chúng ta. Cảm xúc này sẽ là trở ngại rất lớn khi chúng ta đưa ra các quyết định quan trọng. Nếu chúng ta khuyến khích trẻ trải nghiệm thất bại khi còn nhỏ, thì khi lớn lên trẻ sẽ không có quá nhiều nỗi sợ như vậy.
Trên thực tế, giáo dục trẻ đối mặt với thất bại không phải là điều xấu, mà là một kỹ năng quan trọng trong cuộc sống. Kỹ năng này có thể giúp con trẻ học hỏi qua những thăng trầm của cuộc sống và đưa ra những quyết định sáng suốt. Bảo vệ con trẻ quá mức trước những khó khăn thất bại chỉ khiến cho trẻ đánh mất khả năng thích ứng và nhận thức về thế giới này.
6. Biến việc đọc sách và âm nhạc trở thành một phần trong cuộc sống của con trẻ
Đọc sách là một phương thức rõ ràng có thể giúp trẻ em trở nên thông minh hơn. Đọc sách không chỉ giúp trẻ nâng cao khả năng đọc, mà còn khơi gợi niềm hứng thú khám phá kiến thức của trẻ. Để não bộ học cách đối phó với nhiều tình huống, mở rộng tầm nhìn và kích thích trí tưởng tượng … tất cả điều này đều có lợi cho sự phát triển của trẻ trong cuộc sống tương lai. Nếu trẻ khao khát kiến thức, trẻ sẽ nhanh chóng học hỏi về các chủ đề và ý tưởng mà chúng tiếp xúc đến, và trở nên gắn kết với môi trường xung quanh.
Âm nhạc có những tác động kỳ diệu đối với não bộ của trẻ. Nhiều nghiên cứu cho thấy, cho con trẻ nghe âm nhạc không chỉ có thể nâng cao lực chú ý, khả năng học tập và ghi nhớ, mà đồng thời còn làm giảm cảm giác lo lắng. Căng thẳng có thể ảnh hưởng xấu đến não bộ của trẻ em.
Hàn Tiệp thực hiện
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ