5 nguyên tắc của lạm phát đình trệ
Lạm phát đình trệ là sự kết hợp của sản lượng kinh tế chậm lại hoặc giảm cùng với lạm phát cao. Trong gần hai năm, chúng ta đã mắc kẹt trong mô hình này mà vẫn cảm thấy khó hiểu. Giá của nhiều mặt hàng như xe hơi và nhà ở đã dao động theo những cách kỳ lạ, tăng tháng này rồi giảm tháng sau, chỉ để lặp lại mô hình đó.
Khi lạm phát bắt đầu, nhiều người tin vào câu chuyện chính thức rằng tình trạng này là “nhất thời”, một từ mà họ nghe hiểu là “tạm thời”. Nếu quý vị nghĩ về nó, từ nhất thời này cũng vô nghĩa giống như một công cụ dự đoán. Từ này có nghĩa là chuyển đổi từ thứ này sang thứ khác mà không cần nói thứ đó là gì. Hóa ra nhất thời có nghĩa là chuyển đổi một cách vĩnh viễn sang một đồng dollar yếu hơn nhiều so với giá trị năm 2019.
Những người như Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen có thể đã biết điều này. Họ chỉ muốn xoa dịu nỗi sợ hãi của người dân và khiến họ tin vào những thứ giả dối cho đến cuộc bầu cử giữa kỳ. Hãy so sánh phản ứng đó với cách đám đông này ứng phó với virus năm 2020: Họ thúc đẩy sự hoảng loạn của công chúng bằng mọi cách có thể, như một phương tiện nhằm khiến người dân sợ hãi để phải tuân theo và cuối cùng quay lưng lại với tổng thống. Thật vậy, đó luôn là mục tiêu xuyên suốt từ đầu chí cuối.
Dù sao đi nữa, đến thời điểm này thì tình thế đã rõ: lạm phát là trạng thái bình thường mới. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy mức giá của năm 2019 ở bất kỳ nơi đâu nữa, đơn giản là vì để cho điều đó xảy ra, Cục Dự trữ Liên bang sẽ phải chấp nhận mức giảm phát từ 12 đến 15%. Nếu điều này xảy ra — và rất hiếm khi xảy ra như thế — thì đó không phải là do Fed muốn như vậy. [Mà là] mức giảm phát đó ngụ ý rằng Fed đã hoàn toàn mất kiểm soát.
Hãy xem xét 5 nguyên tắc lạm phát đình trệ dưới đây.
Số 1: Không tồn tại cơ chế máy bơm thủy lực (hydraulics*). Trong nhiều thập niên, từ những năm 1930 đến những năm 1970, các nhà kinh tế học và những người khác nghĩ về chủ đề này tin rằng các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Thịnh Đốn có quyền truy cập vào một hệ thống kiểm soát toàn bộ nào đó cho phép họ quản lý một cách kỹ càng các lực lượng kinh tế lớn. Chúng dựa trên cái được gọi là cơ chế máy bơm thủy lực, những hệ thống lực lượng lớn có thể được đẩy và kéo giống như một cỗ máy cơ giới hóa.
Những lực lượng hệ thống lớn này có những cái tên dễ hiểu: thất nghiệp, sản lượng, vốn, tiêu dùng, và lạm phát. Lý thuyết ở đây là các bậc thầy ở Hoa Thịnh Đốn của chúng ta có thể buộc tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống bằng cách buộc lạm phát tăng lên. Họ có thể thúc đẩy sản lượng bằng cách tăng chi tiêu của chính phủ, và có thể giúp chúng ta thoát khỏi suy thoái bằng cách giảm thuế với khoản nợ phát sinh sau đó sẽ được trả sau. Kế hoạch này cũng bao gồm một số mưu mẹo cầu kỳ, chẳng hạn như “ảo tưởng về tiền lương” – khiến người lao động tin rằng họ được tăng lương trong khi trên thực tế, thì sức mua của họ đang giảm.
Một học thuyết trung tâm của lối suy nghĩ này là lạm phát và thất nghiệp không thể đồng thời tăng trong thời gian dài. Đó là một cách khác để nói rằng lạm phát đình trệ không có khả năng xảy ra. [Nhưng] tất nhiên là sau đó, vào những năm 1970, lạm phát đình trệ đã trở nên phổ biến, từ đó phá hỏng toàn bộ lý thuyết này. Thực tế đó thật đáng xấu hổ và khơi nguồn cho một nỗ lực tìm kiếm một lý thuyết mới về quản lý kinh tế vĩ mô mà tới nay chúng ta vẫn chưa tìm ra được.
Số 2: Không tồn tại mức giá. Kinh tế học thường rất hay dùng các phép ẩn dụ mà thực ra là các tạo tác thống kê, và cụm từ “mức giá” cũng vậy, khiến chúng ta tin rằng giá cả lên xuống như mực nước biển. Trên thực tế, mức giá như chúng ta biết không gì khác hơn là mức trung bình trọng số của các loại giá cả mà chúng ta có thể tìm thấy, bao gồm giá cả của một số loại hàng hóa trong khi lại loại trừ những loại hàng hóa khác. Đó là lý do tại sao thị trường chứng khoán — nơi ghi lại giá của các tài sản tài chính — không được đưa vào.
Một chỉ số nhất thiết phải che giấu những thực tế căn bản, do đó, chẳng hạn như trong thời kỳ tuyệt vời có giá cả ít nhiều ổn định từ năm 1985 đến năm 2020, chúng ta đã chứng kiến một sự giảm phát lớn trong giá máy điện toán, nhu liệu, và quần áo. Điều đó đã giúp che giấu sự tăng giá lớn trong các lĩnh vực khác của đời sống kinh tế, dẫn đến một mức trung bình không đáng báo động. Lưu ý rằng giảm phát trong các lĩnh vực này không mâu thuẫn với việc tăng sản lượng và lợi nhuận, kể từ đó cho thấy tuyên bố rằng giá giảm là một điều gì đó luôn đáng sợ ở mọi lúc và vào mọi nơi là một tuyên bố sai lầm.
Số 3: Thị trường lao động cũng bị ảnh hưởng. Đó cũng là một học thuyết trong gần một thế kỷ rằng suy thoái/suy giảm được đánh dấu bằng tỷ lệ thất nghiệp cao. Nhưng con số đó cũng phụ thuộc vào đủ mọi loại yêu cầu cấp thiết của việc thu thập và tính toán dữ liệu. Trong tuần lễ từ ngày 28/11-04/12, Bộ Lao động thông báo tạo ra nhiều việc làm, người người đã hò reo, mà không nhận thấy rằng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động và tỷ lệ người có việc làm/dân số đều đã giảm một lần nữa! Thông cáo báo chí nói rằng cả hai số liệu này đều “không thay đổi nhiều”, nhưng tôi biết điều này có nghĩa là gì: chúng đã giảm. Cả hai con số này vẫn ở mức thấp hơn số liệu trước phong tỏa. Điều đó có nghĩa là, những thị trường này không lành mạnh. Sự tạo ra công ăn việc làm ở đây có nghĩa là những người đang đi làm hiện tại đang đảm nhận công việc thứ hai và thứ ba.
Lao động, giống như vốn, là không đồng nhất. Chúng ta đang chứng kiến sự đào thải khủng khiếp diễn ra trong tầng lớp những nhân viên chuyên nghiệp, những người đã ‘sống cuộc đời của Riley’ (tức sống thoải mái an nhàn) trong các đợt phong tỏa. Họ bơi trong một cái hồ đầy những nhân viên giàu có và kênh kiệu trong Big Tech và giới truyền thông, và dường như không bao giờ chịu cảnh thiếu tiền chỉ vì Fed đang giữ lãi suất thực tế ở mức dưới 0. Điều này gây ra một cuộc tranh giành lợi nhuận bỏ qua sự an toàn của các loại trái phiếu ngắn hạn để nghiêng về đầu cơ dài hạn.
Cuối cùng, chúng ta có thể thấy số liệu thất nghiệp tốt lên, nhưng thực tế là chúng ta có thể chìm sâu vào sản lượng giảm sâu trong khi con số thất nghiệp đó không bao giờ tăng lên trên 5 hoặc 6%.
Số 4: Một lĩnh vực có thể bị suy thoái trong khi giá cả tăng cao. Chúng ta đã bắt gặp nghịch lý này hồi đầu năm nay khi giá nhà đất vẫn tăng ngay cả khi nhu cầu giảm. Đó là bởi vì Fed đã bắt đầu chiến dịch thắt chặt nguồn cung tiền hơn nhưng người bán vẫn có thể đặt giá cao. Hiện tượng này đã bắt đầu đảo ngược khi nhân khẩu học đã ổn định và hiện nay nhiều vùng của đất nước dư thừa nhà ở để bán mà không ai muốn mua. Giá sẽ tiếp tục giảm khi lãi suất thế chấp vay nợ 30 năm tăng lên, tất cả đều vì mục đích đạt đến một trạng thái cân bằng.
Số 5: Các mức giá nói chung có thể sẽ không giảm trở lại. Fed không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất, nhưng lạm phát đã được gắn với một chặng đường rất dài phía trước. Chúng ta có thể tìm kiếm mức tăng chung 6% trong ít nhất hai năm, nghĩa là tất cả nỗi đau mà quý vị đã trải qua sẽ chẳng đi đến đâu và sẽ chỉ trở nên tệ hơn. Mục tiêu của Fed ở đây phải là đưa lãi suất vào vùng dương.
Như ông David Stockman đã viết: “Điểm yếu ẩn giấu trong bề ngoài trông có vẻ khả quan là lợi suất nợ vẫn bị định giá thấp một cách ghê gớm. Chỉ thế thôi. Theo đó, Fed sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục tăng lãi suất danh nghĩa cho đến khi lợi suất thực (tức là lãi suất sau khi điều chỉnh theo lạm phát) quay trở lại vùng dương một cách có nghĩa. Và điều đó có nghĩa là vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Có nghĩa là, lợi suất thực của Công khố phiếu kỳ hạn 10 năm (UST) chuẩn đã chạm mức thấp -6.4% hồi tháng 03/2022, nhưng sau khi Fed tăng 400 điểm căn bản trong lãi suất quỹ [của Fed], thì lợi suất thực vẫn là -3.8% (trong tháng Mười) … Tình huống này có nghĩa là lợi suất UST danh nghĩa cần phải đạt mức gần 7-8% để loại bỏ khoản trợ cấp sâu cho nợ đã phản ánh vào đường cong lợi suất hiện nay.”
Chỉ có đường hướng này mới “đưa hệ thống tín hiệu tài chính trở lại một đường hướng hiệu quả, bền vững, từ đó loại bỏ sự thiên vị rất lớn đối với việc tích lũy nợ quá mức và nhu cầu mở rộng do lạm phát mà số nợ đó tài trợ.”
Tất cả các đặc điểm của lạm phát đình trệ sẽ tồn tại với chúng ta trong một thời gian, với sản lượng giảm, lạm phát tăng, và tình trạng thắt chặt ngày càng tăng trong các lĩnh vực cao cấp hơn của thị trường lao động. Đúng ra tình hình không nên như thế này. Chúng ta nghe nói rằng giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, các nhà hoạch định khôn ngoan ở Hoa Thịnh Đốn đã kiểm soát được mọi thứ, giống như họ đã làm với virus. Ngày nay, chúng ta nhìn quanh mình và không thấy gì ngoài sự thất bại. … hay là tội phản quốc.
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Chú thích:
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times