Số liệu GDP lạc quan ẩn chứa dấu hiệu cảnh báo cho nền kinh tế Hoa Kỳ
Báo cáo GDP mới nhất cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong quý 4/2022, nhưng báo cáo này có khả năng phóng đại thực trạng của nền kinh tế Hoa Kỳ trong bối cảnh một thước đo nhu cầu trong nước chậm lại, đồng thời một điểm dữ liệu quan trọng ẩn sâu trong báo cáo đang ở mức tệ nhất kể từ thời Đại Khủng Hoảng (1929-1939).
Dữ liệu do Cục Phân tích Kinh tế công bố hôm thứ Năm (26/01) cho thấy, nền kinh tế Hoa Kỳ đã tăng trưởng 2.9% trong quý 4/2022, giảm từ mức 3.2% trong quý trước.
Các nhà phân tích đã dự kiến một tốc độ tăng trưởng chậm hơn, là 2.6%, với việc Wall Street phục hồi nhờ số liệu đi lên bất ngờ này và kết thúc ngày giao dịch trong sắc xanh.
‘Không thể tốt hơn được nữa’?
Diễn thuyết tại một sự kiện ở Springfield, Virginia, Tổng thống Joe Biden đã ăn mừng chiến thắng khi nói rằng báo cáo về GDP này “không thể tốt hơn được nữa.”
Ông Biden đã ca ngợi sự tăng trưởng trong việc làm và tiền lương, cũng như sự giảm bớt trong áp lực lạm phát, đồng thời nhận công lao cho thành tựu này.
Tổng thống nói: “Tôi không nghĩ đó là không công bằng khi nói rằng đây toàn là những bằng chứng cho thấy kế hoạch kinh tế của Biden, nhờ có tất cả các quý vị, đang thực sự có hiệu quả.”
Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu hơn về báo cáo GDP này, ta có thể thấy các dấu hiệu suy yếu và một dấu hiệu cảnh báo nghiêm trọng tiềm năng.
Dấu hiệu cảnh báo
Đầu tiên, phần lớn sức mạnh trong con số tăng trưởng GDP 2.9% đến từ việc tích thêm hàng tồn kho, vốn đã giúp tăng thêm 1.46% vào số liệu tăng trưởng kinh tế nói chung.
Xuất cảng ròng tăng thêm 0.56 điểm phần trăm, nhưng mức tăng này là do nhập cảng giảm hơn là do xuất cảng tăng, vốn không phải là một dấu hiệu tốt.
Các nhà phân tích tại Ngân hàng ING cho biết: “Mối lo ngại của chúng tôi là thay vì theo dự trù, việc xây dựng hàng tồn kho đang ngày càng trở nên mang tính không tình nguyện — nhu cầu của người tiêu dùng đang yếu đi tại một thời điểm khi mà các chuỗi cung ứng được cải thiện đã thúc đẩy lượng hàng tồn kho sẵn có.”
Họ nói thêm: “Tương tự như vậy, sự cải thiện trong thương mại ròng là do nhập cảng giảm (một dấu hiệu cho thấy bức tranh nhu cầu của Hoa Kỳ đang suy yếu) chứ không phải do xuất cảng tăng — xuất cảng giảm 1.3%. Vì vậy, tóm lại, chúng ta có mức tăng trưởng tốt nhưng thực chất không phải là bởi vì những lý do tuyệt vời.”
Chi tiêu của người tiêu dùng tăng 2.1% nhưng nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất lâu bền, chủ yếu được mua bằng tín dụng, đã giảm xuống.
Nếu loại bỏ hàng tồn kho, thì chi tiêu của chính phủ cùng thương mại, nhu cầu nội địa của Hoa Kỳ chỉ tăng với tốc độ 0.2%. Đó là mức tăng nhỏ nhất về doanh số bán hàng cuối cùng trong nước của khu vực tư nhân kể từ quý 2/2020 và là mức tăng có sự giảm tốc so với tốc độ tăng trưởng 1.1% của quý 3.
Ngoài ra, mặc dù báo cáo hàng hóa lâu bền tháng Mười Hai cho thấy mức tăng 5.6% so với tháng trước, nhưng mức tăng này được dẫn đầu bởi các đơn đặt hàng phi cơ. Nếu không tính lĩnh vực vận tải, thì các đơn đặt hàng sẽ giảm 0.1%, trong khi các đơn đặt hàng tư liệu sản xuất phi quốc phòng không bao gồm phi cơ, một thước đo được Cục Dự trữ Liên bang theo dõi chặt chẽ như một đại diện cho chi tiêu vốn của các doanh nghiệp, đã giảm 0.2% so với tháng trước trong tháng Mười Hai.
Các nhà phân tích của ING cho biết: “Vì vậy, một lần nữa, các chi tiết này vẽ nên một bức tranh rất khác so với những gì mà việc chỉ cân nhắc con số tổng thể sẽ gợi ý — cũng nên nhớ rằng không phải là Boeing có thể đột nhiên sản xuất tất cả các phi cơ này trong năm nay một cách kỳ diệu.”
Hơn nữa, đầu tư cố định phi dân cư, cũng là một ước tính cho chi tiêu về vốn kinh doanh, đã giảm mạnh với tỷ lệ hàng năm là 26.7%.
Nhưng một điểm dữ liệu đã đặc biệt gây ấn tượng khi xét đến bối cảnh lịch sử.
‘Đáng lo ngại nhất’
Phần phụ lục bổ sung cho báo cáo GDP này là một bộ dữ liệu so sánh lịch sử (pdf), cho thấy thu nhập cá nhân khả dụng vào năm 2022 đã giảm 6.4% so với một năm trước đó. Đó là mức giảm mạnh nhất trong thước đo này kể từ cuộc Đại Khủng Hoảng, khi thu nhập cá nhân khả dụng giảm mạnh 13.1% vào năm 1932.
Ông E.J. Antoni, một nhà nghiên cứu tại Heritage Foundation, đã viết trong một bài bình luận: “Thông tin đáng lo ngại nhất trong báo cáo GDP này là sự sụt giảm nghiêm trọng trong thu nhập khả dụng thực tế, vốn đã giảm hơn 1 ngàn tỷ USD trong năm 2022.”
Thu nhập cá nhân khả dụng giảm mạnh như vậy không phải là tín hiệu tốt cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong tương lai vì thực tế này có thể đồng nghĩa với một sự sụt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng.
Các nhà kinh tế tại Oxford Economics cho biết trong một lưu ý: “Chi tiêu của người tiêu dùng — động cơ tăng trưởng chính của nền kinh tế — dự kiến sẽ yếu đi khi tăng trưởng thu nhập giảm và các gia đình không còn có thể dựa vào khoản tiết kiệm dư thừa để duy trì tốc độ chi tiêu mong muốn của họ.”
Chi tiêu của người tiêu dùng là động lực chính của nền kinh tế Hoa Kỳ, chiếm khoảng 70% tăng trưởng kinh tế.
Ông Sal Guatieri, nhà kinh tế cao cấp tại BMO Capital Markets ở Toronto, cho biết: “Nền kinh tế Hoa Kỳ chưa rơi xuống vực thẳm, nhưng đang mất dần đi sức chịu đựng và có nguy cơ suy giảm vào đầu năm nay.”
Nhìn về tương lai cho quý đầu tiên, CEIC GDP Nowcast dự đoán rằng nền kinh tế Hoa Kỳ sẽ chỉ tăng trưởng 0.4%.
Conference Board dự đoán rằng Hoa Kỳ sẽ phải chịu đựng ba quý liên tiếp tăng trưởng GDP thực tế âm bắt đầu từ quý này.
Conference Board cho biết trong một báo cáo, “Tuy nhiên, sự suy thoái này sẽ tương đối nhẹ và ngắn, và tăng trưởng sẽ phục hồi vào năm 2024 khi lạm phát giảm hơn nữa và Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ.”
Trong năm tới, S&P Global dự báo tốc độ tăng trưởng GDP là âm 0.1% vào năm 2023.
Một điểm dữ liệu tích cực từ báo cáo GDP hôm thứ Năm (26/01) là lạm phát đã giảm bớt trong quý 4, với thước đo lạm phát tăng 3.2%, giảm so với mức 4.8% được ghi nhận trong quý trước.
Bản tin có sự đóng góp của ông Andrew Moran và Reuters
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times