5 món ăn quốc gia của Indonesia chỉ người sành ăn mới biết
Indonesia hay “Đất nước vạn đảo” là một quốc gia kiểu quần đảo. Môi trường địa lý đa dạng và phong phú với các dân tộc khác nhau đã khiến đất nước này có một nền văn hóa ẩm thực đa dạng và đặc sắc.
Ngoài ra, Indonesia còn tiếp xúc với ẩm thực Âu Châu trong thời kỳ còn là thuộc địa của Hà Lan, những người nhập cư từ Trung Quốc cũng mang đến phong cách ẩm thực kiểu Trung Quốc. Sự kết hợp của các nền văn hóa khác nhau đã làm cho nền ẩm thực Indonesia càng trở nên đặc sắc.
Vào năm 2018, Bộ trưởng Du lịch Indonesia Arief Yahya thông báo rằng họ đã chọn ra và chính thức công nhận 5 “món ăn quốc gia” từ hơn 5,000 món ăn Indonesia. Năm món ăn quốc gia của Indonesia lần lượt là Soto Ayam, Rendang, Sate, Nasi Goreng và Gado-Gado. Điều thú vị là 5 món ăn này đều có rất nhiều phiên bản, cho thấy sự đa dạng và thú vị của nền văn hóa ẩm thực tại quốc gia này.
1. Soto Ayam (Súp gà Indonesia)
Soto Ayam là một món ăn quốc dân rất nổi tiếng ở Indonesia, Soto nghĩa là súp, còn Ayam có nghĩa là gà. Ở mỗi vùng miền khác nhau lại có những phong cách làm Soto Ayam khác nhau. Hơn nữa, món súp này có thể được tìm thấy ở mọi nơi, từ các quán ăn ven đường cho đến các nhà hàng cao cấp.
Mặc dù có sự khác biệt phong cách giữa các vùng, nhưng Soto Ayam chính thống đều sẽ chứa nhiều loại gia vị như nghệ, gừng, sả, tỏi, chanh và lá nguyệt quế, các nguyên liệu đi kèm thường có trứng luộc, khoai tây chiên, lá cần tây và hẹ tây. Soto Ayam có thể ăn với cơm, hoặc có thể được phục vụ bằng cách rưới súp lên cơm theo từng phần, hoặc thêm cơm vào súp để tạo thành “súp cơm”. Ngoài ra, hầu hết phiên bản Soto Ayam đều sẽ thêm miến hoặc bún.
Điều thú vị là mặc dù Soto Ayam được gọi là súp gà, nhưng cũng có những phiên bản không có thịt gà, chẳng hạn như súp Coto Makassar ở đảo Sulawesi. Cô Trang Tổ Nghi (Zhuang Zuyi), tác giả của cuốn “Các nhà nhân loại học trong nhà bếp” đã từng đề cập trong bài viết của mình rằng, “Người Indonesia đối với món Soto, một mặt là ‘đồng trung cầu dị’, mỗi nơi đều có phiên bản của quê hương mình, một mặt khác là ‘dị trung cầu đồng’, kiên trì với phong cách riêng của soto và không thể nhầm lẫn với các món súp khác”.
2. Rendang (thịt hầm vị cay)
Rendang là một món thịt hầm có nguồn gốc từ vùng Minangkabau ở Tây Sumatra, Indonesia. Món Rendang thường thấy nhất là thịt bò hầm, nhưng cũng có món Rendang với thịt gà và thịt cừu. Trong cuộc bình chọn 50 món ăn ngon nhất thế giới của CNN Travel, Rendang đã hai lần đứng đầu vào năm 2011 và 2017 nhờ hương vị độc đáo.
Ở Indonesia, Rendang là món ăn xếp vị trí rất cao, trong các lễ hội, một món Rendang ngon luôn là tâm điểm thưởng thức của mọi người. Nếu là một bữa tiệc kiểu tự chọn, xếp hàng quá muộn có thể sẽ khiến bạn bỏ lỡ một món Rendang ngon lành, vì nó luôn là món đầu tiên được ăn hết sạch. Thậm chí có một cư dân mạng Indonesia từng đăng tải một đoạn video lên mạng, trong đó hai người phụ nữ mặc trang phục Trung Quốc đang tranh cãi trong bữa tiệc vì tranh giành món Rendang!
Rendang vừa thơm mà vừa cay, bí quyết tạo nên vị ngon của nó chủ yếu nằm ở sự đa dạng của các loại hương liệu, và mỗi đầu bếp đều có công thức độc đáo của riêng mình. Các hương liệu thường dùng trong món Rendang là tỏi, gừng, chanh, lá nguyệt quế, ớt, hạt tiêu, thảo quả, hành và lá nghệ, v.v.
Màu sắc của món Rendang thường rất sẫm, và thực khách khi nếm thử chỉ có thể đoán được hương liệu trong đó bằng vị giác. Ở Indonesia, để thể hiện mức độ coi trọng đối với các vị khách, các hộ gia đình giàu có có xu hướng thêm vào nhiều loại hương liệu.
3. Sate (thịt xiên nướng)
Sate là món ăn phổ biến trên các con đường và ngõ hẻm của Indonesia, đây là một loại thịt xiên nướng chấm với nước sốt sa tế độc đáo, khi ăn rất vừa miệng! Món thịt xiên nướng thơm ngon này không chỉ nổi tiếng ở Indonesia mà còn chinh phục được vị giác của người Hà Lan. Điều này là do Indonesia đã từng là thuộc địa của Hà Lan trong khoảng 300 năm, quá trình lịch sử này cũng đã khiến Sate trở thành một trong những món ăn nhẹ mà người Hà Lan yêu thích.
Sate có thể được chế biến từ nhiều loại thịt và nguyên liệu, bao gồm thịt gà, thịt cừu, thịt bò, thịt lợn, cá, sò điệp và đậu phụ, v.v. Theo truyền thống, thịt xiên nướng được xiên bằng lá dừa, nhưng ngày nay cũng thường dùng xiên tre. Hầu hết các loại thịt hay các nguyên liệu khác đều cần được tẩm ướp trước khi nướng trên lửa. Các loại nước ướp cũng rất đa dạng, một số loại hải sản được ướp với nước me, còn thịt thì ướp với nhiều loại tương ớt, gia vị hoặc giấm mía. Ở một số vùng trước khi nướng còn nấu qua thịt với gia vị.
4. Nasi Goreng (Cơm chiên Indonesia)
Nếu bạn muốn biết đẳng cấp của một nhà hàng Indonesia, điều quan trọng nhất là phải quan sát món cơm chiên Indonesia mà họ làm. Bởi vì một đầu bếp am hiểu ẩm thực Indonesia, nhất định phải có khả năng làm ra một đĩa cơm chiên Indonesia ngon lành.
Hầu hết phiên bản cơm chiên Indonesia đều sẽ thêm nước tương ngọt, me, tôm khô, ớt và mắm tôm, v.v. Tuy nhiên, người Indonesia thường không ăn riêng cơm chiên, một món cơm chiên Indonesia chính thống phải có sa tế, bánh tôm, trứng chiên, xà lách và dưa chuột để ăn kèm.
Nếu muốn nấu một món ăn Indonesia tại nhà, bạn cũng có thể thử làm món cơm chiên Indonesia. Bạn có thể mua gói nước sốt cho món cơm chiên Indonesia rồi tự chuẩn bị các nguyên liệu khác, là sẽ có thể dễ dàng chế biến một món ngon theo phong cách Nam Dương tại nhà.
5. Gado-Gado (Salad Indonesia)
Gado-Gado còn được gọi là salad Indonesia, tuy nhiên không có quy định cụ thể cho loại rau được sử dụng trong món ăn này. Ở các vùng khác nhau của Indonesia, người ta sử dụng các loại rau theo mùa để làm món ăn này. Ngoài rau, Gado-Gado còn có đậu cô ve, đậu phụ rán, bánh tôm, trứng và các nguyên liệu khác.
Trần Đình thực hiện
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ