Nghẹt mũi khó thở, xoa bóp 2 vị trí này sẽ thuyên giảm nhanh chóng
Nghẹt mũi là triệu chứng thường gặp, là kết quả của nhiễm trùng niêm mạc xoang mũi, xương xoang mũi sưng. Nghẹt mũi thường là biểu hiện mới bắt đầu của bệnh cảm cúm (như viêm mũi cấp tính), nhưng nếu bệnh cảm cúm không được điều trị kịp thời, kéo dài nhiều ngày, sẽ trở thành viêm mũi mạn tính.
Thời cổ đại, nghẹt mũi được gọi là “Cừu”. Sách “Thích danh” thời Đông Hán viết: “Cừu, cửu dã; thế cửu bất thông, toại chí trất tắc.” (Tạm dịch: Tắc mũi lâu ngày; nước mũi lâu không thông, dẫn đến tắc mũi). Trong các sách cổ Trung y thường dùng cừu trất, tị cừu, tị trất, trất tắc để miêu tả các triệu chứng của nghẹt mũi.
Chữa trị bệnh cảm cúm kịp thời là có thể trị hết nghẹt mũi
Nếu nghẹt mũi phần lớn là do cảm cúm gây ra, chỉ cần kịp thời chữa trị bệnh cảm cúm thì triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi lập tức có thể trị hết.
Khái niệm cảm cúm trong Trung y khác với Tây y. Trung y không quan tâm đến vi khuẩn, virus bên ngoài, mà chủ yếu tập trung vào các biểu hiện triệu chứng tổng thể của cơ thể sau khi phát bệnh, dựa vào loại chứng cảm cúm để có phương pháp điều trị.
Nếu các triệu chứng biểu hiện là sốt sợ lạnh, nghẹt mũi, chảy nước mũi trong, không đổ mồ hôi, đau đầu, khớp xương toàn thân đau mỏi, mạch tượng phù gấp, thì thuộc về “loại cảm cúm phong hàn”, dùng bài thuốc Sơ phong tán hàn là có thể trị khỏi. Nếu triệu chứng biểu hiện là sốt, nghẹt mũi, chảy nước mũi vàng đục, miệng đắng lưỡi khô uống nhiều nước, mạch tượng phù số, là thuộc về “loại cảm cúm phong nhiệt”, cho dùng bài thuốc Tân lương giải biểu là trị khỏi. Vậy nên, nếu có thể chữa trị hết bệnh viêm mũi cảm cúm ở giai đoạn cấp tính, thì sẽ không để lại di chứng nghẹt mũi lâu dài về sau.
Phải làm thế nào khi nghẹt mũi lâu ngày không hết?
Khi Trung y chữa trị chứng nghẹt mũi lâu ngày (viêm mũi mạn tính), là căn cứ vào phân tích thể chất và biểu hiện triệu chứng ở niêm mạc mũi, xương xoang mũi để dùng bài thuốc thích hợp điều trị, cho hiệu quả rất tốt.
Bệnh nhân viêm mũi mạn tính, ngoài các triệu chứng nghẹt mũi, chảy nước mũi, giảm khứu giác, thường đi kèm với các triệu chứng như đau đầu, choáng váng đầu, khàn giọng, tức lỗ tai. Nói chung, người bị nghẹt mũi kéo dài, nếu có thể chất khí hư, có thể dùng thang thuốc Bổ Trung Ích Khí để trị liệu. Ngoài ra, Trung y cho rằng “cửu bệnh tất ứ” (bệnh lâu ngày sẽ dẫn đến khí huyết ứ tắc), nghẹt mũi lâu ngày, xương xoang mũi sưng tấy phình to, tuần hoàn không thông, có thể dùng thuốc Hoạt huyết tan ứ thông khiếu, như “Thông khiếu hoạt huyết thang” để điều trị.
Ưu điểm của thuốc Trung y trong điều trị các bệnh về mũi là không có tác dụng phụ gây mệt mỏi, buồn ngủ, ngược lại tinh thần và thể lực sẽ trở nên tốt hơn. Bởi vì viêm mũi mạn tính là bệnh kinh niên, chữa khỏi hoàn toàn cần có thời gian, cần phải kiên trì uống thuốc Trung y trong một thời gian để cải thiện thể chất, nhằm tăng cường hiệu quả trị liệu.
Xoa bóp 2 vị trí giảm nghẹt mũi nhanh chóng
Trước khi chữa trị hết chứng nghẹt mũi, mũi vẫn bị nghẽn đến khó chịu, nên làm thế nào đây? Phương pháp xoa bóp dưới đây có thể giúp làm giảm bớt nghẹt mũi, thông hô hấp.
- Huyệt Nghênh Hương
Huyệt Nghênh Hương (còn gọi là Nghinh Hương) nằm ở cạnh điểm giữa mép ngoài của mũi, nơi giao nhau với các nếp gấp của mũi (nếp cười, nếp gấp mũi). Dùng ngón tay ấn và xoa hai huyệt Nghênh Hương hai bên mũi, mỗi lần trong khoảng 2-3 phút.
- Xoa bóp cánh mũi
Sau khi xoa bóp huyệt Nghênh Hương, cong ngón cái lại, hai đốt ngón tay cái gập cong thành góc vuông, bốn ngón tay khác cong lại tự nhiên vào phía lòng bàn tay tạo thành nắm đấm rỗng, sao cho ngón trỏ cong tròn áp chặt trên ngón cái, cố định ngón cái. Dùng mặt cạnh của đốt thứ nhất ngón cái của 2 tay áp vào hai bên cánh mũi xoa bóp lên xuống, cho đến khi mũi hết nghẹt mới thôi.
4 điểm cần chú ý nhằm tránh chứng nghẹt mũi trở nên nghiêm trọng
Bệnh viêm mũi, viêm mũi dị ứng cũng có liên quan đến lối sống của chúng ta, vì vậy những người mắc bệnh về mũi cần chú ý hơn đến thói quen sinh hoạt hàng ngày của bản thân. Điều này có thể ngăn ngừa tình trạng nghẹt mũi trở nên trầm trọng hơn.
Tác giả: Bác sĩ Ngô Quốc Bân - Giám đốc phòng khám Trung y Tâm Y Đường - Đài Loan
Lý Thanh Phong biên tập
Lam Yên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ