Tăng cường trí nhớ, Trung Y có thể giúp quý vị
Trên thế giới có một số người có trí nhớ siêu mạnh. Ví dụ như Kim Peek ở Hoa Kỳ, ông có thể ghi nhớ từng chữ một trong hơn 12,000 cuốn sách mà bản thân đã từng đọc trong đời. Nói là đọc, nhưng thực ra ông ấy lật, tốc độ đọc rất nhanh, chỉ cần nhìn thoáng qua là có thể đọc xong 10 dòng và không bao giờ quên. Về sau, bộ phim “Rain Man” dựa trên kinh nghiệm của ông đã giành được giải Oscar dành cho Phim hay nhất.
Năng lực của ông ấy là bẩm sinh, vì vậy trí nhớ có liên quan rất nhiều đến tài năng bẩm sinh, nhưng đương nhiên nó không thể tách rời với chế độ dinh dưỡng và luyện tập trong đời. Ví dụ, ở nhiều bộ lạc cổ đại, lịch sử của họ không được ghi lại bằng văn bản mà được truyền miệng. Họ tìm một người đàn ông trẻ tuổi trong bộ tộc và yêu cầu anh ta đọc thuộc lòng toàn bộ lịch sử của bộ tộc, hàng trăm nghìn từ, có thể dưới dạng thơ, có thể ở dạng bài hát, rồi truyền lại cho thế hệ sau. Cứ thế truyền từ đời này qua đời khác.
Trung Y và trí nhớ
Trung Y cho rằng trí nhớ có liên quan đến tủy não, “Bộ não là biển tủy”, tủy được hình thành từ Thận tinh. Thận là gốc tiên thiên, và có liên quan rất nhiều đến di truyền. Sau khi sinh, thận tinh sẽ chuyển hóa các chất dinh dưỡng thành tinh chất để cung cấp cho thận, vì vậy nó cũng cần được bổ sung dinh dưỡng hậu thiên.
Tóm lại, trí nhớ bao gồm hai khía cạnh, một là tiên thiên, hai là hậu thiên. Khi lớn tuổi, chức năng cơ thể bắt đầu suy giảm, thận tinh không đủ, không thể nạp đầy biển tủy, tức là xảy ra hiện tượng suy giảm trí nhớ hoặc vô cảm. Một số người hao tổn nhiều hơn, biển tủy trống rỗng, dẫn đến bệnh Alzheimer.
Vì vậy, dưỡng thận, bổ thận tinh là phương pháp cải thiện trí nhớ của y học cổ truyền Trung Quốc.
Người xưa rất coi trọng việc dưỡng sinh. Trong khi nếm thử bách thảo, Thần Nông đã tìm thấy nhiều vị thảo mộc có thể cải thiện trí nhớ, ghi chép lại và truyền cho thế nhân.
Vị đầu tiên: Viễn Chí
“Thần Nông bản thảo kinh” ghi chép về Viễn Chí rằng: “Lợi cho trí huệ, tinh thông tai mắt, không quên, tăng cường ý lực, dùng lâu sẽ trẻ mãi không già”.
“Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân nói rằng: “Công năng của nó tập trung vào cường chí ích tinh, điều trị chứng hay quên”.
Y học hiện đại đã căn cứ vào các ghi chép cổ xưa để tiến hành nghiên cứu về Viễn Chí. Thông qua thí nghiệm so sánh chứng mất trí nhớ tuổi già ở động vật trước và sau khi dùng Viễn Chí, họ phát hiện rằng Viễn Chí thực sự có tác dụng tăng cường trí nhớ và nâng cao khả năng học tập.
Viễn Chí rất tiện cho việc sử dụng, có thể uống trực tiếp hoặc nấu thành súp, cháo.
Trà Viễn Chí
Nguyên liệu: Viễn Chí 10g
Cách làm: Sắc trong nước 30 phút, lấy nước cốt, uống ấm ngày 2 lần sáng tối.
Cháo Viễn Chí hạt sen
Nguyên liệu: Viễn Chí 30g, hạt sen 15g, gạo tẻ 50g
Cách làm: Ngâm Viễn Chí để bỏ lõi, phơi khô, nghiền chung với hạt sen thành bột. Đun sôi gạo tẻ, đợi chín, cho bột hạt sen Viễn Chí vào, sôi một hai lần là được.
Cách dùng: Dùng ăn tùy ý.
Công hiệu: Bổ trung, ích trí, thông tai sáng mắt. Thích hợp dùng cho người có chứng hay quên, hồi hộp, mất ngủ.
Vị thứ hai: Linh Chi
Nấm Linh Chi rất quý nên không được sử dụng nhiều như Viễn Chí. Trong tất cả các loại Linh Chi, Linh Chi đỏ có tác dụng tốt nhất.
“Thần Nông bản thảo kinh” ghi chép về Linh Chi rằng: “Lợi tim, bổ trung, tăng trí tuệ, không quên. Dùng lâu sẽ trẻ mãi không già, kéo dài tuổi thọ”. Do đó nó được gọi là “tiên thảo”.
Nghiên cứu y học hiện đại cho thấy, Linh Chi có tác dụng chống lão hóa và rất hữu ích cho việc kích hoạt các tế bào não.
Trà Linh Chi
Nguyên liệu: Linh Chi 10g
Cách làm: Thái lát, thay thế cho trà.
Trà Linh Chi bạc hà
Nguyên liệu: Linh Chi 2g, Bạc Hà 5g, Cốc Nha 5g, đường trắng 25g
Cách làm: Cắt nhỏ Linh Chi, bạc hà thành từng miếng nhỏ, xào Cốc Nha sơ qua cho thơm. Cho nấm Linh Chi và Cốc Nha đã xào vào nồi, thêm 250 ml nước, thêm đường, nấu đến khi nước đặc thì cho bạc hà vào, nấu thêm 10 phút.
Công hiệu: Bổ não ích trí. Thích hợp cho người phiền nhiệt, khí hư v.v.
Bài tập tay: Bắn chim bằng súng
Cuối cùng xin giới thiệu một bài tập tay “bắn chim bằng súng” để ngăn ngừa bệnh Alzheimer và tăng cường trí nhớ.
Ngón tay phải tạo dáng khẩu súng, hai ngón tay trái làm kí hiệu V giống như một con chim, dùng súng nhắm vào chim; sau đó tay trái lại chuyển thành súng, tay phải lại chuyển thành chim, và cứ thế tăng dần tốc độ. Số lượng chim cũng có thể được tăng lên, với ba ngón tay mở rộng cho ba con chim và bốn ngón tay cho bốn con chim.
Tề Thủ Thiện biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ