1,000 trường học tại Úc châu giới thiệu loại thức ăn làm từ côn trùng có thể ăn được
Học sinh Úc châu đang được cung cấp loại khoai tây chiên phủ bột dế protein được sản xuất từ công ty sản xuất thực phẩm côn trùng Circle Harvest.
Công ty cho biết những sản phẩm này sẽ giúp hành tinh giải quyết vấn đề đổi khí hậu do con người tạo ra.
Công ty Western Sydney cũng bắt đầu cung cấp khoai tây chiên phủ bột côn trùng cho 1,000 trường học trong năm nay và dự kiến con số này sẽ tăng lên gấp sáu vào giữa năm 2023.
Cho đến nay, các trường học trên khắp New South Wales, Queensland, Nam Úc và Tây Úc đã mua hơn 500,000 gói sản phẩm.
Nhà sáng lập kiêm nhà côn trùng học, cô Skye Blackburn, nói rằng công ty cũng đang bắt đầu làm việc với viện dưỡng lão để giới thiệu cho những người lớn tuổi loại protein côn trùng dễ tiêu hóa hơn và phổ biến hơn này.
Công ty Circle Harvest đã được giới thiệu như một trường hợp điển hình trong báo cáo CSIRO năm 2021 với tiêu đề “Thực phẩm làm từ côn trùng: Lộ trình phát triển chiến lược của ngành công nghiệp mới nổi ở Úc.”
Cơ quan nghiên cứu khoa học và công nghiệp quốc gia nhận thấy, trở ngại lớn nhất cho sự tăng trưởng của thị trường thực phẩm côn trùng là thái độ của người tiêu dùng.
Cô Blackburn cho rằng điều này vốn không nên là trở ngại, vì bơ đậu phộng, bột mì và nước cam cũng được phép chứa một số ít bộ phận của côn trùng.
Cô nói với tờ Daily Telegraph: “Bạn đã từng ăn côn trùng, và chỉ là chưa nhận thức được điều đó.”
Cô nói: “Điều đó là tốt cho bạn, và tốt hơn cho hành tinh này.”
Tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho con người
Tuy nhiên, một số lo ngại đang được đặt ra về sản phẩm này sau khi người phát ngôn của Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Australia New Zealand (FSANZ) cho biết Úc Châu không có quy định về côn trùng giống như Hoa Kỳ.
“Không có giới hạn cụ thể cho lượng côn trùng có trong thực phẩm; tuy nhiên, sự hiện diện của sinh vật lạ như côn trùng có thể khiến thực phẩm trở nên không phù hợp,” người phát ngôn của FSANZ nói với The Epoch Times.
“Bộ Quy định ghi rõ các doanh nghiệp thực phẩm cần thực hiện tất cả các bước cần thiết để ngăn ngừa khả năng thực phẩm bị ô nhiễm, chẳng hạn như giữ vệ sinh sạch sẽ các khu vực và thiết bị chế biến thực phẩm, bảo dưỡng tốt và kiểm soát côn trùng gây hại.”
Tổ chức khoa học thực phẩm hàng đầu của Úc – Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP) – cũng cho biết mọi thực phẩm cần phải “không lẫn tạp chất”, “phù hợp” và “không chứa tạp chất lạ như côn trùng”.
Việc nuôi côn trùng làm thực phẩm cho con người hiện đang là một xu hướng tương đối gần đây, nhưng không phổ biến các nước Tây phương cũng như các nước đang phát triển.
Người tiêu dùng Tây phương đặc biệt quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm, chẳng hạn như các nguy cơ đối với sức khỏe vi sinh và hóa học do việc tiêu thụ côn trùng gây ra.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy, 18% phản ứng gây tử vong do thực phẩm ở Trung Quốc là do ăn phải côn trùng, trong khi gần 8% người tiêu thụ côn trùng ở Lào có biểu hiện dị ứng.
Tác giả của một nghiên cứu khác cho rằng tài liệu khoa học về thực phẩm từ côn trùng hiện vẫn còn nhiều thiếu sót, có lẽ là do trên thực tế những thực phẩm này thường khá phổ biến ở các nước đang phát triển, nơi không có nhiều tài liệu chính thức về mối nguy hại đối với sức khỏe liên quan đến côn trùng ăn được.
Những mối nguy hại này bao gồm: dị ứng nguyên, dư lượng thuốc trừ sâu, độc tố nấm mốc, kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh và ký sinh trùng, v.v.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times