10 điều quý vị nên làm nếu bị buộc thôi việc
Bị buộc thôi việc là một trải nghiệm rất khó chịu cho dù quý vị có mong đợi hay không. Quý vị không mắc lỗi gì cả, phút trước vẫn còn có việc làm — và phút sau đã phải ký vào đơn thôi việc. Ngoài sự suy sụp cảm xúc, thì quý vị còn sắp gặp phải gánh nặng về tài chính.
Vậy chúng ta nên làm gì khi phải nghỉ việc? Sau đây là 10 điều quý vị có thể làm để bảo đảm một nền tảng tài chính vững chắc và có thể tiếp tục cuộc sống nếu bị cho thôi việc.
1) Yêu cầu gửi một bức thư cho thôi việc hoặc thư giới thiệu
Bị sa thải và bị thôi việc [vì cắt giảm nhân sự] là hai việc khác nhau. Việc cắt giảm nhân sự vì bất kỳ lý do gì đều nằm ngoài tầm kiểm soát của một nhân viên. Đó là sự khác biệt quan trọng khi quý vị đi phỏng vấn cho một công việc khác. Quý vị sẽ cần một bức thư từ bộ phận nhân sự nêu rõ ràng về hoàn cảnh mà quý vị bị buộc thôi việc.
Quý vị hãy đọc bức thư. Bức thư này nên nói về những đóng góp tích cực mà quý vị đã làm được. Nếu có chi tiết nào chưa đúng, quý vị hãy yêu cầu họ viết lại một bức thư khác. Bức thư này sẽ là minh chứng cho thấy quý vị không phải bị sa thải mà là bị buộc thôi việc vì cắt giảm nhân sự.
Khi quý vị vẫn còn làm ở đó, hãy đề nghị người quản lý của quý vị hoặc bộ phận nhân sự viết một bức thư giới thiệu hoặc một lời bảo chứng cho mình. Bức thư này sẽ hữu ích cho quý vị trong các cuộc phỏng vấn tìm việc trong tương lai.
2) Yêu cầu trợ cấp thất nghiệp
Công ty của quý vị có thể chuẩn bị một gói trợ cấp thất nghiệp cho quý vị. Nhưng quý vị cũng trao đổi khi có cơ hội và cố gắng thương lượng thêm. Nếu gói trợ cấp của quý vị thấp hơn các mức tiêu chuẩn trong ngành, quý vị có thể cân nhắc nhờ một luật sư lao động tư vấn thêm về điều này.
3) Kiểm tra bảo hiểm y tế
Quý vị hãy hỏi xem bảo hiểm y tế của công ty sẽ chi trả cho quý vị trong bao lâu sau khi nghỉ việc. Hầu hết các nhà tuyển dụng sẽ trả các khoản chi phí bảo hiểm trước một tháng, nếu quý vị bị cho thôi việc vào đầu tháng, thì quý vị nên nhận được khoản tiền bồi thường cho thời gian còn lại của tháng đó. Nhưng quý vị nên kiểm tra cho chắc.
Nếu quý vị đang thương lượng về một gói trợ cấp thất nghiệp, hãy cân nhắc đến các quyền lợi y tế như một phần trong gói trợ cấp này.
Cuối cùng, công ty của quý vị bắt buộc cho quý vị tham gia vào COBRA (Consolidated Omnibus Budget Reconciliation Act, Đạo Luật Điều Phối Ngân Sách Tổng Hợp Omnibus), cho phép quý vị mua gói dành cho gia đình trong tối đa 18 tháng.
4) Kiểm tra khoản thanh toán lương lần cuối
Quý vị nên kiểm tra lại khoản thanh toán lương lần cuối có đúng hay không. Kiểm tra lại các khoản khấu trừ đã đúng chưa. Kiểm tra lại số ngày nghỉ phép hoặc ngày nghỉ bệnh chưa sử dụng. Những ngày được trả lương đó đã được tính thêm vào khoản thanh toán lương lần cuối của quý vị chưa? Những khoản đó có nên được tính vào không?
Đôi khi, nếu đây là một đợt cắt giảm nhân sự lớn, thì khoản thanh toán lương lần cuối mà quý vị nhận được có thể được tính đến 60 ngày. Đạo luật Thông báo về Điều chỉnh và Đào tạo lại Người lao động của liên bang yêu cầu các nhà tuyển dụng phải thông báo trước 60 ngày. Trong suốt khoảng thời gian này, nhân viên vẫn nhận được tất cả khoản tiền lương và phúc lợi.
5) Cân nhắc chọn quỹ hưu trí 401(k) hay kế hoạch nhận lương hưu
Quý vị cần phải quyết định xem bản thân có muốn tạm thời rời khỏi quỹ hưu trí 401(k) theo kế hoạch của công ty cũ hay muốn chuyển sang một quỹ hưu trí cá nhân (IRA). Quý vị có thể vừa chờ đợi vừa chuyển sang gói của công ty mới nếu công ty đó có một gói cho quý vị. Lựa chọn thứ ba là quý vị chịu phạt, bị đánh thuế và rút tiền ra.
Nếu công ty cũ của quý vị có một gói lương hưu và quý vị được nhận gói này, thì độ tuổi của quý vị có thể có tác động đến quyết định của quý vị. Hãy tham vấn ý kiến với một cố vấn tài chính để quyết định bước tiếp theo.
6) Chuẩn bị hồ sơ trợ cấp thất nghiệp
Quý vị đã làm việc chăm chỉ, và một trong những đặc quyền khi đi làm là quý vị sẽ nhận được trợ cấp thất nghiệp khi cần. Đây không phải thời điểm để tự hào. Đây là những lợi ích mà quý vị được hưởng. Khoản tiền này sẽ giúp quý vị giảm bớt áp lực ngoài khoản tiền tiết kiệm của quý vị.
Mặc dù những khoản trợ cấp này thường kéo dài 26 tuần, nhưng khoảng thời gian đó phụ thuộc vào nơi quý vị sinh sống.
7) Cập nhật resume
Đây là lúc quý vị soạn lại bản khái lược quá trình học vấn và nghề nghiệp (resume). Nếu quý vị vẫn chưa tìm kiếm một công việc nào sau một khoảng thời gian, thì có lẽ quý vị cần cập nhật resume của mình rất nhiều. Hãy nghĩ về hết thảy các công việc hoặc các vị trí thăng tiến mà quý vị đã từng làm trong công ty cũ. Viết xuống những việc làm nổi bật và dẫn chứng cụ thể trong resume của quý vị.
Ví dụ, quý vị không chỉ viết về chức vụ đã đảm nhận; mà hãy cho nhà tuyển dụng tiềm năng biết vị trí đó là gì; và công việc đó có ý nghĩa gì với công ty. Nếu quý vị đã từng làm tăng doanh số bán hàng, vậy hãy nêu cụ thể là doanh số tăng bao nhiêu, và nếu quý vị đã cắt giảm chi phí cho công ty, hãy cho họ biết điều đó. Nói cách khác, hãy nêu thật chi tiết những gì khiến quý vị nổi bật.
Và hãy cố gắng viết resume gói gọn trong một trang giấy.
8) Đánh giá lại các ưu tiên của quý vị
Quý vị muốn làm công việc gì tiếp theo? Hãy cân nhắc xem quý vị có muốn làm công việc giống như công việc cũ của mình không, hay là muốn tìm kiếm cơ hội để làm công việc nào đó kết hợp những thứ khác. Sau đó, hãy nhìn qua resume và nghĩ xem liệu có ý tưởng nào lóe lên gợi về một công việc mà quý vị đã từng làm qua hoặc có khả năng dẫn dắt quý vị đi làm một việc gì đó mới mẻ.
Hãy xác định những ưu tiên mới của quý vị, nếu quý vị có bất kỳ ý tưởng nào. Ví dụ, quý vị có muốn làm việc ở một tập đoàn lớn không, hoặc làm ở công ty nhỏ hơn có lẽ sẽ tốt hơn?
Thời gian rảnh so với thời gian làm việc quan trọng như thế nào? Quý vị có cần điều chỉnh lại không? Hoàn cảnh sống của quý vị có thay đổi không? Quý vị có muốn làm việc từ xa không? Những câu trả lời này sẽ ảnh hưởng đến việc tìm kiếm việc làm của quý vị.
9) Đừng xem việc bị thôi việc như một bí mật
Quý vị không nên kín tiếng. Bây giờ không phải lúc quý vị giữ kín chuyện nghỉ việc cho riêng mình. Đây là thời điểm để mọi người biết quý vị có thời gian rỗi rãi. Quý vị hãy lên mạng và nhờ người làm những tấm danh thiếp cá nhân. Sau đó, quý vị có thể bắt đầu kết nối với mọi người. Việc đó sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu quý vị trao những tấm danh thiếp có tên mình cho nhiều người khác.
Càng có nhiều người biết quý vị đang cần tìm việc, thì sẽ càng có nhiều nhà tuyển dụng tiềm năng tìm đến quý vị.
10) Đây là thời điểm để lướt web
Hãy chủ động, quý vị ngồi xuống trước màn hình máy điện toán và đào sâu các trang mạng như Indeed hoặc Glassdoor. Những trang web này có hàng trăm quảng cáo việc làm. Có rất nhiều công việc phù hợp với chuyên môn của quý vị. Và, may mắn thay, các trang web này có các bộ lọc để tìm kiếm.
Quý vị hãy nhớ tìm trên mạng xã hội. LinkedIn là một nguồn tuyệt vời để quý vị tìm kiếm một công việc.
Trong khi đó, Hãy Hít Thật Sâu — Không Phải Là Quý Vị Bị Sa Thải.
Cắt giảm nhân sự là lỗi của công ty, không phải là lỗi của quý vị. Vì thế, quý vị có thể tiếc nuối công việc của mình một chút, nhưng cũng đừng cảm thấy lẽ ra mình có thể làm gì đó để ngăn chặn điều này xảy ra.
Minh Chi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc ở The Epoch Times.