Ý nghĩa sâu sắc hơn trong phán xét của thẩm phán Thomas về Tu chính án số Hai
Quyết định của Tối cao Pháp viện trong vụ ở New York giữa Hiệp hội Súng trường & Súng ngắn kiện Bruen (pdf) là một dấu hiệu chiến thắng cho quyền giữ và mang vũ khí. Đọc bản ý kiến của thẩm phán Clarence Thomas đối với vụ án là một hành trình phong phú đi qua luật hiến pháp và lịch sử. Ý kiến này có thể trở thành một kinh điển của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (SCOTUS).
Tuy nhiên, trường hợp này vẫn có những ý nghĩa quan trọng hơn — những ý nghĩa vượt qua cả Tu chính án thứ Hai. Giữa tất cả những ồn ào xung quanh phiên tòa, chắc chắn là quý vị sẽ không được đọc về những hàm ý đó ở bất kỳ đâu ngoại trừ ở đây.
Tuy nhiên, trước tiên, tôi rất vui được thông báo rằng ông Thomas đã ghi công xứng đáng cho công trình của ông Dave Kopel, đồng nghiệp của tôi ở Viện Độc Lập, người có lẽ là học giả về Tu chính án thứ Hai hàng đầu trên hành tinh.
Lật lại vấn đề đối với Phương pháp Lập hiến ‘Cấp tiến’
Hầu hết các tiền lệ về quyền hiến định của Tối cao Pháp viện đều có từ thế kỷ 20, khi các thẩm phán “cấp tiến” thống trị hàng ghế của Tối cao Pháp viện. Các thẩm phán đó thường không chú ý đúng mức đến ý nghĩa lịch sử của các từ và cụm từ trong Hiến Pháp. Chẳng hạn, họ thường không hỏi ý nghĩa lịch sử của các thuật ngữ như “tự do ngôn luận.”
Thay vào đó, họ thường áp dụng các ‘thử nghiệm cân bằng’. Một ví dụ ban đầu là trường hợp năm 1944 duy trì việc giam giữ hàng loạt người mà không buộc tội hoặc xét xử đối với hàng chục ngàn công dân Mỹ gốc Nhật — một trường hợp mà tôi đã thảo luận trong một chuyên mục trước đó của The Epoch Time.
Hiến Pháp nói rõ ràng rằng chính phủ không được tước bỏ của bất cứ ai “quyền tự do… nếu không có thủ tục pháp lý đúng quy định.” Hiến Pháp cũng nói rằng trước khi quy định về trát habeas corpus (phương pháp truyền thống để tránh bỏ tù trái pháp luật) bị đình chỉ, nhất định phải có một số điều kiện. Tuy nhiên, trong vụ Korematsu kiện Hoa Kỳ (pdf), tòa án đã cân bằng (bằng cách gạt) tất cả những quyền đó. Làm như vậy theo thứ mà ngày nay chúng ta gọi là bài kiểm tra “giám sát chặt chẽ”: Chính phủ có thể phủ định ngay cả quyền được quy định rõ ràng trong hiến pháp bằng một đạo luật “cần thiết” để đạt được những mục tiêu xa hơn mà các thẩm phán cho là đủ mạnh mẽ.
Sau khi vụ Korematsu được quyết định, các thẩm phán đã áp dụng cách tiếp cận cân bằng này cho quyền tự do ngôn luận, tự do thực hành tôn giáo và các quyền tự do hiến định khác. Đôi khi, như trong một số vụ về nội dung khiêu dâm, cách tiếp cận này đã che chắn hành vi mà Hiến Pháp không thực sự bảo vệ. Thông thường hơn, phương pháp tiếp cận kiểu cân bằng cho chính phủ nhiều đặc quyền hơn các cá thể công dân.
Đối với các quyền mà các thẩm phán cấp tiến cho rằng không quan trọng bằng quyền tự do ngôn luận (chẳng hạn như quyền tự do kinh tế), tòa án đã áp dụng các bài thử nghiệm cân bằng để trao nhiều quyền hơn nữa cho chính phủ.
Chắc chắn rằng, một số phần của Hiến Pháp đúng là cần phải cân bằng lại. Một ví dụ là lệnh cấm của Tu chính án thứ Tư đối với các cuộc khám xét và bắt giữ “không hợp lý”. Nhưng hầu hết các phần của Hiến Pháp phản ánh sự cân bằng và thỏa hiệp của chính văn bản đó. Không có yêu cầu nào đối với các thẩm phán phải thay thế những cân bằng và thỏa hiệp đó bằng quan niệm của riêng họ về điều gì là quan trọng và điều gì không quan trọng.
Bất chấp tất cả những lời bàn tán gây hiểu lầm về việc Tối cao Pháp viện hiện có “đa số theo trường phái truyền thống”, các thẩm phán hiện tại nhìn chung vẫn tiếp tục áp dụng các tiền lệ và phương pháp do những người tiền nhiệm theo trường phái tự do phát minh ra.
Năm 2008, Tối cao Pháp viện đã ban hành phán quyết trong vụ Hoa Kỳ kiện Heller (pdf). Tòa phán quyết rằng Tu chính án thứ Hai tạo ra quyền cá nhân được giữ và mang vũ khí. Sau đó, các tòa án liên bang cấp dưới bắt đầu áp dụng các bài thử nghiệm cân bằng đối với quyền cá nhân. Ngay cả khi một luật hoặc một quy định vượt quá quyền hạn truyền thống của chính phủ trong việc quy định về sử dụng súng, các thẩm phán vẫn ủng hộ nó nếu họ cho rằng luật hoặc quy định này đủ quan trọng và “được điều chỉnh trong phạm vi hẹp”.
Ý kiến của ông Thomas — hãy nhớ rằng, ông viết với tư cách là đại diện của tòa án chứ không cho bản thân ông ta — tuy nhiên, khẳng định rằng phạm vi của quyền giữ và mang vũ khí được ấn định bởi các từ ngữ của Tu Chính án. Luật pháp được phản ánh trong những từ đó, chứ không phải trong ý tưởng của thẩm phán về điều gì là quan trọng.
Tất nhiên, phán quyết chỉ áp dụng cho Tu chính án thứ Hai. Tại thời điểm này, các thẩm phán vẫn có thể điều chỉnh cân bằng các quyền hiến định khác. Tuy nhiên, có lẽ, ý kiến của ông đánh dấu sự khởi đầu của việc quay trở lại ý nghĩa chính xác hơn của các quyền khác.
Làm thế nào quý vị có thể biểu đạt được những hiểu biết nguyên gốc/Ý nghĩa nguyên gốc?
Nhiều luật sư và nhà bình luận có thói quen khó chịu là cố gắng chứng minh ý nghĩa của hiến pháp với “bằng chứng” ở những thời điểm rất xa so với thời điểm Hiến Pháp được phê chuẩn. Ví dụ, họ có thể tranh luận rằng Hiến Pháp phản ánh quy tắc của thông luật Anh quốc được áp dụng phổ biến vào năm 1400, mặc dù quy tắc này đã bị từ bỏ rất lâu trước khi Hiến Pháp được phê chuẩn (1787–90) hoặc Tuyên ngôn Nhân quyền được thông qua (1791).
Thông thường hơn, họ đưa ra các “bằng chứng” phát sinh hàng tháng, hàng năm hoặc thậm chí hàng thập kỷ sau khi việc phê chuẩn hoàn tất.
Thật không may, đây không chỉ là lỗi của luật sư xoàng: Một số giáo sư luật hiến pháp có uy tín nhất đã làm điều này. Tối cao Pháp viện đôi khi cũng đồng lõa — và ý kiến của thẩm phán Antonin Scalia trong vụ Heller là một ví dụ điển hình. Những người này dường như chưa bao giờ hiểu rằng sự hiểu biết của những người phê chuẩn Hiến Pháp không thể bị ảnh hưởng bởi những sự kiện chưa xảy ra.
Ý kiến của ông Thomas đối với việc xét xử trong vụ án được mang súng này thừa nhận rằng đôi khi thực tiễn tiếp diễn có thể làm rõ các cụm từ không rõ ràng. Nhưng hầu hết các trường hợp không thuộc loại đó. Một trong những phần mới mẻ nhất trong quan điểm của ông là sự thận trọng đối với “bằng chứng” quá sớm hoặc quá muộn để trở thành một phần của thỏa hiệp hiến pháp.
Trong một ý kiến đồng tình, Thẩm phán Amy Coney Barrett nhấn mạnh điều này: “Không nên hiểu quyết định của hôm nay,” bà viết, “xác nhận sự phụ thuộc vô điều kiện vào thực tiễn lịch sử từ giữa đến cuối thế kỷ 19 để thiết lập ý nghĩa ban đầu của bản Tuyên ngôn Nhân quyền. Ngược lại, Tòa án thận trọng cảnh báo ‘không cho phép lịch sử [phát sinh] sau có sức nặng về quyền lực lớn hơn mức mà nó được trao quyền một cách đúng đắn.’”
Ý nghĩa nguyên gốc hay Hiểu biết nguyên gốc?
Một hàm ý khác về ý kiến của ông Thomas lại còn tinh tế hơn. Dưới đây là một số thông tin căn bản:
Trong hệ thống pháp luật của chúng ta, cách hiểu truyền thống của hầu hết các văn bản pháp luật là hỏi xem các bên của văn bản đó hiểu các điều khoản của nó như thế nào. Chỉ khi sự hiểu biết mâu thuẫn hoặc không thể khôi phục được, thì tòa án mới áp dụng các từ ngữ của các tài liệu do một bên thứ ba đọc [giải thích] chúng.
Những người đã viết và phê chuẩn Hiến Pháp mong muốn nó được giải thích theo cách đó. Chúng tôi gọi phương pháp này là “sự hiểu biết nguyên gốc” (pdf). Việc kiểm tra cách các bên thứ ba đọc [giải thích] tài liệu — được gọi là “ý nghĩa nguyên gốc” — chỉ được áp dụng nếu không thể khôi phục được cách hiểu ban đầu.
Vì những lý do quá phức tạp để xem xét hiện nay, trong những năm 1980, các nhà bình luận hiến pháp bắt đầu đảo ngược quy tắc giải thích truyền thống. Họ áp dụng ý nghĩa nguyên gốc nhưng bỏ qua sự hiểu biết nguyên gốc. Mặc dù những nhà soạn thảo không viết tài liệu để được đọc theo cách đó, nhưng việc tập trung vào “ý nghĩa nguyên gốc” này đã trở thành chính thống.
Vì vậy, thật thú vị khi được thông báo rằng, bản ý kiến của ông Thomas sử dụng cả hai khái niệm, nó quay ngược lại vị trí chuẩn xác: Về bản Hiến Pháp, ông viết, “ý nghĩa của nó là cố định, theo cách hiểu của những người đã phê chuẩn nó” và “phạm vi của sự bảo vệ [của các điều khoản trong Tuyên ngôn Nhân quyền] được gắn với sự hiểu biết của công chúng về quyền khi Tuyên ngôn Nhân quyền được thông qua vào năm 1791.”
Ông Robert G. Natelson là cựu giáo sư luật hiến pháp và là nhà sử học hiến pháp. Ông là chuyên gia cao cấp về Luật Hiến Pháp tại Viện Độc lập ở Denver. Ông là tác giả của “Bản Hiến Pháp Gốc: Những Gì Hiến Pháp Thực Sự Nói Và Hàm Nghĩa” (xuất bản lần thứ 3, 2015).