Bảo vệ Hiến Pháp trước những người theo ‘chủ nghĩa hiến pháp hiện đại’
“Chủ nghĩa nguyên bản” có nghĩa là áp dụng Hiến Pháp như những Nhà Sáng Lập đã hiểu nó. Chủ nghĩa nguyên bản chỉ là một tên gọi hiện đại đối với các thẩm phán và luật sư người Anh và người Mỹ đã đọc hầu hết các tài liệu pháp lý [có tuổi đời] ít nhất 500 năm (pdf).
- Bài viết thứ nhất: Kiến thức công dân sơ đẳng: Hiểu Hiến Pháp như thế nào?
- Bài viết thứ hai: Bảo vệ Hiến Pháp: ‘Thỏa hiệp Ba-Phần-Năm’ không dựa trên phân biệt chủng tộc
- Bài viết thứ ba: Bảo vệ Hiến Pháp: Tại sao các Nhà Sáng Lập không thể bãi bỏ chế độ nô lệ
- Bài viết thứ tư: Bảo vệ Hiến Pháp: Tại sao Bình đẳng cho Tiểu bang trong Thượng Viện lại có ý nghĩa
- Bài viết thứ năm: Bảo vệ Hiến pháp: Các Nhà Sáng Lập Hiến Pháp đã không vi phạm sự ủy thác
Bằng cách tôn trọng sự hiểu biết đằng sau một văn bản, chủ nghĩa nguyên bản giữ cho văn bản đó tồn tại.
Ngược lại, không có định nghĩa đơn giản nào về “Chủ nghĩa Hiến Pháp hiện đại” (“living constitutionalism”) bởi vì chính “những người theo Chủ nghĩa Hiến Pháp hiện đại” không ai giống ai rất nhiều. Họ liên kết với nhau bởi vì họ không thích nhiều quy tắc và tiêu chuẩn của Hiến Pháp, và tất cả họ đều muốn điều chỉnh Hiến Pháp để phục vụ các mục đích chính trị của mình. Ngoài điều đó ra, thì sự liên kết của họ không còn: Đôi khi họ có những mục tiêu khác nhau, và họ đề xướng các cách thức khác nhau để biện minh cho việc thao túng hiến pháp.
“Chủ nghĩa Hiến Pháp hiện đại” là một sự nhầm lẫn, bởi vì khi chúng ta từ bỏ các quy tắc và tiêu chuẩn của một văn bản, văn bản đó chết. Trên thực tế, “Chủ nghĩa Hiến Pháp hiện đại” biến Hiến Pháp của chúng ta thành một chiếc khố da để che đậy sự dơ bẩn về chính trị.
Một trong số sự thiếu nhất quán của những người theo chủ nghĩa hiến pháp hiện đại là những tuyên bố rằng Luật Căn Bản (“Basic Law”) của chúng ta vừa “quá cứng nhắc” và “quá mơ hồ.” Người cho rằng văn bản luật này quá cứng nhắc là ông David A. Strauss, giáo sư luật trong ủy ban Tối cao Pháp viện của Tổng thống Joe Biden. Ông ấy muốn luật hiến pháp thay đổi nhiều như thông luật (“common law”). Những “nhà lập hiến thông luật” (“common law constitutionalists”) đã không đánh giá đúng mức thực tế rằng quyết định của chúng ta về việc chấp thuận một văn bản viết là sự từ bỏ rõ ràng đối với hiến pháp “biến hóa” kiểu Anh.
Ngược lại, ông William Brennan, một người theo chủ nghĩa hiến pháp hiện đại, người đã làm việc cho Tối cao Pháp viện từ năm 1956 đến năm 1990, cho rằng phần lớn Hiến Pháp mơ hồ đến mức gần như vô nghĩa. Ông đề cập đến các điều khoản của hiến pháp là “lung linh và mờ mịt.” Ông muốn các thẩm phán thay thế lớp sương mù mờ ảo bằng những cấu trúc do chính họ tạo ra.
Các cáo buộc “quá mơ hồ” và “quá cứng nhắc” không chỉ là việc tiền hậu bất nhất mà còn đều là điều không đúng.
Hãy áp dụng một chút nhận thức chung đối với những ghi nhận của lịch sử. Những nhà soạn thảo Hiến Pháp không phải là kiểu người viết những điều khoản quá cứng nhắc hoặc vô nghĩa. Họ bao gồm ông Oliver Ellsworth ở Connecticut, ông John Dickinson ở Delaware và ông John Rutledge ở South Carolina, mỗi người đều là luật sư hàng đầu ở tiểu bang của mình. Tám nhà soạn thảo hiến pháp đã được đào tạo tại London Inns of Courts, các trường đào tạo luật sư tranh tụng của Anh Quốc. Những nhà soạn thảo hiến pháp bao gồm các luật sư nổi tiếng khác, chẳng hạn như ông James Wilson ở Pennsylvania và ông Alexander Hamilton ở New York.
Ngay cả những người không phải là luật sư, chẳng hạn như ngài James Madison và ông Nathaniel Gorham, hầu hết đều đã trực tiếp hành nghề trong các hạng mục về luật trong suốt sự nghiệp của họ. Các nhà soạn thảo hiến pháp này đã chấp bút các văn bản pháp lý áp dụng trong kinh doanh, trong việc hành nghề luật, trong các cơ quan lập pháp của tiểu bang, và trong Quốc hội.
Hơn nữa, họ đã rất quen thuộc với truyền thống hơn-600-năm của người dân Hoa Kỳ-gốc Anh trong việc soạn các văn bản theo phong cách hiến pháp.
Họ đã soạn thảo Hiến Pháp theo cách một văn bản pháp lý cần được soạn thảo: điều chỉnh từng điều khoản đến mức độ nghiêm ngặt hoặc linh hoạt cần thiết cho mục đích của nó.
Do đó, một số cụm từ hiến pháp là nghiêm ngặt — nhưng cần phải như vậy. Ví dụ:
- Tổng thống “giữ Nhiệm sở của mình trong Nhiệm kỳ bốn Năm.”
- “Không Người nào bị kết tội Phản quốc trừ khi dựa trên Lời khai của hai Nhân chứng cho cùng một hành động công khai, hoặc dựa trên Lời thú tội trước Tòa án công khai.”
Rất ít người trong chúng ta muốn sống theo các phiên bản “Chủ nghĩa Hiến Pháp hiện đại”, các phiên bản này có thể nói:
- “Tổng thống giữ [điền đại từ đúng đắn chính trị vào đây] nhiệm sở miễn là các thẩm phán, cân bằng tất cả các yếu tố, quyết định là điều đó thúc đẩy chính sách xã hội tốt,” và
- “Một người có thể bị kết tội phản quốc nếu các thẩm phán thấy bằng chứng là thuyết phục sau khi họ đã cân bằng độ tin cậy và số lượng của [bằng chứng] với các nhu cầu về công bằng xã hội.”
Nhưng khi sự cứng nhắc là không phù hợp, những nhà soạn thảo hiến pháp có thể viết các điều khoản đủ linh hoạt để làm hài lòng bất kỳ ai theo chủ nghĩa Hiến Pháp hiện đại. Ví dụ:
- “Thượng Viện và Hạ Viện sẽ giữ một Nhật ký (“Journal”) … và định kỳ xuất bản đúng nội dung đó, ngoại trừ các Phần mà có thể theo Phán quyết của họ yêu cầu Bí mật,” và
- “Đặc quyền của Trát lệnh Habeas Corpus sẽ không bị đình chỉ, trừ khi trong các trường hợp nổi loạn hoặc xâm lược mà sự an toàn công chúng có thể yêu cầu sự đình chỉ này.”
Và như được giải thích dưới đây, Hiến Pháp cũng có nhiều điều khoản không đặc biệt nghiêm ngặt hay quá linh hoạt.
Một lý do khiến một số người nghĩ rằng Hiến Pháp quá mơ hồ hoặc quá cứng nhắc là họ không hiểu ý nghĩa thực sự của nhiều điều khoản của Hiến Pháp.
Trong suốt 25 năm, tôi làm việc để giải quyết điều đó đó bằng cách viết các loạt các bài báo nghiên cứu khám phá các chương của Hiến Pháp. Nghiên cứu của tôi đã chỉ ra rằng nhiều cáo buộc cứng nhắc hoặc mơ hồ là sai.
Ví dụ, một số giáo sư luật từng cười nhạo điều khoản hệ thống tiền tệ (“conage”) “cứng nhắc” ra sao. Điều khoản hệ thống tiền tệ (Điều I, Mục 8, Khoản 5) trao quyền cho Quốc hội “Tạo ra tiền (“To coin Money”), quy định Giá trị của tiền, và của Tiền ngoại quốc, đồng thời xác định Tiêu chuẩn về Trọng lượng và Thước đo”. Những người chế giễu Hiến Pháp cho rằng “To coin Money” chỉ có nghĩa là đúc tiền xu bằng kim loại. Họ nói rằng trong xã hội hiện đại, quy định này là không thực tế: Chúng ta cũng cần tiền giấy và tiền điện tử.
Nhưng nếu họ đọc kỹ điều khoản này, họ có thể nhận thấy rằng việc giải thích từ “coin” chỉ là tiền kim loại là vô nghĩa. Khi Hiến Pháp nói rằng “quy định Giá trị … của Tiền ngoại quốc”, thì việc quy định đó có nghĩa là thiết lập các tỷ giá hối đoái (“foreign exchange rates”). Nếu từ “Coin” chỉ có nghĩa là tiền kim loại, thì Quốc hội có thể xác định tỷ giá hối đoái với các đồng xu kim loại ngoại quốc chứ không phải [xác định tỷ giá] với tiền giấy ngoại quốc. Chắc chắn các Nhà Sáng Lập không có ý định diễn giải cho một giải thích phi logic như vậy.
Và các Nhà Sáng Lập là không như vậy. Như tôi đã viết trong một bài báo năm 2008 (pdf) được một trong những tạp chí của Harvard xuất bản, các Nhà Sáng Lập đã hiểu từ “coin” của Hiến Pháp bao gồm tiền làm bằng bất kỳ phương tiện nào, kể cả tiền giấy. Những người chế giễu Hiến Pháp đã hoàn toàn sai lầm: Điều khoản hệ thống tiền tệ không cứng nhắc chút nào.
Tôi cũng đã bác bỏ cáo buộc phổ biến một thời rằng Hiến Pháp chỉ cho phép các tổng thống là nam giới, và các học giả khác cũng đã bác bỏ (pdf) cáo buộc rằng ý nghĩa nguyên gốc của Hiến Pháp cho phép sự phân biệt các trường học.
Đám đông theo Hiến Pháp hiện đại đã đưa ra lời buộc tội chống lại điều khoản cần thiết và phù hợp (Điều I, Mục 8, Khoản 18). Họ tuyên bố rằng điều khoản này mở đến mức họ đặt tên là điều khoản co giãn.
Điều khoản cần thiết và phù hợp này trao cho Quốc hội quyền “làm ra tất cả các Luật cần thiết và phù hợp để Thực thi các Quyền lực đã nói ở trên, và tất cả các Quyền hạn khác được Hiến Pháp này trao cho trong Chính phủ của Hợp chủng quốc, hoặc cho bất kỳ Bộ hoặc bất kỳ Giới chức có liên quan.”
“‘Cần thiết và phù hợp’ trên thế giới này có nghĩa là gì vậy?” những người chế giễu hỏi. “Và những quyền lực này ‘trong Chính phủ của Hợp chủng quốc’ thì ra sao?” Đó có phải là một lỗi khi soạn thảo không? Hiến Pháp trao quyền cho các bộ của chính phủ và giới chức, nhưng không trao cho ‘Chính phủ của Hợp chủng quốc.’” Một số người theo chủ nghĩa hiến pháp hiện đại thậm chí đã tuyên bố điều khoản này đề cập đến thẩm quyền của liên bang nếu không được nhắc tới chỗ nào khác trong Hiến Pháp.
Hầu hết các nhà bình luận hiến pháp đều có ít kinh nghiệm hành nghề luật. Nhưng tôi thì có, và đối với tôi, điều khoản cần thiết và phù hợp này trông giống như một cụm từ tôi đã thấy trong các tài liệu về đại lý và ủy thác. Tôi nghi ngờ “cần thiết và phù hợp” là một thuật ngữ phổ biến trong các tài liệu thế kỷ 18 và đã có một ý nghĩa cụ thể.
Việc điều tra đã chứng minh được linh cảm của tôi. Trong Kỷ nguyên Sáng lập, “cần thiết và phù hợp” và các biến thể của cụm từ đó là rất phổ biến trong các văn bản pháp luật. Trong ngữ cảnh này, “cần thiết” là một thuật ngữ kỹ thuật cho “bất ngờ xảy ra” và “phù hợp” có nghĩa là “tuân thủ nghĩa vụ ủy thác”. Tôi không có đủ không gian ở đây để giải thích tất cả các biểu đạt về pháp lý này, nhưng tôi có thể bảo đảm với quý vị rằng chúng không “mơ hồ”.
Điều khoản cần thiết và phù hợp này cho phép Quốc hội thực hiện một số hoạt động hữu hạn cần thiết mà Hiến Pháp không liệt kê một cách rõ ràng. Điều tra của tôi cũng cho thấy Tối cao Pháp viện đã áp dụng sai điều khoản này trong một số trường hợp rất quan trọng.
Tôi cũng phát hiện ra — trái với những gì những kẻ chế giễu đang nói — rằng phần này của điều khoản đề cập đến quyền hạn được cấp cho “Chính phủ của Hợp chủng quốc” không phải là một lỗi soạn thảo hoặc tham chiếu đến thẩm quyền bí ẩn ngoài hiến pháp. Hiến Pháp rõ ràng trao một số quyền hạn cho chính phủ liên bang với tư cách là một thực thể. Điểm cuối cùng này trở nên rõ ràng khi khảo cứu các tài liệu thuộc địa là quen thuộc với những nhà soạn thảo nhưng lại là những điều chưa biết của hầu hết các nhà bình luận.
Những phát hiện về điều khoản cần thiết và phù hợp của tôi đã được xuất bản trong một cuốn sách do Nhà xuất bản Đại học Cambridge và các tạp chí khác phát hành (pdf).
Trong một phần tư thế kỷ qua, tôi đã xem xét nhiều phần khác của Hiến Pháp mà trước đây bị tuyên bố là cứng nhắc, mơ hồ, hoặc vô nghĩa. Tôi nhận thấy rằng tất cả đều có ý nghĩa được xác định khá rõ ràng. Hơn nữa, hầu hết đều đủ linh hoạt để phù hợp với hoạt động chính trị hiện đại, nhất quán với các nguyên tắc căn bản của Hiến Pháp về tự do, chủ nghĩa liên bang, và chính phủ có giới hạn. Phải thừa nhận rằng, chúng không tương đồng với mục tiêu của nhiều “người theo chủ nghĩa hiến pháp hiện đại” — thể chế, tập trung hóa, và phá hủy văn hóa.
Tất nhiên, [khi] các điều kiện thay đổi đôi khi cần hiến pháp thay đổi. Để hài hòa với sự thay đổi này, chúng ta có thể sử dụng quy trình sửa đổi. Chúng ta không cần phải giết chết Hiến Pháp với cái cớ là để Hiến Pháp sống.
Đón xem bài viết thứ bảy: Bảo vệ Hiến Pháp: Tu chính án thứ hai vẫn không lỗi thời |
Ông Robert G. Natelson hành nghề luật trong 11 năm, sau đó ông là giáo sư luật trong 25 năm. Bên cạnh các môn học khác, ông dạy luật hiến pháp, lịch sử hiến pháp, Tu chính án Thứ nhất, và luật hiến pháp nâng cao. Năm 2010, ông trở lại khu vực kinh tế tư nhân. Ông là thành viên cao cấp về luật học hiến pháp tại Viện Độc lập ở Denver và là tác giả của cuốn: “Hiến Pháp Gốc: Điều Mà Hiến Pháp Thực Tế Đã Nói và Hàm Nghĩa”.
- Ghi chú: Thuật ngữ “Living Constitutionalism” được hiểu là “chủ nghĩa Hiến Pháp sống”, cho rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ và các hiến pháp khác linh hoạt thay đổi và thích nghi với bối cảnh mới ngay cả khi văn bản không được sửa đổi chính thức. Trong bài này “Living Constitutionalism” được dịch là “Chủ nghĩa Hiến Pháp hiện đại”
Kim Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: