Tối cao Pháp viện thiên tả
Dưới đây là sự hồi tưởng lại các phán quyết về hiến pháp của Tối cao Pháp viện trong nhiệm kỳ tháng 10/2020, nhiệm kỳ này đã kết thúc vào ngày 30/06/2021. (Gọi là nhiệm kỳ tháng 10/2020 vì đó là thời điểm bắt đầu nhiệm kỳ). Việc xem xét lại này cho thấy, đối lập với câu chuyện mà truyền thông dòng chính đưa tin, rằng Tối cao Pháp viện không hề có “đa số theo phái bảo tồn truyền thống.” Ít nhất trong những vụ liên quan đến hiến pháp, thì tòa án này nghiêng về phái thiên tả.
Trang SCOTUS Blog cho chúng ta thấy rằng trong suốt nhiệm kỳ này vị thẩm phán thiên tả nhất của pháp viện, bà Sonya Sotomayor, đã ở phe đa số trong 70% quyết định của tòa. Tuy nhiên, nhiệm kỳ này gồm có cả những trường hợp giải thích luật liên bang, trong đó những người theo phái bảo tồn truyền thống đã đạt được một số chiến thắng nhất định. Những chiến thắng này bao gồm vụ Brnovich kiện Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân Chủ, duy trì luật bầu cử liêm chính của tiểu bang Arizona, và vụ Pakdel kiện San Francisco, giúp cho những người chủ đất đệ đơn kiện đòi bồi thường khi chính phủ thu giữ đất của họ.
Điểm mà khuynh hướng tự do có thể thấy rõ là trong các vụ kiện liên quan tới hiến pháp.
Tại sao pháp viện của ông Roberts không phải là bảo tồn truyền thống
Có hai lý do cơ bản lý giải tại sao pháp viện của ông Roberts lại không phải là bảo tồn truyền thống. Đầu tiên, chiếc ghế quan tòa bao gồm ba thẩm phán thiên tả, dường như thường vận dụng các phương thức của họ nhằm đạt kết quả mang tính “cấp tiến.” Những vị này là các thẩm phán Breyer, Kagan, và Sotomayor. Nhưng không ai trong số sáu thành viên còn lại của pháp viện cân bằng được [cán cân] này khi cố gắng đạt được những kết quả có khuynh hướng bảo tồn truyền thống. Vị thẩm phán cuối cùng theo kiểu này là James McReynolds [thuộc nhóm “Bốn kỵ sĩ” gồm các thẩm phán theo phái bảo tồn truyền thống], người đã nghỉ hưu vào năm 1941.
Thay vào đó, sáu thẩm phán còn lại thông thường cố gắng áp dụng các nguyên tắc trung lập, bất luận kết quả có ra sao. Thẩm phán Thomas, và ở một mức độ thấp hơn một chút là Thẩm phán Gorsuch, cố gắng tuân thủ nghĩa nguyên gốc của Hiến pháp. Thẩm phán Alito cũng thường nghiêng theo hướng này. Do đó, khi họ nghĩ rằng nghĩa ban đầu đó dẫn đến một kết quả có khuynh hướng thiên tả, thì họ sẽ quyết định như vậy. Ba vị khác có xu hướng là “những người theo phe thiểu số,” hầu hết đều tuân theo tiền lệ.
Lý do thứ hai mà pháp viện không phải là bảo tồn truyền thống là nhiều án tiền lệ liên quan tới hiến pháp đã được ban hành vào khoảng thời gian khi mà pháp viện đang ở mức tự do cực độ – trong khoảng từ năm 1940 đến 1990. Lẽ đương nhiên, khi mà quý vị áp dụng những phán quyết thiên tả, thì quý vị thường có được những kết quả thiên tả.
Khi các Thẩm phán Kavanaugh và Barrett được xác nhận, thì đã có sự rùm beng rằng họ sẽ cách mạng hóa chiếc ghế quan tòa này. Nhưng tôi khá chắc rằng họ sẽ giữ nguyên hầu hết các tiền lệ của pháp viện, vì vậy tôi đã đưa ra những dự đoán rằng cả ông Kavanaugh và bà Barrett sẽ không thay đổi nhiều. Và đến thời điểm hiện tại thì những dự đoán này của tôi đã chính xác.
Khuôn mẫu “cấp tiến” trong luật hiến pháp hiện đại
Những Tổ phụ Lập quốc của Hoa Kỳ đã kiến thiết Hiến pháp trên tiền đề rằng các luật gia sẽ tiếp tục áp dụng các quy tắc xét xử Anh Quốc-Hoa Kỳ truyền thống—bao gồm cái mà ngày nay chúng ta gọi là chủ nghĩa nguyên bản. Tuy nhiên trong những năm 1920, những thẩm phán “cấp tiến” với nhiều tư tưởng rất khác đã bắt đầu ảnh hưởng đến Tối cao Pháp viện, và đến năm 1940 họ đã có một sự kiểm soát hoàn toàn. Sự kiểm soát này này kéo dài trong khoảng 50 năm.
Trong khoảng thời gian này, những thẩm phán chủ yếu đã viết lại Hiến pháp. Đặc biệt là:
- Họ từ chối thi hành những giới hạn về các quyền được liệt kê của chính phủ liên bang. Thay vào đó, họ cho phép các quan chức liên bang kiểm soát tất cả các loại hoạt động nằm xa ngoài phạm vi thẩm quyền được Hiến pháp cấp.
- Mặt khác, họ tự do làm mất hiệu lực các luật của tiểu bang – hầu hết thông qua việc khai triển đầy sáng tạo Tu chính án thứ 14.
- Họ “hiến pháp hóa” các giá trị xã hội ưu tú (hay, có thể nói là, phản giá trị). Họ làm mất hiệu lực, hoặc viết lại, những chính sách lâu đời về sử dụng đất đai, các mối quan hệ trong nước, nội dung khiêu dâm, phá thai, phân bổ chức năng lập pháp, luật hình sự, và các chủ đề khác.
Cả ba nội dung trên đều xuất hiện trong những án lệ về hiến pháp được quyết định trong nhiệm kỳ này. Trên thực tế, pháp viện của ông Roberts đang cho thấy tính “cấp tiến” hơn hẳn pháp viện của ông Rehnquist của những năm 1990 và đầu những năm 2000.
Từ chối thi hành những giới hạn về các quyền được liệt kê của chính phủ liên bang
Như đã lưu ý, đa số phái thiên tả trong những năm 1940-1990 đã từ chối thực thi những giới hạn vốn có của Hiến Pháp về những quyền được liệt kê đã cấp cho chính phủ liên bang. Khuôn mẫu này vẫn được tiếp tục trong nhiệm kỳ gần đây nhất:
Kết quả án lệ tiểu bang California kiện tiểu bang Texas đã lần thứ ba duy trì một cách hiệu quả chương trình Obamacare – mặc dù theo các tiêu chuẩn đã công bố trước đây của chính Tối cao Pháp viện, thì Obamacare vượt quá phạm vi quyền hạn của Quốc hội. Texas và nhiều tiểu bang khác đang chi hàng tỷ USD mỗi năm để tuân thủ một đạo luật vi hiến, nhưng Tối cao Pháp viện vẫn từ chối quan điểm của các tiểu bang.
Như Thẩm phán Alito đã chỉ ra trong quan điểm bất đồng của ông, có một sự tương phản mạnh mẽ giữa cách mà pháp viện dung túng cho các tiểu bang của phe thiên tả theo đuổi các mục tiêu theo chủ nghĩa tự do với cách mà họ đối xử với các tiểu bang bảo tồn truyền thống hơn trong vụ kiện này. Duy chỉ có Thẩm phán Gorsuch đồng tình quan điểm bất đồng này của Thẩm phán Alito.
Trong vụ Standing Akimbo kiện Hoa Kỳ, các thẩm phán đã từ chối xét lại phán quyết của một tòa án cấp thấp hơn dựa trên một án lệ của Tối cao Pháp viện năm 2005. Án lệ năm 2005 đó đã mở rộng quyền hạn của Quốc hội thông qua việc áp dụng Điều khoản Cần thiết và Hợp lý (Necessary and Proper Clause) để bao gồm tất cả các hoạt động của địa phương. Thậm chí còn tệ hơn nữa, án lệ năm 2005 này căn bản cho rằng, ít nhất trong một số trường hợp, càng vượt ra ngoài đạo luật của quốc hội, thì càng có khả năng “hợp hiến.”
Trong án lệ Standing Akimbo, riêng chỉ có Thẩm phán Thomas đã chỉ ra rằng, dựa trên lập luận của án lệ năm 2005, đạo luật mà tòa án cấp thấp hơn áp dụng đã không còn hợp hiến nữa.
Trong án lệ Hiệp hội Môi giới bất động sản Alabama kiện Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ – bộ phận thuộc cơ quan hành chính liên bang – đã áp đặt lệnh tạm ngừng việc trục xuất người thuê nhà trên toàn quốc. Trong bất kỳ cách đọc hiểu Hiến pháp công bằng nào, ngay cả Quốc hội (chứ không kể đến một cơ quan không được dân bầu nào) không thể can thiệp vào mối quan hệ giữa chủ nhà và người thuê nhà. Đó là một ví dụ kinh điển về một phạm vi dành riêng cho các tiểu bang. Nhưng tòa án này đã không giải quyết được vấn đề hiến pháp đó và không chấm dứt được hành vi vượt quá [thẩm quyền].
Vụ Công ty PennEast Pipeline kiện [tiểu bang] New Jersey yêu cầu một số giải thích:
Hiến pháp trao cho Quốc hội thẩm quyền tịch thu đất đai cho những mục đích công. Hiến pháp không đề cập rõ ràng tới quyền “trưng thu” này, nhưng lịch sử lại cho thấy nó là ngẫu nhiên đối với các quyền hạn khác của Quốc Hội.
Tuy nhiên, Tu chính án thứ 11 phần nào ghi nhận rằng công dân của một tiểu bang không thể khởi kiện một tiểu bang khác mà không có sự đồng tình của tiểu bang đó. Nhưng Quốc hội và một cơ quan liên bang có vẻ như có ý trao cho một công ty đường ống dẫn khí ở Delaware thẩm quyền để sung công đất thuộc sở hữu của Tiểu bang New Jersey.
Án lệ về sung công đất đai này đáng lẽ ra đã được phán quyết là vi hiến. Tuy nhiên, pháp viện lại giải thích các quyền hạn của Quốc hội một cách cởi mở dù là Tu chính án thứ 11. Thẩm phán Barrett đã không đồng ý, cùng với đó là Thẩm phán Thomas, Kagan, và Gorsuch.
Quan điểm của đa số trong những vụ kiện nói trên đã cho thấy mức tồi tệ nhất của các vị thẩm phán. Quan điểm của Thẩm phán Breyer trong vụ Obamacare tập trung vào lối ngụy biện hợp lý rõ ràng, như tôi đã đề cập đến trong một bài viết trước đó. Quan điểm của Thẩm phán Roberts trong vụ Công ty PennEast Pipeline cũng rối rắm như vậy. Trong vụ Standing Akimbo và vụ Hiệp hội Alabama, pháp viện đã không đưa ra được một sự giải thích nào.
Làm mất hiệu lực luật tiểu bang bằng cách vận dụng sáng tạo Tu chính án thứ 14
Điều khoản về Thủ tục [tố tụng] Hợp pháp (Due Process Clause) trong Tu chính án thứ 14 đã viết, “không một tiểu bang nào được tước đoạt mạng sống, quyền tự do, hoặc tài sản của một cá nhân nếu không thông qua một quy trình [tố tụng] hợp pháp.” Điều này có nghĩa là khi một tiểu bang truy tố về dân sự hoặc hình sự đối với một cá nhân, họ phải tuân theo pháp luật hiện hành. Tiểu bang đó không thể tự đặt ra các quy tắc khi quá trình [truy tố] đang diễn ra.
Đầu thế kỷ 20, các thẩm phán hoạt động theo phái bảo tồn truyền thống tuyên bố Điều khoản về Thủ tục Hợp pháp đã làm mất hiệu lực một số thủ tục tố tụng không liên quan của tiểu bang. Khi các nhà hoạt động thiên tả tiếp quản, họ đã đưa ra điều tương tự – mặc dù, dĩ nhiên, họ đã cấm những thủ tục tố tụng khác. Những thẩm phán ủng hộ phe thiên tả tuyên bố thêm rằng Điều khoản về Thủ tục Hợp pháp yêu cầu các tiểu bang phải tuân theo một cách tỉ mỉ hầu hết các quyết định về Đạo luật Nhân quyền của chính các thẩm phán.
Pháp viện đã bác bỏ những lập luận không rõ và không chính xác của các nhà hoạt động phái bảo tồn truyền thống, nhưng lại tiếp tục áp dụng và mở rộng lối giải thích của những nhà hoạt động thiên tả. Chẳng hạn, ở nhiệm kỳ vừa rồi, pháp viện tuyên bố rằng các quy tắc bồi thẩm đoàn lâu đời của một vài tiểu bang đã vi phạm Điều khoản về Thủ tục Hợp pháp. Dưới đây là những kết quả của nhiệm kỳ này:
Án lệ Cedar Point kiện Hassid, viết bởi Chánh án Roberts, cho rằng một đạo luật của tiểu bang California cho phép những nhà tổ chức nghiệp đoàn được tiếp cận đất nông nghiệp là một hành vi “chiếm đoạt” không bồi thường vi phạm Tu chính án thứ 5. Tôi thích kết quả này, nhưng vấn đề là nó dựa trên việc nhà hoạt động thiên tả này giả tưởng rằng Điều khoản về Thủ tục Hợp pháp của Tu chính án thứ 14 áp dụng Tu chính án thứ 5 cho tất cả các tiểu bang.
Án lệ Fulton kiện Philadelphia đã nhất trí trao một chiến thắng không có giá trị cho một tổ chức từ thiện Công giáo. Họ cho rằng thành phố Philadelphia không thể loại tổ chức từ thiện này khỏi việc tham gia vào một chương trình nhận con nuôi vì những quan điểm về tôn giáo của tổ chức từ thiện này. Nhưng phán quyết đó lại dựa trên sự giả tưởng “quy trình hợp pháp” và rõ ràng là nó đã để mở một con đường cho Philadelphia lách phán quyết này.
Pháp viện đáng lẽ phải phán quyết rằng việc Philadelphia đã phân biệt đối xử một cách ác cảm đối với tổ chức từ thiện Công giáo này vi phạm Điều khoản về Bảo vệ Bình đẳng của Tu chính án thứ 14.
Trong án lệ Tổ chức Người Mỹ vì Thịnh Vượng kiện Bonta, pháp viện đã làm mất hiệu lực một chính sách của Tổng chưởng lý tiểu bang California. Chính sách này yêu cầu các tổ chức từ thiện phải tiết lộ danh tính của những nhà tài trợ chính của họ – từ đó khởi đầu cho sự trả đũa của những kẻ côn đồ (phần lớn thuộc cánh tả) đối với những nhà tài trợ đó. Và một lần nữa, tôi thích kết quả này, nhưng [tôi] không thích phương pháp luận đó.
Một vài người sẽ cho rằng Bonta là một phán quyết “mang tính bảo tồn truyền thống.” Điều này thật sai lầm. Phán quyết này, giống như vụ kiện bị lạm dụng nhiều của tổ chức Citizens United (tạm dịch: Công dân Hoa Kỳ), hầu như chỉ dựa trên các tiền lệ được ban hành bởi những chiếc ghế quan tòa do các nhà hoạt động thiên tả thống trị. Bonta cũng dựa vào những mạng nhện trí thức được gọi là “các cấp độ giám sát” – được phát minh bởi các thẩm phán là nhà hoạt động thiên tả.
Áp đặt các giá trị xã hội ưu tú (hay phản giá trị)
Khi “những người phái cấp tiến” thống trị Tối cao Pháp viện, họ đã tham dự vào điều mà cố Thượng nghị sĩ Daniel Patrick Moynahan (Dân chủ-New York) gọi là “định nghĩa giới hạn của sự lệch lạc.” Sau đó, nhóm đa số Tối cao Pháp viện lại tiếp tục xu hướng đó, thay vì đảo ngược nó. Chẳng hạn như, trong án lệ Bostock kiện Quận Clayton ở nhiệm kỳ trước, các thẩm phán này đã phán quyết rằng việc phân định “giới tính” trong Đạo luật Dân quyền 1964, đạo luật vốn dùng để phân định nam giới với nữ giới, cũng đã được mở rộng ra cho những người thể hiện hành vi đồng tính luyến ái và chuyển giới. Việc này đã mở rộng phạm vi của luật một cách ồ ạt, và giảm quyền liên kết tự do – tất cả đều được thực hiện mà không có lấy một cuộc bỏ phiếu của quốc hội.
Nhiệm kỳ này, trong án lệ Grimm kiện Hội đồng Nhà trường Quận Gloucester, pháp viện đã giữ nguyên phán quyết của tòa án cấp thấp hơn là một nữ sinh về mặt sinh học [học sinh này đã chuyển giới] có thể sử dụng nhà vệ sinh của nam sinh trung học. Duy chỉ có các Thẩm phán Thomas và Alito đã không đồng thuận.
Tương tự, trong vụ Berisha kiện Lawson, pháp viện đã từ chối xem xét một vài án lệ từ kỷ nguyên của các nhà hoạt động thiên tả được thiết kế để bảo vệ truyền thông đại chúng khỏi trách nhiệm về sự tổn hại danh dự. Mặc dù những tiền lệ này đã khuyến khích những lời dối trá và các chiến dịch “tiền đen” – và mặc dù chúng toàn toàn không liên quan đến nghĩa thực sự của Hiến pháp – thì chỉ có các Thẩm phán Thomas và Gorsuch là đưa ra lập luận để đánh giá lại các tiền lệ này. Mặt khác, trong một phán quyết pháp lý ban hành cùng ngày, pháp viện từ chối trao cho những người thuộc phái bảo tồn truyền thống trong trường đại học một biện pháp khắc phục để chống lại những quản trị viên nhà trường đã bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của họ.
Vụ Học khu Mahoney Area kiện B.L., viết bởi Thẩm phán Breyer, thì tiến xa hơn trong việc cổ súy cho hình mẫu “định nghĩa giới hạn của sự lệch lạc.” Ngoài ra, nó là một án lệ ngớ ngẩn nhất của nhiệm kỳ này: Cùng một tòa án từ chối lắng nghe lập luận của 18 tiểu bang thách thức [chương trình] Obamacare đã nghiêm túc ủng hộ cho khiếu kiện về việc những lời tục tĩu của đứa trẻ 14 tuổi là “tự do ngôn luận.”
Thiếu niên này đã sử dụng Snapchat để gửi đi rất nhiều lời chửi tục và hình ảnh ngón tay giữa của mình cho 250 người bạn thân nhất. Mục tiêu của sự tức giận của cô bé là trường trung học của cô và chương trình nhảy cổ vũ của trường này. Ban giám hiệu nhà trường đã đình chỉ không cho cô bé tham gia vào đội cổ vũ trong một năm. Quý vị hẳn đã nghĩ rằng các quản trị viên nhà trường này xứng đáng được biểu dương, nhưng toà án lại nói rằng họ đã vi phạm Tu chính án thứ nhất.
Án lệ này minh họa cho sự ngu ngốc của chín vị luật gia của Thủ đô Hoa Thịnh Đốn khi chỉ trích những biện pháp kỷ luật với trẻ vị thành niên của hội đồng nhà trường là cứng rắn. Chỉ có Thẩm phán Thomas là không đồng thuận.
Kết luận …
Tối cao Pháp viện hiện tại không phải là bảo tồn truyền thống. Như các án lệ về hiến pháp trong nhiệm kỳ này cho thấy, pháp viện áp dụng, và đôi khi còn mở rộng, hệ thống pháp luật chống hiến pháp được phát triển trong kỷ nguyên theo phái thiên tả nhất này của mình.
Ông Robert G. Natelson, một cựu giáo sư về luật hiến pháp, là viện sĩ cao cấp về luật học hiến pháp tại Học viện Độc lập tại Denver. Những nghiên cứu của ông thường xuyên được trích dẫn bởi các thẩm phán của Tối cao Pháp viện và các đảng chính trị, cũng như rất nhiều tòa án khác. Ông là tác giả của cuốn “The Original Constitution: What It Actually Said and Meant” (“Hiến pháp Nguyên thủy: Những Điều Thực Sự Được Nói và Ý Nghĩa Của Nó”) (Xuất bản lần thứ 3 vào năm 2014).
Quan điểm trong bài viết này là của tác giả và không nhất thiết phản ánh quan điểm của The Epoch Times.
Do Rob Natelson thực hiện
Thiên Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: