Xuất cảng của Đài Loan sang Hoa Kỳ đạt tầm cao mới trong bối cảnh ảnh hưởng của Trung Quốc suy giảm
Tình hình xuất cảng của Đài Loan đã thay đổi đáng kể trong 4 tháng đầu năm 2024.
Theo số liệu thống kê từ chính phủ Đài Loan, xuất cảng của Đài Loan sang Trung Quốc đang giảm dần khi tiền vốn cùng các doanh nghiệp Đài Loan ngày càng rời xa Trung Quốc. Ngược lại, xuất cảng của Đài Loan sang Hoa Kỳ đã tăng đáng kể.
Hôm 08/05, Bộ Tài chính Đài Loan (MOF) đã công bố số liệu thống kê xuất cảng sơ bộ cho tháng Tư. Lần đầu tiên, kim ngạch xuất cảng hàng tháng sang Hoa Kỳ của Đài Loan đã vượt mốc 10 tỷ USD, đạt 10.16 tỷ USD, tăng 81.6% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Thặng dư thương mại của Đài Loan với Hoa Kỳ đã lên tới 6.38 tỷ USD, lập kỷ lục mới ở ba nhóm sản phẩm chỉ trong một tháng.
Bà Thái Mỹ Na (Tsai Mei-na), giám đốc cục thống kê MOF, cho biết “các sản phẩm thông tin, truyền thông, nghe nhìn” và “linh kiện điện tử” là hai động lực chính thúc đẩy xuất cảng của Đài Loan sang Hoa Kỳ. Các lĩnh vực này đã được hưởng lợi từ lượng cơ hội ngày càng tăng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và những nỗ lực gần đây của chính phủ Hoa Kỳ nhằm đưa hoạt động sản xuất vi mạch và vi mạch tân tiến trở lại Hoa Kỳ.
Ngược lại, xuất cảng của Đài Loan sang Trung Quốc và Hồng Kông trong tháng Tư là 11.3 tỷ USD, giảm 11.3% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Bà Thái cho rằng sự sụt giảm này là do một số yếu tố: tốc độ phục hồi nhu cầu nội địa của Trung Quốc chậm, việc tổ chức lại chuỗi cung ứng toàn cầu khiến một số nhà sản xuất chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc, và phản ứng dây chuyền từ các lệnh cấm do Hoa Kỳ áp đặt làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với hàng linh kiện điện tử Đài Loan.
Tình hình xuất cảng của Đài Loan đã thay đổi đáng kể trong bốn tháng đầu năm nay. Xuất cảng sang Trung Quốc và Hồng Kông chỉ chiếm 30.7% tổng kim ngạch xuất cảng, mức thấp nhất trong 22 năm trong cùng thời kỳ. Trong khi đó, xuất cảng sang Hoa Kỳ tăng lên 23.5% tổng kim ngạch xuất cảng, cao nhất trong 24 năm trong cùng thời kỳ. Xuất cảng sang Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 quốc gia, chiếm 19.5%, cũng đạt mức cao kỷ lục trong cùng thời kỳ.
Xu hướng chuyển dịch xuất cảng này thể hiện rõ trong những năm mới đây.
Trong thập niên qua, Trung Quốc là điểm đến xuất cảng lớn nhất của Đài Loan. Trước năm 2021, xuất cảng của Đài Loan sang Trung Quốc luôn chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch, đạt mức cao nhất 43.9% vào năm 2020. Tuy nhiên, con số này đã giảm xuống còn 38.8% vào năm 2022 và tiếp tục xuống còn 35.2% vào năm 2023.
Kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2018, tỷ trọng xuất cảng của Đài Loan sang Hoa Kỳ đã tăng hàng năm, từ 11.8% năm 2018 lên 17.6% vào năm 2023. Năm ngoái, lần đầu tiên tỷ trọng xuất cảng sang Hoa Kỳ của Đài Loan đã sánh ngang với ASEAN, khiến Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất cảng lớn thứ hai của Đài Loan.
Trong quý 1 năm nay, Hoa Kỳ tạm thời vượt Trung Quốc trở thành thị trường xuất cảng lớn nhất của Đài Loan. Xuất cảng của Đài Loan sang Hoa Kỳ lên tới 26.6 tỷ USD trong quý đầu tiên, trong khi xuất cảng sang Trung Quốc chỉ là 22.407 tỷ USD.
Trong suốt quá trình chuyển đổi này, nền kinh tế Đài Loan không những không bị ảnh hưởng mà còn chứng kiến thị trường chứng khoán liên tục vươn lên những đỉnh cao mới. Trong tháng Tư và tháng Năm, chỉ số chứng khoán Đài Loan đạt mức cao nhất gần 20,800 điểm.
Các công ty và nhà đầu tư Đài Loan rời xa Trung Quốc
Kể từ những năm 1990, một số lượng đáng kể các doanh nghiệp Đài Loan đã chuyển đến Trung Quốc trong thời kỳ gọi là “phong trào tây tiến.” Năm 2020, trong số 100 nhà xuất cảng hàng đầu tại Trung Quốc thì có 31 công ty Đài Loan, và trong số 10 nhà xuất cảng hàng đầu thì có 6 công ty Đài Loan.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái nghiêm trọng và tình hình địa chính trị ngày càng căng thẳng, các công ty Đài Loan đang thực hiện những lựa chọn mới.
Hôm 18/02, Hội đồng các Vấn đề về Đại lục của Đài Loan (MAC), cơ quan giám sát quan hệ hai bờ eo biển, đã công bố biểu đồ cho thấy số tiền và tỷ lệ đầu tư của các doanh nghiệp Đài Loan tại Trung Quốc. Biểu đồ cho thấy sự sụt giảm liên tục trong đầu tư của Đài Loan vào Trung Quốc, từ 83.8% năm 2010 xuống còn 11.4% vào năm 2023, đánh dấu mức thấp lịch sử vào năm ngoái.
MAC cho biết, trước tình hình bất ổn địa chính trị cũng như cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung ngày càng leo thang, các doanh nghiệp Đài Loan đã điều chỉnh chiến lược toàn cầu của mình để phù hợp với việc tổ chức lại chuỗi cung ứng quốc tế. Họ đã giảm đầu tư vào Trung Quốc và tăng đầu tư vào Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, và các nước thuộc Chính sách Hướng Nam Mới để đa dạng hóa rủi ro sản xuất.
Hôm 26/04, công ty thử nghiệm và sản xuất vi mạch bán dẫn lớn của Đài Loan KYEC đã tuyên bố sẽ bán 92% cổ phần tại công ty con của họ ở Trung Quốc, King Long Technology ở Tô Châu, cho một đối tác Trung Quốc, theo đó thoái lui khỏi thị trường thử nghiệm và sản xuất vi mạch bán dẫn Trung Quốc một cách hữu hiệu.
KYEC giải thích rằng các yếu tố địa chính trị và các hạn chế của Hoa Kỳ đối với ngành vi mạch bán dẫn của Trung Quốc, chẳng hạn như lệnh cấm công nghệ và danh sách các công ty thương mại, đã làm thay đổi chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Bối cảnh này đã làm thay đổi môi trường sinh thái cho ngành sản xuất vi mạch bán dẫn ở Trung Quốc, dẫn đến sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng khốc liệt.
Sau khi xem xét kỹ lưỡng môi trường hoạt động của King Long Technology và đánh giá chiến lược tăng trưởng trong tương lai cũng như phân bổ nguồn tài chính dài hạn của KYEC, hội đồng quản trị đã quyết định rút khỏi hoạt động kinh doanh sản xuất vi mạch bán dẫn tại Trung Quốc.
KYEC cũng tuyên bố sẽ tập trung nguồn lực vào chuỗi cung ứng bán dẫn của Đài Loan, nhằm tạo ra mức tăng trưởng cao hơn về doanh thu và lợi nhuận. Sau thông báo rút khỏi Trung Quốc, giá cổ phiếu của KYEC tăng vọt vào ngày giao dịch tiếp theo.
Trước đó, các nhà sản xuất theo hợp đồng khác của Đài Loan như Quanta, Foxconn, Pegatron, và Wistron đã chuyển sang đầu tư vào Việt Nam.
Đài Loan ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các công nghệ cốt lõi
Đài Loan ngày càng bớt phụ thuộc vào Trung Quốc cũng có nghĩa là ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với Đài Loan đang suy yếu. Tuy nhiên, nhu cầu của ĐCSTQ đối với tài nguyên của Đài Loan, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ cao, vẫn là rất lớn.
Khoảng 90% vi mạch bán dẫn tân tiến trên thế giới được sản xuất tại Đài Loan.
Đài Loan cũng thống trị thị trường toàn cầu về máy chủ AI.
Hồi tháng Ba, Bộ Kinh tế Đài Loan đã tổ chức một cuộc họp tại thành phố Đào Viên với 20 lãnh đạo ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Bộ này cho biết Đài Loan sản xuất hơn 80% số máy chủ trên thế giới, và đối với các máy chủ AI, tỷ lệ này tăng lên 90%. Trong khi đó, máy chủ AI thương hiệu Hoa Kỳ phụ thuộc 100% vào các nhà cung cấp Đài Loan.
Cốt lõi của cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung hiện liên quan đến ba lĩnh vực chính: vi mạch bán dẫn và vi điện tử, công nghệ thông tin lượng tử, và trí tuệ nhân tạo. Khi Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng trở nên tách rời, Đài Loan dường như đã chọn phe của mình.
Hồi tháng Mười Hai năm ngoái (2023), chính phủ Đài Loan đã công bố danh sách “công nghệ chủ chốt” cốt lõi của quốc gia. Danh sách này bao gồm năm lĩnh vực chính: quốc phòng, hàng không vũ trụ, nông nghiệp, vi mạch bán dẫn, và công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT-TT).
Trong lĩnh vực bán dẫn, danh sách này bao gồm các công nghệ liên quan đến sản xuất mạch tích hợp (IC) với quy trình dưới 14 nanomet, cũng như các công nghệ đóng gói tích hợp không đồng nhất như đóng gói ở cấp độ wafer, đóng gói tích hợp quang tử silicon, và các vật liệu và công nghệ thiết bị đặc biệt cần thiết.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times