Vương quốc Anh công bố đường dây điện phong năng mới kết nối giữa Anh và Hà Lan
Theo chính phủ Vương quốc Anh, một đường dây điện mới kết nối các trang trại phong năng ngoài khơi giữa Vương quốc Anh và Hà Lan sẽ cung cấp đủ điện để “mang điện tới nhiều ngôi nhà hơn cả Manchester và Birmingham cộng lại.”
Hôm thứ Hai (24/04), chính phủ Vương quốc Anh cho biết LionLink sẽ là “đường dây điện đa dụng lớn nhất thế giới” và tuyên bố rằng đường dây này sẽ tăng cường nguồn cung cấp năng lượng cho Vương quốc Anh, “đủ để cung cấp điện cho 1.8 triệu ngôi nhà.”
Tuy nhiên, những người chỉ trích phong trào phát thải ròng bằng không (net-zero) gọi hành động này là “rủi ro” vì không phải lúc nào các quốc gia cũng có khả năng tự xuất cảng điện.
Chính phủ Vương quốc Anh cho biết, LionLink sẽ kết nối hai quốc gia với nhau và với các trang trại phong năng ngoài khơi ở Biển Bắc và dự kiến sẽ hoạt động vào đầu những năm 2030.
Chính phủ Vương quốc Anh cũng đã ký thỏa thuận hợp tác năng lượng tái tạo với EU và các quốc gia Biển Bắc. Sáng kiến này dự kiến sẽ giúp Vương quốc Anh đạt được mục tiêu tăng gấp năm lần sản lượng phong năng ngoài khơi lên 50 gigawatt vào năm 2030.
Vương quốc Anh hiện đang truyền và nhận điện thông qua các dây cáp liên kết với các quốc gia như Pháp, Bỉ, và Hà Lan.
Điện xuyên biên giới
Đây là đường dây điện xuyên biên giới thứ hai trên thế giới, sau đường dây đầu tiên do Đức và Đan Mạch xây dựng.
Chính phủ Vương quốc Anh tuyên bố đường dây này sẽ có thể mang lượng điện nhiều hơn bốn lần so với đường dây cũ — 1.8 gigawatt so với 0.4 gigawatt — khiến đường dây này có “công suất lớn nhất thuộc loại này ở bất kỳ đâu trên thế giới.”
Bộ trưởng Ngoại giao về An ninh Năng lượng và Phát thải ròng bằng không Grant Shapps cho biết: “Thỏa thuận lịch sử hôm nay với Hà Lan kết nối hai quốc gia chúng tôi lại với nhau thông qua kỳ tích đổi mới và kỹ thuật đáng hoan nghênh này — thỏa thuận lớn nhất thuộc loại này trên thế giới sẽ cung cấp đủ điện cho nhiều gia đình hơn cả ở Manchester và Birmingham cộng lại.”
“Cùng với mối quan hệ bền chặt mà chúng tôi có với các nước láng giềng Bắc Âu có mặt tại đây ngày hôm nay ở Hội nghị Thượng đỉnh Biển Bắc, chúng tôi đang củng cố an ninh năng lượng của mình và gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới nước Nga của ông Putin rằng thời kỳ thống trị của ông ta trên thị trường năng lượng toàn cầu đã thực sự kết thúc.”
LionLink sẽ do National Grid Ventures và TenneT phát triển.
‘Rủi ro’
Giám đốc Net Zero Watch Benny Peiser nói với The Epoch Times rằng việc phụ thuộc vào năng lượng tái tạo của một quốc gia khác là một “chính sách rủi ro.”
Net Zero Watch là một tổ chức tư vấn nghiên cứu chuyên theo sát các chính sách về khí hậu và khử carbon.
Ông nói: “Ý tưởng rằng Hà Lan có khả năng xuất cảng điện khi họ đang phải chật vật để cung cấp điện cho đất nước của mình thật đúng là nực cười.”
Hà Lan vẫn áp đặt một giới hạn giá áp dụng cho khí đốt, điện, và sưởi ấm khu vực cho các gia đình để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Năm ngoái (2022), chính phủ Hà Lan cho biết họ dự kiến chi khoảng 23.5 tỷ euro (20.8 tỷ bảng Anh) cho việc này.
Ông Peiser lưu ý rằng Anh đã phụ thuộc khá nhiều vào năng lượng nhập cảng từ Na Uy, một quốc gia trước đây đã cảnh báo rằng họ có thể cần phải cắt giảm xuất cảng điện sang các nước khác.
Ông cho rằng việc phụ thuộc vào điện nhập cảng từ các quốc gia có vấn đề về điện của chính họ “là một việc làm rất, rất rủi ro.”
Ông cho biết thêm rằng trong thời kỳ ít gió hoặc không có gió, các quốc gia này sẽ phải tự cung cấp đủ điện cho mình và sẽ không có công suất dự phòng.
Theo một báo cáo của Copernicus, bộ phận Quan sát Trái Đất trong chương trình không gian của Liên minh Âu Châu, vào năm 2021, các khu vực phía tây bắc và trung tâm Âu Châu đã chứng kiến một số tốc độ gió trung bình hàng năm thấp nhất kể từ ít nhất là năm 1979.
Họ nói thêm rằng lượng gió thổi qua thấp, đặc biệt là diễn ra trong thời gian dài được gọi là “các đợt hạn hán gió,” vốn có thể có “những tác động kinh tế xã hội ngày càng quan trọng thông qua việc làm giảm hoặc hạn chế sản xuất điện phong năng.”
Ông Peiser nói, “Rõ ràng là hạn hán gió không chỉ làm cho điện đắt hơn — bởi vì chúng ta đang nói ở đây về năng lượng tái tạo vốn dĩ có giá đắt hơn, chi phí thì chưa giảm — mà còn là mối đe dọa thực sự đối với an ninh năng lượng.”
Ông nói thêm: “Quý vị không thể dựa vào các đường dây liên kết này trong một tình huống năng lượng tái tạo chiếm hầu hết thị phần khi mọi quốc gia Âu Châu sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp năng lượng cho quốc gia và nền kinh tế của chính họ.”
Ông Ben Pile, người đồng sáng lập Climate Debate, đã nói với The Epoch Times qua thư điện tử rằng “các đường dây liên kết không thể thay thế cho năng lực sản xuất điện, và các đường dây này dựa trên giả định trước rằng sẽ có điện dư tồn tại, ở phía này hay phía kia.”
Ông nói: “Nhưng vì Liên minh Âu Châu đang đi trên cùng một con đường dẫn đến chính sách năng lượng phi lý và phi dân chủ như chính sách của Vương quốc Anh, nên lượng điện dư này ngày càng khó có thể tồn tại.”
Ông Pile nói rằng ông tin nhu cầu về điện “cũng sẽ tăng lên ở cả hai phía của đường dây liên kết vì các chính sách cũng yêu cầu điện khí hóa nhiệt và vận tải.”
Ông nói thêm, “Các đường dây liên kết không làm được gì khác ngoài việc đóng vai trò là những tượng đài vô cùng đắt đỏ tượng trưng cho việc chính phủ không coi trọng đầy đủ vấn đề năng lượng. 1.8 triệu ngôi nhà mà chính phủ tuyên bố dự án mới này sẽ phục vụ nhiều khả năng sẽ phải chịu thất vọng do lời hứa sai lầm của chính phủ.”
Thặng dư điện phong năng
Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten cho biết: “Với việc Biển Bắc trở thành nhà cung cấp điện xanh lớn nhất cho Hà Lan và phần lớn Âu Châu, chúng tôi sẵn sàng mở rộng kết nối giữa hai nước.”
Ông cho biết: “LionLink cung cấp gần hai gigawatt điện cho cả hai quốc gia, đủ cung cấp điện cho hai triệu gia đình.”
Ông Jetten nói rằng kết nối mới này “tăng cường hơn nữa an ninh năng lượng và độc lập năng lượng ở châu Âu.”
“Sự hợp tác chặt chẽ về phong năng ngoài khơi và sự kết nối giữa các quốc gia Biển Bắc là điều cấp bách.”
Ông nói thêm, “Vì vậy, trong trường hợp dư thừa điện tạo ra từ gió, điện có thể được chia sẻ ngay lập tức đến các địa điểm thiếu điện và ngược lại.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times